Hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đáp ứng các nhu cầu trong nước và xuất khẩu

02/04/2024 - 11:41 AM
Hoạt động sản xuất NLTS duy trì ổn định, đáp ứng các nhu cầu trong nước và xuất khẩu

Quý I năm 2024, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (NLTS) diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Các điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp là giá bán các sản phẩm NLTS vẫn đang ở mức cao từ cuối năm 2023 đã tạo tâm lý phấn khởi cho người sản xuất đầu tư mở rộng sản xuất, trong đó thị trường xuất khẩu có sự khởi sắc. Đặc biệt tính đến hết năm 2023, Việt Nam đã ký nghị định thư với Trung Quốc, có 14 loại nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, gồm: thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, thạch đen, chanh dây, sầu riêng, khoai lang và yến sào.
 
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trong quý vừa qua cũng gặp các điều kiện bất lợi, đó là: Thởi tiết do hiện tượng El nino gây nắng, nóng khô hạn ở Tây Nguyên và một số vùng khi vào đầu vụ đông xuân. Giá phân bón, thức ăn chăn nuôi và nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất mặc dù có giảm so cùng kỳ năm trước nhưng vẫn neo ở mức cao; giá xăng dầu tăng cao trong những tháng đầu năm...
 
Dù bối cảnh như vậy, nhưng các hoạt động sản xuất NLTS nhìn chung đã có nhiều nỗ lực để duy trì ở mức ổn định, đáp ứng các nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Điều này thể hiện qua mức tăng trưởng 2,98% của toàn ngành NLTS đã cao hơn mức đạt của Quý I năm 2023 tăng 2,52% và cao hơn các quý I những năm gần đây (quý I/2022 tăng 2,45%). 
 
Đóng góp trong mức tăng chung của ngành NLTS là những điểm sáng sau:
 
Thứ nhất, ngành NLTS đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống của người dân, trụ đỡ của nền kinh tế
 
Sản xuất lúa: Sản lượng lúa vụ mùa và Đông xuân của vùng ĐBSCL tăng 126 nghìn tấn, tăng 1,1%; trong đó sản lượng lúa vụ Đông xuân ước đạt 10,7 triệu tấn, tăng 65 nghìn tấn (+0,6%); sản lượng lúa mùa đạt 974 nghìn tấn, tăng 60 nghìn tấn (+6,6%); Trong đó sản lượng lúa Đông xuân vùng này cũng chiếm khoảng trên 50% sản lượng lúa Đông Xuân của cả nước.
 
Mặc dù thời tiết những tháng đầu năm có nhiều bất lợi nhưng sản xuất NLTS vẫn chưa bị ảnh hưởng lớn; sản lượng lúa vùng ĐBSCL đã thu hoạch gần 60% diện tích xuống giống và theo đánh giá của các địa phương trong vùng do thực hiện theo đúng kế hoạch xuống giống nên hầu như diện tích lúa đông xuân sẽ không bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn (chỉ ảnh hưởng đến một số diện tích lúa ven biển ở Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng thu hoạch muộn); đối với các cây trồng khác cơ bản không bị ảnh hưởng bởi hạn hán.
 
Sản  lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I/2024 tăng 4,6%; sản lượng thịt gia cầm hơi tăng 5,1%; sản lượng trứng gia cầm tăng 4,8%; sản lượng sữa bò tươi tăng 5,2%; cho thấy ngành chăn nuôi đang dần phục hồi. Hiện nay tổng đàn lợn cả nước đã ở mức ổn định, tuy chưa về quy mô đàn trước dịch tả lợn châu Phi nhưng vẫn đảm bảo nguồn cung ứng ra thị trường.
 
Sản lượng cây ăn quả trong quý I tăng khá: Sầu riêng tăng 27,1%; Chuối tăng 3,6%; cam tăng 4,1%; Xoài tăng 3,6%; do nhiều diện tích được đầu tư, chuyển đổi đến kỳ cho thu hoạch.
 
Thứ hai, sản lượng NLTS cung cấp cho công nghiệp chế biến tăng khá. Cụ thể, sản lượng cây công nghiệp lâu năm tăng khá, làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến (Cao su tăng 2,7%; Chè búp tăng 0,6%;); sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá cao (cá tra tăng 4,2%, tôm nước lợ tăng 4,8%); sản lượng gỗ khai thác tăng 3,6%;
 
Thứ ba, sản lượng ngành NLTS vẫn có đủ nguyên liệu cho xuất khẩu
 
Sản lượng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu sau khi để tiêu dùng trong nước thì phần lớn dùng cho xuất khẩu (kết quả XK gạo tăng 12% về lượng; rau quả tăng 25,8% về giá trị); sản lượng thủy sản nuôi trồng (trong đó trên 80% sản lượng từ các mặt hàng của cá tra đi vào xuất khẩu).
 
Hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản bắt đầu khôi phục mạnh mẽ. Giá cá tra nguyên liệu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh mẽ sau hơn hai năm liên tiếp ở mức thấp. Giá cá tra tăng cao do cung cá tra trong nước và toàn cầu thấp.
 
Hoạt động sản xuất NLTS duy trì ổn định, đáp ứng các nhu cầu trong nước và xuất khẩu
Đóng góp trong mức tăng 2,98% trong quý I/2024 của ngành nông lâm thủy sản là những điểm sáng

Nhiều yếu tố để ngành NLTS đạt mức tăng trưởng cao ở các quý tiếp theo
 
Thời gian tới, ngành NLTS sẽ còn tiếp tục đối mặt với một số yếu tố bất lợi, đó là tình hình hạn hán do ảnh hưởng của hiện tượng El nino đầu năm 2024 và khả năng La nina vào cuối năm sẽ ảnh hưởng đến sản xuất NLTS, nhất là sản xuất vụ lúa đông xuân vào quý 2 ở các vùng khác do tình trạng thiếu nước tưới.
 
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, các chi phí sản xuất như giá điện sản xuất tăng cao (chỉ số giá điện sản xuất quý I năm 2024 tăng 8,38% so với cùng kỳ năm trước),  giá thức ăn chăn nuôi liên tục có giảm nhưng vẫn ở mức cao sau chuỗi thời gian tăng liên tục (chỉ số giá nhóm thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản quý I năm 2024 giảm 3,22% so với cùng kỳ năm trước) là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất và giá thành sản phẩm. Dù sản lượng các sản phẩm chăn nuôi luôn ở đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhưng sự biến động khó lường về giá là yếu tố khiến ngành này chưa thể đạt trạng thái ổn định, bền vững.
 
Bên cạnh những thuận lợi từ đầu năm, sản xuất thủy sản cũng sẽ gặp phải nhiều khó khăn: Giá các loại sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng thủy sản tăng; mặt hàng tôm tiếp tục cạnh tranh với Ecuador và Ấn Độ về giá. Với mặt hàng hải sản, “thẻ vàng” chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tiếp tục là thách thức. Nếu không tháo gỡ được “thẻ vàng” trong năm 2024 sẽ khiến hoạt động xuất khẩu hải sản sang EU gặp khó khăn, đình trệ vì thủ tục xác nhận nguồn gốc mất nhiều thời gian và chi phí. 
 
Đối với khai thác biển, cùng với việc chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố khó đoán định như thời tiết và giá xăng, dầu, các quý còn lại năm 2024, sản lượng khai thác biển có khả năng giảm so với cùng kỳ do hai yếu tố: Một là, ngư trường khai thác thu hẹp do các chủ tầu phải thực hiện nghiêm túc quy định chống khai thác IUU. Hai là, số lượng tầu đánh bắt xa bờ có xu hướng giảm liên tiếp các năm gần đây, năm 2021 cả nước có trên 95.200 tàu, thuyền khai thác thủy sản biển có động cơ; năm 2022 có trên 93.100 tàu, thuyền (giảm 2.121 chiếc so với năm 2021); năm 2023 chỉ có gần 90.800 tàu, thuyền (giảm 2.344 chiếc so với năm 2022).
 
Bên cạnh những yếu tố bất lợi trên cũng có những điều kiện thuận lợi cho sản xuất NLTS để ngành đạt mức tăng trưởng cao ở các quý tiếp theo
 
Một là, việc giá bán tăng và nhu cầu của các thị trường về hàng hóa NLTS xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng cao ở các thị trường, nhất là thị trường chủ yếu. Đối với Trung Quốc, ngoài việc ký kết các nghị định thư. Hiện nay, các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) gấp rút hoàn thiện hồ sơ mở cửa thị trường đối với 6 sản phẩm là trái cây có múi (bưởi, cam, quýt…), dừa, sầu riêng cấp đông, ớt, dược liệu. Đồng thời, phía Trung Quốc tiếp tục rà soát pháp lý để trong thời gian sớm nhất ký 3 Nghị định thư với Việt Nam, gồm xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên, xuất khẩu cá sấu nuôi và xuất khẩu khỉ nuôi. Khi những mặt hàng này được xuất khẩu chính ngạch, sẽ tạo dư địa tăng trưởng doanh thu hàng tỷ USD cho ngành nông nghiệp.
 
