Nâng cao năng suất lao động – chìa khóa để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững

28/11/2023 - 08:50 AM
Trong những năm qua, năng suất lao động của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể, cả về giá trị và tốc độ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt giữa các nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động là chìa khóa để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045

Năng suất lao động (NSLĐ) là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp, có ý nghĩa quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Tăng năng suất lao động là mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến để thoát khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành nước công nghiệp hiện đại. Ý nghĩa của tăng năng suất lao động đối với tăng trưởng kinh tế càng trở nên quan trọng hơn khi các yếu tố đầu vào như vốn, đất đai, tài nguyên trở nên khan hiếm, nguồn lao động đang bị ảnh hưởng do xu thế già hóa dân số trong tương lai.

Trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao NSLĐ, nhờ đó NSLĐ đã có những cải thiện đáng kể cả về giá trị và tốc độ. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, NSLĐ của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 150,1 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 6.466 USD/lao động), gấp 2,1 lần năm 2011 (70 triệu đồng/lao động). Trong 2 năm 2021, 2022 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng NSLĐ của Việt Nam tăng đột biến lên lần lượt là 172,8 triệu đồng/lao động (cao hơn 22,7 triệu đồng/lao động so với năm 2020) và 188 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021).

Trong giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm tốc độ tăng NSLĐ toàn nền kinh tế đạt 4,53%. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng NSLĐ từ năm 2016 đến năm 2019 đều đạt trên 6%, trong đó năm 2019 đạt tốc độ tăng cao nhất (6,62%). Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tốc độ tăng NSLĐ chậm lại nhưng vẫn đạt gần 5%. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam đạt 6,05%, cao hơn tốc độ tăng bình quân của giai đoạn 2011-2015 là 1,52 điểm phần trăm và vượt mục tiêu tăng NSLĐ bình quân hằng năm đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Giai đoạn 2016-2020: tốc độ tăng NSLĐ bình quân hằng năm cao hơn 5,5%”.

Tính cả giai đoạn 2011-2020, bình quân mỗi năm tốc độ tăng NSLĐ của toàn nền kinh tế đạt 5,29%. Đây là kết quả thể hiện thành công đáng ghi nhận của Việt Nam trong nỗ lực phấn đấu nâng cao NSLĐ. Sau giai đoạn này, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam giảm nhẹ, năm 2021 chỉ đạt 4,6%, năm 2022 cũng chỉ tăng 4,8% do kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
 
Hình 1: Năng suất lao động và tốc độ tăng năng suất lao động chung toàn nền kinh tế 
giai đoạn 2011-2020 

Nâng cao năng suất lao động – chìa khóa để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững

                                                                                                                  Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tính theo sức mua tương đương (PPP 2017), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân 5,4%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Ma-lai-xi-a (1,3%/năm); Hàn Quốc (1,5%/năm); Xin-ga-po (1,7%/năm); Thái Lan (2,2%/năm); In-đô-nê-xi-a (2,6%/năm); Phi-li-pin (3,5%/năm). Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với một số nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Nếu năm 2011 NSLĐ của Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin lần lượt gấp NSLĐ của Việt Nam 12,4 lần; 4,3 lần; 2,1 lần; 1,7 lần và 1,3 lần thì đến năm 2020 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 8,8 lần; 3 lần; 1,7 lần; 1,3 lần và 1,2 lần. So với một số nền kinh tế lớn của châu Á, khoảng cách tương đối về NSLĐ của Việt Nam so với Hàn Quốc giảm từ 6,1 lần xuống 4,3 lần; Nhật Bản từ 6,8 lần xuống 4,1 lần.

NSLĐ tính trên giờ làm việc thể hiện rõ ràng hơn về sự thay đổi NSLĐ trong nền kinh tế do kiểm soát tốt hơn tình trạng thiếu việc làm hiện phổ biến ở nhiều quốc gia đang phát triển. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của một lao động đang làm việc ở Việt Nam đã giảm dần từ 45,6 giờ trong năm 2011 xuống 41,9 giờ năm 2020. Theo giá hiện hành, NSLĐ trên mỗi giờ làm việc tăng từ 29 nghìn đồng năm 2011 lên 45,7 nghìn đồng năm 2016 và đạt 67,6 nghìn đồng năm 2020, gấp 2,3 lần năm 2011.

Theo giá so sánh, NSLĐ trên mỗi giờ làm việc năm 2020 tăng 75,8% so với năm 2011; bình quân giai đoạn 2011-2020 tăng 5,94%/năm, trong đó giai đoạn 2011-2015 tăng 5,17%/năm; giai đoạn 2016-2020 tăng 6,72%/năm.

