Nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Bệ phóng để Việt Nam có thêm bước tiến dài

19/09/2023 - 04:51 PM
Trong 2 ngày 10-11/9/2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp Nhà nước Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là chuyến thăm mang tính lịch sử và đã đạt được nhiều kết quả lớn, tạo ra những cú huých làm bệ phóng để Việt Nam có thêm bước tiến dài, mạnh mẽ trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.

Chuyến thăm mang tính lịch sử

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thăm cấp Nhà nước Việt Nam trong 2 ngày 10-11/9/2023. Các chuyên gia trong và ngoài nước đều nhận định đây là chuyến thăm mang tính lịch sử.

Thứ nhất, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, tất cả các Tổng thống đương nhiệm ở Hoa Kỳ đều sang Việt Nam. Đây là điểm hiếm thấy trong quan hệ giữa Hoa Kỳ với bất cứ quốc gia nào mà không phải là đồng minh của Hoa Kỳ.

Thứ hai, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden lần này là chưa có tiền lệ, không chỉ với hai quốc gia mà là cả thế giới, bởi đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của một Tổng thống đương nhiệm tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định,“chuyến thăm vừa qua thể hiện Hoa Kỳ coi trọng thể chế chính trị của Việt Nam, coi trọng vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Lãnh đạo Việt Nam”.



Nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Bệ phóng để Việt Nam có thêm bước tiến dài
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden cùng Đoàn đại biểu cấp cao hai nước hội đàm
tại Trụ sở Trung ương Đảng ngày 10/9/2023

Thứ ba, trong gần 30 năm hai nước bình thường hóa quan hệ, lần đầu tiên cả Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam trong cùng một nhiệm kỳ.

Thứ tư, chuyến thăm của người đứng đầu Nhà Trắng đến Việt Nam diễn ra đúng dịp kỷ niệm 10 năm hai bên xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện (2013-2023).

Thứ năm, chuyến thăm này như một lời cam kết do chính Tổng thống Hoa Kỳ đưa ra rằng, nước Hoa Kỳ triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị ở Việt Nam, không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

“Sự hiểu biết lẫn nhau, hoàn cảnh của nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là những nguyên tắc cơ bản, luôn có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ hai nước và quan hệ quốc tế”.

Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Thứ sáu, kết quả lớn nhất, bao trùm nhất của chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden là việc nâng quan hệ hai nước lên tầng cao mới, từ quan hệ Đối tác Toàn diện lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Đây là mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia và chỉ có được khi quan hệ hai nước có nền tảng quan trọng là lòng tin ở nhau, xác định rõ ràng sẽ gắn bó lợi ích lâu dài với nhau, hỗ trợ nhau, thúc đẩy hợp tác sâu rộng và toàn diện vì lợi ích của nhau trên tất cả các lĩnh vực. Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện thể hiện “tư duy mới, tầm nhìn mới, động lực mới; tạo nên sức mạnh mới, giá trị mới”, sẽ mang lại cả những lợi ích lâu dài và trước mắt cho cả hai nước, có lợi cho nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định thế giới nói chung.

Việc xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ còn có những ý nghĩa vượt lên khuôn khổ quan hệ song phương. Mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai quốc gia không chỉ bao hàm trong quan hệ song phương, mà hàm ý quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ còn vì hòa bình, hợp tác phát triển của cả khu vực và thế giới. Từ mối quan hệ mới này sẽ kéo theo sự hợp tác giữa Hoa Kỳ với Việt Nam và với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và rộng ra với nhiều quốc gia, tổ chức khác. Điểm này là rất đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có những biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường.

Thứ bảy, việc xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững với Hoa Kỳ còn là cột mốc quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại của nước ta. Lần đầu tiên, Việt Nam có quan hệ từ cấp độ Đối tác chiến lược với toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (là Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Anh và Pháp), qua đó tạo khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với các đối tác quan trọng, góp phần củng cố thế đối ngoại vững chắc cho đất nước.
 
Những cú huých làm bệ phóng để Việt Nam có thêm bước tiến dài

Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ cả về kinh tế, chính trị, xã hội cũng như không ngừng phát triển, củng cố vai trò và uy tín trên trường quốc tế. Hiện Việt Nam là một nền kinh tế năng động có thị trường rộng lớn với hơn 100 triệu dân, lọt top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất thế giới và là bạn hàng lớn thứ 7 của Hoa Kỳ với hơn 130 tỷ USD trao đổi thương mại mỗi năm. Việt Nam đang ở một vị thế khác để có thể hợp tác bình đẳng, chia sẻ lợi ích giữa hai bên với Hoa Kỳ. Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện được xem như một cú huých về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, làm bệ phóng để Việt Nam có thêm bước tiến rất dài để nhìn xa hơn về tương lai.

Lĩnh vực thương mại được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ mối quan hệ mới được thiết lập. Trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden nhất trí tạo điều kiện thuận lợi và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa, dịch vụ của mỗi nước; cùng nhau giải quyết các vấn đề như rào cản tiếp cận thị trường thông qua Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư. Hai Lãnh đạo ủng hộ việc tiếp tục củng cố hệ thống thương mại đa phương không phân biệt đối xử và dựa trên luật lệ, trong đó Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đóng vai trò nòng cốt. Từ đó, mở cửa cho nhiều mặt hàng khác của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam về sản xuất, phát triển hạ tầng vật chất và hạ tầng số chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng công bằng, nông nghiệp bền vững và thông minh, cũng như hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu rộng và bền vững vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

“Việc hai nước nâng tầm quan hệ hợp tác chỉ là điểm khởi đầu. Hai nước, doanh nghiệp hai nước cần cùng nhau củng cố, tăng cường hợp tác để tiến xa hơn trong tương lai, vì sự phồn thịnh của xã hội, lợi ích của nhân dân hai nước, vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định và phồn thịnh”.

Tổng thống Hoa Kỳ JOE BIDEN


Mối quan hệ mới giữa hai nước cũng sẽ giúp thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam. Minh chứng là trong chuyến thăm của người đứng đầu Nhà Trắng vừa qua, nhiều sáng kiến hợp tác, thương vụ đầu tư hàng tỷ USD được doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ ký kết, nhằm hiện thực hóa và thúc đẩy mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Ví dụ như Thỏa thuận ghi nhớ trị giá 10 tỷ USD trong lĩnh vực dịch vụ hàng không giữa Vietnam Airlines và Boeing để mua 50 tàu bay 737 Max, dự kiến bàn giao giai đoạn 2027 - 2030. Theo thỏa thuận này, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, đánh giá, sớm báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét. Đây là cơ sở thúc đẩy quá trình đàm phán, hoàn thiện các thủ tục đầu tư tàu bay của Vietnam Airlines. Khi thêm Boeing 737 MAX vào đội bay, Vietnam Airlines không chỉ phát triển số lượng, chất lượng máy bay mà còn có thêm cơ hội tiếp nhận chuyển giao công nghệ của một thế hệ máy bay mới, phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa cho các hãng hàng không khác.

Bên cạnh đó, hãng hàng không Vietjet cũng ký thỏa thuận tài trợ tàu bay trị giá 550 triệu USD với Carlyle - một “ông lớn” tài chính của Hoa Kỳ đang quản lý 396 tàu bay tại 59 quốc gia trên thế giới, hiện có tổng tài sản lên đến 385 tỷ USD. Theo đó, Carlyle Aviation Partners (thuộc tập đoàn Carlyle) sẽ cung cấp tài chính cho loạt tàu bay 737 Max thuộc đơn hàng 200 tàu của Vietjet và Boeing . Đây là đơn đặt hàng tàu bay quan trọng và là một trong những hợp đồng thương mại lớn nhất, tác động không nhỏ đến cán cân thương mại giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đến thời điểm hiện tại.

Nhân dịp chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam, Vietjet và Boeing thống nhất bàn giao những tàu bay đầu tiên theo đơn đặt hàng 200 tàu bay B737 Max đã ký năm 2016. Đơn hàng trị giá hơn 25 tỷ USD này sẽ được thực hiện trong 5 năm tới với 12 tàu bay đầu tiên được bàn giao trong năm 2024.

Các chuyên gia phân tích, khi Hoa Kỳ tăng cường đầu tư vào Việt Nam sẽ đồng thời kéo theo dòng vốn và khoa học công nghệ của rất nhiều doanh nghiệp phương Tây. Do đó, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận được những tiến bộ về khoa học kỹ thuật tân tiến nhất thế giới. Khi đó Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng về kinh tế, công nghệ của Hoa Kỳ và của thế giới nói chung.

Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã ký cam kết khoản vay song phương trị giá 300 triệu USD có kỳ hạn 7 năm. Một khoản vay tương tự 100 triệu USD cũng được DFC cấp cho TPBank. Những khoản vay này là nguồn bổ sung quan trọng giúp hai Ngân hàng của Việt Nam củng cố nền tảng vốn; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động tài chính bền vững, gồm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; chuyển dịch danh mục đầu tư sang các hoạt động chống biến đổi khí hậu - công nghệ phát thải carbon thấp.

Thêm một kết quả lớn trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden là thống nhất đưa công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư thực sự trở thành trụ cột mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Đây là một nội dung hợp tác rất được quan tâm khi Việt Nam xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những động lực quan trọng cho phát triển đất nước. Hoa Kỳ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao. Hai nước đã tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó chính phủ Hoa Kỳ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.

Tại Hội nghị cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về đầu tư và đổi mới sáng tạo được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Biden đều thống nhất quan điểm: “Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để mở cửa tương lai của hai nước”. Cùng tham dự Hội nghị, doanh nghiệp hai nước cũng khẳng định sẽ dành nguồn lực ưu tiên cho các lĩnh vực đầu tư mới, nhất là chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu và kinh tế tuần hoàn. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ hợp tác và hỗ trợ Việt Nam các lĩnh vực công nghệ chip, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, đào tạo phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao; đặc biệt là tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Không chỉ nhận dòng vốn từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ tăng đầu tư sang thị trường này. Ngày 11/9/2023, Tập đoàn FPT công bố kế hoạch đầu tư 100 triệu USD và gần 1.000 nhân lực tại Hoa Kỳ vào cuối năm nay. Với những khoản đầu tư liên tục, FPT kỳ vọng tạo ra hơn 3.000 việc làm năm 2028 và đạt doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường Hoa Kỳ vào năm 2030. FPT cũng đề xuất chính phủ Hoa Kỳ nuôi dưỡng hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam. Cùng với kế hoạch đầu tư, FPT cũng công bố hợp tác chiến lược toàn diện với LandingAI - công ty trong lĩnh vực thị giác máy và trí tuệ nhân tạo tại Silicon Valley (Hoa Kỳ) nhằm đẩy nhanh quá trình đưa AI vào đào tạo tại hệ thống giáo dục FPT Education.

Sự gắn kết Việt - Hoa Kỳ sau khi nâng cấp quan hệ sẽ sớm hình thành hệ sinh thái công nghệ cao trong khu vực với Việt Nam làm nòng cốt, ở đó các nước hợp tác, đầu tư sẽ cùng có lợi. Đây là một điểm sáng không chỉ của quan hệ song phương mà còn là của khu vực Đông Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh những lĩnh vực trên, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội để Việt Nam phát triển các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa; đồng thời giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về khí hậu, môi trường và giải quyết những vấn đề về an ninh, quốc phòng… Việc Hoa Kỳ “bắt tay” hợp tác mạnh với Việt Nam sẽ khiến rất nhiều nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới thay đổi cái nhìn về Việt Nam theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, các cơ hội hợp tác trên có thể hiện thực hóa được hay không còn là một câu chuyện dài, không chỉ phụ thuộc vào ý chí của các nhà lãnh đạo mà còn là sự nỗ lực hợp tác các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ.

Để triển khai khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện đạt được trong chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Bộ Ngoại giao cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để làm việc với các cơ quan, địa phương của Hoa Kỳ; cụ thể hóa các lĩnh vực hợp tác trong Tuyên bố chung và tận dụng những khuôn khổ, cơ chế sẵn có như Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) và những khuôn khổ, cơ chế sẽ được thiết lập trong thời gian tới, đặc biệt là các lĩnh vực trọng tâm đột phá về thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tạo cơ chế hợp tác hiệu quả và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân của hai nước. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường kết nối, tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh đầu tư với các đối tác Hoa Kỳ để đem lại lợi ích và thịnh vượng chung cho cả hai bên./.

 

Bích Ngọc

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top