Phát triển kinh tế tư nhân ở thành phố Hà Nội: Thực trạng và giải pháp

30/06/2023 - 11:07 AM
Tóm tắt: Thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân là một yêu cầu tất yếu cần đặt ra đối với Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng. Thực tế trong những năm qua, kinh tế tư nhân đã đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế của thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản, hạn chế dẫn đến kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân trên địa bàn. Bài viết này phân tích thực trạng phát triển kinh tế tư nhân ở Hà Nội, qua đó kiến nghị giải pháp nhằm thúc đẩy khu vực này phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Từ khóa: kinh tế tư nhân, Hà Nội, động lực phát triển

Thực trạng phát triển kinh tế tư nhân ở Hà Nội
 
Sự ra đời của Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là bước tiến quan trọng trong nhận thức của Đảng về vị thế của kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới. Với Hà Nội - đầu tàu kinh tế của cả nước và khu vực phía Bắc, lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo thực hiện Nghị quyết hiệu quả, xuyên suốt tạo sức lan tỏa rộng trong toàn xã hội.

Ngày 01/9/2017, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình hành động số 18-CTr/TU thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5, khóa XII "về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Ngày 2/3/2018, UBND thành phố tiếp tục ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình 18-CTr/TU nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân và hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới, sáng tạo với định hướng phát triển bền vững cả về số lượng và chất lượng; đặc biệt chú trọng đến hiệu quả, sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở đó, thành phố và các cấp, các ngành đã chú trọng đến công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển, coi “Doanh nghiệp là động lực và chìa khóa phát triển bền vững kinh tế của Thủ đô”. Thành phố đã xây dựng nhiều giải pháp đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, ban hành nhiều đề án, kế hoạch và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp như: Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thành lập mới; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng, ngân hàng; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, mặt bằng sản xuất; tổ chức nhiều sự kiện kết nối cung cầu, các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại trong nước và quốc tế...

Bên cạnh đó, chính sách đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp của Hà Nội như các trung tâm sáng tạo, chương trình vườn ươm đã đáp ứng nhu cầu khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp. Qua các chương trình đó, nhiều doanh nghiệp của Hà Nội đạt được những thành công nhất định, đặc biệt đã có một số doanh nghiệp đạt giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp toàn quốc.

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân được tập trung hoàn thiện, cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, nền hành chính công hiện đại được tăng cường, góp phần tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển.

Nhờ đó, kinh tế tư nhân ở thành phố Hà Nội đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Về số doanh nghiệp thành lập mới, từ năm 2018 đến hết năm 2020, thành phố có 79.434 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó năm 2018 có 25.742 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 5% so với năm 2017), năm 2019 là 27.114 doanh nghiệp (tăng 8%). Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tốc độ doanh nghiệp đăng ký mới giảm so với cùng kỳ, Thành phố đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 26.578 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 409.291 tỷ đồng (giảm 2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 6% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước).
 
Phát triển kinh tế tư nhân ở thành phố Hà Nội: Thực trạng và giải pháp
Kinh tế tư nhân ở thành phố Hà Nội đã có bước chuyển mình mạnh mẽ

Đến năm 2022, trong sự phục hồi kinh tế chung của cả nước, Hà Nội có 29,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 23% so với năm 2021; tổng số vốn đăng ký mới đạt 328,4 nghìn tỷ đồng, giảm 5%. Bên cạnh 3.600 doanh nghiệp giải thể, 16.400 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động thì cũng có 9.800 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.

Về quy mô doanh nghiệp trên địa bàn, phần lớn doanh nghiệp của Hà Nội có quy mô nhỏ và vừa, chiếm 97% trong tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và tập trung chủ yếu ở các ngành thương mại dịch vụ cần ít vốn đầu tư, chuyển đổi nhanh. Đây cũng là điểm đặc thù của doanh nghiệp Hà Nội.

