Xuất khẩu gỗ 2020: Nỗ lực cán đích

25/03/2021 - 10:51 AM
Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cùng những diễn biến khó lường của các cuộc cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế, nhưng ngành chế biến, xuất khẩu gỗ vẫn nỗ lực vượt bậc, duy trì ổn định sản xuất, khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
 
Vượt qua khó khăn về đích ngoạn mục

Những tác động của đại dịch Covid-19 khiến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2020. Tổng cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các sản phẩm chủ yếu của ngành lâm nghiệp bị chững lại, đặc biệt là sản phẩm gỗ khai thác do chuỗi tiêu thụ sản phẩm chế biến gỗ của các doanh nghiệp, nhà máy bị gián đoạn. Khảo sát nhanh tại hơn 200 doanh nghiệp của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, 80% người mua dừng hoặc hủy đơn hàng; hầu hết các doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, chỉ có 7% doanh nghiệp hoạt động bình thường, 86% doanh nghiệp bị ngừng sản xuất một phần và khoảng 7% đã ngừng hoạt động toàn bộ do thiếu đơn hàng hoặc thiếu nguyên vật liệu và vốn đầu tư sản xuất. Hoạt động của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng khiến cho xuất khẩu gỗ và lâm sản trong tháng 4/2020 giảm khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

 
Xuất khẩu gỗ 2020: Nỗ lực cán đích

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Tuy nhiên, từ cuối quý 2 năm 2020, ngành gỗ đã kịp lấy lại được đà tăng trưởng ngay khi dịch bệnh từng bước được khống chế. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 6/2020 bắt đầu tăng mạnh trở lại, tăng 22,7% so với tháng trước đó và tăng tới 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, lần đầu tiên, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 8/2020 đã đạt trên 1 tỷ USD. Số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho thấy, xuất khẩu gỗ đã liên tục tăng mạnh trong nửa cuối năm 2020. Theo đó, 11 tháng năm 2020, tổng trị giá xuất khẩu đã đạt được 11,7 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với con số 10,1 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của Chính phủ, ngành gỗ là một trong những ngành dẫn đầu trong việc kéo kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nông, lâm sản cả nước tăng lên trong thời gian vừa qua và cũng là một trong số ít mặt hàng nông sản có giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), nhiều năm qua, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ luôn tăng trưởng khá cao, trên 10%/năm. Song điểm đáng chú ý là vài năm gần đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ tăng rất nhanh, với tốc độ tăng trưởng từ 30-46%, cao hơn nhiều tỷ lệ tăng của sản phẩm gỗ.

Bên cạnh đó, xuất khẩu gỗ và lâm sản tại các thị trường truyền thống quan trọng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và EU cũng được giữ vững. Ước tính, giá trị xuất khẩu vào 5 thị trường này chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, tại thị trường EU, trong nhóm các nước nhiệt đới xuất khẩu đồ gỗ nội, ngoại thất vào thị trường EU, chỉ có Việt Nam giữ vững được giá trị xuất khẩu vào thị trường này trong khi các nước khác trong khu vực giảm mạnh (Thái Lan giảm 29%, Malaysia giảm 22%, Indonesia giảm 10% và Philippines giảm 9%). Ngoài ra, trong năm 2020, Việt Nam đã thúc đẩy phát triển một số thị trường tiềm năng như Canada, Thái Lan…

Để đạt được những kết quả quan trọng này, nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã cùng vào cuộc, tháo gỡ khó khăn tại từng thời điểm, chung tay để vực dậy ngành xuất khẩu gỗ và lâm sản sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh từ tháng 3-4/2020.

Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp, doanh nhân, chủ rừng và nhà quản lý trong toàn ngành đã “ló ra nhiều cái khôn”, sáng tạo liên tục, nghiên cứu thay đổi nhiều phương thức và hình thức tiếp thị, bán hàng để mở rộng thị trường. Các doanh nghiệp, hiệp hội trong ngành đã nỗ lực tìm kiếm những cách làm, hướng đi cho mình dù đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Thay vì chỉ biết đến qua các kênh bán hàng trực tiếp, quảng bá hàng qua các hội chợ, các doanh nghiệp, hiệp hội đã nhanh chóng chủ động chuyển sang hình thức trực tuyến và đặt ra đề bài số hóa triển lãm. Các doanh nghiệp thúc đẩy kết nối online mạnh hơn thông qua các kênh bán hàng trực tuyến trên toàn cầu như Alibaba, Amazon...

Tác động của Covid-19 đã đưa các doanh nghiệp nhanh chóng gắn kết với nhau, giảm thiểu sự phụ thuộc từ bên ngoài. Các doanh nghiệp đã nỗ lực không mệt mỏi, góp phần giúp chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, thậm chí còn phát triển hơn so với giai đoạn trước đại dịch. Nếu như trước đây mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu chủ lực là bàn ghế ngoài trời thì đến thời điểm này, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ ở Việt Nam đã xác định đồ gỗ nội thất và ván trang trí là sản phẩm chiến lược. Việc xác định rõ sản phẩm và thị trường chiến lược chính là bệ đỡ tạo cho các doanh nghiệp ngành gỗ có bước bứt phá. Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, từ đầu năm đến nay, riêng 2 mặt hàng tủ bếp và tủ nhà tắm đã đạt giá trị xuất khẩu gần 1 tỷ USD, tăng trên 80% so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến, nhóm sản phẩm lâm sản sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Để rộng đường cho ngành gỗ Việt Nam tiến lên nấc thang cao hơn tại các thị trường chiến lược, ngay trong tháng 11/2020, Viforest sẽ tiến hành thành lập chi hội tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí. Theo đó, việc thành lập chi hội sẽ tạo ra các chuỗi liên kết cả dọc và ngang nhằm tạo ra mạng lưới rộng lớn các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất mặt hàng chiến lược, cung ứng cho thị trường chiến lược để hòa nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản vượt qua khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 như: chính sách miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư số 01 của Ngân hàng Nhà nước); chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất (Nghị định số 41 của Chính phủ); chính sách hỗ trợ người lao động bị nghỉ việc (Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ).

