Hòa Bình: Phát huy hiệu quả các chính sách dân tộc

19/12/2023 - 09:43 AM

Những năm qua, tỉnh Hòa Bình luôn được coi là một trong những “điểm sáng” về thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong khu vực và cả nước. Đặc biệt, với sự tham mưu, hướng dẫn kịp thời của Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, các địa phương đã đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình, dự án trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ vậy, kinh tế xã hội khu vực vùng DTTS có sự chuyển biến mạnh mẽ, chất lượng cuộc sống của đồng bào được nâng lên rõ nét.

Nâng cao chất lượng tham mưu

Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hoàng Thị Hạnh thăm và động viên
các mô hình phát triển kinh tế tại huyện Tân Lạc

Hòa Bình là 1 trong 10 tỉnh có tỷ lệ đồng bào DTTS cao, chiếm tới 74,43% dân số (gồm các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông), sinh sống tại 145/151 xã, phường, thị trấn. Vì vậy, đầu tư phát triển toàn diện kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS được Hòa Bình xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong nhiệm kỳ 2020-2025. Để tạo sự chuyển biến cho khu vực đồng bào DTTS, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thực hiện tốt việc tham mưu cho UBND Tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách về công tác dân tộc, đồng thời hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc. Cụ thể, Ban đã tham mưu trình UBND Tỉnh phân bổ nguồn vốn sự nghiệp, nguồn vốn đầu tư phát triển từ nguồn của Chương trình trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; tổng hợp đề xuất của UBND các huyện, thành phố, đề xuất UBND tỉnh xem xét, phê duyệt điều chỉnh chi tiết kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương năm 2023…

Bên cạnh đó, Ban thường xuyên đôn đốc các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ tổ chức triển khai và giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh nguồn vốn kế hoạch năm 2022 chuyển thực hiện năm 2023 và nguồn vốn kế hoạch năm 2023; tổ chức rà soát danh mục dự án, công trình sử dụng vốn đầu tư của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tại các huyện Mai Châu, Đà Bắc, Cao Phong…

Mô hình “Nuôi cá lồng và chế biến thủy sản” của người dân
xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc đem lại hiệu quả kinh tế cao

Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn do các văn bản hướng dẫn từ Trung ương còn chưa cụ thể. Vì vậy, Ban Dân tộc tỉnh thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt những vướng mắc ở cơ sở từ đó kịp thời tham mưu UBND tháo gỡ hoặc tổng hợp trình Chính phủ, các bộ, ngành liên quan hướng dẫn triển khai các dự án thành phần. Đơn cử như trong năm 2023, Ban đã đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương về nội dung mua sắm thiết bị cho các Trung tâm GDNN – GDTX, thống nhất phương án triển khai thực hiện Dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn huyện Đà Bắc, bổ sung đối tượng thụ hưởng Tiểu dự án 1 của Dự án 5, điều chỉnh nội dung hỗ trợ Tiểu Dự án 2 của Dự án 3… 

Với sự chủ động trong thực hiện của các cấp ngành, địa phương, cùng với những tháo gỡ khó khăn kịp thời, kết quả thực hiện giải ngân Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tính đến ngày 20/11/2023, giải ngân được 458.019 triệu đồng, đạt 37,02% so với kế hoạch giao, trong đó: Nguồn vốn đầu tư giải ngân được 306.335 triệu đồng, đạt 48,19% so với kế hoạch giao; nguồn vốn sự nghiệp giải ngân được 151.684 triệu đồng, đạt 25,22% so với kế hoạch giao.

Những chuyển biến tích cực

Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong 2 năm qua, Hòa Bình triển khai được nhiều dự án xây dựng hạ tầng, cơ sở thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, trường học, y tế; chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo nghề, mở rộng việc làm cho lao động người DTTS. Từ đó, diện mạo vùng DTTS và miền núi có nhiều thay đổi, đời sống của đồng bào có nhiều cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Cụ thể, tỷ lệ giảm nghèo vùng DTTS giai đoạn 2021-2023 của Hòa Bình là 2,93%/năm, đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (giảm trong khoảng từ 2,5-3,0%/năm).

Công trình cứng hóa đường nội xóm Tân Sơn, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc. Ảnh: Thanh Hải 

Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công và các đối tượng chính sách được quan tâm thực hiện; chất lượng sự nghiệp y tế, giáo dục tiếp tục có sự chuyển biến, đồng bào dân tộc được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản, người nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí; giá trị văn hoá các dân tộc tiếp tục được quan tâm, bảo tồn và phát huy; năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ vùng đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao…

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh sẽ có 06 xã thoát khỏi diện ĐBKK và được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nâng tổng số xã ĐBKK thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn và được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023 là 14/59 xã. Trong số xã ĐBKK về đích nông thôn mới năm nay, xã Độc Lập (thành phố Hòa Bình) là một trường hợp “đặc biệt”. Bởi, trước đó một năm, Độc Lập mới đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới, còn đến 10 tiêu chí chưa đạt. Song với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, xã Độc Lập được thành phố Hòa Bình tập trung đầu tư để tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng như mở đường, cứng hóa giao thông nông thôn, công trình nước sạch, hệ thống chiếu sáng…Người dân cũng sẵn sàng hiến đất, góp công sức cùng chính quyền xây dựng các công trình giao thông, phúc lợi…

Bên cạnh đó, từ nguồn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Xã đã triển khai các Dự án hỗ trợ sản xuất như: Chăn nuôi dê, bò, trồng rau sạch; tạo điều kiện, hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng; mở các lớp đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm… qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Chỉ chưa tròn một năm, Độc Lập giờ đã khác rất nhiều. Điện, đường, trường, trạm, chợ, nhà văn hóa… được đầu tư đồng bộ, khang trang. Cái khó, cái nghèo đã được đẩy lùi, người dân cùng giúp nhau vươn lên làm giàu. Những đổi thay trên địa bàn xã Độc Lập đã khẳng định các chính sách cho vùng đồng bào, chính sách dân tộc đã đi vào cuộc sống.

Mô hình trồng bí xanh đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã Độc Lập, TP Hòa Bình

Phát huy những thành tích đã đạt được, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, quản lý, điều hành, hướng dẫn và đôn đốc tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh, phấn đấu tiếp tục duy trì tỷ lệ hộ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS bình quân từ 2,5 - 3%/năm; đối với các xã ĐBKK bình quân từ 4 - 4,5%, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng, củng cố, tăng cường khối Đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước./.

Trịnh Long

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top