Khu vực kinh tế tư nhân đang có những đóng góp hiệu quả về tạo việc làm cho lao động tại Hà Nội. Lao động khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tại Hà Nội hiện nay chiếm khoảng gần 80% tổng số lao động, trong đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò dẫn đầu trong việc thu hút lực lượng lớn lao động và cải thiện thu nhập cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Năm 2018, thu nhập bình quân 1 lao động trong doanh nghiệp đạt 9,8 triệu đồng/tháng, tăng 11,4% so với năm 2017 và gấp 2,85 lần so với giai đoạn trước năm 2015, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 11,5%/năm.

Về đóng góp của khu vực tư nhân vào GRDP và vốn đầu tư phát triển, doanh nghiệp khu vực tư nhân đóng góp trên 39% trong GRDP của thành phố. Mức tăng bình quân của giai đoạn 2016-2020 là 28,6%, vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp mới khoảng 13 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân cũng đóng góp ngày càng quan trọng vào ngân sách nhà nước. Đây là nguồn thu ngân sách chủ yếu và lâu bền, thể hiện vai trò của doanh nghiệp trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Có thể khẳng định, doanh nghiệp tư nhân thành phố Hà Nội đã và đang ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô và đất nước. Kết quả đó là nhờ những cơ chế, chính sách tạo điều kiện của UBND thành phố Hà Nội cũng như các cấp, ngành và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thành phố luôn theo sát diễn biến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe, tìm hiểu tình hình và sẵn sàng đối thoại, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Điều này thể hiện rõ nhất trong giai đoạn 2020- 2022 là thời điểm giãn cách xã hội kéo dài, dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân gặp không ít khó khăn.

Những hạn chế tồn đọng

Mặc dù đạt được những thành quả nhất định, song khối doanh nghiệp tư nhân vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, tiếp cận nguồn tài chính là một hạn chế lớn đối với các doanh nghiệp tư nhân. Theo thống kê, khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp qua hệ thống các ngân hàng thương mại còn hạn chế, có đến 70% doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Trong đó, hơn 30% doanh nghiệp không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và 30% doanh nghiệp khác cho biết, rất khó tiếp cận nguồn vốn này. Gần 70% doanh nghiệp còn lại phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí rất cao, nhiều rủi ro. Nguyên nhân là do khả năng đáp ứng đủ điều kiện hồ sơ vay vốn ngân hàng còn hạn chế, năng lực tài chính yếu kém, không xây dựng được phương án/dự án sản xuất, kinh doanh khả thi và có hiệu quả; nợ phải trả tồn đọng lớn chưa có biện pháp xử lý, thiếu công khai và minh bạch thông tin…

Thứ hai, năng lực công nghệ của các doanh nghiệp tư nhân còn thấp. Số lượng doanh nghiệp áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh không nhiều. Phần lớn sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp tư nhân là gia công lắp ráp, sử dụng máy móc, thiết bị và nguyên liệu nhập khẩu. Các công đoạn sản xuất đưa lại giá trị gia tăng cao, như: thiết kế, tạo kiểu dáng, marketing… đa phần được thực hiện bởi đối tác nước ngoài. Sự phân tầng trình độ công nghệ đang diễn ra trong từng ngành và trong nhiều doanh nghiệp; công nghệ lạc hậu, trung bình và tiên tiến cùng đan xen tồn tại; công nghệ tiên tiến, hiện đại chỉ tập trung ở một số ít doanh nghiệp tư nhân, ở một số ít lĩnh vực. Do trình độ công nghệ thấp, các doanh nghiệp tư nhân không có khả năng kết nối cũng như tham gia ngành công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn, nhất là không thể tận dụng được hiệu ứng lan tỏa từ các doanh nghiệp FDI.

Thứ ba, trình độ và năng lực tổ chức quản lý của doanh nghiệp tư nhân Hà Nội còn hạn chế. Hiện tại, phần lớn nhân sự cao cấp tại các doanh nghiệp tư nhân chưa được đào tạo về quản trị kinh doanh một cách bài bản, chưa gắn với thực tế sản xuất, kinh doanh, nhất là trình độ kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế ở mức cao. Điều này dẫn đến thiếu chiến lược kinh doanh mang tính quốc tế, sản phẩm không đa dạng, khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ chưa cao, chưa đáp ứng tốt thị hiếu người tiêu dùng, giá cả chưa hợp lý. Các yếu tố khác, như: Quảng cáo, tiếp thị, xây dựng thương hiệu, tổ chức, quản lý mạng lưới phân phối... chưa được quan tâm.

