Tạo đà cho ngành Dược phát triển

21/12/2023 - 03:35 PM
Với quy mô thị trường trên 100 triệu dân và ý thức chủ động chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng nâng lên, Việt Nam được đánh giá có nhiều triển vọng phát triển ngành công nghiệp dược, đặc biệt khi Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Kỳ vọng và những thách thức

Cục Quản lý Dược cho biết, hiện nay thuốc sản xuất trong nước của Việt Nam đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của thị trường và bước đầu đã xuất khẩu sang một số nước, trong đó, có 8/10 nước Đông Nam Á, 22 thị trường châu Á khác; 20 nước châu Âu và châu Mỹ; 5 nước châu Phi với khoảng 84% dược phẩm xuất khẩu của Việt Nam là dưới hình thức xuất khẩu tại chỗ. Tại khu vực Đông Nam Á, dược phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Singapore có giá trị lớn nhất, chủ yếu là các loại thuốc như thuốc giảm đau, hạ sốt và các loại dược phẩm dùng để điều trị ho, cảm lạnh. Tiếp đến là thị trường Nhật Bản với hệ thống quản lý dược phẩm khắt khe, đã chứng minh được sự tiến bộ của Dược Việt Nam khi thâm nhập được vào thị trường khó tính này.

Cũng theo cục quản lý Dược, đến thời điểm hiện nay, cả nước có khoảng 250 nhà máy sản xuất thuốc, 200 cơ sở xuất nhập khẩu, 4.300 đại lý bán buôn và hơn 62.000 đại lý bán lẻ thuốc. Với hệ thống nhà máy, đại lý Dược được phủ khắp các tỉnh, thành trong cả nước phần nào đáp ứng được nhu cầu về dược phẩm chăm sóc sức khỏe của người dân.

Theo kỳ vọng của Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm), năm 2023, doanh thu ngành dược Việt Nam sẽ tăng trưởng 8%, đạt 169 nghìn tỷ đồng (7,2 tỷ USD) và dự báo sẽ đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2023 được Vinapharm đặt ra tại Hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào cuối tháng Sáu vừa qua là 5.917,8 tỷ đồng doanh thu và 334,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương 104,3% và 253,6% thực hiện năm 2022. Ngoài ra, Vinapharm đang thực hiện các thủ tục chuyển nhượng 37 nhãn hiệu hàng hóa của Công ty CP Dược phẩm Sanofi - Synthelab Việt Nam trị giá 75,4 tỷ đồng sang Sanofi Việt Nam và Tập đoàn Sanofi (Pháp).

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, các doanh nghiệp dược trong nước hiện mới đáp ứng được nhu cầu của người dân và các cơ sở y tế về các loại thuốc điều trị bệnh thông thường. Các sản phẩm thuốc đặc thù, đặc trị, thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm… vẫn phải nhập khẩu nên giá trị sản xuất thuốc trong nước chỉ mới đạt khoảng 50% so với tổng giá trị tiền thuốc sử dụng của người dân. Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất của ngành Dược Việt Nam hiện nay là còn phải nhập khẩu dược liệu từ nước ngoài với tỷ lệ khá cao, lên tới 80-90%. Trong đó, số nguyên liệu nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc chiếm tỷ trọng lên tới 85% tổng kim ngạch nguyên liệu nhập khẩu.

Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu cũng khiến ngành dược chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như biến động tỷ giá, nguồn hàng cung cấp. Chi phí nhập khẩu cao đã đẩy giá thành xuất khẩu thuốc của Việt Nam cao hơn khoảng 20-25% so với Trung Quốc, Ấn Độ, trong khi giá nhiều nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng mạnh từ 15-80%. Với một nước có nhiều điều kiện để phát triển nguồn dược liệu như Việt Nam thì việc nhập khẩu dược liệu từ nước ngoài với tỷ lệ cao như hiện nay là một bất lợi.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 3257 triệu USD tân dược, tăng 7,3% so cùng kỳ năm 2022; riêng tháng 11/2023, nhập khẩu 450 triệu USD, tăng 45,6%.

 
Tạo đà cho ngành Dược phát triển
Ngành Dược Việt Nam ngày càng có sự phát triển mạnh mẽ

Mặc dù có nhiều tiềm năng, dư địa phát triển nhưng thực tế sức cạnh tranh của các doanh nghiệp dược Việt Nam trên thị trường và với các doanh nghiệp ngoại còn khá khiêm tốn. Trong số các doanh nghiệp dược Việt Nam, chỉ có 228 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn WHO-GMP và với các tiêu chuẩn GMP cao hơn như: EU, PICs, JAPAN, TCA… thì chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp. Ngay cả với các doanh nghiệp đã triển khai áp dụng các tiêu chuẩn WHO-GMP và cao hơn nhưng mới chỉ đang chú trọng xây dựng công thức, quy trình sản xuất thuốc mà chưa đầu tư nhiều về giá trị, đảm bảo hiệu quả của thuốc… Điều này cho thấy, tiêu chuẩn cơ sở nhà máy sản xuất dược của Việt Nam chưa cao, chưa đáp ứng được việc tuân thủ các quy định rất khắt khe về quản lý chất lượng của hệ thống GMP tiên tiến dẫn tới sản phẩm làm ra thiếu sức cạnh tranh do giá trị thấp. Giá trị xuất khẩu thuốc của Việt Nam năm 2022 mới đạt khoảng 216 triệu USD - khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực ASEAN có điều kiện tương tự...

