Nâng hạng thị trường chứng khoán – phát huy từ sức mạnh nội lực

20/03/2024 - 03:02 PM
Thị trường chứng khoán (TTCK) xuất hiện trên thế giới cách đây hàng thế kỷ nhưng mới hình thành tại thị trường Việt Nam khoảng 25 năm. Dù còn khá non trẻ song TTCK Việt Nam đã có những bước phát triển cả về chất và lượng, đồng thời có những đột phá để nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi như mục tiêu Chính phủ dặt ra.

Sự trưởng thành sau một phần tư thế kỷ

Thị trường chứng khoán (TTCK) là cấu phần quan trọng của thị trường tài chính nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Sự phát triển của TTCK có vai trò, ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế, bởi đây là kênh đầu tư linh hoạt, hấp dẫn của các tổ chức và cá nhân; đồng thời là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, TTCK còn góp phần quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

Thị trường chứng khoán xuất hiện trên thế giới cách đây hàng thế kỷ nhưng mới hình thành tại thị trường Việt Nam cách đây hơn 25 năm, mở đầu bằng việc thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam vào năm 1996 theo Nghị định số 75/CP của Chính phủ. Hai năm sau đó, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được khai sinh khi Nghị định số 48/CP của Chính phủ được ký vào ngày 11/7/1998, đồng thời, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh - HOSE) được thành lập. Dấu mốc tiếp theo đánh dấu sự phát triển của TTCK là Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (tiền thân của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cùng được thành lập vào năm 2005.

Trong 25 năm qua, với tinh thần tiến kịp, đi cùng và tăng tốc, thể chế, cơ chế, chính sách phát triển TTCK được từng bước xây dựng, rà soát, hoàn thiện, bổ sung phù hợp với từng thời kỳ và trình độ, yêu cầu phát triển của đất nước theo chủ trương, đường lối của Đảng. Các văn bản Luật Chứng khoán được Quốc hội lần lượt được ban hành vào các năm 2006, 2010, 2019 cùng các nghị định của Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, mở ra những điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển ổn định, có khả năng hội nhập sâu hơn với các thị trường vốn quốc tế. Gần đây nhất, cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 là văn bản pháp lý quan trọng, tạo cơ sở để TTCK phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập; thực sự trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam so với TTCK các nước phát triển.

Bên cạnh đó, cơ cấu của thị trường từng bước được hoàn thiện, từ chỗ chỉ có thị trường cổ phiếu đến nay đã có thêm thị trường trái phiếu Chính phủ và TTCK phái sinh. Vào ngày giao dịch đầu tiên (28/7/2000), TTCK Việt Nam chỉ có sự góp mặt của 2 doanh nghiệp niêm yết, 6 công ty chứng khoán thành viên, đến cuối năm 2023, đã có gần 2,3 nghìn doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch và 82 công ty chứng khoán hoạt động. Hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán có sự phát triển cả về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực tài chính, chất lượng dịch vụ, theo hướng hiện đại hóa, ngày càng phát huy hiệu quả vai trò cầu nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp. Nếu như trước đây các nhà đầu tư phải đến các trung tâm chứng khoán phân tích thị trường qua bảng điện tử, đăng ký mua bán chứng khoán bằng phiếu thì đến nay họ có thể ngồi bất cứ đâu, giao dịch bằng bất kỳ thiết bị thông minh nào với các công cụ phân tích được cung cấp đa dạng, phong phú, tiện dụng trên nhiều nền tảng.

Hơn hai thập kỷ qua, TTCK Việt Nam đã chứng tỏ sự phát triển không ngừng về quy mô, khả năng huy động vốn cho doanh nghiệp. Theo thống kê, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng trưởng tích cực từ 0,22% GDP năm 2000 lên 33,52% GDP năm 2010 và 58,1% GDP năm 2023. Số lượng nhà đầu tư tăng từ 3 nghìn tài khoản năm 2000 lên hơn 7,29 triệu tài khoản, tương đương 7,5% dân số vào năm 2023. Đồng thời, chất lượng, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của các nhà đầu tư ngày càng được nâng cao. Giá trị giao dịch bình quân (gồm cả cổ phiếu, trái phiếu) tăng từ gần 11,7 nghìn tỷ/phiên năm 2016 lên khoảng gần 24,4 nghìn tỷ/phiên năm 2023, trong đó tính riêng giao dịch cổ phiếu đã có nhiều phiên giao dịch vượt con số 1 tỷ USD.