Tốc độ tăng NSLĐ trên một giờ làm việc của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2019 cũng cao hơn hầu hết các nước ASEAN và trong khu vực. Theo số liệu của Tổ chức năng suất Châu Á, NSLĐ trên một giờ làm việc tính theo sức mua tương đương (PPP 2017) của Việt Nam giai đoạn 2011-2019 tăng bình quân 5,27%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Bru-nây (0,54%/năm); Ma-lai-xi-a (2,28%/năm); Lào (2,47%/năm); Xin-ga-po (2,69%/năm); Cam-pu-chia (2,99%)/năm); In-đô-nê-xi-a (3,43%/năm); Phi-li-pin (4,1%/năm); Thái Lan (4,52%/ năm); Mi-an-ma (5,72%/năm) và cao hơn Nhật Bản (0,95%/năm); Hàn Quốc (2,84%/năm); chỉ thấp hơn Ấn Độ (5,42%/năm); Trung Quốc (7,16%/năm).

Mặc dù đã có sự cải thiện nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp, tốc độ tăng NSLĐ chưa đủ nhanh để có thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác, chênh lệch tuyệt đối tiếp tục gia tăng. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tính theo PPP 2017, NSLĐ của Việt Nam năm 2020 đạt 18,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,3% mức năng suất của Xin-ga-po; 23% của Hàn Quốc; 24,4% của Nhật Bản; 33,1% của Ma-lai-xi-a; 59,1% của Thái Lan; 60,3% của Trung Quốc; 77% của In-đô-nê-xi-a và bằng 86,5% NSLĐ của Phi-li-pin. NSLĐ của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn NSLĐ của Cam-pu-chia (gấp 2,4 lần); My-an-ma (1,6 lần); Lào (gấp 1,2 lần).

Chênh lệch tuyệt đối mức NSLĐ (PPP 2017) của Xin-ga-po và Việt Nam tăng từ 130,4 nghìn USD năm 2011 lên 144,1 nghìn USD năm 2020; tương tự, của Hàn Quốc từ 58,8 nghìn USD lên 61,8 nghìn USD; Trung Quốc từ 6,1 nghìn USD lên 12,1 nghìn USD; Ấn Độ từ 1,3 nghìn USD lên 1,8 nghìn USD. Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải vượt qua để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước có trình độ phát triển hơn còn khá lớn.

Nếu tính NSLĐ trên một giờ làm việc theo PPP 2017, năm 2019 của Việt Nam chỉ bằng 8,99% mức năng suất của Xin-ga-po; 9,13% mức năng suất của Bru-nây; 23,21% của Malai-xi-a; 40,31% của Thái Lan; 49,31% của In-đô-nê-xi-a; 57,35% của Phi-li-pin; 99,51% của Lào. NSLĐ của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn NSLĐ của Campuchia (gấp 2 lần) và Mi-an-ma (gấp gần 1,6 lần). So với các nền kinh tế lớn của Châu Á, NSLĐ theo sức mua tương đương (tính theo PPP 2017) năm 2019 của Việt Nam chỉ bằng 13,12% Nhật Bản; 16,04% Hàn Quốc; 47,49% Trung Quốc và 77,76% Ấn Độ.

