Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may trước quy định kiểm tra và chấp nhận hàng hóa của Trung Quốc

19/10/2023 - 07:01 AM
Với mục tiêu chuẩn hóa việc chấp nhận kết quả kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, ngày 20/9/2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh số 259 quy định các biện pháp hành chính đối với việc kiểm tra và chấp nhận hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Theo đó, Lệnh số 259 của Trung Quốc yêu cầu các đơn vị, tổ chức nước ngoài đang tham gia giám sát, cấp chứng nhận các tiêu chuẩn cho nông sản, hàng hóa của nước xuất khẩu phải có đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, để kết quả giám sát, chứng nhận này được sử dụng khi làm thủ tục thông quan. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng yêu cầu cao đối với sản phẩm nhập khẩu, việc thực thi Lệnh 259 có thể gây áp lực với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nói riêng trong việc lựa chọn, tìm kiếm và kiểm tra xem đơn vị giám sát có nằm trong danh sách đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc hay không.

 
Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may sang Trung Quốc trước quy định của Lệnh số 259
Bộ Công thương hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nói riêng
thực hiện lệnh 259, tạo thuận lợi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm dệt may xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc thông qua biện pháp giám định chất lượng được quy định tại Lệnh số 259, Bộ Công thương thực hiện nghiên cứu, xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm dệt may xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Theo đó, ngày 09/10/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 7006/BCT-KHCN đề nghị các Tổ chức đánh giá sự phù hợp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng phương án tổ chức triển khai Lệnh số 259.

Trong nhiều năm, Trung Quốc duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN và là đối tác lớn thứ 6 trên thế giới. Trung Quốc cũng là một trong 5 thị trường xuất khẩu chính của hàng dệt may Việt Nam bên cạnh Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và xơ, sợi dệt các loại sang thị trường Trung Quốc khoảng 3,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm của Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, xơ sợi sang Trung Quốc trong tháng 9/2023 đạt 282 triệu USD, tăng 12% so với tháng 9/2022 và chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Lũy kế 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, xơ sợi sang Trung Quốc đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng công nghiệp này.

Trước đó, ngày 11/9/2023, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong trao đổi thương mại, duy trì ổn định xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc, góp phần ổn định kim ngạch ngoại thương của Việt Nam./.

 
Thu Hiền

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top