Phát huy nội lực kinh tế để bứt tốc tăng trưởng 6 tháng cuối năm

15/08/2023 - 02:43 PM
Kinh tế Việt Nam năm 2023 đã đi được hơn nửa chặng đường với những thăng trầm đậm nét. Trong khó khăn ở cả trong và ngoài nước, kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm sáng, là động lực để tiếp tục phát huy nội lực, bứt tốc tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2023.
 
Nông nghiệp chủ động nắm bắt các cơ hội để tăng thêm “sức mạnh” cho ngành
 
Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế phù hợp với chiến lược, chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Mặc dù vậy, trong bối cảnh khó khăn chung do chịu tác động từ đại dịch Covid-19 và sự xung đột chính trị giữa một số quốc gia trên thế giới, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong nước lại thể hiện rõ vai trò của mình là bệ đỡ cho nền kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm nay, sản xuất trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt kết quả khá tốt, giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khá, đạt 3,07% (trong đó, nông nghiệp tăng 3,14%; lâm nghiệp tăng 3,43%; thủy sản tăng 2,77%), đóng góp 9,28% vào tổng mức tăng chung của toàn nền kinh tế, trái ngược với sự phục hồi chậm của khu vực công nghiệp và xây dựng, chỉ tăng 1,13%.
 
Trên thế giới, tình hình an ninh lương thực đang rất bấp bênh và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nhiều nước áp đặt các hạn chế thương mại sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine, khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Song với việc chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, ngành nông nghiệp Việt Nam đã không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước mà cho cả khu vực và thế giới. Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm sản ước đạt 13,4 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch hàng rau quả đạt trên 2,7 tỷ USD, tăng 64,2%; xuất khẩu gạo đạt 2,3 tỷ USD, tăng 34,7%. Đây là những con số khá ấn tượng khi kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng truyền thống sụt giảm như điện thoại và linh kiện giảm 27,9%; dệt may giảm 15,3%; giày dép giảm 15,2%...
 
Trong nửa cuối năm 2023, ngành nông nghiệp nhận định vẫn sẽ phải đối mặt nhiều thách thức như giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ở mức cao; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thời tiết diễn biến bất thường do biến đổi khí hậu toàn cầu; nhu cầu tiêu dùng toàn cầu phục hồi chậm; tăng trưởng kinh tế nhiều nước vẫn có dấu hiệu suy thoái; các thị trường xuất khẩu đặt ra những yêu cầu ngày càng chặt chẽ quy định các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững... Những trở ngại trên đặt ra yêu cầu nhưng đồng thời cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam tận dụng nội lực có sẵn, tăng tốc, bứt phá và về đích các chỉ tiêu đề ra trong năm 2023. Để làm được điều đó, ngành nông nghiệp xác định, tiếp tục tái cấu trúc ngành, cập nhật chính sách nông nghiệp của các quốc gia, từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó chủ động, linh hoạt, phù hợp, kịp thời để nắm bắt các cơ hội, mang lại thêm “sức mạnh” cho ngành. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng nông sản đa giá trị, tập trung vào 6 mặt hàng xuất khẩu chủ lực là rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản. Đi cùng với đó là hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng mới; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về xuất khẩu...
Khai thác dư địa tăng trưởng du lịch để tác động lan tỏa các ngành kinh tế khác
Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2023, nhờ tăng cường các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, khu vực dịch vụ đã phục hồi mạnh mẽ và là nhân tố đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung của nền kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021, đóng góp 78,85% vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
 
Đóng góp lớn vào mức tăng trưởng của khu vực dịch vụ là sự sôi động trở lại của các ngành thương mại. Theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng chung 10,9% của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm nay, lĩnh vực lưu trú và ăn uống tăng 18,7%, đóng góp 1,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; lĩnh vực du lịch lữ hành tăng 65,9% đóng góp 1,9 điểm phần trăm. Thể hiện rõ hơn cho tăng trưởng của 2 lĩnh vực này là sự phục hồi đáng kể của ngành du lịch khi lượng khách du lịch nội địa trong 6 tháng đầu năm nay đạt 63,5 triệu lượt khách, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh với 5,6 triệu lượt khách, gấp 9,3 lần so với 6 tháng đầu năm ngoái.
 
