Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ trọng tâm luôn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2013, khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tiến hành ráo riết, quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, được dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Nhiều chuyển biến mới, tích cực và hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Điểm đột phá và cũng là dấu ấn nổi bật, đó là công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực hiện đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực giai đoạn 2012-2022
Trong thời gian qua, cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động, tăng cường chỉ đạo, tập trung kiểm tra, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; xử lý cả cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu; cán bộ cấp cao và cán bộ trong lực lượng vũ trang; làm một cách nghiêm minh từ trên xuống dưới, có trọng tâm, trọng điểm.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thể hiện rõ bản lĩnh, tinh thần kiên quyết, mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm tra xuống đến cả cấp ủy, cấp huyện và cơ sở; xử lý dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương.
Các ngành Thanh tra, Kiểm toán có nhiều cố gắng, phát hiện, làm rõ sai phạm; xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan; thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước, nhất là đã tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm và công khai các sai phạm liên quan đến nhiều dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm.
Trong 10 năm qua (2012 - 2022), đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 36 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Nguồn: Báo cáo số 06-BC/TW ngày 23/7/2022 của Bộ Chính trị
Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế cũng đã được tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, sai, không bỏ lọt tội phạm; rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, có lý, có tình. Hầu hết các đối tượng bị xử lý đều đã nhận thức rõ sai phạm của mình và tâm phục, khẩu phục, tỏ rõ sự ăn năn, hối cải, xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân; có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Đã xử lý dứt điểm nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cả những vụ tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước, với nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự, kể cả ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang.
Những con số về xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự nói trên đã cho thấy rõ quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, nói đi đôi với làm của Đảng, Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là tuyên ngôn mà đã trở thành quyết tâm chính trị và hành động thực tế.
Có thể nói, chưa bao giờ Việt Nam xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm như vừa qua. Đây là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Trong quá trình chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, đã chú trọng công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Việc kê biên, thu giữ tài sản trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tăng lên rõ rệt (nếu như năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì tính đến nay đã thu hồi đạt tỷ lệ 34,7%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được tài sản đạt 41,3%, nhiều vụ đã kê biên, thu giữ tài sản hàng nghìn tỉ đồng, như vụ Hứa Thị Phấn hơn 10.000 tỉ đồng; vụ Phan Văn Anh Vũ hơn 22.000 tỉ đồng; vụ Phạm Công Danh hơn 9.000 tỉ đồng; vụ AVG hơn 8.770 tỉ đồng...
Nguồn: Báo cáo số 06-BC/TW ngày 23/7/2022 của Bộ Chính trị
Công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở cũng được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; nhiều địa phương, bộ, ngành đã chú ý ngăn chặn, xử lý tệ “tham nhũng vặt”. Nếu như trước đây, hằng năm có một số địa phương không phát hiện, khởi tố được vụ án tham nhũng nào thì gần đây, tất cả các địa phương trong cả nước đều đã phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng; nhiều địa phương đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án tham nhũng lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Nai, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Thuận, Phú Yên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên...
Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn mới
Sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đang chuyển sang giai đoạn mới với yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn, rất vẻ vang nhưng cũng khó khăn, phức tạp hơn. Để thực hiện thành công mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, trước hết phải xây dựng Đảng và Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh; phải ngăn chặn, đẩy lùi bằng được tệ tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vạch ra 5 nhiệm vụ lớn, trọng tâm, bao quát cho công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn mới.
Nhiệm vụ thứ nhất: Phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng bao gồm xây dựng, chỉnh đốn tổ chức Đảng và xây dựng, chỉnh đốn cán bộ, đảng viên. Trong nhiệm vụ này, vai trò của cán bộ, đảng viên được nhấn đậm với ý nghĩa thực tiễn, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là “then chốt của then chốt”, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” như Tổng Bí thư đã chỉ rõ trong tác phẩm của mình (trang 37). Biện pháp thực hiện nhiệm vụ này đã được xác định rõ ràng, cụ thể tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII số 21-NQ/TW, ngày 16.6.2022, đó là, “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, “tự soi”, “tự sửa”, đề cao danh dự, lòng tự trọng của đảng viên” và “Đổi mới công tác đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên... Thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng; kịp thời chấn chỉnh đối với đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ..., đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước; đảng viên thiếu gương mẫu, uy tín thấp”. Trong đó, người đứng đầu có vai trò đặc biệt quan trọng, đã được quy định tại Điều 70 Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, đó là, “gương mẫu, liêm khiết, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh” và “chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách”.
Nói một cách tổng quát thì nhiệm vụ đầu tiên là phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng để từng bước có được đội ngũ đảng viên có sức chiến đấu hùng mạnh, quyết liệt. Đây chính là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, đặc biệt là trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhiệm vụ thứ hai: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở”, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thể chế để “không thể” tham nhũng, tiêu cực.
