Đưa Việt Nam trở thành đầu mối logistics quan trọng trong khu vực

11/08/2023 - 08:42 AM

Với tốc độ bình quân từ 14-16%/năm, quy mô 40-42 tỷ USD/năm, ngành logistics Việt Nam đang được đánh giá có mức tăng trưởng nhanh và ổn định. Sự lên ngôi của các xu hướng vận chuyển và chuỗi cung ứng mới trong nền kinh tế số đã giúp Việt Nam trở thành một thị trường logistics mới nổi đầy tiềm năng.

Việt Nam được kỳ vọng trở thành "ngôi sao logistics" của châu Á

Những năm qua, Chính phủ đã ban hành khá đồng bộ, cụ thể và thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách phát triển logistics, trong đó có thể kể đến Quyết định số 200/QĐ-TTg, ngày14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, đây được xem là bước đột phá mới trong lĩnh vực logistics của Việt Nam; Ngày 22/2/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 221/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; ngày 16/12/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 163/NQ- CP về đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Nghị quyết số 163 đã nhấn mạnh quan điểm Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch về phát triển logistics.

 Đưa Việt Nam trở thành đầu mối logistics quan trọng trong khu vực

Với một hệ thống chính sách phát triển logistics đã được ban hành khá đồng bộ, Việt Nam phát huy với lợi thế về vị trí địa - chính trị quan trọng trong khu vực, đặc biệt là trên Biển Đông - tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á, là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Đồng thời, với nền kinh tế mở, Việt Nam ngày càng hợp tác sâu rộng với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có thể kể tới các Hiệp định FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) - EVFTA. Đây là những điều kiện và cơ hội thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy phát triển ngành logistics.

Có thể nói, những năm gần đây, ngành logistics Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng. Việt Nam hiện có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), thị trường logistics có sự tham gia của hơn 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics 3PL, trong đó chiếm 89% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn nằm trong danh sách 50 công ty logistics thế giới lớn nhất như: DHL, Kuehne + Nagel, DSV, DB Schenker,...

Báo cáo logistics Việt Nam năm 2022 cho thấy, tính đến tháng 6/2022, hệ thống cảng biển Việt Nam có 286 bến cảng, phân bố theo 5 nhóm cảng biển, tổng chiều dài cầu cảng hơn 96 km, hạ tầng đáp ứng được lượng hàng thông qua hơn 706 triệu tấn năm 2021. Việt Nam đã hình thành các cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế tại phía Bắc và phía Nam; tiếp nhận thành công tàu container đến 132.000 DWT tại khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng), đến 214.000 DWT tại khu bến Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Hầu hết các cảng gắn liền với các trung tâm, các vùng kinh tế lớn của cả nước có vai trò là đầu mối phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa và tạo động lực phát triển toàn vùng như: Quảng Ninh, Hải Phòng gắn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; Nghi Sơn, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn gắn với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai gắn với vùng kinh tế động lực Đông Nam Bộ; Cần Thơ, Long An, An Giang gắn với Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.

Quy mô chất lượng hệ thống cảng biển Việt Nam đã được chú trọng đầu tư với quy mô, công nghệ hiện đại vươn tầm quốc tế, đặc biệt là hệ thống cảng container với 2 cảng biển lớn của Việt Nam là Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh đều nằm trong top 50 cảng container lớn trên thế giới.

Việt Nam đã thiết lập được 32 tuyến vận tải biển, trong đó 25 tuyến vận tải quốc tế và 7 tuyến vận tải nội địa. Ngoài các tuyến nội Á, khu vực phía Bắc đã khai thác 2 tuyến đi Bắc Mỹ; phía Nam đã hình thành được 16 tuyến tàu xa đi Bắc Mỹ và châu Âu vượt trội hơn các nước khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Malaysia và Singapore).

