Xứ Dừa Bến Tre - Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn

30/08/2023 - 04:36 PM
Xác định được thế mạnh và tầm quan trọng của phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch về phát triển Du lịch nông thôn trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 với mục tiêu phát triển du lịch gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Đây là mục tiêu và cũng là một trong những giải pháp nhằm thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương trong toàn Tỉnh thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí NTM.
Tiềm năng phát triển du lịch nông thôn

Theo đánh giá, Bến Tre là địa phương có hệ sinh thái đa dạng và phong phú, cùng các giá trị về văn hóa, lịch sử, các giá trị nhân văn là điều kiện phát triển du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Đây cũng là những điểm khác biệt của Bến Tre so với những địa phương khác trong khai thác, phát triển các đặc trưng du lịch nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách tới thăm quan và trải nghiệm.

Thời gian gần đây, để đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, tỉnh Bến Tre đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân ở vùng nông thôn có điều kiện tham gia làm du lịch. Trong đó, ngoài việc áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ chung của Trung ương, Tỉnh cũng đã quan tâm nghiên cứu xây dựng và ban hành chính sách đặc thù riêng để tạo động lực, đòn bẩy, nguồn vốn ban đầu khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân cùng mạnh dạn đầu tư, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm, tính chuyên nghiệp góp phần tạo dựng thương hiệu, hình ảnh du lịch Bến Tre.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cho biết, để tận dụng lợi thế và triển khai hiệu quả mô hình du lịch nông thôn, Tỉnh đang tập trung vào 3 thế mạnh ở 3 vùng sinh thái ngọt, lợ và mặn, tương ứng với phát triển các loại cây trái, hoa kiểng và thủy hải sản; đồng thời khai thác các yếu tố đặc trưng của môi trường sinh thái sông nước, đời sống nông nghiệp của cư dân trên các cù lao, cồn nổi… Hiện hoạt động du lịch nông thôn tại Bến Tre được khai thác và phát huy thế mạnh với các loại hình, sản phẩm, dịch vụ du lịch như: Du lịch tham quan vườn dừa, vườn cây ăn trái, du lịch trải nghiệm sống trong nhà dân và tham gia sinh hoạt với người dân; Tham quan, trải nghiệm tại làng nghề truyền thống, thưởng thức món ăn đặc trưng gắn liền với cây dừa, tham quan, mua sắm sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP...

 
Xứ Dừa Bến Tre - Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn
Tiềm năng phát triển du lịch nông thôn tại Bến Tre
 
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 57 làng nghề đã được công nhận, trong đó 39 làng nghề nông nghiệp, 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Các làng nghề nông nghiệp truyền thống chủ yếu sử dụng phương pháp sản xuất thủ công, tạo sự hấp dẫn cho du khách trong và nước ngoài khi tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm các công đoạn tạo ra sản phẩm như: Sản xuất cây giống, hoa kiểng, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt chiếu, đan giỏ cọng dừa, chế biến cá khô, rượu Phú Lễ, kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồng...

Ngoài ra, tỉnh hiện có rất nhiều homestay, tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, thành phố Bến Tre. Mô hình du lịch homestay góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm; đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Tại huyện Thạnh Phú, hoạt động của các hộ sản xuất nông nghiệp ở đây bước đầu gắn kết với phát triển du lịch, hình thành mô hình du lịch nông thôn tiêu biểu. Theo đó, du khách đến thăm quan sẽ được hướng dẫn trải nghiệm thực tế và mua sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương như: Xoài tứ quý, nghêu, tôm, cua…

Theo đánh giá, du lịch tại các xã NTM của Tỉnh phát triển đã góp phần thay đổi diện mạo làng quê, cuộc sống của người dân ngày càng đầy đủ và sung túc hơn. Các sở, ban, ngành của Tỉnh và các địa phương thường xuyên phối hợp tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch; Tổ chức phát động các sự kiện, chương trình thiết thực như phát động “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên”; Ngày Chủ nhật NTM, vận động đoàn viên, hội viên làm du lịch, tổ chức các hoạt động người dân cùng làm sạch vệ sinh môi trường, Đồng khởi khởi nghiệp, xây dựng các tuyến đường hoa…

Giai đoạn 2021-2025, Tỉnh dự kiến ưu tiên mời gọi đầu tư hơn 30 dự án vào lĩnh vực du lịch. Đến nay, nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt là du lịch nông thôn trên địa bàn Tỉnh đã được triển khai, như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại 8 xã ven sông Tiền; công trình bến tàu du lịch tại công viên bờ Nam sông Bến Tre thuộc địa bàn xã Mỹ Thạnh An, Thành phố Bến Tre... Cùng với đó, tại các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Bình Đại, Thành phố Bến Tre… nhiều công trình giao thông, bến thủy nội địa phục vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng được nâng cấp.
 