 
Nâng hạng thị trường chứng khoán – phát huy từ sức mạnh nội lực
Hơn hai thập kỷ qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng tỏ sự phát triển không ngừng về quy mô,
khả năng huy động vốn cho doanh nghiệp

Trong 10 năm 2014 - 2023, TTCK Việt Nam đã thực hiện huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế đạt 3,8 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt 380 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 4,35 lần so với giai đoạn trước. Trong đó, doanh nghiệp đã huy động được 1,15 triệu tỷ đồng, tăng gấp 3,15 lần so với giai đoạn trước. Như vậy, TTCK đã tạo ra nguồn vốn cần thiết phục vụ hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ huy động được 2,66 triệu tỷ đồng, tăng gấp 5,2 lần so với giai đoạn trước với lãi suất thấp hơn và kỳ hạn dài hơn, TTCK góp phần tái cơ cấu, tăng tính bền vững cho danh mục nợ công quốc gia và chủ động nguồn vốn cho đầu tư công.

Điều đáng nói là TTCK Việt Nam ngày càng phát triển theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, đáp ứng các tiêu chí quan trọng của các tổ chức xếp hạng trên thế giới. Quy mô vốn hóa đạt gần 200 tỷ USD, lớn hơn nhiều thị trường châu Á như Philippines, Qatar, Kuwait... hay châu Âu như Hy Lạp, Czech, Hungary... Thanh khoản trung bình đạt gần 700 triệu USD, tương đương Indonesia, Malaysia, Singapore và chỉ đứng sau Thái Lan trong khối ASEAN. TTCK đồng thời góp phần thúc đẩy và tạo sức dẫn dắt quan trọng cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của Việt Nam áp dụng các chuẩn mực tài chính quốc tế, giúp nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển và tiến bộ của thế giới.

Từ thị trường sơ khai, đến nay TTCK Việt Nam đang ở mức thị trường cận biên. Việt Nam được hai trong ba công ty cung cấp chỉ số tài chính hàng đầu thế giới là MSCI (Morgan Stanley Capital International) và FTSE Russell (Financial Times Stock Exchange) xếp vào Nhóm 3 - thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên (FM). Theo phân tích, hiện thị trường Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số FM (hơn 30% tổng tài sản quản lý (AUM)) và đã đạt đến giới hạn có thể kỳ vọng trong rổ chỉ số cận biên. Kể từ tháng 9/2018, Việt Nam lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russell lên thị trường mới nổi và được MSCI theo dõi xem xét định kỳ. 

Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài xem TTCK Việt Nam như một thị trường mới nổi với những điểm sáng thể hiện sự tăng trưởng kinh tế và môi trường chính trị xã hội ổn định, chỉ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong thời gian vừa qua được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Hơn nữa, hiện nay, TTCK Việt Nam có các sở giao dịch là thành viên của Liên đoàn các Sở Giao dịch chứng khoán Thế giới (WFE). Khung pháp lý của TTCK Việt Nam cũng đã đạt những chuẩn mực pháp lý theo hướng các thị trường đã phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực trên cũng còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần nhanh chóng tháo gỡ, khắc phục. Đó là vấn đề về xây dựng đồng bộ và hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và hoạt động của thị trường này ngày càng phát triển mạnh mẽ nhưng phải đảm bảo tính an toàn, minh bạch và bền vững. Vẫn còn tình trạng làm giá, thao túng chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư và niềm tin thị trường; chuẩn mực, đạo đức của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ có vấn đề, chuẩn mực kế toán, chế tài xử lý xử phạt chưa nghiêm minh, kịp thời. Thông tin công bố của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư chưa bảo đảm tính chính xác. Cùng với đó là các vấn đề về đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác vận hành và quản lý đối với TTCK để đưa công nghệ số, công nghệ 4.0 thúc đẩy TTCK…; vấn đề giải quyết các điểm còn vướng mắc để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán

Trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đặt ra nhiều mục tiêu cho TTCK Việt Nam trong thời gian tới, trong đó phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế, góp phần tăng tính hội nhập toàn cầu, nâng tầm thị trường Việt Nam và vị thế quốc gia.

