Kinh tế - xã hội Bến Tre 6 tháng đầu năm 2023 - một số điểm nhấn

19/07/2023 - 08:50 AM
Với mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động, quyết liệt vào cuộc ngay từ đầu năm, tích cực tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực quản lý. Qua đó, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm của Bến Tre đạt được một số kết quả trên các lĩnh vực.

Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Bến Tre cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Bến Tre ước tính tăng 3,40% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 2,82%, đóng góp 0,98 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tính tăng 5,99%, đóng góp 1,15 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ ước tính tăng 2,96%, đóng góp 1,25 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tính tăng 0,43%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.

Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Trong 6 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Người trồng lúa trên địa bàn tỉnh tập trung thu hoạch vụ lúa mùa, đông xuân với tổng diện tích 6.229 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 6,90, sản lượng lúa toàn tỉnh trong năm thu hoạch ước đạt 26.595 tấn, tăng 8,58% so cùng kỳ. Diện tích rau các loại ước là 2.341 ha, giảm 1,22%, sản lượng ước đạt 37.942 tấn, tăng 0,92%. Diện tích dừa toàn tỉnh hiện có khoảng 78.229 ha, tăng 1,26%, sản lượng đạt 352.545 tấn, tăng 4,8% so năm trước. Hiện toàn tỉnh có 25.135 ha cây ăn quả, giảm 4,65%, tổng sản lượng trái cây các loại đạt 163.833 tấn, giảm 1,09% so cùng kỳ. Chăn nuôi bò tiếp tục phát triển ổn định, chăn nuôi lợn có chuyển biến tốt; so với cùng kỳ, chăn nuôi gia cầm có dấu hiệu chững lại do chi phí chăn nuôi tăng ở mức cao. Tổng đàn bò tăng 1%, đàn lợn tăng 0,29%, tổng đàn gà vịt ngan ngỗng giảm 3,94%. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 16.038 tấn, tăng 3,50%; thịt lợn hơi xuất chuồng trong ước đạt 36.820 tấn, tăng 2,27%, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước 19.694 tấn, giảm 5,03% so với cùng kỳ.

 
Một số điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội Bến Tre 6 tháng đầu năm 2023
Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Bến Tre giữ được tăng trưởng

Diện tích rừng trồng mới trong 6 tháng đầu năm 2022 chưa phát sinh. Sản lượng gỗ khai thác ước là 1.645 m3, so cùng kỳ tăng 2,75%; củi khai thác 12.557 ste, so cùng kỳ giảm 0,77%. Tình trạng cháy rừng không xảy ra, nhưng phát sinh 01 trường hợp chặt phá và lấn chiếm đất rừng trái phép so cùng kỳ năm trước giảm 02 vụ, ngành chức năng đã ra quyết định xử phạt và cam kết không tái phạm.

Tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và có bước phát triển. Tổng sản lượng thủy sản nuôi thu hoạch ước đạt 149.413 tấn, tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó sản lượng cá tra thâm canh ước đạt 58.070 tấn, giảm 2,99% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng tôm nuôi thu hoạch trong năm ước đạt 69.840 tấn, so cùng kỳ tăng 9,31%. Sản lượng nuôi tăng cao là do người dân áp dụng công nghệ mới hiệu quả, nâng cao năng suất nuôi trồng nhất là áp dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thả mật độ rất cao. Tuy nhiên, khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu khai thác liên tục biến động; và đang ở mức cao làm cho chi phí mỗi chuyến ra khơi của người dân ngày một tăng, nguồn lợi thủy sản ngày càng ít dần. Tổng sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 117.979 tấn, tăng 0,61% so với cùng kỳ năm trước.

Về sản xuất công nghiệp

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 3,98% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành khai khoáng tăng 2,25%; ngành chế biến, chế tạo tăng 3,83%; ngành phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 9,19%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,51%.

Một số sản phẩm chủ yếu của tỉnh tăng so cùng kỳ năm trước: Cá phi lê tăng 2,78%; Bia đóng lon tăng 2,96%; Thuốc lá có đầu lọc tăng 9,50; uần áo thể thao tăng 29,61%; Túi xách tăng 1,05%; giấy và bìa khác tăng 4,46%; điện thương phẩm tăng 2,25%; phân phối nước tăng 3,22%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm như: C
ơm dừa nạo sấy giảm 1,90%; Giày, dép giảm 13,51%; Thùng hộp bằng bìa cứng giảm 11,94%; Bộ dây điện dùng cho xe hơi giảm 2,60%...

Chỉ số sử dụng lao động (chỉ tính cho khu vực doanh nghiệp) giảm 1,38% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ 6 tháng đầu năm giảm 24,58% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho tháng 6/2023 tăng 22,47% so cùng kỳ năm trước.

Theo kết quả khảo sát về tình hình sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp ngành chế biến chế tạo, trong quý II/2023 so quý trước, có 26,32% số doanh nghiệp có tham gia khảo sát nhận định tình hình tốt lên và 50% doanh nghiệp giữ nguyên và 23,68% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Dự báo trong quý III/2023 so với quý trước, có 39,48% doanh nghiệp dự báo sẽ tốt lên, 52,63% giữ nguyên và có 7,89% doanh nghiệp nhận định tình hình khó khăn hơn.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm chưa đạt được kết quả như mong đợi về số lượng doanh nghiệp đăng ký và kể cả vốn đăng ký, cụ thể: Có 283 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký là 2.480,5 tỷ đồng, giảm 13,19% về số lượng doanh nghiệp đăng ký và giảm 13,45% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 28,88% về số lượng doanh nghiệp so với kế hoạch năm 2023 (980). Có 155 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, giảm 2 doanh nghiệp so cùng kỳ; 43 doanh nghiệp giải thể, giảm 07 doanh nghiệp so cùng kỳ.

