Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì xu thế phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực

19/09/2023 - 04:24 PM

Ngày18/1/1950 đã đi vào lịch sử quan hệ Việt Nam-Trung Quốc như một mốc son quan trọng. Sau 73 năm (1950-2023) thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, quan hệ chính trị Việt Nam - Trung Quốc được duy trì xu thế phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 11/2022.

Thúc đẩy mạnh mẽ và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc

Tình hữu nghị do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

 Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì xu thế phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực  2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và làm việc tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị

Năm 1999, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã xác định phương châm 16 chữ thúc đẩy quan hệ hai nước trong thế kỷ 21 là "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai".

Năm 2000, chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã giúp hai bên ký Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới. Hai bên cũng đã thỏa thuận đưa hai nước trở thành “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”  (tinh thần “4 tốt”).

Tháng 5/2008, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, hai bên nhất trí xác lập khuôn khổ quan hệ Việt Nam-Trung Quốc là “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì các hình thức trao đổi, tiếp xúc linh hoạt: Tổng Bí thư hai Đảng trao đổi thư chúc mừng nhân dịp Tết cổ truyền Quý Mão 2023, trao đổi điện mừng cấp cao dịp kỷ niệm 73 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (ngày 18/1); Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ngày 2/3) gửi điện chúc mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhân dịp nhậm chức; Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam (từ ngày 10-12/3) gửi điện mừng lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nhân dịp được bầu tại Kỳ họp Lưỡng hội 2023; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi thư chúc mừng sinh nhật Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ngày15/6); Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (ngày 4/4); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Uỷ viên trưởng Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại toàn quốc) Trung Quốc Triệu Lạc Tế.

Các chuyến thăm cấp cao được tích cực triển khai: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thiên Tân, Trung Quốc (25 – 28/6/2023). Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của đồng chí Phạm Minh Chính trên cương vị Thủ tướng Chính phủ,

Năm 2023, có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 15 năm thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (6/2008 - 6/2023) với việc cụ thể hoá các nhận thức chung của hai đồng chí Tổng Bí thư, nhất là Tuyên bố chung tháng 11/2022 về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Hai bên đạt nhiều nhận thức chung quan trọng, nhất trí trong nhiều biện pháp cụ thể về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, góp phần tạo cơ sở vật chất quan trọng cho thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới.

Hai bên nhất trí nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh kết nối giao thông, nhất là trong lĩnh vưc đường sắt, đường bộ, hạ tầng cửa khẩu, nâng cao hiệu suất thông quan, duy trì giao thương thông suốt, bảo đảm chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng.

Phía Trung Quốc khẳng định sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam, nhất là hàng nông sản, tăng thêm hạn ngạch cho hàng hoá Việt Nam quá cảnh bằng đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba, mở rộng đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào những lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.

Giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng được duy trì thường xuyên. Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã thăm và làm việc tại Trung Quốc (từ ngày 25 - 28/4/2023). Tiếp theo, các cấp, các ngành, địa phương hai bên tích cực khôi phục trao đổi đoàn sau khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng dịch

Hai bên tổ chức chương trình Gặp gỡ đầu Xuân 2023 giữa Bí thư Tỉnh uỷ và Hội nghị lần thứ 14 Uỷ ban Công tác liên hợp giữa 4 tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng với Quảng Tây (ngày 22/2); Hội nghị lần thứ ba giữa các Bí thư Tỉnh uỷ và Phiên họp lần thứ 9 Nhóm Công tác liên hợp giữa 4 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên với Vân Nam (ngày 27/3); Bí thư Tỉnh uỷ Hải Nam thăm Việt Nam (20-23/02); Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thăm làm việc (từ ngày 9-11/3); Bí thư Vân Nam (từ ngày28-29/3), Bí thư Quảng Tây thăm Việt Nam (từ ngày30/3-2/4). Đặc biệt, hai bên đang chuẩn bị  tổ chức hoạt động Giao lưu Quốc phòng biên giới với sự tham dự của hai đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc mang lại lợi ích thiết thực

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Trong quan hệ thương mại hai nước có tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất, nhập khẩu hàng hóa. Theo đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới...

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,8 tỷ USD, tăng  5,92% so với năm 2021, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 57,9 tỷ USD (tăng 3,6%), nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,9 tỷ USD (tăng 7,11%), Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 60 tỷ USD (tăng 10,73%).

Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 105,5 tỷ USD, giảm 10,28% so với cùng kỳ năm 2022.  Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc 8 tháng năm 2023 đạt 36,6 tỷ USD, tăng 2,37% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc 8 tháng năm 2023 chiếm 16,05% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc trong 8 tháng năm 2023 đạt 68,8 tỷ USD, giảm 15,81% so với cùng kỳ năm 2022; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc trong 8 tháng năm 2023 chiếm 33,05% trong tổng nhập khẩu của Việt Nam từ Thế giới. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc trong 8 tháng năm 2023 có giá trị 32,2 tỷ USD, giảm 29,95% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh song Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Về đầu tư, tính đến tháng 8 năm 2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã có gần 4.000 dự án ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 26 tỷ USD, đứng thứ 6/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký mới gần 2,7 tỷ USD.

Về du lịch: Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam (năm 2019 đạt hơn 5,8 triệu lượt người, chiếm 1/3 tổng khách quốc tế đến Việt Nam). Từ tháng 02/2020, do dịch Covid-19 bùng phát, hợp tác du lịch giữa hai nước tạm thời bị gián đoạn. Từ ngày 15/3/2023, Trung Quốc chính thức khôi phục cho phép các đoàn khách du lịch đến một số nước, trong đó có Việt Nam, đồng thời mở lại một số tuyến bay thương mại giữa các địa phương hai nước (Hà Nội - Bắc Kinh) và điều chỉnh chính sách thị thực, xuất nhập cảnh, kiểm dịch y tế. Trong tháng 8 năm 2023 Việt Nam đã đón hơn 212 nghìn lượt khách Trung Quốc, tăng 117% so với tháng 7 năm 2023, đưa tổng số khách Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm lên gần 950 nghìn lượt khách.

Có thể thấy hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua được thực hiện trên nhiều lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch đem lại hiệu quả thiết thực cho kinh tế xã hội hai nước, góp phần củng cố, duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam-Trung Quốc./.

 Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì xu thế phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực  3

Xe chở hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh

Trang Nguyễn

 

 



Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top