Thêm vào đó, theo Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), NSLĐ Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Ma-lai-xi-a 40 năm và Thái Lan 10 năm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến NSLĐ của Việt Nam còn ở mức thấp so với một số quốc gia trong khu vực, trong đó phải kể đến tiền lương tối thiểu, mức độ chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2011 tiền lương tối thiểu của Việt Nam là 76 USD/tháng/người, bằng 42,6% so với Thái Lan; 30,8% so với Phi-li-pin; 72% so với In-đô-nê-xi-a; 118% so với Cam-pu-chia; 170,8% so với Lào và rất thấp so với Nhật Bản (5%), Hàn Quốc (9%); Trung Quốc (71,7%). Đến năm 2019, tiền lương tối thiểu của Việt Nam là 181 USD/tháng/người, chỉ bằng 82,3% so với Thái Lan; 80,8% so với Phi-li-pin; 163,3% so với In-đô-nê-xi-a; 99,6% so với Cam-pu-chia; 143,1% so với Lào; 13,3% so với Nhật Bản; 12,1% so với Hàn Quốc; 83,5% so với Trung Quốc. Năm 2020, tiền lương tối thiểu của Việt Nam là 190 USD/tháng/người, bằng 81,3% so với Phi-li-pin; 14,1% so với Nhật Bản; 12,5% so với Hàn Quốc và 59,7% so với Trung Quốc. Như vậy, mặc dù sau 10 năm, tiền lương tối thiểu của Việt Nam đã tăng gấp gần 3 lần nhưng vẫn thuộc nhóm thấp so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên khoảng cách cũng đã có sự thu hẹp đáng kể như với Thái Lan tăng từ 42,6% năm 2011 lên 82,3% năm 2019; Phi-li-pin tăng từ 30,8% năm 2011 lên 81,3% năm 2020; Nhật Bản từ 5% lên 14,1%; Hàn Quốc từ 9% lên 12,5%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ các doanh nghiệp trong nước chi cho nghiên cứu và phát triển của Việt Nam cũng rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Năm 2011, chỉ có 0,19% số doanh nghiệp của Việt Nam có chi nghiên cứu và phát triển, trong khi tỷ lệ này của Thái Lan là 0,36%; Xin-ga-po là 2,07%; Phi-li-pin là 0,12%; Ma-lai-xi-a là 1,03%; Nhật Bản là 3,24%; Hàn Quốc là 3,74%; Trung Quốc là 1,78%; Ấn Độ là 0,76%. Đến năm 2017, tỷ lệ này của Việt Nam chỉ tăng lên 0,53% trong khi Thái Lan là 1%; Xin-ga-po là 1,94%; Nhật Bản là 3,21%; Hàn Quốc là 4,55%; Trung Quốc là 2,15%; Ấn Độ là 0,67%.

Các yếu tố khác dẫn đến NSLĐ Việt Nam còn thấp là cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý, hiện số lượng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn lớn. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò động lực phát triển, đồng thời dẫn dắt tăng NSLĐ của nền kinh tế nhưng tập trung cao ở những ngành tạo ra sản phẩm xuất khẩu dựa trên nền tảng công nghệ thấp và trung bình. Hơn nữa, phần lớn doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực về vốn hạn hẹp, khả năng đầu tư công nghệ hạn chế, kinh nghiệm quản lý sản xuất yếu và năng lực cạnh tranh thấp, chưa tham gia sâu, chưa kết nối được vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn, công ty đa quốc gia nên chưa tận dụng được tính lan tỏa của tri thức, công nghệ, năng lực quản trị và NSLĐ từ các tập đoàn, công ty đa quốc gia. Thêm vào đó, thị trường lao động nước ta chưa đáp ứng được các tiêu chí của thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập; trình độ tay nghề tương đối thấp, thiếu kỹ năng làm việc nên khả năng hội nhập của lao động Việt chưa cao.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt giữa các nền kinh tế, nâng cao NSLĐ là chìa khóa để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn, đưa kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững. Hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra là đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Để NSLĐ thực sự trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, ngày 08/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1305/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030.
 
Nâng cao năng suất lao động – chìa khóa để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững 1
Nâng cao năng suất lao động – chìa khóa để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững

Nhằm đạt được mục tiêu tốc độ tăng NSLĐ bình quân đạt trên 6,5%/năm, năm 2030 Việt Nam nằm trong nhóm 03 nước dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng NSLĐ, Chiến lược đã đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Trước hết, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo nền tảng ổn định, bền vững cho tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, hoàn thiện khung khổ pháp luật, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cả bên trong và bên ngoài nhằm cải thiện năng suất lao động. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động; thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển mạnh mẽ nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; thúc đẩy cơ cấu lại không gian kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành.

Việt Nam có nhiều tiềm năng để tăng NSLĐ, đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lao động cũng chuyển dịch khá mạnh mẽ từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; lực lượng lao động dồi dào; người lao động chịu khó, siêng năng, khéo léo, sáng tạo. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có nhiều đòn bẩy để tăng NSLĐ như: Công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã và đang diễn ra mạnh mẽ, nước ta tham gia và hoàn tất đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (trong đó có nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới) mang lại cơ hội hợp tác về vốn, về mô hình, phương thức quản lý mới, hiện đại và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong nước; dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tăng...

Khai thác tốt những tiềm năng, cơ hội trên cùng thực hiện đồng bộ các giải pháp đặt ra trong Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 sẽ giúp Việt Nam cải thiện và nâng cao năng suất lao động, thu hẹp khoảng cách về NLSĐ với các nước trong khu vực và thích ứng với xu thế toàn cầu./.

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top