Gia Lai phấn đấu có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2023

02/07/2023 - 07:25 AM
Sau 11 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn của tỉnh Gia Lai đã có nhiều đổi thay, cơ sở hạ tầng dần được hoàn thiện, đời sống người dân ổn định, xây dựng thói quen sinh hoạt văn minh. Năm 2022, toàn tỉnh Gia Lai có 91/182 xã (đạt 50%) và 125 thôn, làng (trong đó có 110 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số) được công nhận đạt chuẩn NTM; có 3 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM gồm: Thành phố Pleiku, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa. Tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM giai đoạn 2011-2021 trên địa bàn tỉnh là hơn 31.868 tỷ đồng, góp phần mang lại sức sống mới ở các vùng nông thôn của tỉnh.
 

Tỉnh Gia Lai đã đăng ký thực hiện các mô hình điểm của các Chương trình chuyên đề, cụ thể:

- Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới: Mô hình du lịch nông thôn làng STơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang.

- Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới: Mô hình Công trình khoan giếng cấp nước sạch tập trung trên địa bàn 03 thôn/03 xã, huyện Phú Thiện; Mô hình thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa trên địa bàn huyện Ia Grai.

- Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP): Mô hình thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch gắn với nâng cao vai trò tổ chức và quản lý cộng đồng thuộc Chương trình OCOP là mô hình làng du lịch cộng đồng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang.

- Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới: Mô hình thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025 tại xã Biển Hồ, TP. Pleiku.

- Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, gồm: Dự án: “Xây dựng mô hình chăn nuôi bò lai theo hướng chuyên thịt phát triển theo hướng bền vững trên địa bàn huyện Krông Pa”; Dự án: “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội tại xã Ia Ko, huyện Chư Sê”.

Gia Lai phấn đấu có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2023
Diện mạo nông thôn của tỉnh Gia Lai đã có nhiều đổi thay

Để tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới nhằm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, ngày 07/3/2023 UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch số 493/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023. Theo đó, Tỉnh phấn đấu có thêm 09 xã và 41 thôn, làng đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến cuối năm 2023, bình quân tiêu chí NTM trên địa bàn tỉnh đạt 15,71 tiêu chí. Để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM năm 2023 đạt kết quả cao, UBND tỉnh Gia Lai huy động các nguồn vốn để triển khai, dự kiến tổng nhu cầu vốn sử dụng năm 2023 là 7.217,22 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu trong năm 2023 nói chung và giai đoạn 2021-2025 của các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, bởi một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM có sự thay đổi theo hướng nâng cao so với bộ tiêu chí cũ khiến.

Đối với cấp huyện, để được công nhận hoàn thành xây dựng NTM phải đảm bảo 100% số xã trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn NTM (các xã được công nhận đạt chuẩn giai đoạn 2011-2020 phải rà soát lại theo bộ tiêu chí mới); đặc biệt, phải có ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh và tỷ lệ hài lòng của người dân với kết quả xây dựng NTM phải đạt 90% trở lên. Còn thị xã và thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM phải có 100% xã được công nhận đạt chuẩn, phường đạt chuẩn đô thị văn minh, có ít nhất 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; đồng thời, diện tích đất cây xanh công cộng trong đô thị phải đạt tối thiểu 5 m2/người.

Để đạt được mục tiêu đề ra trong Kế hoạch số 493/KH-UBND, Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động để tạo được sự đồng thuận trong cán bộ và người dân nông thôn tham gia thực hiện Chương trình. Xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia, Nhân dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới, Nhân dân làm là chính; thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới và phong trào “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện của tỉnh, theo định hướng của Trung ương, để địa phương phát huy tối đa nội lực trong xây dựng nông thôn mới, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được hỗ trợ. Trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn trong tổ chức, quản lý Chương trình cho các cán bộ tham gia xây dựng nông thôn mới các cấp. Thực hiện tốt công tác phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn của các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố. Thực hiện công tác lập kế hoạch đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong định hướng phát triển chung của cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình; làm tốt công tác huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho chương trình, khuyến khích Nhân dân cùng tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo phương châm“Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Phân cấp nâng cao tính chủ động trong việc thực hiện nội dung xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã; phát huy vai trò của người dân và cộng đồng dân cư. Đầu tư mạnh nguồn lực cho phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho nông dân. Tận dụng các nguồn lực được hỗ trợ để triển khai hiệu quả 06 Chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm mang lại hiểu quả tại địa phương. Chủ động, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực 10 hiện Chương trình ở các địa phương.../.
B.N

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top