Về thương mại và dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tỉnh Bến Tre ước đạt 31.312 tỷ đồng, tăng 8,07% so cùng kỳ và đạt 50,5% kế hoạch. Khối lượng vận chuyển hàng hóa 6 tháng đầu năm ước là 3.912 nghìn tấn, tăng 8,94% so cùng kỳ, hàng hóa luân chuyển 606 triệu tấn.km, tăng 5,26%. Vận tải hành khách 5.785 nghìn hành khách, tăng 11,93% so cùng kỳ, hành khách luân chuyển 393,5 triệu HK.km, tăng 11,29%. Hoạt động du lịch đang phục hồi tốt; công tác quản lý Nhà nước về du lịch luôn được tăng cường. Ước 6 tháng đầu năm, tổng khách du lịch lữ hành là 423.081 lượt khách gấp 3 lần so cùng kỳ, doanh thu du lịch lữ hành ước 60,32 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước.

Tài chính, ngân hàng

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.815 tỷ đồng, đạt 52,25% dự toán Trung ương giao và 50,65% dự toán địa phương phấn đấu, tăng 0,65% so cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 2.750 tỷ đồng, đạt 52,3% dự toán Trung ương giao và 50,66% địa phương phấn đấu, tăng 0,06% so cùng kỳ. Có 10/18 khoản thu, sắc thuế thu đạt và vượt tiến độ dự toán. Ước tổng chi ngân sách địa phương 5.622,7 tỷ đồng, đạt 44,33% dự toán Trung ương giao và 43,75% dự toán địa phương phấn đấu, tăng 21,86% so cùng kỳ; trong đó chi thường xuyên đạt 41,50% và chi đầu tư phát triển đạt 50,06% dự toán.

Hoạt động ngân hàng trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục phát triển an toàn, ổn định. Nguồn vốn huy động, dư nợ tín dụng tăng trưởng tích cực ngay từ đầu năm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế địa phương. Ước đến cuối tháng 6 năm 2023, tổng nguồn vốn huy động đạt 54.770 tỷ đồng, tăng 8,3% so đầu năm; tổng số tiền cho vay đạt 45.320 tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ năm 2022; dư nợ đạt 58.350 tỷ đồng, tăng 4,5% so đầu năm; nợ xấu chiếm khoảng 1,2% tổng dư nợ.

Một số lĩnh vực xã hội

Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyên truyền đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được thực hiện thường xuyên, bằng nhiều hình thức. Tư vấn việc làm, nghề nghiệp cho 16.000 lượt người, tổ chức 25 phiên giao dịch việc làm. Qua đó, có 12.715 người được giải quyết việc làm (trong đó có 459/1.248 người lao động ngoài tỉnh trở về địa phương tìm được việc làm mới), đạt 63,58% kế hoạch năm.

Tỉnh đã tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo theo quy định, hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai xây dựng mô hình giảm nghèo; khởi công xây dựng 70 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các xã bãi ngang ven biển; cấp thẻ BHYT cho 30.760 người nghèo, 28.743 người cận nghèo và 157.035 người tại các xã bãi ngang ven biển, kinh phí 189 tỷ đồng. Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 1.471 lượt hộ cận nghèo, 1.015 lượt hộ nghèo, 714 lượt hộ mới thoát nghèo, 1.014 lượt hộ hoạt động kinh tế vùng khó khăn.

Quy mô mạng lưới trường, lớp, học sinh được duy trì ổn định; các cơ sở giáo dục đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2022 - 2023. Chất lượng giáo dục các cấp học tiếp tục được duy trì và giữ vững, đã tổ chức tốt thi học kỳ II theo đúng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện tổng kết năm học. Tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Các biện pháp phòng chống dịch bệnh, giám sát dịch tễ, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh được tăng cường thực hiện, nhìn chung phần lớn các bệnh truyền nhiễm tăng nhưng không đáng kể so cùng kỳ. Tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ; tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19. Công tác thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm được tăng cường, trong 6 tháng đầu năm không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Công tác khám và điều trị bệnh cho người dân được duy trì thực hiện tốt, công suất sử dụng giường bệnh toàn tỉnh đạt 61,2% tăng 19,2% so cùng kỳ. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và hoàn thiện. Tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 92,46% dân số.

Để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, một số giải pháp đặt ra với Bến Tre đó là: Tập trung vận động, hỗ trợ phát triển nhanh diện tích nuôi tôm công nghệ cao, đạt ít nhất 500 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong năm 2023. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; triển khai thực hiện có hiệu quả việc xây dựng các vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt bệnh lở mồm long móng trên đàn bò và Dịch tả lợn Châu Phi. Theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định và phát triển. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại thị trường trong và ngoài nước. Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại trên các sàn thương mại điện tử. Hệ thống ngân hàng triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng./.

Thu Hiền

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top