Sóc Trăng: Chính sách tín dụng tạo cơ hội thoát nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

14/12/2023 - 04:52 PM

Sóc Trăng là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, chiếm khoảng 35% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là đồng bào Khmer và Hoa. Để tạo điều kiện cho đồng bào DTTS phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tỉnh đã triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi, đặc biệt là chương trình cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ, hỗ trợ cho nhiều hộ DTTS xây nhà an cư, chuyển đổi nghề nghiệp, từng bước thoát nghèo bền vững.

Giải ngân kịp thời, đúng đối đối tượng, đúng chính sách

Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ quy định các chính sách tín dụng ưu đãi gồm: Cho vay hỗ trợ đất ở; cho vay hỗ trợ nhà ở; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý và cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Đối tượng được hưởng chính sách vay bao gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ gia đình và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người DTTS; địa bàn thực hiện cấp xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Để người dân vùng đồng bào DTTS tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp, đồng bộ, giải ngân kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Cụ thể, trong năm 2022, dư nợ riêng chương trình cho vay theo Nghị định 28 của Chính phủ là 56 tỷ đồng (tỷ lệ giải ngân đạt 99,9% nguồn vốn được phân bổ). Bên cạnh chương trình dành riêng cho đối tượng hộ DTTS này, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Sóc Trăng cũng thực hiện lồng ghép cho vay đối với các hộ DTTS bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ các chương trình khác như chương trình cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay xuất khẩu lao động… nhằm mục tiêu phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng DTTS so với bình quân chung của Tỉnh.

Nguồn vốn tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, Tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tăng cường nguồn vốn thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua cân đối, bố trí ngân sách địa phương bổ sung ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến tháng 6/2023, lũy kế nguồn vốn ủy thác của Tỉnh đạt 147,4 tỉ đồng, chiếm 3,2% tổng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH Tỉnh, trong đó, ngân sách tỉnh Sóc Trăng ủy thác 67,4 tỉ đồng và ngân sách các huyện, thị xã, thành phố ủy thác là 80,1 tỉ đồng, tăng lần lượt là tăng 1,9 lần và 6,7 lần so với năm 2014. 

Song song công tác huy động, Ngân hàng CSXH đã phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác kiểm tra đối tượng vay vốn, hướng dẫn người dân sử dụng đúng mục đích. Các địa phương trong Tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý, tổ chức họp ban chỉ đạo triển khai đến các ấp; chỉ đạo các ấp họp dân, rà soát những người có nhu cầu thụ hưởng chính sách như: Nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề; lập danh sách niêm yết công khai tại trụ sở. Đối với các mô hình chuyển đổi ngành nghề, bà con được vay vốn được học nghề ngắn hạn phù hợp với điều kiện địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế như: Chăn nuôi, buôn bán nhỏ, sửa chữa cơ khí…

Nhờ phát huy vai trò của hệ thống chính trị, hoạt động tín dụng chính sách ở Sóc Trăng được triển khai hiệu quả, góp phần làm thay đổi tư duy nhận thức của người dân về việc thụ hưởng các chính sách. Giờ đây, người dân có sự chủ động, nỗ lực phấn đấu trong lao động, sản xuất để tự vươn lên thoát nghèo bền vững, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Tạo cơ hội cho đồng bào DTTS vươn lên

Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Tỉnh có sự chuyển biến, tỷ lệ hộ cận nghèo nói chung, hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng từng bước được cải thiện. Cụ thể, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo chung của Sóc Trăng là 4,54%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer 7,1% và ước tính tỷ lệ hộ nghèo chung năm 2023 sẽ giảm 2%, vùng đồng bào dân tộc Khmer giảm 3%.

Đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng vừa được học nghề vừa được vay vốn ưu đãi
từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi

 

Điển hình nhất là tại huyện Long Phú, địa phương có 72% dân số là đồng bào DTTS. Thời gian qua, thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, người dân rất vui mừng, phấn khởi vì được hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất. Cùng với đó, Huyện cũng lồng ghép nhiều dự án của 03 chương trình MTQG để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở ấp đặc biệt khó khăn, chú trọng triển khai thực hiện: Dự án Phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển tiềm năng, thế mạnh của các địa phương để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho bà con…

Ông Sơn Rươl, nông dân Khmer ở ấp Nước Mặn, xã Long Phú, huyện Long Phú chia sẻ: “Trước đây kinh tế gia đình tôi gặp nhiều khó khăn lắm. Nhưng kể từ khi được các cấp chính quyền tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn chính sách ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, tham gia các lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật… tôi đã biết cách sử dụng đồng vốn hợp lý trong sản xuất cũng như nắm bắt kịp các tiến bộ kỹ thuật để áp dụng nên cuộc sống đã ngày một khấm khá hơn. Không chỉ tôi mà nhiều gia đình khác trong ấp cũng vậy, thậm chí có hộ còn xây dựng nhà cửa khang trang, con cái học hành đàng hoàng”.

Từ thực tiễn tại các địa phương trong tỉnh cho thấy, nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28 của Chính phủ là đòn bẩy quan trọng tạo động lực cho các hộ dân vùng đồng bào DTTS Sóc Trăng thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững./.

Đình Long

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top