Tận dụng sức bật từ UKVFTA cho thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh

15/12/2023 - 11:47 PM
Sau 3 năm thực hiện kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) chính thức có hiệu lực, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Anh đã có những bước chuyển mình rõ rệt. UKVFTA đã chứng minh sức mạnh và lợi ích của một Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương.

Kể từ thời điểm triển khai vào tháng 5/2021, Hiệp định UKVFTA đã mang lại những lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp Anh tại thị trường Việt Nam, nhất là việc giảm thuế quan và mở rộng tiếp cận thị trường. Đối với nước Anh, các sản phẩm trở nên có tính cạnh tranh cao hơn trên thị trường Việt Nam và lượng hàng hóa xuất khẩu từ Vương quốc Anh sang Việt Nam cũng được tăng lên đáng kể nhờ lợi ích giảm thuế quan đối với 99% hàng hóa có xuất xứ trong các giao dịch mua bán giữa hai nước tính đến năm 2027. UKVFTA đã đơn giản hóa các thủ tục và tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, dễ tiếp cận hơn cho các doanh nghiệp Anh có dự định thành lập, đầu tư, tiến hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, Hiệp định cũng đã mở ra những cơ hội mới để cho các doanh nghiệp Anh mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, công nghệ và năng lượng tái tạo.


Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Vương quốc Anh sang Việt Nam trong năm 2022 đạt 771 triệu USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021; trong 3 quý đầu năm 2023 tổng trị giá hàng hóa Anh xuất khẩu sang Việt Nam ước đạt hơn 587 triệu USD, tăng 2,28% so cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, Anh đang đứng thứ 15 trên tổng số 143 nước có hoạt động đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Lũy kế đến ngày 20/11/2023 có 553 dự án còn hiệu lực với số vốn đạt 4,29 tỷ USD; tăng 53 dự án so với thời điểm 31/12/2022.

Về phía Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội hợp tác chuyển giao công nghệ và tham gia chuỗi cung ứng cũng như hợp tác xây dựng thương hiệu với các doanh nghiệp Anh. Doanh nghiệp có điều kiện tận dụng mạng lưới và kiến thức chuyên môn về các thị trường quốc tế của doanh nghiệp Anh để có thể mở rộng việc xuất khẩu sang các thị trường mới, đa dạng hóa khách hàng và tăng cường doanh thu xuất khẩu.

Thông qua hợp tác với các doanh nghiệp Anh, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội hợp lý hóa chuỗi cung ứng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, giúp tiết kiêmk thời gian giao hàng, quản lý hàng tồn kho tốt hơn và tránh lãng phí trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến, các tiêu chuẩn ngành của Vương quốc Anh và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình hoạt động, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất, giúp cải thiện hiệu suất tiêu chuẩn và tăng cường uy tín, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Nhìn từ góc độ của các doanh nghiệp xuất khẩu có Anh là đối tác thương mại truyền thống, sau khi Anh rời EU (Brexit), doanh nghiệp chỉ còn tận dụng được lợi thế xuất khẩu sang nước này trong vài tháng trước khi chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GPS) đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU hết hiệu lực. Vì vậy, tốc độ xuất khẩu sang Anh có sự sụt giảm sau khi chế độ ưu đãi hết hiệu lực. Tuy nhiên, kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, xuất khẩu của doanh nghiệp đã tăng trưởng trở lại và khôi phục như trước thời điểm anh rời EU.


Số liệu xuất khẩu của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh đã tăng lên đáng kể, từ 4,94 tỷ USD năm 2020 lên 5,76 tỷ USD năm 2021 và đạt trên 6 tỷ USD năm 2022 bất chấp những khó khăn do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Với nguồn cung lớn của nhiều loại hàng hóa, nguyên vật liệu chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng ưu đãi của Hiệp định UKVFTA để gia tăng nhập khẩu nguồn nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng phục vụ sản xuất.

Để tận dụng những lợi thế có thể đạt được trong quan hệ thương mại Việt Nam  Vương quốc Anh thông qua UKVFTA, các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào một số yếu tố để tận dụng các cơ hội hiện có như: Nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu cần đáp ứng hoặc vượt mức tiêu chuẩn chất lượng yêu cầu bởi Anh. Doanh nghiệp cũng cần tìm đến sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, Thương vụ Việt Nam tại Anh, các tổ chức và cơ quan liên quan để tận dụng các chương trình hỗ trợ sẵn có và những hỗ trợ về thông tin thị trường, đối tác để đảm bảo hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng, tận dụng tối đa những ưu đãi từ UKVFTA và tránh phải đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại. Thêm vào đó, cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tận dụng các công nghệ kỹ thuật số và các nền tảng thương mại điện tử để tìm kiếm thị trường mới; đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng nước Anh, hạn chế bớt các đơn vị trung gian. Đồng thời nâng cao nhận thức liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trước khi tiến hành xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường Anh./.
 
Thu Hiền

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top