Cũng theo báo cáo từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 616 hồ sơ được cấp mới, cấp đổi và rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cho các doanh nghiệp, trong đó cấp mới 449 giấy phép, cấp đổi 138 giấy phép và thu hồi 31 giấy phép; có 65 quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch từ 4 đến 5 sao. Đến nay, cả nước có 235 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao với gần 78.000 buồng; 354 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao với khoảng 47.500 buồng.
 
Các kết quả trên góp phần ghi dấu ấn ngành du lịch trong bức tranh chung của cả nước trong nửa đầu năm nay. Các chuyên gia đánh giá, trong 6 tháng cuối năm 2023 thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa để tăng trưởng, nhất là vào mùa cao điểm cuối năm, nhờ các chính sách tạo thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh chính thức sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.
 
Bên cạnh đó, theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong tốp đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6 hiện nay. Với kết quả này, Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào nhóm tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Các nước còn lại trong khu vực xếp ở vị trí thấp hơn khá nhiều: Indonesia (18), Thái Lan (19), Malaysia (21), Philippines (23), Singapore (30). Đây là tín hiệu tốt để ngành du lịch Việt Nam đạt và vượt mục tiêu đón khách đề ra trong năm nay.
 
Để nắm bắt tốt các cơ hội trên, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch đẩy mạnh liên kết, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thêm nhiều địa điểm và sản phẩm du lịch cùng các chính sách ưu đãi về giá, để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, không chỉ khôi phục dần các thị trường khách mục tiêu trước đây là châu Âu, Úc, Mỹ… mà còn mở rộng thêm một số thị trường mới tiềm năng khác như Đông Bắc Á. Để từ đó có tác động lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng của các ngành khác như khách sạn, nhà hàng, vận tải hành khách.
 
Đặc biệt, Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 04/7/2023 sẽ là cơ sở để ngành du lịch có những bứt phá mới. Theo kế hoạch, các nhiệm vụ trọng tâm sẽ được tập trung thực hiện trong thời gian tới là: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
Kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ lội ngược dòng
Hoạt động xuất nhập khẩu cũng trải qua quãng thời gian đầy khó khăn. 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỉ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu hàng hóa đạt 152,2 tỉ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Song kết quả 6 tháng đầu năm cũng đã ghi nhận những yếu tố tích cực, khi tăng trưởng xuất khẩu tháng Năm, tháng Sáu đã có khởi sắc, tháng sau cao hơn tháng trước. Thêm vào đó, tốc độ giảm kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước) chậm hơn so với khu vực có vốn FDI (giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước), cho thấy nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, 6 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn duy trì đà xuất siêu 12,25 tỷ USD, tăng 1,2 tỷ USD so cùng kỳ năm trước, là con số xuất siêu cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây và trở thành điểm sáng cho xuất nhập khẩu Việt Nam trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm.
 
