Các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc - Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư

11/08/2023 - 08:49 AM
Tóm tắt: Cùng với những chính sách ưu đãi riêng của tỉnh Vĩnh Phúc, những năm qua, sự đầu tư bài bản, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, cách thức quản lý chuyên nghiệp của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo nên sức hấp dẫn riêng cho các KCN trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các KCN. Bài viết phân tích thực trạng thu hút đầu tư vào các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, trên cơ sở đó đưa ra giải pháp nhằm đẩy mạnh đầu tư vào các KCN trong thời gian tới.

Từ khóa: Các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, thu hút đầu tư, hạ tầng KCN

Thực trạng thu hút đầu tư vào các KCN tỉnh Vĩnh Phúc

Tỉnh Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch 19 KCN với tổng diện tích 5.487,31 ha. Tính đến năm 2022, Tỉnh đã có 16 KCN được thành lập (quyết định chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) với tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 15,5 nghìn tỷ đồng và 212,53 triệu USD; tổng diện tích quy hoạch là 3,1 nghìn ha. Trong đó, diện tích đất công nghiệp quy hoạch là 2,3 nghìn ha; diện tích đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng và có thể cho thuê là 1,8 nghìn ha, tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê (bao gồm đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký Biên bản ghi nhớ) là 1,3 nghìn ha, chiếm trên 70% diện tích đất công nghiệp quy hoạch đối với các KCN đã thành lập trên địa bàn Tỉnh.

Trong 16 KCN đã được thành lập có 9 KCN đã đi vào hoạt động, bao gồm: KCN Khai Quang (221,46 ha); KCN Bình Xuyên (286,98 ha); KCN Kim Hoa (50 ha); KCN Bá Thiện (325,75 ha); KCN Bình Xuyên II - giai đoạn 1 (42,21 ha); KCN Bá Thiện II (308,83 ha); KCN Tam Dương II - khu A (135,17 ha); KCN Sơn Lôi (257,35 ha); KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (213 ha).

Đến nay, hạ tầng các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc tương đối đồng bộ và hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thời gian qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc cũng đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn Tỉnh với nhiều hình thức xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú, trong đó chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ và thông qua các đối tác, khách hàng đã và đang đầu tư trong các KCN của Tỉnh.

Mặt khác, Ban Quản lý các KCN hỗ trợ, hướng dẫn, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư đang tìm hiểu đầu tư vào các KCN trên địa bàn Tỉnh. Tích cực phối hợp với các cơ quan báo, đài ở Trung ương và địa phương để tuyên truyền về môi trường đầu tư trong các KCN của Tỉnh... Ban Quản lý các KCN đồng thời thực hiện xúc tiến đầu tư đối với các tỉnh miền Nam và Duyên hải Trung bộ, nên có các mô hình KCN và KKT mới để học tập kinh nghiệm, kết nối các đối tác có nhu cầu đầu tư tại Vĩnh Phúc trong thời gian tới.

Với những nỗ lực trên, tình hình thu hút đầu tư vào các KCN của Tỉnh đã có nhiều điểm sáng. Năm 2022, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 41 dự án đầu tư ở trong và ngoài nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 4,7 nghìn tỷ đồng và 425,9 triệu USD.

Lũy kế đến ngày 15/12/2022, số dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong các KCN còn hiệu lực là 447 dự án. Trong đó, 85 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 11,2 nghìn tỷ đồng và 347 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,6 tỷ USD.
 
Bảng 1: Số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
tính đến hết năm 2022
Các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc - Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư
                                    Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc

