Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước, là số vốn thực hiện cao nhất tại Việt Nam trong 5 năm qua.
Ảnh minh họa
Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 19,08 tỷ USD, chiếm 82,3% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,37 tỷ USD, chiếm 5,9%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,15 tỷ USD, chiếm 4,9%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện
các năm 2019-2023 (Tỷ USD)
Kết quả này có được là do môi trường đầu tư luôn được cải thiện, hấp dẫn với nhiều ưu thế vượt trội. Đồng thời, trong năm 2023, các hoạt động ngoại giao kinh tế của Đảng, Chính phủ trong được tăng cường, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản và Hoa Kỳ được kỳ vọng đưa đến làn sóng đầu tư mới, chất lượng vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2023 có 124 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 282,7 triệu USD, giảm 33,7% so với năm trước; có 25 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 138,2 triệu USD, gấp 1,3 lần.
Tính chung, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 420,9 triệu USD, giảm 21,2% so với năm trước. Trong đó: Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 156,9 triệu USD, chiếm 37,3% tổng vốn đầu tư; thông tin và truyền thông đạt 120,6 triệu USD, chiếm 28,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 84,4 triệu USD; chiếm 20%.
Trong năm 2023 có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó: Ca-na-đa là nước dẫn đầu với 150,3 triệu USD, chiếm 35,7% tổng vốn đầu tư; Xin-ga-po 122,6 triệu USD, chiếm 29,1%; Lào 116,7 triệu USD, chiếm 27,7%; Cu-ba đạt 11,8 triệu USD, chiếm 2,8%; I-xa-ren 6,1 triệu USD, chiếm 1,4%./.
Thu Hường