Với tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Lạng Sơn, công tác dân tộc được lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đã cho thấy sự quan tâm và hiệu quả chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Lạng Sơn đã, đang tiếp tục phát huy hiệu quả chính sách, tăng cường công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình điểm can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới phía Đông Bắc Tổ quốc, đồng bào dân tộc chiếm phần lớn, khoảng 83,16% dân số toàn tỉnh; trong đó, đa phần dân số sống ở khu vực nông thôn, với khoảng 76,96%. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lạng Sơn có 199/200 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi (trừ xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng), trong đó có 88 xã khu vực III, 08 xã khu vực II, 103 xã khu vực I và 644 thôn đặc biệt khó khăn (gồm: 84 thôn thuộc xã khu vực I, 24 thôn thuộc xã khu vực II và 536 thôn thuộc xã khu vực III).
Những năm qua, nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc được triển khai hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, thực tế, vùng DTTS và miền núi Lạng Sơn vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, như: Kinh tế phát triển chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tuy đã được đầu tư xây dựng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao, biên giới; việc huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với nhu cầu thực tế. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn cao, chiếm 94,55% tổng số hộ nghèo, kết quả giảm nghèo chưa bền vững... Bên cạnh đó, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của một số DTTS đang dần bị mai một, trong khi một số hủ tục lạc hậu của một bộ phận người DTTS vẫn còn tồn tại, nhất là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.
Lạng Sơn quyết tâm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vùng đồng bào DTTS&MN
Thực tế, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, nhất là với các gia đình đồng bào DTTS&MN trên cả nước nói chung và ở Lạng Sơn nói riêng. Kết hôn sớm làm mất đi cơ hội học tập, việc làm, giảm chất lượng dân số, sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Trẻ em sinh ra từ những cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền do sự kết hợp của các gen mang bệnh, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nòi giống, phát triển trí tuệ, chất lượng nguồn nhân lực. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân và cũng là hậu quả của sự nghèo đói, phát triển thiếu toàn diện. Chính vì vậy, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình; nhân rộng các mô hình điểm can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN 2021-2030, Giai đoạn 1 (2021- 2025), đã xác định: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN nằm trong Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nằm trong số các dự án thành phần. Mục tiêu nhằm chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là nhóm các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù; Trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào năm 2025; Giảm bình quân 2-3%/năm số cặp tảo hôn và 3-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao; Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đối tượng hướng đến của Tiểu dự án 2 là: Nhóm vị thành niên, thanh niên là người dân tộc thiểu số thuộc các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; Các bậc cha mẹ và học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú; Nhóm phụ nữ và nam giới người dân tộc thiểu số thuộc các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; Lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Tiểu dự án được thực hiện dựa trên nhu cầu vốn dự kiến 727,714 tỷ đồng; trong đó, 581,284 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và 146,43 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.
Để thực hiện Chương trình, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành các chính sách, kế hoạch, hành động cụ thể, tập trung các mục tiêu chủ yếu về công tác giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; đồng thời thực hiện bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, trong đó có giải quyết nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 13/01/2021 về thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025”, Quyết định số 635/QĐ-UBND ngày 17/3/2021 phê duyệt mô hình điểm thực hiện “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025” tại xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình. Cùng với đó, Kế hoạch số 53/KH-BDT ngày 07/11/2022 thực hiện Tiểu dự án 2 - “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Dự án 9 trong Chương trình được Tỉnh đưa vào triển khai một cách mạnh mẽ. Đặc biệt, tỉnh chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền nhằm truyền tải thông tin, nâng cao nhận thức về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với đồng bào DTTD&MN, góp phần giảm thiểu tình trạng này. Trong năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức các Hội nghị tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Hội nghị thu hút các đại biểu đến từ 10 huyện trên địa bàn tỉnh với thành phần là các Trưởng thôn, bản, người có uy tín; Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi hội phụ nữ thôn, Y tế thôn, bản (mỗi đơn vị huyện 10 đại biểu). Các chuyên đề tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Xây dựng Hương ước, Quy ước; Tiêu chuẩn làng văn hóa, gia đình văn hóa vùng dân tộc thiểu số; Nội dung của Luật Bình đẳng giới; Tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Nội dung của Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Kỹ năng tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức về pháp luật trợ giúp pháp lý trong vùng đồng bào DTTS&MN.
Các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố đã tích cực triển khai các nhiệm vụ của Đề án như khảo sát, đánh giá thực trạng và kết quả thực hiện; tổ chức lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS trong hôn nhân, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm tuyên truyền về hôn nhân và phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; xây dựng, triển khai, nhân rộng mô hình điểm đối với địa bàn vùng DTTS có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, lễ hội... Tổ chức hội nghị tuyên truyền, thực hiện Đề án cho các đại biểu là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn. Kết quả năm 2022 giải ngân được 188 triệu đồng, đạt 61% so với kế hoạch vốn giao cho phần tuyên truyền.
Để tiếp tục triển khai Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, giai đoạn 2021 - 2025, Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã chọn xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình để triển khai mô hình điểm. Đây là xã có đông đồng bào Dao sinh sống, trong giai đoạn 2016 - 2020, xã Ái Quốc vẫn còn 6 cặp tảo hôn; 1 cặp kết hôn cận huyết thống. Mục tiêu của mô hình điểm là phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn xã Ái Quốc không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nâng cao nhận thức và kỹ năng về phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho các đoàn viên, thanh niên, học sinh nam, nữ là người DTTS đang trong độ tuổi chuẩn bị kết hôn trên địa bàn xã Ái Quốc thông qua tư vấn và khám sức khỏe; 100% cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, văn hóa - xã hội, người có uy tín trong đồng bào DTTS và cộng tác viên các câu lạc bộ được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS...
Các hoạt động cụ thể của mô hình điểm gồm: Hoạt động truyền thông; hoạt động vận động, tư vấn pháp luật về hôn nhân và gia đình và hoạt động can thiệp, triển khai mô hình. Cụ thể là biên soạn, cung cấp tài liệu và tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động, tư vấn pháp luật, đối thoại chính sách về hôn nhân và gia đình tại địa bàn đồng bào DTTS; tổ chức tập huấn, xây dựng các tiểu phẩm, ấn phẩm, tờ rơi, pa nô, áp phích,... để quảng bá, tuyên truyền; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, hội thảo, hội thi, tọa đàm, giao lưu văn hóa, văn nghệ; tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt văn hóa, họp thôn; tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của đồng bào các DTTS.
Năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 tỉnh Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung. Đây cũng là năm có ý nghĩa quan trọng tạo đà cho việc bứt tốc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Vì vậy, bên cạnh việc tập trung các nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh công tác dân tộc trên mọi lĩnh vực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của giai đoạn, hạn chế, từng bước loại bỏ vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực con người, tạo động lực cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển toàn diện, nhất là kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN./.
Thu Hiền