Sản xuất nông nghiệp diễn biến thuận lợi trong 9 tháng năm 2023

05/10/2023 - 02:30 PM
9 tháng năm 2023, sản xuất nông nghiệp diễn biến thuận lợi

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2023 tương đối thuận lợi: Trồng trọt đạt kết quả khá tốt khi thời tiết ôn hòa; Một số sản phẩm nông nghiệp có mức tăng khá do nhu cầu tăng cao của thị trường; Chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát; Hoạt động khai thác thủy sản biển cũng khá thuận lợi do giá xăng dầu giảm so với cùng kỳ năm trước nên khuyến khích người dân ra khơi bám biển. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và các cấp chính quyền đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tạo bước đột phá mạnh mẽ với sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho trong sản xuất nông, lâm, thủy sản. Các sản phẩm nông sản đã dần đạt được các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật về vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, có giá trị cao, người trồng có lợi nhuận nên yên tâm sản xuất...

Nhờ đó, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm 2023 đạt kết quả khá tốt. Các hoạt động sản xuất NLTS nhìn chung đã có nhiều nỗ lực để duy trì ở mức ổn định, đáp ứng các nhu cầu trong nước (tiêu dùng dân cư, đầu vào cho sản xuất công nghiệp...) và xuất khẩu. Giá trị tăng thêm của ngành trong 9 tháng năm 2023 tăng 3,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Mức tăng trưởng này đến từ kết quả sản xuất tích cực, sản lượng của nhiều sản phẩm NLTS tăng khá như xoài, cam, vải, sầu riêng, điều, lợn, gà, gỗ khai thác, thủy sản nuôi trồng...
 
Bên cạnh những thuận lợi, sản xuất nông nghiệp 9 tháng qua cũng gặp một số khó khăn như: Xu hướng giảm diện tích cây trồng, một phần do thiếu lao động; vấn đề quy hoạch vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm NLTS, vùng nuôi trồng thủy sản; giá thức ăn chăn nuôi và thủy sản còn tăng cao trong quý I và II, mặc dù giảm dần trong quý III nhưng vẫn cao so trước dịch Covid-19; tồn tại “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu đối với Việt Nam về
khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Ngoài ra, thị trường xuất khẩu giảm từ đầu năm nên doanh nghiệp xuất khẩu giảm thu mua nguyên liệu dẫn đến tâm lý người sản xuất còn e ngại (diện tích thả nuôi thủy sản chủ lực giảm); ngành sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ giảm đơn hàng nên doanh nghiệp giảm thu mua nguyên liệu dẫn đến khai thác gỗ chậm...

Một số đề xuất giải pháp

 Mục tiêu tăng trưởng ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 theo Nghị quyết 01/CP đạt 3% là rất khả quan bởi: Một số thị trường xuất khẩu NLTS lớn của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại như: Trung Quốc, Nhật Bản...; Quý IV/2023 vào vụ thu hoạch các sản phẩm như cà phê, cao su, chè, trái cây các loại; và đặc biệt lúa thu đông năm nay có khả năng tăng khá về sản lượng; Thủy sản cũng có tín hiệu tốt về thị trường xuất khẩu (tôm nước lợ) nên người nuôi đã bắt đầu thả nuôi từ quý III để chuẩn bị cho thu hoạch vào cuối năm; Giá thức ăn chăn nuôi và thủy sản tiếp tục giảm trong quý III dẫn đến người chăn nuôi bắt đầu khôi phục lại đàn vật nuôi.

Tuy nhiên, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có những thách thức cần được lưu ý: Thời tiết trong những năm gần đây thường có sự biến đổi cực đoan nên cũng ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là sản phẩm trồng trọt; dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong những tháng cuối năm. Thủy sản khai thác biển vẫn phải đối mặt với thẻ vàng IUU. Sản xuất lúa thu đông ở ĐBSCL năm nay do mở rộng diện tích nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất vụ đông xuân 2024 của vùng này...

