Du lịch Bình Định - Đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GRDP của tỉnh

20/07/2020 - 10:37 AM
Bình Định là 1 trong 5 tỉnh thuộc vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, trên tuyến du lịch xuyên Việt, trong không gian du lịch “Hành lang Đông - Tây” và là cửa ngõ của đại ngàn Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia ra biển Đông. Đây là điều kiện để Bình Định liên kết vùng phát triển du lịch. Thời gian qua, du lịch Bình Định đã đạt được những thành tựu đáng kể góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phát triển du lịch chung của cả nước.

Du lịch đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GRDP của tỉnh giai đoạn 2018-2019
 
Những năm gần đây, du lịch Bình Định đã có những bước phát triển nhanh, trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của tỉnh. Du lịch Bình Định phát triển đã làm thay đổi diện mạo, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
 
Theo kết quả thống kê, số lượt khách du lịch đến tỉnh Bình Định năm 2018 đạt gần 4,1 triệu lượt khách, trong đó số lượt khách du lịch quốc tế là gần 327,5 nghìn lượt người chiếm khoảng 8%. Năm 2019, lượng khách du lịch tăng lên trên 4,8 triệu lượt khách; trong đó khách du lịch quốc tế là 484 nghìn lượt và chiếm 10%.

 
Du lịch Bình Định - Đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GRDP của tỉnh

Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng
 
Số liệu thống kê cũng cho thấy, tổng thu từ khách du lịch tại Bình Định chủ yếu là từ khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch quốc tế đến Bình Định chỉ chiếm 10,66% trong tổng thu năm 2018 và năm 2019 tỷ lệ này tăng lên 13,25% (xem bảng 1).
Du lịch Bình Định - Đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GRDP của tỉnh 1

Mặc dù tổng thu từ khách du lịch quốc tế chưa cao, song thực tế cho thấy, mức chi tiêu bình quân một khách du lịch quốc tế cao hơn khách du lịch nội địa. Do vậy, việc đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng đáp ứng ngày càng nhiều hơn nhu cầu của khách quốc tế cũng sẽ kỳ vọng mang lại nguồn thu lớn hơn.
 
Căn cứ vào bảng cân đối kinh tế liên ngành (Bảng I-O) của tỉnh Bình Định, tổng thu từ khách du lịch đã xác định ở trên và các dữ liệu thống kê có liên quan, qua thực hiện nhiều bước tính toán, kết quả đóng góp của du lịch tới GRDP của Bình Định được thể hiện ở bảng 2.

 
Du lịch Bình Định - Đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GRDP của tỉnh 2

Có thể thấy, hoạt động du lịch thực sự là một ngành mũi nhọn tại tỉnh Bình Định, mức đóng góp có xu hướng tăng rõ rệt qua 2 năm 2018 và 2019, cụ thể:
 
(1) Đóng góp vào GRDP tỉnh Bình Định
 
Năm 2018 đóng góp trực tiếp của hoạt động du lịch vào GRDP của Bình Định là 6,6%, đóng góp gián tiếp (lan tỏa) là 10,1% và tổng đóng góp của hoạt động du lịch vào GRDP là 16,7%. Đến năm 2019, mức đóng góp này đã tăng thêm, cụ thể: đóng góp trực tiếp của hoạt động du lịch vào GRDP của Bình Định là 7,2%, đóng góp gián tiếp (lan tỏa) là 10,79% và tổng đóng góp của hoạt động du lịch vào GRDP là 17,98%. Các con số này đã minh chứng vai trò của hoạt động du lịch trong việc phát triển kinh tế tỉnh Bình Định (đóng góp của du lịch vào GRDP trên 10%) và phần đóng góp lan tỏa nhiều hơn đóng góp trực tiếp cho thấy sự phát triển hoạt động du lịch kéo theo hoạt động của các ngành kinh tế khác của tỉnh. Đồng thời khẳng định du lịch thực sự là ngành mũi nhọn của Bình Định.
 
(2) Đóng góp vào ngân sách của tỉnh Bình Định (qua thuế sản phẩm)
 
Năm 2018, tổng đóng góp qua thuế sản phẩm là 541 tỷ đồng, trong đó: Đóng góp trực tiếp: 214 tỷ đồng, đóng góp gián tiếp (lan tỏa): 327 tỷ đồng; đến năm 2019 tổng đóng góp qua thuế sản phẩm đã lên tới là 662 tỷ đồng (ước tính), trong đó: Đóng góp trực tiếp: 265 tỷ đồng, đóng góp gián tiếp (lan tỏa): 397 tỷ đồng.
 
(3) Đóng góp vào việc tạo ra việc làm trên địa bàn tỉnh Bình Định
 
Năm 2018: Tổng việc làm do du lịch tạo ra 116,1 nghìn việc làm, tương ứng 11,77%, trong đó: Trực tiếp tạo ra trên 46,6 nghìn việc làm, tương ứng 4,72%; gián tiếp tạo ra trên 69,5 nghìn việc làm cho các ngành khác, tương ứng 7,05%. Đến năm 2019: Tổng việc làm do du lịch tạo ra đã lên tới 123,2 nghìn việc làm, tương ứng 12,36% (ước tính), trong đó: Trực tiếp tạo ra 49,2 nghìn việc làm, tương ứng 4,94%; gián tiếp tạo ra gần 74 nghìn việc làm cho các ngành khác, tương ứng 7,42%.
 
