Việt Nam sẵn sàng đón đầu làn sóng đầu tư sản xuất thông minh

28/03/2024 - 02:08 PM
Ngày 26/3/2024 tại Hà Nội, hơn 300 doanh nghiệp quốc tế cùng khoảng 600 đại biểu đã tham dự Diễn đàn Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã nói về những điểm mới trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến các dự án công nghệ cao; trong đó, đổi mới sáng tạo, sản xuất thông minh cũng là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay.

Sản xuất điện tử, chíp bán dẫn, sản xuất thông minh hiện là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư và đang được lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm. Chính phủ và Thủ tướng đang rất quyết liệt chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón nhận được làn sóng đầu tư này.

Hiện nay, Việt Nam đã thuộc top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, trên 430 tỷ USD; đồng thời, Việt Nam cũng nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về quy mô thương mại, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).


Sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về thu hút FDI và đặc biệt là đối với ngành điện tử, bán dẫn đang rất khốc liệt vì các quốc gia đều thấy lợi ích, tiềm năng và quy mô của ngành này là rất lớn, đến năm 2030 có thể lên tới hơn 1.000 tỷ USD. Do đó, quốc gia nào nhanh nhạy, có những chính sách phù hợp, quyết liệt sẽ làm chủ và tranh thủ được làn sóng mới.

Để thu hút dòng vốn FDI trong ngành bán dẫn, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều hành động mạnh mẽ để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Chính phủ đã giao các bộ, ngành triển khai nhiều công việc liên quan các yếu tố hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, cơ chế chính sách, nghiên cứu phát triển, chiến lược và đặc biệt là nguồn nhân lực, thể hiện sự sẵn sàng và mong muốn đón nhận làn sóng đầu tư mới trong ngành này tại Việt Nam.

Việt Nam sẵn sàng đón đầu làn sóng đầu tư sản xuất thông minh
Chính phủ và Thủ tướng đang rất quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành liên quan
chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón nhận được làn sóng đầu tư  sản xuất thông minh

Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện giai đoạn cuối việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và sẽ sớm trình Chính phủ thông qua. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang khẩn trương triển khai Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được thành lập và đi vào hoạt động nhằm thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế. NIC tập trung phát triển 8 lĩnh vực phát triển trọng tâm gồm: Nhà máy thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, công nghệ môi trường, an ninh mạng, công nghiệp bán dẫn, hydrogen và y tế. Đối với lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, NIC đã ký hợp tác với hai tập đoàn thiết kế chip lớn nhất của Hoa Kỳ là Synopsys và Garden để thành lập trung tâm nghiên cứu, thiết kế chip trong các cơ sở của NIC.

Bên cạnh nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư, trong đó dự kiến sẽ có những hỗ trợ thích đáng đối với lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, bán dẫn. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương dự thảo Nghị định này và sẽ trình Chính phủ ban hành trong thời sắp tới.

Sản xuất thông minh đã trở thành lực lượng chủ chốt thúc đẩy nâng cấp công nghiệp và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Việt Nam, với vai trò là mắt xích sản xuất mới của châu Á, đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng cho biết, nhằm thu hút các “đại bàng” thế giới trong ngành điện tử bán dẫn, các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư tại các địa phương đã được đảm bảo sẵn sàng, gồm đẩy mạnh giải phóng mặt bằng để có thể cung cấp cho các doanh nghiệp điện tử, bán dẫn; tăng cường và hoàn thiện hạ tầng giao thông chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay; chuẩn bị sẵn sàng các vấn đề về công nghệ thông tin, điện, nước, hạ tầng xã hội cho công nhân trong ngành bán dẫn…./.

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top