Do nền kinh tế Việt Nam xác định chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, vì vậy tình hình nhập khẩu trong 6 tháng cuối năm được nhận định là sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những bất ổn, tiêu cực của kinh tế thế giới như: Kinh tế chậm phục hồi, tổng cầu vẫn khá yếu, lạm phát diễn ra dai dẳng ở nhiều nước. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ lội ngược dòng, khởi sắc trong những tháng còn lại của năm nay do lượng tồn kho trên thế giới đang có xu hướng giảm với tốc độ khá nhanh. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng kim ngạch xuất khẩu gạo sẽ tăng lên do lượng tồn kho mặt hàng này ở thời điểm hiện nay gần như không có; thêm vào đó, mới đây cường quốc xuất khẩu gạo thế giới là Ấn Độ ra lệnh cấm xuất khẩu gạo để tránh nguy cơ lạm phát, tiếp sau đó là Nga và UAE cũng đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo. Đối với ngành thủy sản, thị trường xuất khẩu cũng đang có sự phục hồi, với lượng hàng tồn kho đang được giải quyết và sức tiêu thụ mặt hàng này được dự báo tăng bởi mùa lễ hội cuối năm. Lượng tồn kho mặt hàng dệt may của các thương hiệu và nhà bán lẻ toàn cầu cũng đang có dấu hiệu giảm, đem lại tín hiệu tích cực hơn cho ngành dệt may Việt Nam có thể phục hồi trở lại trong vài tháng tới và ổn định trong năm 2024.
 
Thêm một tín hiệu vui là trong 6 tháng vừa qua, có hàng trăm đoàn doanh nghiệp từ nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Đức, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… vào Việt Nam, tới từng địa phương để mua hàng, kết nối B2B giao thương. Điều này giúp nhiều doanh nghiệp địa phương tiếp cận gần hơn với các nhà mua hàng quốc tế.
 
Nhằm tận dụng hiệu quả các cơ hội này, trong những tháng cuối năm 2023, ngành Công Thương tập trung vào việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập khẩu, kiến nghị những chính sách tài khóa tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí và tạo ra nhiều sản phẩm cạnh tranh hơn. Đồng thời triển khai đồng bộ các chương trình trong chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030 và chiến lược phát triển một số mặt hàng chủ lực của nước ta. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, tập trung vào xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín, trong đó có hoạt động công bố các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam. Tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại, trong đó tập trung vào việc sớm hoàn tất các thủ tục để tiến hành ký kết Hiệp định FTA với Israel; đẩy nhanh đàm phán ký kết hiệp định thương mại với các thị trường còn tiềm năng. Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã được ký kết, đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới...
 
Bên cạnh các yếu tố trên, bức tranh kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm còn có những điểm sáng khác, tạo cú huých cho nền kinh tế bứt tốc những tháng cuối năm. Đó là, mặc dù tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đầu năm giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng vốn đầu tư cấp mới đạt gần 6,5 tỷ USD, tăng mạnh 31,3% và tăng 71,9% về số dự án cấp mới so với cùng kỳ năm 2022. Việc các nhà đầu tư quyết định đầu tư và mở rộng dự án hiện hữu khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đến có sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là động lực để Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh an toàn để hút thêm vốn từ các nhà đầu tư trong thời gian tới.
 
Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công cũng có chuyển biến tích cực. Theo báo cáo Tổng cục Thống kê, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm nay ước đạt 232,2 nghìn tỷ đồng; bằng 33% kế hoạch năm và tăng 20,5% so cùng kỳ năm trước. Với các chính sách thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ, hy vọng trong 6 tháng còn lại của năm sẽ hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công - là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của các tháng cuối năm.
 
Đánh giá thực tế, mức tăng trưởng 3,72% đạt được trong 6 tháng đầu năm là con số tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đối diện với nhiều khó khăn thách thức ở cả trong và ngoài nước. Song để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm, áp lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm cũng rất lớn. Trả lời câu hỏi của phóng viên tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 diễn ra ngày 04/7/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương lưu ý rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% như nghị quyết của Quốc hội thì tăng trưởng quý III/2023 tối thiểu phải đạt 7,4% và quý IV/2023 phải đạt 10,3%. Ngay cả khi tăng trưởng ở mức 6% thì tăng trưởng quý III/2023 cũng phải đạt 6,8% và quý IV/2023 phải đạt 9%. Đây là 2 con số rất thách thức trong bối cảnh từ nay đến cuối năm mà khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Dù vậy, tin tưởng rằng với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta sẽ phát huy tối đa nội lực để khơi thông các động lực tăng trưởng, tạo đà thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2023./.
 
B.N

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top