Tạo đà để phát triển

Việt Nam được xếp vào nhóm những nước có ngành dược mới nổi, dân số Việt Nam đang bước vào giai đoạn “già hóa” với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên dự kiến sẽ đạt 21% vào năm 2050. Bên cạnh đó, xu hướng bệnh tật trẻ hóa đáng báo động như lối sống công nghiệp, lười vận động, chế độ ăn uống thiếu khoa học, nghiện rượu, thuốc lá… đang khiến mô hình bệnh tật ở nước ta thay đổi, trong đó, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân của 73% trường hợp tử vong. Đáng báo động, nhiều căn bệnh trước đây chỉ gặp ở người cao tuổi thì hiện nay có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Bên cạnh đó, những năm gần đây, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam cũng tăng lên và trình độ dân trí ngày càng cao, vì thế mức độ sẵn sàng chi trả cho chăm sóc sức khỏe và dịch y tế cũng tăng lên là những yếu tố chính dẫn đến yêu cầu sự phát triển của ngành Dược phẩm Việt Nam.

Để dược phẩm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về dược phẩm chăm sóc sức khỏe của người dân, ngày 09/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1165/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu chung nhằm phát triển ngành Dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý; nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN, phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của WHO; phát triển dược liệu, thuốc và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao; đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu làm thuốc; tối ưu hóa việc sử dụng thuốc.

Phấn đấu đến năm 2030, 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đảm bảo an ninh thuốc, đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc. Thuốc sản xuất trong nước phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường. Tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước. Vaccine sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu cho tiêm chủng dịch vụ.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gia công có phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm, bao gồm cả sinh phẩm tương tự và một số thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được.

Xây dựng được 08 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên và 02 - 05 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn. Phục tráng, nhập nội, di thực, phát triển được 10 - 15 loài cây dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu số lượng lớn. 100% nguyên liệu dược liệu được tiêu chuẩn hóa (cao chiết, tinh dầu, bột dược liệu) phục vụ sản xuất thuốc trong nước.

Đạt chứng nhận mức độ 3 trở lên của WHO về năng lực của cơ quan quản lý nhà nước đối với thuốc hóa dược, duy trì và nâng cao chứng nhận của WHO về năng lực của cơ quan quản lý nhà nước đối với vaccine.

Duy trì bền vững tỷ lệ 100% cơ sở kinh doanh thuốc đáp ứng tiêu chuẩn thực hành tốt; phấn đấu 100% cơ sở kiểm nghiệm thuốc, kiểm định vaccine và sinh phẩm đạt tiêu chuẩn thực hành phòng thí nghiệm tốt (GLP); 20% cơ sở sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP, PICs-GMP hoặc tương đương.

Ngành Dược phấn đấu có 30% thuốc generic (trừ thuốc có tác dụng tại chỗ, thuốc có tác dụng toàn thân sẵn có đặc tính tương đương sinh học với thuốc đối chứng) sản xuất trong nước và nhập khẩu có giấy đăng ký lưu hành được đánh giá tương đương sinh học; 100% thuốc trong quá trình lưu hành trên thị trường được giám sát và quản lý đầy đủ về hiệu quả và an toàn theo quy định của Bộ Y tế.   

100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hoạt động sử dụng thuốc có tổ chức và triển khai các hoạt động dược lâm sàng. Tỷ lệ người làm công tác dược lâm sàng đạt 01 người/100 giường bệnh nội trú và 02 người/1.000 đơn thuốc được cấp phát cho bệnh nhân ngoại trú có thẻ bảo hiểm trong một ngày.

Chiến lược phấn đấu hoàn thành chuyển đổi số ngành Dược; số hóa 100% thông tin, dữ liệu thuốc được cấp phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam, cập nhật vào Ngân hàng dữ liệu ngành dược; 100% cơ sở sản xuất, bán buôn, xuất nhập khẩu và bán lẻ thuốc trên toàn quốc được kết nối liên thông; đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực dược được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động ngành dược.

Đạt tỷ lệ 4,0 dược sĩ/1 vạn dân, trong đó dược sĩ được đào tạo về chuyên ngành dược lâm sàng đạt tối thiểu 20%.

Định hướng đến năm 2045, thuốc sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và nâng cao giá trị xuất khẩu, hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; chủ động sản xuất được các thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm và nguyên liệu làm thuốc; có thuốc biệt dược gốc từ nguồn dược liệu trong nước được nghiên cứu, sản xuất và đăng ký bản quyền. Phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD. Hệ thống kiểm nghiệm, phân phối thuốc, công tác dược lâm sàng, thông tin thuốc và cảnh giác dược đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến trên thế giới.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược sẽ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Tiếp tục hoàn thiện về thể chế, pháp luật; quy hoạch; đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị trong ngành dược; nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát thị trường thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo; hợp tác quốc tế; công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 gắn với triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành dược; thông tin, truyền thông… Với “đòn bẩy” này, ngành Dược Việt Nam được tạo đà, vững bước, tự tin phát triển tương xứng với tiềm năng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân về dược phẩm./.
Gia Linh
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top