Kế hoạch vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2024 là 26.108,94 tỷ đồng, bao gồm các nguồn như sau: Vốn ngân sách nhà nước: 6.937,69 tỷ đồng; Vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước và Trung ương đầu tư trên địa bàn: 5.200,75 tỷ đồng; Các nguồn vốn khác như: Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước là 13.970,50 tỷ đồng.
Ước tính tháng 02/2024, vốn đầu tư thực hiện được 1.756,20 tỷ đồng, bằng 93,19% so với tháng trước và bằng 112,60% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: Vốn ngân sách nhà nước thực hiện được 375,90 tỷ đồng; vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước và Trung ương đầu tư trên địa bàn thực hiện được 330,10 tỷ đồng; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước có khối lượng thực hiện được 1.050,20 tỷ đồng. Nguyên nhân vốn ngân sách giảm so với tháng trước là do trong tháng này hầu hết các doanh nghiệp, các công trình dự án đều ngưng hoạt động trên dưới 7 ngày để đón Tết Nguyên đán năm 2024 nên làm cho vốn đầu tư phát triển không tăng.
Ước tính 02 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh thực hiện được 3.640,75 tỷ đồng, bằng 109,15% so với cùng kỳ năm trước và đạt 13,94% so với kế hoạch năm. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước thực hiện được 779,79 tỷ đồng, bằng 142,75% so với cùng kỳ năm trước và đạt 11,24% so với kế hoạch năm; Vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước và Trung ương đầu tư trên địa bàn thực hiện được 720,36 tỷ đồng, bằng 186,53% so với cùng kỳ năm trước và đạt 13,85% so với kế hoạch năm; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước có khối lượng thực hiện được 2.140,60 tỷ đồng, bằng 89,08% so với cùng kỳ năm trước và đạt 15,32% so với kế hoạch năm.
Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 theo mục tiêu đề ra, các chủ đầu tư cần thực hiện một số giải pháp sau: Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm. Chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân vốn của dự án được giao kế hoạch năm 2024. Chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn năm 2023 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tỷ lệ giải ngân cao và có nhu cầu bổ sung vốn. Phối hợp với Trung tâm Phát triển Quỹ đất các cấp và các đơn vị có liên quan khẩn trương giải quyết kiến nghị của người dân bị ảnh hưởng để bàn giao mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công theo quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án, công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán,… đối với từng dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc phát sinh, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Cơ quan được giao nhiệm vụ lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải phối hợp chặt chẽ với địa phương nơi có đất thu hồi, bằng nhiều hình thức đẩy mạnh vận động, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai, bồi thường và hỗ trợ, tái định cư cũng như mục đích, ý nghĩa của dự án tới các đối tượng có đất bị thu hồi, trước hết là cán bộ, đảng viên, quần chúng gương mẫu nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong việc chấp hành chủ trương thu hồi đất của Nhà nước để kịp thời tạo quỹ đất sạch thực hiện triển khai dự án./.
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang