Nông thôn mới Sóc Trăng: Hướng tới chất lượng sống của người dân

17/07/2019 - 04:14 PM
Nông thôn mới hướng tới chất lượng sống của người dân
 
Với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của lãnh đạo từ tỉnh đến địa phương và sự đồng thuận của người dân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM - Phong trào cả nước chung sức xây dựng NTM, diện mạo nông thôn tỉnh Sóc Trăng có nhiều khởi sắc. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 32/80 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Các xã còn lại đạt từ 11 đến 17 tiêu chí, tỷ lệ này cao hơn bình quân khu vực đồng bằng sông Cửu Long 5,3%. Mức sống của người dân từng bước được nâng lên, bình quân mỗi năm giảm trên 3% tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập tăng 6,48 triệu đồng/người/năm.
 
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong 3 năm, tỉnh Sóc Trăng đã huy động hơn 6.000 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM. Trong đó, nguồn ngân sách gần 450 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình dự án trên 2.000 tỷ đồng, vốn tín dụng trên 2.532 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp trên 505 tỷ đồng và vốn huy động từ nhân dân đạt trên 417 tỷ đồng. Từ nguồn vốn huy động được, tỉnh Sóc Trăng tập trung nâng cấp hạ tầng nông thôn. Tiêu biểu là mô hình “Nhịp cầu yêu thương” với gần 300 cây cầu bê tông được xây dựng, trị giá hàng trăm tỷ đồng.
 
Hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không ngừng được đầu tư và cải thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Trong 3 năm qua, tỉnh đã triển khai xây dựng 554 công trình, với tổng chiều dài trên 702,3km, 114 cây cầu dài trên 3,5km. Hiện, toàn tỉnh đã có 108/109 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm, hơn 59% các tuyến đường ấp và liên ấp được cứng hóa đạt chuẩn. Sóc Trăng là một trong những tỉnh hoàn thành quy hoạch NTM theo đúng tiến độ Trung ương giao và tính đến thời điểm hiện tại, có 100% xã đã đạt tiêu chí quy hoạch.
 
Tỉnh Sóc Trăng có 109/109 xã, phường, thị trấn có trạm y tế (trong đó có 100/109 xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; 97/109 trạm y tế có bác sĩ). Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,73%, người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%. Công tác phát triển giáo dục được quan tâm.Toàn tỉnh có 267/523 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm hơn 51%. Bên cạnh đó, Sóc Trăng còn quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, bản sắc văn hóa, truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy.
 
Xây dựng thành công một số mô hình điểm của Tỉnh phải kể đến là: Xã Gia Hòa 2 (huyện Mỹ Xuyên) là một trong 28 địa phương được chọn làm điểm chỉ đạo của tỉnh Sóc Trăng trong xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020.
 
Trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, kinh tế - xã hội của xã còn chậm phát triển. Cơ sở hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, hệ thống điện chưa được đầu tư đúng mức. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên 20%...
 
Xác định mục tiêu xây dựng NTM là nâng cao đời sống nhân dân, xã Gia Hòa 2 tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các mô hình sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người dân, giảm hộ nghèo ở địa phương. Đến nay, xã đã đạt 19/19 tiêu chí theo chuẩn NTM. Kinh tế - xã hội phát triển. Đời sống người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 3,4%. Sau 6 năm triển khai xây dựng NTM, xã đã huy động được gần 130 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 8 tỷ đồng. Đến nay, hệ thống điện - đường, cầu - trường học - trạm y tế và kênh mương nội đồng của xã đã được đầu tư cứng hóa, kiên cố hóa.
 
Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên) có hơn 73% dân số là người Khmer. Năm 2010, khi bắt đầu xây dựng NTM, xã chỉ có 5/19 tiêu chí đạt chuẩn, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 8,4 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo chiếm trên 31,38%... Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng lòng của người dân, đến nay, bộ mặt nông thôn của xã đã đổi thay nhanh chóng, đời sống người dân được nâng lên. Thu nhập bình quân của người dân trong đạt 41,45 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,82%. đạt 19/19 tiêu chí của chuẩn NTM.
 
Tiếp tục phát huy hiệu quả xây dựng NTM trong thời gian tới
 
Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, Bộ tiêu chí xã NTM có nhiều chỉ tiêu được bổ sung và nâng cao so với giai đoạn trước, tạo ra những thách thức mới đối với tỉnh, nhất là tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, môi trường; một số tiêu chí được công nhận đạt nhưng tính bền vững chưa cao, điển hình như tiêu chí hộ nghèo…
 
Để hoàn thành chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM theo đúng lộ trình đến năm 2020, đòi hỏi các cấp ngành địa phương tỉnh Sóc Trăng cần nỗ lực phấn đấu, tiếp tục phát huy hiệu quả xây dựng NTM đã đạt được trong thời gian qua. Theo đó, ngoài việc hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Sóc Trăng cần xây dựng NTM ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu, có chất lượng. Nhiều địa phương đã đề ra các kế hoạch cụ thể, coi xây dựng NTM là quá trình liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, với mục tiêu chính là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân trong thực hiện chương trình.
 
Năm 2019, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 8 xã đạt chuẩn NTM. Huyện Mỹ Xuyên và thị xã Ngã Năm cơ bản hoàn thành chỉ tiêu huyện NTM, thị xã hoàn thành nhiệm vụ NTM. Đến năm 2020, phấn đấu có 50% xã trở lên đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đạt 15 tiêu chí trở lên; mỗi huyện, thị có ít nhất 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đối với các xã được công nhận đạt chuẩn NTM sẽ tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí và hướng đến xây dựng NTM kiểu mẫu./.

 
Minh Đạt

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top