Kể từ khi các Nghị định thư giữa 2 nước được ký kết, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tăng lên rõ rệt. Trung Quốc hiện chiếm trên 50% tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam.
 
Xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ: Bằng việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, khai mở các thị trường mới, xuất khẩu gỗ còn nhiều dư địa trong năm 2024. Với kỳ vọng vào xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt, các doanh nghiệp chế biến ổn định đơn hàng, giá gỗ nguyên liệu hồi phục, hoạt động khai thác gỗ sẽ có kết quả tăng trưởng tốt hơn nữa ở các quý tiếp theo (Thị trường Châu Âu tăng khá đối với viên nén).
 
Xuất khẩu thủy sản đang đạt dần phục hồi trở lại, quý I/2024 xuất khẩu thủy sản tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước và dự báo sẽ tiếp tục tăng, nhất là 6 tháng cuối năm 2024. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu đang có xu hướng tăng (Mỹ, Nhật….). Đây là những dấu hiệu tích cực để sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển. Hiện nay Việt Nam chiếm khoảng 45-50% tổng cung cá tra toàn cầu. Bên cạnh đó, tác động của địa chính trị Nga -Ukraina làm giảm cung cá Minh Thái trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước Châu Âu, loại này cùng dòng cá thị trắng với cá tra khiến cho cầu cá tra trên toàn cầu tăng cao trong điều kiện cung thấp.
 
Hai là, tình hình chăn nuôi lợn cả nước khởi sắc hơn thời gian trước do giá bán thịt hơi tăng đều trên cả nước: Chỉ số giá sản phẩm chăn nuôi lợn quý I/2024 tăng 0,02% so với cùng kỳ năm trước, tính riêng tháng 3/2024 tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước, tạo tâm lý tốt hơn cho người chăn nuôi. Hiện nay ngành chăn nuôi một số tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có tốc độ tăng trưởng cao khi các doanh nghiệp chăn nuôi mở rộng sản xuất, và nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, cho sản phẩm, cụ thể như Đắk Nông, Gia Lai, Bình Phước, Tây Ninh...
 
Dự báo diện tích thả nuôi cá tra sẽ tăng dần trong vài tháng tiếp theo vì với mức giá hiện tại, hộ nuôi cá có lời khoảng 1.500 đồng/kg cá tra xuất bán. Với đà phục hồi như hiện nay, sản lượng cá tra dự kiến thu hoạch trong thời gian tới đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến, xuất khẩu. Sản xuất tôm tiếp tục áp dụng mô hình sản xuất hiệu quả và ứng dụng mô hình kỹ thuật cao, nhất là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, đồng thời các doanh nghiệp trong ngành vẫn tiếp tục nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu. Dự báo sản lượng các sản phẩm chủ lực là cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng trong các quý tiếp theo sẽ đạt khá so với cùng kỳ, sản lượng nuôi trồng thủy sản các quý còn lại có khả năng tăng từ 3,0% - 3,5% so với cùng kỳ
 
Tất cả các yếu tố trên là cơ sở để nhận định ngành NLTS có khả năng vẫn đạt mức tăng trưởng cao ở các quý tiếp theo, phấn đấu đạt mức tăng trưởng tại Nghị quyết số 01/2024 là từ 3,00% - 3,2% của năm 2024.
 
Để đảm bảo cho sản xuất NLTS trong các quý tiếp theo, cần tập trung vào các giải pháp: Ngành NN và các địa phương chủ động ứng phó với những khó khăn bất lợi của thời tiết, nhất là tình trạng hạn hán ở quý II và mưa bão ở các quý tiếp theo; Kiểm soát Dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong thời gian tới; Người sản xuất cần tập trung đảm bảo chất lượng sản phẩm, nhất là đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu; Các ngành chức năng theo dõi các nhu cầu của thị trường xuất khẩu, kịp thời cung cấp thông tin và hỗ trợ người sản xuất trong tiêu thụ sản phẩm./.
 
Đỗ Thị Thu Hà
Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản (TCTK)
 
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top