Chỉ số kinh tế tự do của Việt Nam đang ngày càng cải thiện

12/10/2023 - 02:18 PM
Theo Báo cáo Tự do Kinh tế Thế giới năm 2023 được Viện nghiên cứu Fraser (Canada), chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam đã có cải thiện quan trọng trong xếp hạng năm 2020 và 2021.

Báo cáo Tự do kinh tế thế giới đo lường quyền tự do kinh tế của các cá nhân (khả năng tự đưa ra các quyết định kinh tế của mình) bằng cách phân tích các chính sách và thể chế của 165 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các thể chế và chính sách được xem xét bao gồm: Các quy định quản lý của nhà nước, quyền tự do thương mại quốc tế, quy mô của chính phủ, hệ thống pháp luật và quyền sở hữu, chính sách tiền tệ tốt. Báo cáo năm 2023 dựa trên dữ liệu từ năm 2021, là năm có số liệu thống kê cập nhật nhất có thể so sánh được giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ.

 
Ảnh minh họa

Theo báo cáo, trong năm 2021, tổng điểm về mức độ tự do kinh tế của Việt Nam đạt 6,26, xếp thứ 106 trong tổng số 165 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 4 bậc so với năm 2020. Đây là mức tăng tương đối cao so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á khác.
 
Xếp hạng chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam qua các năm
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội

Căn cứ vào các chỉ số thành phần, Việt Nam ghi nhận tăng điểm ở 4 trong 5 chỉ số thành phần chính của chỉ số tự do kinh tế (thang điểm từ 1 đến 10, trong đó giá trị cao hơn cho thấy mức độ tự do kinh tế cao hơn). Cụ thể, 4 chỉ số thành phần tăng điểm gồm: Hệ thống pháp lý và quyền sở hữu tăng nhẹ từ 4,96 (2020) lên 5,15 (2021), xếp hạng từ 82 lên 77; Đồng tiền tốt tăng từ 6,96 (2020) lên 7,02 (2021), xếp hạng đã cải thiện từ mức 136 lên mức 128; Tự do thương mại quốc tế tăng nhẹ từ 6,40 (2020) lên 6,52 (2021), và xếp hạng đã cải thiện từ 107 lên 98; Các quy định quản lý tăng từ 6,08 (2020) lên 6,10 (2021).
 
Xếp hạng các yếu tố trong Chỉ số tự do kinh doanh của Việt Nam năm 2020 và 2021
So sánh với một số quốc gia khác trong ASEAN-6, mức độ tự do của kinh tế Việt Nam đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia. Cụ thể, Malaysia xếp vị trí 56 thế giới với chỉ số tự do kinh tế là 7,19, trong khi Singapore tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng với Chỉ số tự do kinh tế cao nhất thế giới (8,56 điểm).

 
Thứ hạng Chỉ số Tự do kinh tế của Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á năm 2020 và 2021
Đánh giá về xếp hạng này, Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) cho rằng, mặc dù vị trí của Việt Nam vẫn còn thấp nhưng so với Chỉ số tự do kinh tế năm 2019, Việt Nam đã tăng được 19 bậc. Điều này phần nào phản ánh các chính sách kinh tế thân thị trường mà Việt Nam theo đuổi trong giai đoạn đại dịch.

Theo MASSEI, bối cảnh kinh tế-chính trị thế giới và Việt Nam sau Đại dịch COVID-19 đã có nhiều thay đổi. Số liệu thống kê của Ngân hàng thế giới cho thấy, thu nhập bình quân đầu người (GNI/đầu người) của Việt Nam năm 2021 ước đạt 3.590 USD. Với mức thu nhập này, Việt Nam đã tiến sát đến ngưỡng khởi đầu của nhóm các nước thu nhập trung bình cao (theo phân loại của World Bank năm 2021, từ 4.046 USD đến 12.535 USD).

Tuy nhiên, kinh nghiệm thế giới cho thấy, đa số các quốc gia khi chạm đến ngưỡng này thì tốc độ tăng trưởng chậm dần, nhiều bất ổn kinh tế xuất hiện mang tính cơ cấu rất khó chữa trị dứt điểm, trong khi lại phải đối mặt với nhiều vấn đề về giá hoá dân số, an sinh xã hội, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên... Hệ quả là chỉ rất ít các quốc gia vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Chính vì vậy, theo MASSEI việc rà soát chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam một cách toàn diện, cùng với những phân tích chi tiết đằng sau mỗi chỉ tiêu, trong mối tương quan với các quốc gia tương đồng khác là công việc cần thiết nhằm giúp Việt Nam tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình như nhiều các quốc gia đang phát triển khác, đồng thời góp phần cải thiện chỉ số trong những năm tới thông qua việc thúc đẩy tự do kinh tế.

 
Báo cáo Tự do Kinh tế Thế giới được Viện Fraser phối hợp với Mạng lưới Tự do Kinh tế - một nhóm các viện nghiên cứu và giáo dục độc lập ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện. Đây là thước đo hàng đầu thế giới về tự do kinh tế.

Tại Việt Nam, Viện Fraser đã hai lần phối hợp với Trường Đại học kinh tế quốc dân và Trung tâm nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) thực hiện đánh giá toàn diện sự phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam vào năm 2020 và đầu năm 2023 dựa trên bộ chỉ số này.

 Thu Hường
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top