Vốn thực hiện của các dự án FDI trong năm 2022 tương đối khả quan, đạt 429,2 triệu USD, bằng 108% so với năm 2021 và bằng 123% so với kế hoạch năm 2022. Tổng vốn lũy kế thực hiện đến ngày 15/12/2022 là 3,4 tỷ USD, đạt 59% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tốc độ giải ngân của các dự án ổn định, đúng tiến độ đăng ký. Trong khi đó, vốn thực hiện của các dự án có vốn đầu tư trực tiếp trong nước đạt gần 1,7 nghìn tỷ đồng, bằng 56% so với năm 2021 và 237% so với kế hoạch năm 2022. Tổng vốn lũy kế thực hiện đến 15/12/2022 là 12,1 nghìn tỷ đồng, đạt 45% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Cơ cấu đầu tư phân theo lĩnh vực lũy kế đến ngày 15/12/2022 như sau: (i) Lĩnh vực xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN có 15 dự án, chiếm 3,4% tổng dự án đầu tư, gồm: 3 dự án FDI với số vốn đăng ký đầu tư 212,5 triệu USD, chiếm 3,7% tổng vốn đầu tư FDI và 12 dự án trong nước với số vốn đầu tư 15.548 tỷ đồng, chiếm 58,21% tổng vốn đầu tư trong nước. (ii) Lĩnh vực công nghiệp có 429 dự án, chiếm 96% tổng số dự án đầu tư, gồm: 344 dự án FDI với số vốn đầu tư 5.551,2 triệu USD, chiếm 95,5% tổng vốn đầu tư FDI và 85 dự án trong nước với số vốn đầu tư 11.159,9 tỷ đồng, chiếm 41,79% tổng vốn đầu tư trong nước. Đầu tư vào các lĩnh vực: Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy; sản xuất, lắp ráp điện, điện tử; sản xuất các sản phẩm công nghiệp khác. (iii) Lĩnh vực thương mại, dịch vụ có 3 dự án FDI, chiếm 0,6% tổng số dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư 49,2 triệu USD, chiếm 0,8% tổng vốn đầu tư FDI.

Tính đến ngày 15/12/2022, có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các KCN của Tỉnh. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với 178 dự án, vốn đăng ký đầu tư 2.295,6 triệu USD, chiếm 39,5% tổng vốn đầu tư; đứng thứ hai là Nhật Bản có 46 dự án, vốn đầu tư 1.011,4 triệu USD, chiếm 17,4% tổng vốn đầu tư; đứng thứ 3 là Đài Loan với vốn đầu tư đăng ký 982,3 triệu USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư; Thái Lan đứng thứ 4 với 10 dự án, vốn đầu tư 734,4 triệu USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư; Trung Quốc đứng thứ 5 với 41 dự án, vốn đầu tư 347,7 triệu USD, chiếm 6% tổng vốn đầu tư. Còn lại theo thứ tự lần lượt là các dự án đến từ: Singapore, Italia, Samoa, Seychelles, Hà Lan, British Virgin Islands, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Belize, Tây Ban Nha, Indonesia và Pháp.
 
Các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc - Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư 1
Kết quả sản xuất, kinh doanh của các dự án trong KCN đã đóng góp đáng kể
vào phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh Vĩnh Phúc

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN tại Vĩnh Phúc tương đối ổn định, đặc biệt, các doanh nghiệp FDI có nhiều chỉ tiêu tăng trưởng cao. Trong đó, năm 2022, các dự án FDI có doanh thu ước đạt 10.362 triệu USD, tăng 22% so với năm 2021; giá trị xuất khẩu đạt 7.954 triệu USD, tăng 19% so với năm 2021; nộp ngân sách nhà nước đạt 6.696 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2021. Với các dự án có vốn đầu tư trực tiếp trong nước, năm 2022, doanh thu ước đạt 14.059 tỷ đồng, bằng 99% so với năm 2021; giá trị xuất khẩu đạt 1.369 tỷ đồng, tăng 2%; nộp ngân sách đạt 414,7 tỷ đồng, bằng 87% so với năm 2021.

Kết quả sản xuất, kinh doanh của các dự án trong KCN đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của toàn Tỉnh. Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2022 chiếm khoảng 53% giá trị xuất khẩu toàn Tỉnh; nộp ngân sách chiếm 20% nộp ngân sách toàn Tỉnh; tạo việc làm cho trên 126 nghìn lao động trong và ngoài Tỉnh, trong đó lao động tỉnh Vĩnh Phúc chiếm 57%.

Một số giải pháp thúc đẩy đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh

Tuy đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song hoạt động thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể:

Một là, việc thu hút vốn đầu tư vào các KCN mới chỉ tập trung vào các KCN có vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện như KCN Khai Quang, Bình Xuyên, Bình Xuyên II, Bá Thiện, Bá Thiện II, Thăng Long. Các KCN khác thu hút được ít dự án đầu tư, như KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (Khu vực II- Giai đoạn 1), KCN Sơn Lôi… gây lãng phí đất đai.