Trong nhiệm vụ này có vấn đề khá lớn và có độ phức tạp cao, nhưng bằng mọi nỗ lực phải giải quyết sớm, đó là hiện tượng “tham nhũng chính sách, pháp luật” trong xây dựng thể chế. Tham nhũng chính sách, pháp luật là việc tác động đến các chủ thể, các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm tham gia vào các công đoạn của cả quy trình xây dựng một chính sách, một dự án luật nhằm lợi ích riêng. Vì vậy, Tổng Bí thư đã chỉ đạo, “phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của “lợi ích nhóm”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”; ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, pháp luật”.
Hành vi tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng chính sách, pháp luật diễn ra hết sức tinh vi, “kín đáo” nhưng để lại những hậu quả cực lớn cho Nhà nước và xã hội, vì khả năng điều chỉnh, tác động của chính sách, pháp luật là trên quy mô lớn - toàn xã hội. Đây cũng là điều khác biệt giữa tham nhũng, tiêu cực chính sách, pháp luật với tham nhũng, tiêu cực đơn lẻ từng vụ việc, từng vụ án cụ thể. Đó là những hoạt động móc nối các hành vi, quan hệ chặt chẽ với nhau gồm nhiều cá nhân và “nhóm chủ thể” có vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau, nhằm biến hóa lợi ích riêng tư thành những “quy tắc pháp lý” của những chính sách, của những đạo luật... Đây cũng là lý do phải sớm nghiên cứu sửa đổi nội dung chủ thể sáng kiến chính sách, pháp luật và quy trình xây dựng luật, pháp lệnh trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nhiệm vụ thứ ba: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, qua đó cảnh tỉnh, răn đe để không ai dám tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Ở nhiệm vụ này, một lần nữa, Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải mài sắc ý chí chiến đấu để thực thi tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình. Khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Đó chính là học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về xử lý tội tham ô, hối lộ, phải “thiết diện, vô tư”, “phải thẳng tay trừng trị kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.
Nhiệm vụ thứ tư: Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới và tăng cường giám sát việc thực thi quyền lực.
Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay thì việc kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn là vấn đề then chốt, nhưng phải đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn nữa mới có hiệu quả như mong đợi. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Phòng, chống tham nhũng ban hành năm 2018 quy định đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập quá rộng, thiếu trọng tâm, trọng điểm, hàng triệu người phải kê khai, do đó các cơ quan kiểm soát kê khai, tài sản, thu nhập ở các cấp, các ngành khó kiểm soát toàn bộ. Các bản kê khai của cán bộ, công chức lại chỉ niêm yết ở phòng kín của cơ quan (trong khi ở nơi cư trú, người dân muốn biết người kê khai có thật thà hay không), vậy nên không có nhiều ý nghĩa đối với hoạt giám sát.
Điều 33 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định, “Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm”. Nếu chỉ dựa vào lòng trung thực mà chế tài lỏng lẻo thì làm sao đạt được mục đích của việc kê khai...? Bởi vậy, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: Cùng với “nhốt” quyền lực vào "lồng thể chế"... phải tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trách nghiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, và các biện pháp bảo đảm để công dân thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ thứ năm: Tiếp tục kiện toàn bộ máy; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến địa phương; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở khu vực ngoài nhà nước.
Trong nhiệm vụ này, rất đáng lưu ý việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở khu vực ngoài nhà nước. Các thuật ngữ “chống lưng”, “sân sau”, “nhóm lợi ích”, “luật ngầm” đã xuất hiện khá nhiều trong những năm gần đây. Nội hàm của chúng chỉ ra sự móc ngoặc giữa một bộ phận quan chức nhà nước có chức, có quyền, có nhiều “mối quan hệ” với các doanh nghiệp “sân sau”, người nhà, người thân của mình, để họ tiếp cận được các dự án kinh tế, các gói thầu, các ưu đãi lợi ích. Các hoạt động này ngày càng diễn ra theo chiều hướng phức tạp, tinh vi hơn. Những nguồn lợi ích bất chính quá lớn đã thúc đẩy không ít cán bộ tha hóa, biến chất tiếp tục tạo dựng nhiều “sân sau” để trục lợi... Điều này gây tác hại nhiều mặt, vô cùng lớn, không thể lường hết, trong đó, vấn đề quản lý kinh tế - xã hội sẽ trở nên phức tạp, rối ren và sự phá hoại khó lường của các thế lực xấu. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở khu vực ngoài nhà nước lúc này là nhiệm vụ lớn, đầy khó khăn, phức tạp. Do đó, Tổng Bí thư đã, đang chỉ đạo phải thực thi nhiệm vụ này khẩn trương, quyết liệt. Đây là nhiệm vụ nặng nề, khó khăn nhiều mặt, nhưng nhất thiết phải kiên trì, kiên quyết xử lý.
Tác phẩm lớn của Tổng Bí thư đã thể hiện tư tưởng nhất quán, kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Đó là những bài học cụ thể, thiết thực cho cán bộ, đảng viên, cho các tổ chức đảng, “tự soi”, “tự sửa” để tiến bộ; là nguồn động viên, cổ vũ, thu hút mọi người dân, toàn xã hội góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch và vững mạnh./.
Thu Hường