Sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2023 vẫn có những điểm sáng khả quan

06/09/2023 - 03:04 PM

Hoạt động sản xuất công nghiệp các tháng gần đây đã có những tín hiệu tích cực, thể hiện rõ nét qua chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) liên tục trong bốn tháng Năm, Sáu, Bảy, Tám đều tăng so với tháng trước với mức tăng tháng sau cao hơn tháng trước, cao nhất là tháng Tám với chỉ số IIP tăng 2,9% so với tháng Bảy và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành sản xuất công nghiệp trọng điểm tháng Tám tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất kim loại tăng 24,8%; sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 22,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 17,8%; dệt tăng 15,1%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 11,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 10,5%.

Tính chung 8 tháng đầu năm nay, chỉ số IIP ước tính giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm này chủ yếu do tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước (4 tháng đầu năm 2023 sản xuất công nghiệp giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước). Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so cùng kỳ như: Sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 9,9%; sản xuất thuốc lá tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 8,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 7%; khai thác quặng kim loại tăng 6,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 5,6%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,4%...  

Trong 8 tháng đầu năm 2023, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực vẫn đảm bảo mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước, gồm: Đường kính tăng 34,9%; phân hỗn hợp NPK tăng 14,2%; xăng dầu các loại tăng 10,1%; tivi các loại tăng 10%; sơn hóa học tăng 9,5%; thuốc lá điếu và vải dệt từ sợi nhân tạo cùng tăng 8,6%; thép cán tăng 6,5%; sữa tươi tăng 6,3%; sắt, thép thô tăng 6,1%; nước máy thương phẩm tăng 5%;…

Theo địa phương, có 49/63 (chiếm 77,8%) tỉnh, thành phố trong cả nước có chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó những tỉnh, thành phố có sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng cao, gồm: Trà Vinh tăng 25,5%; Bắc Giang tăng 15,9%; Phú Thọ tăng 15,6%; Thái Bình tăng 14,3%; Nam Định tăng 13,6%; Khánh Hòa tăng 12,5%; Hậu Giang tăng 12,2%; Kiên Giang tăng 12%; Hải Phòng tăng 11,6%; Phú Yên tăng 11,4%; Hà Nam và Bắc Kạn tăng 10,7%; Quảng Trị tăng 9,5%; Kon Tum tăng 9,2%;....

Chỉ số sản xuất công nghiệp so với năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Bắc Giang tăng 15,9%; Hải Phòng tăng 11,6%; Quảng Ninh tăng 7,8%: Hải Dương tăng 7,5%; Thanh Hóa tăng 7,1%; Đồng Nai tăng 4,1%; Thái Nguyên tăng 4%; Bình Dương tăng 3,4%; Cần Thơ tăng 3,3%; TP Hồ Chí Minh tăng 2,8%; Hà Nội tăng 2,4%; Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 0,9%; Quảng Ngãi tăng 0,2%;…

Đây được cho là những ‘điểm sáng’ hứa hẹn giúp ngành công nghiệp sớm lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm, đồng thời khẳng định những nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện các giải pháp về tiền tệ, lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu; khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; điều chỉnh kịp thời chính sách thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao;…/.

Nguồn: Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng - TCTK

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top