Các giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới
 
Từ kết quả đánh giá đóng góp hoạt động du lịch vào GRDP qua 2 năm 2018-2019, để tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, một số đề xuất giải pháp phát triển du lịch thời gian tới như sau:
 
Một là, tập trung quảng bá, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước
 
Chú trọng đến thị trường khách nội địa trên cả nước, trong đó tập trung vào thị trường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
 
Xây dựng các chương trình, tour du lịch có mức chi phí phù hợp với từng đối tượng khác nhau về độ tuổi, nghề nghiệp, thu nhập và tập trung theo hình thức du lịch tập thể.
 
Tăng cường quảng bá du lịch địa phương trên internet, mạng xã hội, truyền hình. Đồng thời cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin liên quan đến các điểm tham quan, chất lượng các dịch vụ để du khách lựa chọn chuyến đi và các sản phẩm du lịch phù hợp với độ tuổi, nghề nghiệp, thu nhập và sở thích.
 
Khai thác triệt để việc quảng bá du lịch địa phương thông qua chính các du khách đã từng đến Bình Định. Đây là hình thức quảng cáo tiết kiệm, hiệu quả và được du khách tin tưởng nhất (theo kết quả điều tra có 44% khách quốc tế và 55,8% khách nội địa sử dụng nguồn thông tin này để quyết định đi du lịch tại Bình Định).
 
Hai là, đầu tư đa dạng hoá sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch có sẵn, các đơn vị hoạt động du lịch cần khai thác thêm các sản phẩm mới độc đáo, mang đậm dấu ấn riêng. Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh đối với thị trường trong nước và quốc tế. Tiếp tục chú trọng đến các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch biển, làng nghề, du lịch công vụ và các dịch vụ vui chơi giải trí.
 
Ưu tiên phát triển du lịch biển, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng với những hoạt động trên biển như: Lặn ngắm san hô, di chuyển bằng cano, mô tô nước, dù bay…
 
Khai thác các giá trị văn hoá lịch sử của tỉnh Bình Định như: Tháp Chăm, Bảo tàng Quang Trung, Đài kính thiên, Nghệ thuật bài Chòi, Tuồng, biểu diễn võ cổ truyền.
 
Bên cạnh đó, khai thác các thế mạnh của Bình Định để phát triển du lịch làng quê, phù hợp với xu hướng phát triển du lịch gắn kết cộng đồng như các làng nghề truyền thống: Nước mắm Tam Quan, Đề Gi, Nón lá Gò Găng, Cát Tường, dệt chiếu, rượu bầu đá, bánh tráng, sản phẩm từ dừa,.. Việc đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề cũng sẽ tạo nên sự đa dạng sản phẩm du lịch, tạo sự mới mẻ, thú vị đối với du khách, nhất là khách quốc tế.
 
Cần có sản phẩm lưu niệm đặc trưng, hàng hoá đặc sản địa phương chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý. Tiếp tục hình thành và phát triển các tuyến phố chuyên doanh, khu vui chơi giải trí ban đêm. Khuyến khích thành lập các cơ sở ẩm thực (nhà hàng, bar, điểm bán thức ăn di động, tiệm café, quầy kem, quầy giải khát…) đáp ứng yêu cầu về chất lượng dịch vụ, quy mô, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh và thái độ phục vụ. Hình thành và quảng bá hiệu quả một số thương hiệu du lịch của tỉnh như lễ hội, giải thể thao, sự kiện văn hóa.
 
Các đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch thường xuyên kiểm tra chặt chẽ các hoạt động của các công ty lữ hành, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, vui chơi giải trí về chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách du lịch. Quản lý giá cả các loại dịch vụ và chất lượng phục vụ du khách; nâng cao ý thức phục vụ chuyên nghiệp trong kinh doanh, tránh làm mất những giá trị văn hoá truyền thống và bản sắc riêng của địa phương trong quá trình phát triển du lịch.


Ba là, xây dựng môi trường du lịch thân thiện
 
Đẩy mạnh công tác truyền thông, định hướng nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân có ứng xử đúng mực, văn minh thân thiện với du khách, giữ gìn trật tự an ninh, vệ sinh môi trường.
 
Tăng cường thời gian thu gom rác thải tại các khu, điểm du lịch, bãi biển, các dự án công trình đang xây dựng, bố trí thêm các nhà vệ sinh công cộng.
 
Tiếp tục duy trì trật tự tại các khu, điểm du lịch, giải quyết triệt để hành vi chèo kéo, buôn bán hàng rong, ăn xin làm phiền du khách.
 
Bốn là, đào tạo và cải thiện nguồn nhân lực du lịch
 
Thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực du lịch trình độ cao, đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, quản lý dự án du lịch.
Phối hợp với cơ sở đào tạo nghề thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức về văn hóa, lịch sử quê hương Bình Định và ngoại ngữ cho đội ngũ hướng dẫn, thuyết minh viên du lịch; tăng cường hướng dẫn viên các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh.
 
Năm là, cải thiện cơ sở hạ tầng, kiểm soát tốt thị trường của tỉnh Bình Định
 
Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng phục vụ du lịch. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, hội nghị, hội thảo chất lượng cao. Hình thành các khu vui chơi giải trí quy mô lớn đáp ứng nhu cầu của du khách. Kiểm soát tốt thị trường du lịch hướng đến sự bền vững, không phát triển nóng gây phá vỡ quy hoạch./.

 
 
Nguyễn Thị Mỹ
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Định


 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top