Nông thôn Quảng Ngãi chuyển biến rõ nét

14/12/2023 - 01:39 PM

Quảng Ngãi là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, có diện tích tự nhiên 5.131,5 km2; toàn Tỉnh có 13 đơn vị hành chính; 173 xã, phường, thị trấn, trong đó có 148 xã tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM). Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là 7,80%.
 

Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi chuyển biến rõ nét

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị các cấp và sự đồng thuận, chung tay góp sức của Nhân dân; bộ mặt nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực. Kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng cao, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Chủ động, tích cực triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Trung ương; đến nay toàn Tỉnh có 02 huyện và 93 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân/xã đạt 16,5 tiêu chí, không còn xã dưới 5 tiêu chí; có 75 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn kiểu mẫu. Có 135 sản phẩm đạt OCOP (126 sản phẩm đạt 3 sao; 9 sản phẩm đạt 4 sao).

Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Quảng Ngãi có 7/13 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (trong đó có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao); có 120/148 xã đạt chuẩn NTM; có 53/120 số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 8/53 xã đạt NTM kiểu mẫu; không còn xã dưới 15 tiêu chí; 138/229 thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực miền núi được công nhận thôn đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí do UBND tỉnh quy định.

Đối với Chương trình OCOP: Mục tiêu đến năm 2025, có 200 sản phẩm OCOP mới đạt 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 3 - 5 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao; Duy trì 100% sản phẩm OCOP đã đạt từ 3 sao trở lên giai đoạn 2018 - 2022, nâng hạng khoảng 15% sản phẩm đạt 4 sao trở lên; Phấn đấu đạt 10% chủ thể OCOP có sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên thực hiện mô hình theo chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tỉnh Quảng Ngãi còn có khó khăn, vướng mắc như: Trong các xã đạt chuẩn NTM đến năm 2025, phần lớn thuộc các xã đặt biệt khó khăn (24 xã) của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các xã này có địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa thớt và phân bố rải rác do đó, rất khó khăn trong đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi...; Người dân chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao nên việc huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình gặp khó khăn, chủ yếu dựa vào sự đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước; Một số chỉ tiêu của Bộ tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 khó thực hiện, cụ thể như: Tiêu chí 10 thu nhập bình quân đầu người; có bổ sung một số tiêu chí và yêu cầu cũng cao hơn so với giai đoạn 2016-2020...

Để triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới, Tỉnh tập trung vào các giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức cho cán bộ các cấp và người dân về mục tiêu ý nghĩa Chương trình; ngoài nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình, cần tăng cường huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình dự án khác thực hiện trên địa bàn; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã, kinh tế hợp tác, góp phần phát triển nông thôn theo hướng bền vững; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách giảm nghèo đa chiều, nhất là ở các huyện miền núi; làm tốt công tác đào tạo, tập huấn, để nâng cao nhận thức; thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn, chuyển giao kiến thức, kỹ năng, tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng lực sản xuất cho người dân./.

Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi chuyển biến rõ nét  1

Minh Thư


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top