Để khẳng định vai trò quan trọng, giữ vững vị thế và uy tín của ngành nông nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu và góp phần đảm bảo an ninh lương thực của thế giới theo các cam kết, Việt Nam cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Triển khai các kênh theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi; có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng tăng đột biến về giá cả. Nghiên cứu đề xuất kế hoạch xây dựng vùng sản xuất nguyên vật liệu thức ăn chăn nuôi.

- Với những sản phẩm xuất khẩu chủ lực như thanh long, xoài, cá tra, tôm… cần nghiên cứu nhu cầu thị trường để có kế hoạch sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung cấp thường xuyên liên tục.

- Tiếp tục đưa ra các chính sách, gói hỗ trợ người sản xuất trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay. Các cơ quan quản lý ngành cần đưa ra các định hướng, biện pháp tháo gỡ khó khăn từ ngắn hạn đến dài hạn. Hướng dẫn doanh nghiệp và người dân các điều kiện để sản xuất an toàn, khả năng kiểm soát dịch bệnh, bao tiêu sản phẩm đầu ra; nghiên cứu và đề xuất chính sách hỗ trợ sản xuất con giống và ưu đãi tín dụng cho người dân, chuỗi liên kết sản xuất./.

 
Việt Nam vừa đảm bảo an ninh lương thực trong nước, vừa đạt mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo năm 2023

Việc Nga chính thức rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen; Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) tạm dừng xuất khẩu gạo; hiện tượng El Nino, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán cũng có những diễn biến ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa gạo... những yếu tố này là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng.

Đứng trước cơ hội, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 3/7/2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, nhằm đảm bảo sản xuất trong nước và thúc đẩy xuất khẩu gạo đạt 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính chung trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 5,8 triệu tấn, thu về hơn 3,1 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, là mặt hàng ghi nhận tăng trưởng đứng thứ 2 về sản lượng trong 8 tháng đầu năm. Giá trung bình xuất khẩu gạo của nước ta trong 8 tháng qua tăng tăng 11,8% so với cùng kỳ, đạt 544 USD/tấn.

Trong khi đó, sản xuất lúa 9 tháng năm 2023 đạt khá do điều kiện thời tiết thuận lợi, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống lúa; nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác ở các địa phương. Sản lượng lúa 9 tháng ước đạt 32,1 triệu tấn (chiếm khoảng 74,7% tổng sản lượng cả năm), tăng 1,3% so cùng kỳ năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường xuất khẩu gạo năm 2023. Dự kiến cả năm 2023, sản lượng lúa đạt được từ 43 đến 43,4 triệu tấn, tăng khoảng 650 -700 nghìn tấn so năm 2022 (vượt 170 nghìn tấn so với kế hoạch của ngành nông nghiệp nông thôn năm 2023).

Theo tính toán của TCTK, từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng lúa sẽ bảo đảm kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Ước tính, tổng sản lượng thóc sau khi đã trừ đi sản lượng làm giống cho năm sau, cho chăn nuôi trực tiếp, hao hụt… đạt khoảng 24,7 triệu tấn gạo. Trong số đó, sản lượng dành cho tiêu dùng trong nước (gạo, sản phẩm chế biến từ gạo) là khoảng 5,4 triệu tấn; dùng để ăn gần 8,3 triệu tấn; một phần bị hao hụt và dành cho chăn nuôi. Như vậy, sẽ còn khoảng 10,1 triệu tấn gạo (tương ứng khoảng 15,5 triệu tấn thóc) dành cho xuất khẩu và dự trữ.

Dự báo, ngành nông nghiệp khả năng sẽ đạt được 7,5 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2023 mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong nước (năm 2022 sản lượng lúa đạt 42,7 triệu tấn; xuất khẩu đạt 7,1 triệu tấn gạo).

Tuy nhiên cũng có một số điểm cần lưu ý do Gạo là mặt hàng lương thực tiêu dùng phổ biến nên cần thận trọng trong việc thu mua theo thời điểm, tránh làm tăng giá; Sản lượng gạo dùng cho xuất khẩu chủ yếu ở vùng ĐBSCL nên cũng cần có kế hoạch phát triển bền vững 01 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh ở vùng này./.

 
 
Đỗ Thị Thu Hà
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản - TCTK
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top