Theo đánh giá của Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của World Bank tại Việt Nam, ông Ketut Ariadi Kusuma, khát vọng của Việt Nam trong việc nâng cấp TTCK lên thị trường mới nổi là bước đi chiến lược, phù hợp với tham vọng lớn hơn là chuyển đổi thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính việc nâng hạng TTCK có thể mang lại tới 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, WB cho rằng tốc độ tăng trưởng thực tế bình quân đầu người hằng năm của Việt Nam cần đạt khoảng 5,95% trong hai thập kỷ tới.

WB khuyến nghị, để nâng hạng TTCK, Việt Nam phải được nâng hạng bởi cả hai nhà cung cấp chỉ số quốc tế là FTSE Russel và MSCI. Bên cạnh đó, Việt Nam cần  xem xét giải quyết các vấn đề về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) và tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn với các giải pháp gồm: Cải thiện công bố thông tin, tăng tiếp cận với các cổ phiếu đã đạt đến giới hạn và quan trọng nhất là tăng giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Bởi nếu FOL vẫn là một hạn chế, Việt Nam có thể sẽ chỉ nhận được dòng vốn ròng tối đa 5 tỷ USD, vì thị trường lúc đó chỉ chiếm chưa đến 1% chỉ số EM toàn cầu. Nhưng khi vấn đề của FOL được giải quyết hoàn toàn, tỉ trọng của Việt Nam trong chỉ số EM có thể tăng hơn 1% và điều này có thể mang lại thêm 8-15 tỷ USD.

Bên cạnh đó, một môi trường đầu tư lành mạnh trên toàn cầu là một chất xúc tác quan trọng để Việt Nam cũng có thể tận hưởng sự tăng trưởng tự nhiên của đầu tư toàn cầu vào thị trường mới nổi, ước tính tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm. WB còn cho rằng, việc phát triển cơ sở nhà đầu tư trong nước rất quan trọng để đồng hành và cân bằng dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, trong đó sự đa dạng hóa đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội là chìa khóa. Điều này nhằm đảm bảo rằng các khoản đầu tư tài trợ mới vào TTCK sẽ mang lại lợi ích cho các công ty hoạt động hiệu quả đang cần vốn để tăng trưởng như tái cấp vốn cho ngân hàng, các dự án cơ sở hạ tầng hoặc các ngành công nghiệp đổi mới.

Năm 2024, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục khó khăn. Kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với các thách thức khi cầu thế giới chưa phục hồi mạnh. Năm 2024 lại là năm tăng tốc và có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025. Do đó, việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, trong đó, việc huy động vốn thông qua TTCK được xác định là một trong những kênh quan trọng.

Đối với TTCK, đây sẽ là năm để ngành chứng khoán tăng tốc, tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển TTCK bứt phá trong trung và dài hạn, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế cả năm 2024, hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2025. Theo đó, ngành chứng khoán sẽ quyết liệt triển khai ngay các giải pháp, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 và Công điện số 1360/CĐ-TTg ngày 13/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy TTCK phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 diễn ra vào cuối tháng 2/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, đặc biệt tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng với tinh thần "Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có sản phẩm, hiệu quả cân đong đo đếm được".

Hy vọng với những kết quả đạt được trong 25 năm qua cùng quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị sẽ tạo sức mạnh nội lực để TTCK Việt Nam sớm nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi như mục tiêu Chính phủ đặt ra, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam so với TTCK các nước phát triển, xứng đáng với vai trò là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, hội tụ những doanh nghiệp tầm vóc, tiêu biểu trong mọi ngành nghề./.
TS. Đỗ Ngọc Trâm
Học viện Ngân hàng
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top