Thứ tư, Thành phố Hà Nội có ít doanh nghiệp thương hiệu mạnh, chưa đủ sức cạnh tranh trên thương trường, tính tự phát của kinh tế tư nhân còn hiện hữu và thiếu mục tiêu phát triển bền vững, công tác cải cách thủ tục hành chính dù đã có nhiều nỗ lực nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đề ra, hoạt động của các tổ chức hiệp hội chưa phát huy hiệu quả về nghề nghiệp, cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp thông qua các trung tâm chuyên trách còn yếu.

Giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế Hà Nội, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách trên địa bàn Thành phố. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và miễn giảm thuế đối với các doanh nghiệp tư nhân có tiến hành nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Có cơ chế và chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đón đầu áp dụng thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hai là, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân và hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Phát triển kinh tế tư nhân cần bền vững về cả mặt số lượng và chất lượng, đặc biệt là chú trọng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; hình thành mô hình doanh nghiệp hiện đại, gắn kết vào mạng sản xuất toàn cầu và chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Thành phố cần thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân.

Ba là, hỗ trợ và khuyến khích kinh tế tư nhân xây dựng thương hiệu, phát triển giá trị cốt lõi, tạo uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ các doanh nghiệp tư nhân phát triển thương hiệu, chỗ đứng, uy tín của mình về chất lượng sản phẩm, hiệu quả dịch vụ và tiện ích các hoạt động, bảo đảm doanh nghiệp tư nhân có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bốn là, bản thân các doanh nghiệp tư nhân cần chủ động xây dựng chiến lược quy hoạch hợp lý trên cơ sở hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý, đẩy mạnh hoạt động marketing, thực hành các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh cùng nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động khác. Để chiến lược kinh doanh mang tính khả thi cao, các doanh nghiệp tư nhân cần nghiên cứu kỹ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chiến lược phát triển ngành, nghề; đồng thời, nắm bắt khả năng của mình để xây dựng chiến lược cho tương lai. Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược riêng, phù hợp với khả năng về vốn, năng lực nhân sự, mục tiêu phát triển, ngành hàng tham gia kinh doanh…

Đặc biệt, để hoạt động kinh doanh mang lại hiệu quả như mong muốn, các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn Hà Nội cần coi trọng yếu tố công nghệ trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, với tự do hóa mạnh mẽ cùng những chuẩn mực mới tạo nhiều cơ hội cho việc mở rộng thị trường, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp tư nhân cần nghiên cứu kỹ và chuẩn bị một lộ trình thích hợp, không loại trừ việc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác cũng như tranh thủ các cơ hội từ phía Nhà nước./.

Nguyễn Thị Mai
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ban chấp hành Trung ương (2017), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, số 10-NQ/TƯ ngày 03/06/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cục Thống kê thành phố Hà Nội (2022). Số liệu thống kê kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội năm 2022.

Đinh Thị Thơm ( 2005), “Kinh tế tư nhân Việt Nam sau hai thập kỉ đổi mới thực trạng và những vấn đề đặt ra’’, Nxb Khoa học xã hội.

Gia Huy (2021), Hà Nội: Nỗ lực phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, truy cập từ https://thanglong. chinhphu.vn/ha-noi-no-luc-phat-trien-manh-me-khu-vuc-kinh-te-tu-nhan-10335643.htm

Tập đoàn Tài chính Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (2021), Báo cáo Nghiên cứu đánh giá khu vực KTTN kiến tạo thị trường tại Việt Nam.

Thành ủy Hà Nội (2017), Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 1/9/2017 thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trần Thị Bình (2014), “Phát huy vai trò và động lực của kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 4.

Vũ Hùng Cường (2010), Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Một số vấn đề cơ bản về phát triển khu vực tư nhân với tư cách là động lực cơ bản của mô hình tăng trưởng kinh tế mới giai đoạn 2011-2020” Viện kinh tế Việt Nam.

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top