Những chính sách trên đã hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, người lao động ngành chế biến gỗ và lâm sản vượt qua khó khăn, khôi phục và ổn định sản xuất trong thời gian ảnh hưởng do dịch bệnh, tạo thêm động lực để ngành xuất khẩu gỗ cán đích trong năm 2020.

Cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA và Hiệp định RCEP cũng góp phần đưa ngành gỗ Việt Nam  đạt tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian qua. Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới có mức độ cam kết cao, toàn diện sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới, giúp doanh nghiệp gỗ Việt tiệm cận vị trí“mắt xích”quan trọng trong các chuỗi giá trị sản phẩm gỗ hiện có với khách hàng toàn cầu, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến người mua hàng tiềm năng, thúc đẩy tăng xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ giữa Việt Nam và nhiều khu vực, nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới hướng tới việc tạo ra một môi trường kinh doanh cởi mở, thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ, đầu tư sản xuất sản phẩm gỗ. Về thuế suất, các nước ký Hiệp định thường đưa ưu đãi mức thuế nhập khẩu về 0% ngay hoặc trong 4-6 năm cho ngành gỗ Việt Nam; giúp nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm gỗ Việt Nam với sản phẩm từ các nước xuất khẩu gỗ khác.

Có thể nói, mặc dù tình hình kinh tế trong nước cũng như quốc tế chịu ảnh hướng không nhỏ từ dịch Covid-19 nhưng ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam vẫn đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu trong năm 2020, góp phần duy trì đà phát triển xuất khẩu trong bối cảnh trong nước và quốc tế đều gặp khó khăn. Tính đến hết năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2019, giá trị lâm sản xuất siêu đạt trên 10 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Hướng đến các mục tiêu 14,5 tỷ USD và 20 tỷ USD vào năm 2021 và năm 2025

Theo Bộ NN&PTNT, để phát huy thế mạnh, tiềm năng và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, trước mắt, trong năm 2021, ngành xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu 14,5 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với năm 2020, tạo đà hướng tới con số xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai một số giải pháp nhằm thúc đẩy chế biến, xuất khẩu gỗ.

Về công tác mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, tiếp tục phổ biến lợi ích mà các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới mang lại để hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tối ưu thị trường. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các thị trường mới nổi, tiềm năng.

Về việc đảm bảo nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ: Trong thời gian tới, cần duy trì chính sách nhập khẩu thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu cũng như có chính sách đảm bảo nguồn nguyên liệu. Theo đó, cần sớm có quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến gỗ, đồng thời tăng cường trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đang tăng trưởng cao; xem xét việc miễn kiểm dịch thực vật đối với gỗ tròn, gỗ xẻ nhập khẩu khi các nước xuất khẩu gỗ cho Việt Nam đã có giấy kiểm dịch thực vật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại là vấn đề rất quan trọng với ngành gỗ. Trong đó, Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA FLEGT, một bộ phận của EVFTA sẽ tác động rất lớn đến ngành gỗ Việt Nam trong thời gian tới. Vì vây, cần sớm đưa Hiệp định VPA/FLEGT vào thực thi và thực hiện nghiêm túc; thực hiện kiểm soát việc nhập khẩu gỗ thuộc danh mục CITES theo đúng quy định.

Để tăng cường chất lượng nguồn nhân lực cho ngành: Cần bố trí kinh phí cho các chương trình đào tạo nguồn nhân lực của ngành công nghiệp gỗ, xúc tiến thương mại, xây dựng quảng bá thương thiệu ngành gỗ; ưu tiên triển khai các chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề, đảm bảo cung ứng nhân lực cho ngành sản xuất, chế biến gỗ; hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề trong việc đào tạo thiết kế nội, ngoại thất.

Về nâng cao năng lực cạnh tranh: Tiếp tục theo dõi, đôn đốc cũng như phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác lợi thế hiện có của ngành chế biến gỗ hướng tới đạt được các mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1137/ QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường tận dụng cơ hội từ các Hiệp định FTA thông qua đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ưu đãi FTA, hướng tận dụng và cách tận dụng ưu đãi FTA, hướng dẫn các doanh nghiệp hiểu rõ và nắm được quy tắc xuất xứ của nước nhập khẩu; tổ chức việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo hướng hiện đại hóa, điện tử hóa, tăng cường triển khai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.

Các địa phương cũng cần tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và trên cơ sở lợi thế về điều kiện tự nhiên, lao động, sản xuất tại địa phương để phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực và có kế hoạch thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến các mặt hàng này hướng tới xuất khẩu; có định hướng xuất khẩu phù hợp và cụ thể đối với những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của địa phương.

Các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng hiệu quả nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí, giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Tăng cường hợp tác, tạo lập và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên liệu đến xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng, chú trọng xây dựng thương hiệu Việt cho các sản phẩm xuất khẩu; Chủ động triển khai các hoạt động liên kết nhằm tạo khu vực cung ứng, chế biến gỗ tập trung bao gồm cả khu công nghiệp dịch vụ hỗ trợ cho chế biến gỗ; Nắm bắt, tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA mang lại, nhất là tập trung khai thác một số FTA vừa được ký giữa Việt Nam với một số thị trường, tiếp tục tìm kiếm các thị trường mới nổi, tiềm năng, đa dạng hóa thị trường./.
Trúc Linh
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top