Quảng Nam: Đẩy mạnh chuyển đổi số hướng đến nông thôn mới thông minh

25/12/2023 - 04:02 PM
Thực hiện Chương trình chuyển đổi số, tỉnh Quảng Nam đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM, hướng đến NTM thông minh; từ đó tăng cường hiệu quả thúc đẩy kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển.

Từng bước hướng tới NTM thông minh

Đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch hướng đến đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh.


Bộ mặt NTM Quảng Nam khởi sắc nhờ có chuyển đổi số

Theo Kế hoạch, Quảng Nam xây dựng và xác định rõ nội dung công việc, lộ trình thực hiện, thời gian, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các đơn vị, địa phương có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Mục tiêu đến năm 2025, phát triển chính quyền số trong xây dựng NTM. Tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, ít nhất 97% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 của Tiêu chí số 15 về Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao. 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM, 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của Tiêu chí số 6 về Kinh tế, 90% đạt chỉ tiêu 9.2 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao. 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tập huấn, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Về phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số. Ít nhất 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại.

Triển khai xây dựng NTM thông minh, phấn đấu 100% xã NTM kiểu mẫu có ít nhất một mô hình thôn NTM thông minh, huyện NTM nâng cao có ít nhất 3 mô hình thôn NTM thông minh. Phấn đấu mỗi năm có ít nhất có 1 mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội như kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hóa, cải cách hành chính, an ninh trật tự.

Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, tính đến tháng 8/2023, Quảng Nam có 24.368 giao dịch trên sàn thương mại điện tử; 5.896 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; 188.662 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong thúc đẩy kinh doanh: website, sàn thương mại điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán trực tuyến, hợp đồng điện tử, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, sử dụng phần mềm kế toán, quản lý nội bộ…; đưa sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương lên sàn thương mại điện tử.

Nhờ đó, kinh tế số cũng đã tiếp cận tới các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể. Toàn tỉnh hiện có 175 sản phẩm OCOP và 123 sản phẩm vùng miền được đưa lên sàn thương mại điện tử. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch điện tử tăng mạnh trong năm, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử và tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử tăng cao đạt 98,2%.


Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay, bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn của toàn tỉnh là 16,48 tiêu chí/xã, đã có 118 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 60,82% và có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 195 thôn đã được công nhận đạt chuẩn “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”; có thôn được công nhận thôn NTM.

Thúc đẩy công tác chuyển đổi số trong xây dựng NTM

Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, tỉnh Quảng Nam cũng đã đưa ra các giải pháp thực hiện như đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số trong xây dựng NTM.

Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển hạ tầng và kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn/bản, nâng cao chất lượng và năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân, hạ tầng công nghệ để phát triển hệ thống thông tin điện tử trên các lĩnh vực (giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử), cung cấp cho mỗi hộ dân nông thôn có ít nhất một điện thoại thông minh theo hình thức xã hội hóa.

Ngoài ra, xây dựng các bản đồ số về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở về kết quả xây dựng NTM. Bản đồ số về du lịch nông thôn để kết nối, giới thiệu và quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn. Xây dựng hệ thống kiến trúc, chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu về nông thôn mới trên nền tảng dữ liệu lớn đồng bộ, kết nối và liên thông.

 
Quảng Nam luôn xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá trong chương trình xây dựng NTM

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh sẽ xây dựng phần mềm ứng dụng trực tuyến phục vụ công tác thẩm định, xét công nhận địa phương đạt chuẩn NTM và tổ chức lấy ý kiến hài lòng của người dân. Xây dựng hệ thống quản lý, chia sẻ và khai thác về công nghệ phục vụ xây dựng NTM.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, trước mắt tỉnh sẽ triển khai xây dựng thí điểm các mô hình xã NTM thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội ở các địa phương như y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh trật tự, môi trường, cải cách hành chính, an ninh trật tự, du lịch nông thôn….

Nghiên cứu, đề xuất thực hiện thí điểm mô hình xã thương mại điện tử cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chủ lực của địa phương, liên kết hợp tác giữa địa phương, các doanh nghiệp thương mại điện tử, ngân hàng và người dân.

Xây dựng thí điểm các mô hình thôn NTM thông minh để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh gắn với việc thực hiện tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu, từ đó làm cơ sở để hướng đến xây dựng Bộ tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu thông minh giai đoạn sau năm 2025./.

 
 Thu Hường
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top