Một số nét về sản xuất nông, lâm nghiệp tỉnh Bình Định năm 2023

05/01/2024 - 07:49 AM
Những phân tích đánh giá của Cục Thống kê tỉnh Bình Định về tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh năm 2023 cho thấy, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2023 đã duy trì mức tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ. Bên cạnh những thuận lợi, tình hình sản xuất cũng gặp rất nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường, giá cả nhiên nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.

Về Nông nghiệp

Ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người nông dân; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến có hiệu quả. Tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ, các giải pháp nhằm tăng hiệu suất sử dụng phân bón. Phát triển các chương trình cánh đồng lớn, các dự án liên kết sản xuất lúa giống, nâng cao hiệu quả gieo trồng và thu hoạch các loại cây hàng năm.

Đối với trồng trọt

Cây hàng năm: Năm 2023, sản xuất vụ Đông Xuân gặp khó khăn do đầu vụ có các đợt mưa lớn kéo dài, gây thiệt hại diện tích lúa và cây trồng cạn mới gieo trồng, nhưng các địa phương tập trung chủ động khắc phục; giá các loại vật tư nông nghiệp ở mức cao. Sản xuất vụ Hè Thu và vụ Mùa trong điều kiện lượng nước tương đối dồi dào tại các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, đủ cung cấp nước cho cây trồng suốt mùa vụ nên cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường; thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với việc triển khai thực hiện đề án chuyển đổi cây trồng trên đất sản xuất 3 vụ lúa/năm sang cây trồng khác có hiệu quả hơn.

Diện tích gieo trồng cây hàng năm 2023 ước đạt 154.274,6 ha, tăng 0,2% (+378,4 ha) so với cùng kỳ. Trong đó, tổng diện tích lúa năm 2023 ước đạt 92.757 ha, giảm 1,8% (-1.746,9 ha) so với năm 2022: vụ Đông Xuân đạt 46.881,6 ha, giảm 1,5% (-722 ha) so với cùng kỳ; vụ Hè Thu đạt 41.545,4 ha, giảm 2,6% (-1.103,8 ha) so cùng kỳ; vụ Mùa đạt 4.330 ha, tăng 1,9% (+78,9 ha) so với cùng kỳ; diện tích cây trồng cạn đạt 61.517,6 ha, tăng 3,6% (+2.125,3 ha) so với cùng kỳ.

Năng suất gieo trồng lúa bình quân cả năm ước đạt 68,9 tạ/ha, tăng 3% (+2 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm đạt năng suất lúa cao nhất từ trước đến nay. Sản lượng lúa cả năm ước đạt 638.840,3 tấn, tăng 1,1% (+6.874,6 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Từ năm 2021-2023, cơ cấu sản lượng lúa vụ Đông Xuân và Hè Thu trong các năm tương đối ổn định, riêng vụ Mùa có xu hướng ngày càng giảm (năm 2021 chiếm 4,7%, năm 2022 chiếm 3,1% và năm 2023 chỉ chiếm 3,1%). Điều này thể hiện đúng quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh về việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ cây trồng.

Ước tính sản lượng một số cây trồng cạn năm 2023 so cùng kỳ: Ngô đạt 54.316,7 tấn, tăng 5,7% (+2.949,5 tấn); sắn đạt 270.984,9 tấn, giảm 0,8% (-2.301,4 tấn); lạc đạt 43.683,3 tấn, tăng 11,5% (+4.506 tấn); vừng đạt 2.784,7 tấn, tăng 2,3% (+61,4 tấn); rau các loại đạt 306.036,3 tấn, tăng 7,3% (+20.845 tấn); đậu các loại đạt 3.234,7 tấn, giảm 7,1% (-245,6 tấn).

Cây lâu năm: Với chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, năm 2023, Tỉnh đã tập trung vào phát triển cây ăn quả với các loại cây chủ lực như: Quýt, bưởi da xanh, bơ, chè và dừa xiêm tạo sự chuyển biến tích cực và phát triển bền vững, nhất là huyện Hoài Ân phát triển mạnh cây bưởi da xanh, dừa xiêm; huyện Tây Sơn phát triển cây quýt; huyện An Lão và Hoài Ân phát triển cây cam; cây đinh lăng ở Phù Cát và Tây Sơn. Trong năm 2023, ngành Nông nghiệp cùng các đơn vị liên quan đang từng bước chuyển giao cho nông dân tiếp cận kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi theo tiêu chuẩn VietGap để tăng năng suất, tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng và tăng hiệu quả kinh tế, liên kết tạo nguồn đầu ra ổn định, tạo lòng tin cho nông dân yên tâm sản xuất.

Nhìn chung, sản phẩm cây lâu năm tại Bình Định chưa mang tính hàng hóa, chủ yếu trồng phân tán, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, nông dân ở địa phương chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến đầu tư chăm sóc cây trồng nên năng suất chất lượng đạt thấp, thị trường tiêu thụ chậm. Ngoài ra, các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây lâu năm còn chậm, chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư, chưa mặn mà tham gia thực hiện các chuỗi liên kết. Giá đầu ra sản phẩm không ổn định dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao, đặc biệt là giá tiêu, điều đang ở mức thấp.