Theo số liệu Tổng cục Thống kê năm 2022, vận tải hàng hóa ngoài nước ước đạt 43,1 triệu tấn vận chuyển, tăng 40,6% và 170,6 tỷ tấn.km luân chuyển, tăng 9,2%. Các doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định, xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc nên nhu cầu vận tải hàng hóa trong và ngoài nước năm 2022 tăng cao so với các năm trước. So với năm 2019, vận chuyển hàng hóa năm 2022 tăng 7,4% về vận chuyển và tăng 21,4% về luân chuyển. Sản lượng vận tải hàng hóa đường biển năm 2022 tăng 27,9% về vận chuyển, tăng 37,7% về luân chuyển so với năm 2021, tương tự, tăng 29,2% và 34,7% so với năm 2019. 6 tháng đầu năm 2023, vận tải hàng hóa ước đạt 1.109 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 232,5 tỷ tấn.km, tăng 14,8%. Cùng với vận tải đường bộ, vận tải đường thủy 6 tháng đầu năm 2023 có tốc độ tăng tích cực so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, sản lượng vận tải hàng hóa đường biển 6 tháng đầu năm 2023 đạt 57,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 124,6 tỷ tấn.km, tăng 14,6%.

Sự phát triển mạnh của ngành logistics cũng cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu nước ta đạt kết quả khả quan và ngược lại. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, sự bùng nổ của thương mại điện tử giúp Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh, trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của thế giới, là mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xu hướng vận chuyển và chuỗi cung ứng mới trong nền kinh tế số đã giúp Việt Nam trở thành một thị trường logistics mới nổi đầy tiềm năng. Theo báo cáo logistics năm 2022 của Bộ Công Thương, dịch vụ logistics của Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng hai con số với tốc độ bình quân từ 14-16%/năm, quy mô 40-42 tỷ USD/năm.

Báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2022 của nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility cho thấy, nhờ sự chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics, Việt Nam đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng top 50 quốc gia đứng đầu thị trường logistics mới nổi, đứng thứ 4 tại khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển dịch vụ logistics. Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế, ngành logistics cũng còn nhiều khó khăn và thách thức như: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; chi phí dịch vụ logistics cao so với thế giới; năng lực cạnh tranh hạn chế; thiếu nhân lực chất lượng cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu; chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển...; việc ứng dụng công nghệ số trong doanh nghiệp logistics còn hạn chế.

Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics

Ngành Logisgics Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển với yếu tố nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, xuất nhập khẩu và thương mại điện tử phát triển nhanh, sự đổ bộ của các nhà vận tải quốc tế với hình thức vận chuyển mới, ứng dụng công nghệ số hiện đại trong vận chuyển. Hơn nữa, các FTA dần được thực thi hiệu quả hơn khiến thị trường Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, nhựa, hàng dệt may và thủy sản...

Theo kết quả nghiên cứu quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự báo hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đến năm 2030 khoảng 1.140-1.423 triệu tấn. Trong đó, hàng container từ 455-559 triệu tấn, tương đương 38-47 triệu teu; hàng tổng hợp, rời từ 521-673 triệu tấn. Dự báo này cho thấy, thị trường vận tải biển là rất lớn, mở ra cơ hội cho đội tàu biển Việt Nam cũng như đội tàu nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam trong những năm tới.

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5%-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên...

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như:

Một là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và thể chế về logistics, nâng cao vai trò của ngành logistics trong nền kinh tế quốc dân. Bộ Công Thương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, tham mưu chính sách, trong đó có chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics...

Hai là, cần tổ chức triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics trên cơ sở ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế sâu rộng; ban hành bộ tiêu chí đo lường mức độ phát triển logistics xanh.

Ba là, tận dụng tối đa những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết để phát triển sản phẩm, đa dạng hoá thị trường và chuỗi cung ứng, thúc đẩy ngành logistics Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.

Bốn là, tiếp tục cải tiến cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng; tạo thuận lợi cho vận tải đa phương thức; đầu tư, nâng cấp, quy hoạch hệ thống kho bãi phù hợp.

Năm là, tăng cường thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, hình thành các chuỗi dịch vụ logistics chuyên sâu, có giá trị gia tăng cao và liên kết vùng. Quy hoạch và xây dựng các khu logistics tập trung, có quy mô lớn, gắn với hệ thống cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh.

Sáu là, các đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý và vận hành, sử dụng hệ thống phần mềm, nền tảng tối ưu hóa logistics nhằm cắt giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với nhau và với doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ logistics./.

TS. Phạm Thị Trúc Quỳnh

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top