Được sự quan tâm chỉ đạo thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đi vào chiều sâu, chủ động, đổi mới phương thức tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân cùng tham gia. Các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM tiếp tục được quan tâm đầu tư, giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, góp phần thay đổi diện mạo NTM của tỉnh Lâm Đồng ngày càng khởi sắc, đời sống thu nhập người dân không ngừng tăng lên.
Ngay từ năm 2021, 2022 là năm bản lề thực hiện Chương trình với sự quyết tâm, lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện Chương trình, tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành công tác kiện toàn tổ chức bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); chủ động ban hành các cơ chế, chính sách, quy định, hướng dẫn để quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình theo quy định. Bên cạnh đó, các cấp thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo hiệu quả, thực chất; tập trung nâng cao vai trò chủ thể của người dân và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân khu vực nông thôn.
Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh Lâm Đồng có 107/111 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 96,33%; 33/48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 68,75%; 9/23 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 39,13%; 7/12 huyện/thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM (gồm: 5 huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà và hai thành phố: Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM), đạt 58,33%.
Về kết quả thực hiện các nội dung thành phần: Phát triển sản xuất với tổng diện tích gieo trồng đạt 378.150 ha, trong đó: Cây hàng năm 111.108 ha, cây lâu năm 267.042 ha; lương thực có hạt ước đạt 99.052 tấn; sản lượng rau các loại 2.254 ngàn tấn; hoa các loại 3.062 triệu/cành. Với sự tham gia của 31 HTX, 59 trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), 154/253 doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư sản xuất NNCNC, 5 doanh nghiệp được chứng nhận canh tác hữu cơ và 15 doanh nghiệp và trang trại ứng dụng công nghệ thông minh sử dụng hệ thống cảm biến kết nối vạn vật (IoT); toàn tỉnh đã có 07 vùng sản xuất NNCNC. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được các địa phương chủ động triển khai thực hiện với 12.123 ha được trồng mới, chuyển đổi. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển trên nhiều đối tượng cây trồng với 63.896 ha.
Phát triển kinh tế tập thể: Trên địa bàn toàn Tỉnh có 04 Liên hiệp hợp tác xã (HTX) đang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 với 25 HTX thành viên. Hiện nay Liên hiệp HTX đang phát huy tốt vai trò giới thiệu, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên tự sản xuất và tự ký kết hợp đồng; toàn tỉnh có 392 hợp tác xã nông nghiệp với 8.479 thành viên, doanh thu bình quân khoảng 2.250 triệu đồng/HTX/năm, lợi nhuận bình quân khoảng 358 triệu đồng/HTX/năm; có 381 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp với 8.478 tổ viên, các THT hoạt động theo phương thức cùng nhau tham gia sản xuất một chủng loại sản phẩm, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản, hỗ trợ giúp nhau vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Phát triển chuỗi liên kết sản xuất: Toàn tỉnh có 190 chuỗi liên kết với 18.631 hộ liên kết (16.178 hộ trồng trọt và 2.453 hộ chăn nuôi), quy mô liên kết trong trồng trọt đạt 30.527,65 ha với sản lượng 437.226 tấn, trong chăn nuôi đạt 850.817 con, sản lượng đạt 126.560,35 tấn.
Về Giáo dục - Đào tạo của Tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển cả quy mô và chất lượng; ngoài nguồn ngân sách Trung ương và tỉnh, các địa phương đã nỗ lực phấn đấu, huy động nhiều nguồn lực để mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy, học; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên từng bước được tăng cường cả về số lượng và chất lượng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học. Đến nay có 100% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, 100% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 trở lên (trong đó, có 98,3% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3); 100% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 trở lên (trong đó, có 88,8% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và 3), 100% số xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 (trong đó, có 93,1% số xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2); tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hàng năm đều đạt trên 99%, trong đó, có trên 90% số học sinh tốt nghiệp được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề).
Về y tế: Toàn Tỉnh hiện có 16 đơn vị y tế tuyến tỉnh, 12 trung tâm y tế huyện, thành phố; 100% số xã, phường có trạm y tế. Đội ngũ y, bác sỹ và cán bộ ngành y tế tăng về số lượng và nâng cao chất lượng. Mạng lưới y tế cơ sở, trang thiết bị y tế được ưu tiên đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân; công tác y tế dự phòng, phòng chống các bệnh xã hội, dịch bệnh nguy hiểm được triển khai đồng bộ, kịp thời khống chế và hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc và tử vong do dịch bệnh; đã có 100% số xã trên địa bàn tỉnh đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; các chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình được chú trọng. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đạt 1.240.708 người (tỷ lệ bao phủ 93,11%).
Về văn hóa: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hoá”, “Xã đạt chuẩn văn hóa NTM” gắn với xây dựng xã đạt chuẩn NTM tiếp tục cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng được duy trì và phát triển, số người tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên tâng lên. Hiện có 111/111 xã được công nhận, công nhận lại danh hiệu xã đạt chuẩn văn hóa NTM, đạt tỷ lệ 100%; 828/871 thôn được công nhận và công nhận lại danh hiệu thôn văn hóa, đạt tỷ lệ 95%.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình cũng còn những khó khăn vướng mắc như: Nguồn vốn bố trí cho các xã mặc dù đã được ưu tiên lồng ghép, huy động từ nhiều nguồn nhưng còn hạn chế so với nhu cầu đầu tư của các xã; nguồn vốn huy động đầu tư của doanh nghiệp vào địa bàn khu vực nông thôn còn ít. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn thực hiện chưa hiệu quả, còn nhiều bất cập, chưa thực sự bền vững; việc kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư thực hiện các nhà máy xử lý rác thải rắn trên địa bàn tỉnh còn khó khăn; Việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị còn hạn chế, kinh tế tập thể đã tăng nhanh về số lượng Hợp tác xã nhưng nhiều Hợp tác xã có quy mô nhỏ, hiệu quả hoạt động chưa cao...
Để thực hiện Chương trình đến năm 2025, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông trong xây dựng nông thôn mới, tạo phong trào xây dựng nông thôn mới mạnh mẽ, rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh, đổi mới cách thức, phương thức công tác truyền thông, tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về Chương trình; Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh; Đẩy mạnh xây dựng NTM gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn văn minh hiện đại: Tập trung chỉ đạo xây dựng huyện Đơn Dương thành huyện NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh; huyện Đạ tẻh đạt chuẩn nông thông mới kiểu mẫu về cảnh quan nông thôn và huyện Đức trọng là huyện NTM trong quá trình đô thị hóa; Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác vận động Phong trào thi đua “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021-2025 phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”,....; trong đó: Tập trung xây dựng các mô hình, việc làm cụ thể để nhân rộng…./.
Minh Thư