Theo kết quả điều tra sơ bộ, tổng diện tích cây lâu năm 2023 đạt 17.979,5 ha, giảm 7,9% (-1.544,3 ha) so cùng kỳ; trong đó, cây ăn quả đạt 5.165,7 ha, giảm 6,2% (-340,6 ha), cây công nghiệp đạt 11.912,1 ha, giảm 9,6% (-1.258,3 ha) so với cùng kỳ. Diện tích cây công nghiệp giảm mạnh chủ yếu giảm ở cây điều và cây dừa. Nguyên nhân giảm mạnh vì trong năm 2023, các chương trình xây dựng trọng điểm như đường Cao tốc qua địa phận Bình Định và các chương trình xây dựng nông thôn. Bên cạnh đó, một phần diện tích được chuyển sang trồng cây lâm nghiệp tại huyện Vĩnh Thạnh và cây lạc tại huyện Phù Cát.

Đối với chăn nuôi

Bình Định là một trong những tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; đóng góp của ngành chăn nuôi ngày càng có vị trí quan trọng trong việc phát triển ngành nông nghiệp của địa phương.

Trong năm 2023, toàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Do đó, kết quả chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh đạt được mức tăng trưởng khá. Cụ thể: chăn nuôi trâu, bò không có biến động lớn; chăn nuôi lợn có kết quả sản xuất tích cực; chăn nuôi gia cầm tiếp tục tăng. Về quy mô tổng đàn, chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ có giảm, tuy nhiên, chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại và doanh nghiệp thì vẫn đang được duy trì và phát triển tốt nhờ những ưu thế do quy trình sản xuất khép kín, chi phí chăn nuôi thấp hơn, cơ chế phòng chống dịch bệnh tốt. 

Nhìn chung, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, công tác tái đàn tiếp tục được đẩy mạnh, số lượng gia súc, gia cầm tăng dần lên.

Số lượng đàn trâu ước đạt 15.202 con, giảm 7% (-1.137 con) so cùng kỳ. Số lượng đàn bò đạt 308.626 con, tăng 1,1% (+3.235 con) so cùng kỳ; bò sữa có 2.317 con, giảm 3,1% (-74 con). Đàn lợn (không kể lợn con chưa tách mẹ) đạt 686.236 con, tăng 4,8% (+31.141 con) so với cùng kỳ. Đàn gia cầm 10.065 nghìn con, tăng 5,3% (+508,2 nghìn con) so với cùng kỳ; Trong đó, đàn gà 8.485,6 nghìn con, tăng 8,2% (+640,4 nghìn con).

Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng năm 2023 ước đạt 1.590 tấn, giảm 7,5% (-128 tấn) so cùng kỳ. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 38.247,5 tấn, tăng 4% (+1.483,8 tấn); Sản lượng sữa đạt 11.566,8 tấn, giảm 1,8% (-206,6 tấn). Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 137.663 tấn, tăng 5,7% (+7.456 tấn). Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 28.381,1 tấn, tăng 5,4% (+1.441,7 tấn); Trong đó, thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 24.190,8 tấn, tăng 11,6% (+2.518,6 tấn).

Lâm nghiệp

Tình hình sản xuất lâm nghiệp trong tỉnh năm 2023, tiếp tục đà ổn định, khai thác gỗ rừng trồng có xu hướng giảm nhẹ do giá cả giảm (-400 nghìn đồng/tấn); diện tích rừng trồng và rừng được quản lý chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh toàn tỉnh ổn định. Công tác bảo vệ phòng cháy, chữa cháy rừng được lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm, nên tình trạng cháy rừng; nạn phá rừng, khai thác gỗ trái phép vẫn còn xảy ra nhưng giảm đáng kể so với cùng kỳ.

Năm 2023, toàn Tỉnh trồng mới ước đạt 20.136 ha rừng tập trung, tăng 0,6% (+118,5 ha) so với cùng kỳ. Diện tích rừng trồng được chăm sóc đạt 43.566 ha, tăng 1% (+451,2 ha) so với cùng kỳ. Nhìn chung các khu rừng được chăm sóc bảo vệ cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ trong năm 2023 được 155.754,7 ha, giảm 5,1% (-8.401,3 ha) so với cùng kỳ; Diện tích rừng thực hiện khoán khoanh nuôi tái sinh đạt 377,8 ha, bằng cùng kỳ.

Trên địa bàn Tỉnh tổng số diện tích rừng khai thác ước đạt 15.000 ha với sản lượng khai thác đạt 1.653.890 m3, tăng 2,2% (+36.184 m3) so với cùng kỳ (Trung bình một ha khai thác đạt 110,3 m3/ha sau 5-7 năm). Bình quân thời kỳ 2021-2023, trung bình mỗi năm tăng 5,2%/ năm.

Sản lượng củi khai thác năm 2023 ước đạt 554.286,7 ster, giảm 99,8 ster so cùng kỳ. Mức tăng bình quân thời kỳ 2021-2023 là 0,5%/năm. Lượng củi khai thác chủ yếu các cành rừng trồng, khai thác củi từ cành cây trong công đoạn chăm sóc tỉa cây, tăng là do lượng gỗ khai thác nhiều, nên người dân tranh thủ đem về làm chất đốt cho gia đình.

Từ đầu năm đến nay, số vụ cháy rừng xảy ra 6 vụ, tăng 6 vụ so với cùng kỳ; diện tích rừng bị cháy 23,8 ha, tăng 23,8 ha so với cùng kỳ.

Trong năm 2023, số vụ phá rừng xảy ra 31 vụ phá rừng, tăng 3 vụ so với cùng kỳ; diện tích bị phá là 7,9 ha, giảm 0,7 ha so với cùng kỳ năm trước./.

 
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Định
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top