Hai là, các dự án đầu tư vào KCN tỉnh Vĩnh Phúc chỉ tập trung vào các lĩnh vực xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN, công nghiệp, thương mại dịch vụ, mà ít có các dự án đầu tư vào chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Ba là, một số KCN đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, chưa đảm bảo môi trường KCN như: KCN Tam Dương II - khu A (chưa đầu tư xây dựng hệ thống trạm xử lý nước thải, chưa thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ); KCN Sơn Lôi (đang thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy xử lý nước thải). Việc đầu tư hạ tầng các khu tái định cư, khu nghĩa trang... chưa kịp thời, khiến cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư hạ tầng các KCN.

Để thúc đẩy đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới, cần chú trọng thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4, quản lý hoạt động của các dự án bằng phần mềm, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong các KCN của Tỉnh.

Đồng thời, tiếp tục bám sát nhu cầu của nhà đầu tư để có những hỗ trợ kịp thời tối ưu cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác hỗ trợ sau đầu tư nhằm hạn chế và phòng ngừa các tranh chấp đầu tư; ưu tiên tập trung hỗ trợ việc triển khai các dự án lớn. Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp (trực tiếp tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh; qua điện thoại, đường dây nóng; bằng văn bản hoặc email; giải đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử Tỉnh; trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp đi khảo sát thực tế tại các KCN...).

Thứ hai, đôn đốc các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các KCN đã đi vào hoạt động và các KCN mới có quyết định thành lập nhằm tạo quỹ đất sạch, để đầu tư hạ tầng, thu hút dự án đầu tư mới. UBND, Ban quản lý các KCN tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các Công ty phát triển hạ tầng đẩy nhanh tiến độ bồi thường - giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục xây dựng tại các KCN: Sơn Lôi, Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I - khu vực 2; Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa - Khu vực 2 (Giai đoạn 1) để thực hiện khởi công xây dựng như tiến độ cam kết; đôn đốc triển khai dự án KCN: Sông I, Sông Lô II và Tam Dương I - khu vực 2; Phúc Yên, Đồng Sóc, Tam Dương II - Khu A và Chấn Hưng; đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ bồi thường - giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại của các KCN: Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện II, Tam Dương II - khu A, tạo quỹ đất sạch thu hút FDI vào các KCN trong thời gian tới.

Rà soát những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân trong việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các KCN để kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án. Giám sát chặt chẽ các chủ đầu tư hạ tầng về năng lực và cam kết triển khai dự án, từ đó có biện pháp xử lý, kiên quyết thu hồi hoặc tìm kiếm nhà đầu tư mới đủ năng lực tiếp tục thực hiện dự án hoặc điều chỉnh quy hoạch giảm diện tích KCN. Mở rộng và nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc trên địa bàn Tỉnh, cải tạo, nâng cấp hệ thống viễn thông tại trung tâm thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và các huyện, nâng cấp các trạm bưu điện khu vực, đặc biệt là ở các KCN và khu dân cư mới. Tiếp tục đề xuất cải tạo, nâng cấp, làm mới công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các KCN đồng bộ với kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội, các khu vệ tinh như: Khu dân cư, khu đô thị, khu thiết chế văn hóa, khu nhà ở công nhân..., để đảm bảo cho sự phát triển ngày càng bền vững, góp phần cải thiện môi trường thu hút đầu tư, gắn kết các KCN trên địa bàn Tỉnh.

Ngoài ra, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần có kế hoạch huy động vốn đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật chủ yếu, nhất là hạ tầng về giao thông nối liền giữa các KCN với hệ thống giao thông của tỉnh, kết nối giữa Vĩnh Phúc với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ. Chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh vào các KCN. Thu hút và khuyến khích các dự án đầu tư đa dạng trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao; công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, lao động; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp 4.0 và các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang thiết kế và sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, tạo nền tảng thu hút, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao./. 

 
TS. Bùi Thị Hoàng Lan
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
 
Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc. Kết quả thu hút đầu tư vào các KCN tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022;
 
Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc (2022). Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2022;

Nguyễn Hằng (2023). Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tham mưu về phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, https://kinhtevadubao.vn/ban-quan-ly-cac-kcn-vinh-phuc-thuc-hien-hieu- qua-nhiem-vu-tham-muu-ve-phat-trien-cac-kcn-tinh-vinh-phuc-25707.html;

Nguyễn Mạnh Hiến (2022). Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc: Thực trạng và hàm ý chính sách, Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 11 năm 2022.
 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top