Đặc biệt, hiện tỉnh Bến Tre đang triển khai thực hiện Đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách. Đây là một trong những nội dung kết hợp của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)… nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn của địa phương. Định hướng của Đề án là xây dựng Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách trở thành trung tâm du lịch, tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí mang tầm quốc gia trên cơ sở khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên và sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch tỉnh…
Nỗ lực phát triển du lịch nông thôn
Mặc dù đạt được những thành quả tích cực, song việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Bến Tre hiện vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục, cụ thể: Công tác quy hoạch du lịch cộng đồng, làng nghề, trang trại sinh thái còn hạn chế; việc rà soát cơ chế quản lý mô hình du lịch nông thôn chưa được đảm bảo theo quy chuẩn. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng tiếp cận các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn thiện, chất lượng nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch nông thôn còn đơn điệu; Công tác xúc tiến quảng bá du lịch, sự kết nối giữa các điểm du lịch nông thôn và các công ty lữ hành hiện chưa bền vững; Vệ sinh môi trường nông thôn khi phát triển du lịch chưa được quan tâm...
Với quyết tâm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, coi du lịch nông thôn không chỉ đơn thuần tạo việc làm cho lao động, phát triển kinh tế mà còn mang lại giá trị lớn giúp bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa tại địa phương, tỉnh Bến Tre đã triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới hướng tới phát triển bền vững. Theo đó, tại Kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2023-2025, Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025: Phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.

Phấn đấu 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (huyện Chợ Lách) và 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú). Xây dựng mô hình phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh gắn với nâng cao vai trò tổ chức và quản lý cộng đồng tại xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Phấn đấu ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; phấn đấu mỗi điểm du lịch có ít nhất 1 nhân viên thành thạo ngoại ngữ. Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh…

Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh Bến Tre xác định một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai:

Nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của vùng, địa phương.

Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch nông thôn có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng của địa phương, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng.

Từng bước đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao, bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch. Nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ đảm bảo chất lượng. Bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao, phát triển các nghệ nhân. Phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản truyền thống để phục vụ khách du lịch thông qua các trải nghiệm thực tế. Bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa, di tích mang bản sắc văn hóa của địa phương. Xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích lịch sử, văn hóa, điểm du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống gắn với du lịch nông thôn.

Xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình: Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, làng du lịch thông minh, du lịch không phát thải. Ưu tiên các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc mang đặc trưng của địa phương và có hiệu quả kinh tế; hướng tới việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của mọi tác nhân trong chuỗi giá trị du lịch (nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành, cộng đồng và du khách,…) trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; có áp dụng các giải pháp về chuyển đổi số; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

Triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn.

Chú trọng đầu tư cho nguồn nhân lực du lịch có chất lượng từ quản lý đến kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh. Chuyên nghiệp hóa việc cung cấp, kiểm tra, kiểm soát dịch vụ du lịch có chất lượng và công tác quản lý điểm du lịch nông thôn.

Ngoài ra, để khai thác và phát triển du lịch nông thôn bài bản và hiệu quả hơn, trong thời gian tới, Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương phát triển du lịch nhằm nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình MTQG để xây dựng, đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh kết hợp với phát triển du lịch.

Có chính sách phù hợp về đào tạo, truyền thông, kêu gọi đầu tư du lịch, cơ chế chính sách đặc thù, ưu tiên cho loại hình du lịch nông nghiệp, các chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ, thị trường… nhằm hỗ trợ, khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia kinh doanh các loại hình, dịch vụ phục vụ cho phát triển du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về du lịch và công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch.

Có thể thấy, với quyết tâm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn nhằm tạo ra thị trường tiêu dùng mới, tăng thu nhập trung bình của nông dân thông qua việc bán sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ cho du khách… Du lịch nông thôn tại Bến Tre sẽ không chỉ đơn thuần là hoạt động xuất khẩu tại chỗ của nông dân, tạo việc làm cho lao động, phát triển kinh tế, mà còn mang giá trị bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa tại địa phương./.
T.Hòa
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top