Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới

29/09/2023 - 10:33 AM
Tại tọa đàm "Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới" ngày 26/9/2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, dù doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế nhưng lại nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vây, DNNN có vai trò nòng cốt, quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, để có được những thành tựu tiêu biểu trong gần 40 năm đổi mới, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và DNNN nói riêng đã nỗ lực không ngừng, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo, dẫn dắt nền kinh tế. Mặc dù DNNN chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế nhưng lại nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, có vai trò nòng cốt, quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Sự phát triển lớn mạnh của các DNNN không chỉ đóng góp cho sự phồn thịnh, phát triển kinh tế-xã hội mà còn là công cụ hữu hiệu trong thực hiện điều tiết vĩ mô, ổn định giá cả, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia, nhất là ở các địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo. DNNN còn là khu vực xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế chiến lược quan trọng và những ngành, lĩnh vực mũi nhọn để tạo động lực phát triển kinh tế, trong điều kiện khu vực tư nhân còn chưa lớn mạnh và chưa có khả năng thực hiện.

 
Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN, đặc biệt là hoạt động đầu tư trong thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế. Các DNNN đang chậm chuyển mình trong xu hướng mới, bối cảnh mới; vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy của các DNNN chưa được phát huy rõ nét.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, DNNN có hiệu quả hoạt động tốt nhưng chưa tương xứng với tiềm lực, nguồn lực nắm giữ. Chất lượng, hiệu quả của DNNN chủ yếu xuất phát từ những lợi thế tự nhiên; chỉ dựa trên nền tảng công nghệ và lợi thế nhà nước trao cho. Hoạt động đầu tư chưa được như kỳ vọng, đặc biệt là việc nâng cao năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo còn hạn chế, nhất là trong những ngành nghề có sự chuyển đổi, phát triển nhanh chóng như công nghệ số; năng lượng mới, năng lượng sạch…

Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hơn nữa, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng cần tập trung vào một số nội dung chính:

Một là, cần nhận định, đánh giá lại vị thế, vai trò của DNNN, từ đó làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực DNNN phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần xác định DNNN ở đâu trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam để từ đó đặt ra những sứ mệnh quan trọng và bố trí nguồn lực để DNNN thực hiện tốt vai trò, vị trí trong nền kinh tế.

Hai là, cần bàn luận đưa ra các định hướng đổi mới phương thức quản lý phần vốn nhà nước của doanh nghiệp theo hướng tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong bối cảnh mới, đặc biệt là giải pháp nào để nâng cao vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Với việc quản lý 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lớn, nắm giữ 1,1 triệu tỷ đồng trong tổng số 3,7 triệu tỷ đồng tài sản của toàn bộ khối DNNN, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần thực hiện vai trò của người nhạc trưởng trong việc điều phối, huy động nguồn lực của 19 doanh nghiệp phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Ba là, đánh giá rõ hơn về tình hình thực hiện đầu tư và hiệu quả đầu tư của DNNN trong thời gian qua, từ đó xác định được những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ. Những khó khăn nào xuất phát từ thể chế chính sách, những khó khăn nào xuất phát từ khâu triển khai thực hiện để từ đó tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các quyết sách khơi thông nguồn lực, tạo đột phá, phát huy vai trò của DNNN với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất”.

Bốn là, xác định rõ những ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư của DNNN trong giai đoạn tới để DNNN quy mô lớn thể hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt và là công cụ quản lý hữu hiệu của nhà nước trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhất là trong thời điểm khó khăn, thách thức. Theo Thứ trưởng, DNNN cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế. Các lĩnh vực mới như điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh hay công nghiệp bán dẫn… là những lĩnh vực đòi hỏi sự tham gia của các DNNN, đặc biệt là DNNN quy mô lớn.

Doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng cũng đang đứng trước những đòi hỏi, yêu cầu của bối cảnh mới. Đó là sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường về việc phát triển theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đang diễn ra mạnh mẽ để thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Chính vì vậy, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng, cần đẩy mạnh nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNN để phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường như đã nêu tại Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, nhằm đóng góp vào thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025./.


Năm 2023, 19 tập đoàn, tổng công ty dự kiến đầu tư 260.000 tỷ đồng

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, 19 tập đoàn, tổng công ty sau khi chuyển về Ủy ban có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục, ổn định; thể hiện được vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực; đóng góp đáng kể vào nguồn thu của ngân sách nhà nước.
 
So với năm 2018 (thời điểm chuyển về Ủy ban), theo báo cáo tài chính của các tập đoàn, tổng công ty đến thời điểm cuối năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất tăng từ 1 triệu 055 nghìn tỷ đồng lên 1 triệu 154 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2 triệu 360 nghìn tỷ đồng lên 2 triệu 491 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước). Về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đạt được hàng năm có sự tăng trưởng.
 
Tính riêng trong năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 1 triệu 871 nghìn tỷ đồng chiếm 20% GDP cả nước (tăng 0,6% so với năm 2018). Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty đạt đạt 103 nghìn 310 tỷ đồng, tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 227 nghìn 990 tỷ đồng.
 
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban dự kiến đầu tư khoảng 260.000 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực năng lượng (EVN, PVN, TKV, Petrolimex) là 166.676 tỷ đồng; lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải (ACV, VEC, Đường sắt, Hàng không, Hàng hải) là 49.571 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp (Hóa chất, thuốc lá) là 1.804 tỷ đồng; lĩnh vực nông nghiệp (cao su, cà phê, lâm nghiệp, lương thực miền Bắc và miền Nam) 4.851 tỷ đồng; lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin (VNPT, MobiFone) là 17.300 tỷ đồng; lĩnh vực đầu tư kinh doanh vốn (SCIC) là 4.700 tỷ đồng.
 
Thu Hường
 
 
 
 
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top