Thanh Hóa phát huy vai trò người có uy tín thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

24/07/2023 - 09:02 AM
Thời gian qua, công tác dân tộc của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030 (Chương trình). Trong đó, nổi bật lên mô hình hoạt động phát huy vai trò của người có uy tín tại các địa bàn có đồng bào DTTS&MN, nhằm tuyên truyền Chương trình và vận động đồng bào tích cực tham gia thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình.

Phát huy vai trò của người có uy tín là nội dung nằm trong Tiểu dự án 1, Dự án 10 về Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ 2021-2025. Nội dung này được triển khai nhằm mục tiêu xây dựng, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của lực lượng cốt cán và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Biểu dương, tôn vinh, ghi nhận công lao, sự đóng góp của các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Đối tượng được xác định là người có uy tín là các già làng, trưởng bản, người có uy tín, cán bộ cốt cán có uy tín trong vùng đồng bào DTTS&MN; Các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế của đất nước.

 
Thanh Hóa phát huy vai trò người có uy tín thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thanh Hóa phát huy vai trò Người có uy tín góp phần đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ
phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.281 người có uy tín trong đồng bào DTTS&MN tại 1.281 thôn, bản, khu phố của 183 xã, thị trấn thuộc 17 huyện huyện, thị xã. Trong đó, có 1.200 nam, 81 nữ; dân tộc Mường có 627 người, dân tộc Thái 484 người, dân tộc Kinh 83 người, dân tộc Mông 43 người, dân tộc Thổ 29 người, dân tộc Dao 13 người, dân tộc Khơ Mú 02 người.

Người có uy tín tại các vùng đồng bào DTTS&MN tại Thanh Hóa đã trở thành lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng, thực hiện tốt công tác vận động đồng bào tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Đội ngũ người có uy tín tại Thanh Hóa luôn gương mẫu đi đầu thực hiện, tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung và các đề án, nhiệm vụ của Chương trình nói riêng. Kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện, cung cấp thông tin giúp các ngành chức năng và chính quyền địa phương đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật; tham gia giải quyết các trường hợp mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, không để các phần tử xấu tuyên truyền, kích động, gây rối mất trật tự an ninh, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tham gia có hiệu quả việc cảm hóa, giáo dục đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, góp phần quan trọng xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, duy trì và phát huy bản sắc văn hoá, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng DTTS và miền núi của tỉnh.

Người có uy tín được đồng bào DTTS&MN tín nhiệm thường là các chức sắc, già làng, trưởng thôn, bản trong các lứa tuổi, thành phần, dân tộc; hoặc cũng có thể đang giữ cương vị công tác, lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, như: Người cao tuổi, trưởng dòng họ, cán bộ công chức đương chức, người nghỉ hưu, nhân sỹ, trí thức, nông dân, thành viên MTTQ, các đoàn thể, hội quần chúng, người tiêu biểu trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh…

Những người có uy tín nhờ được sự tín nhiệm của đồng bào dân tộc đã tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; gương mẫu đi đầu để bà con trong thôn, bản noi theo; tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; tham gia xây dựng hương ước, quy ước của địa phương; vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với cải tạo vườn đồi, vườn rừng, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp có năng suất, giá trị kinh tế cao, tạo ra các mô hình phát triển kinh tế tổng hợp vườn, ao, chuồng; đi đầu trong việc tìm những phương pháp, cách làm, khai thác và phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, áp dụng những tiến bộ khoa học, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế. Đến nay, đã có nhiều hộ nông dân người dân tộc thiểu số tại các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Thạch Thành, Như Xuân, Như Thanh, Nhọc Lặc… đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều tấm gương sáng về mô hình phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại cho thu nhập bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng trở lên.

Bên cạnh đó, người có uy tín luôn đi đầu và giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Trao truyền cho các thế hệ con cháu và cộng đồng các nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, chế biến lâm sản, truyền dạy các điệu khặp, ném còn, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy...

Hiện nay, số lượng cán bộ người DTTS&MN ở Thanh Hóa ngày càng tăng, giữ nhiều vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.947 người dân tộc thiểu số là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; trong đó, có 03 đại biểu Quốc hội, 19 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, 214 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, 2.711 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Tỷ lệ ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp là người dân tộc thiểu số ngày càng cao; đặc biệt ở cấp tỉnh, có 19 đại biểu đại diện cho 6/6 dân tộc thiểu số tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2019-2024, chiếm 16,2%. Điều đó cho thấy lực lượng đồng bào dân tộc thiểu số có tri thức được sự tín nhiệm của người dân trong tỉnh nói chung và đồng bào DTTS&MN nói riêng có thể trở thành người có uy tín, là “cánh tay nối dài” của Đảng và Nhà nước để đưa Chương trình mục tiêu quốc gia đến gần với đồng bào DTTS&MN hơn nữa.
Địa phương điển hình tại Thanh Hóa có số lượng người có uy tín chiếm tỷ lệ khá cao trong đồng bào dân tộc thiểu số là huyện Mường Lát. Những năm qua, các già làng, trưởng bản và người có uy tín trên địa bàn huyện Mường Lát giữ vị trí, vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân và là lực lượng nòng cốt, luôn đi đầu trong mọi công việc, cùng đồng bào đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Không quản ngại khó khăn luôn sát cánh cùng ban chi ủy khu phố đi từng ngõ, gọi cổng từng nhà, nắm tay từng người, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai nhiều chủ trương, giải pháp trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đẩy lùi hủ tục, tập quán lạc hậu, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào trồng trọt, chăn nuôi.

Một điển hình nữa là Thôn Bình Sơn, xã Cẩm Bình với 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cũng là “điểm sáng” trong công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS&MN của huyện Cẩm Thủy. Để triển khai tốt công tác tuyên truyền, vận động, chi ủy đã giao trách nhiệm cho từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ người có uy tín đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời giải đáp những vướng mắc, băn khoăn để đồng bào dân tộc hiểu và thực hiện. Đến nay, trên địa bàn huyện Cẩm Thủy không còn hộ đói; theo thống kê, hộ nghèo người dân tộc thiểu số năm 2022 chỉ còn 1.363 người (theo tiêu chí mới), hộ cận nghèo là 1.601 người; giảm dần khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các dân tộc; thu nhập bình quân đầu người (năm 2022) là 38,6 triệu đồng/người, tăng 11,4 triệu đồng/người so với năm 2019; 100% hộ dân có đủ điện, nước sinh hoạt; xóa tình trạng nhà tạm, nhà dột nát; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn; giải quyết cơ bản vấn đề đất sản xuất cho nông dân thiếu đất. 

Còn rất nhiều những địa phương điển hình tại Thanh Hóa đã phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội. Những kết quả đạt được đã cho thấy sự đóng góp đáng kể của của những người có uy tín, nhằm đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS&MN Thanh Hóa; đồng thời góp phần vào sự thành công chung của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trên cả nước./.

 
Thu Hiền

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top