CPTPP thu hút các quốc gia ngoại khối

24/06/2021 - 04:21 PM
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đầu tiên được thực thi của thế kỷ 21 với nhiều kỳ vọng ngay chính từ cái tên của Hiệp định là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. CPTPP gồm 11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealan, Peru, Singapore và Việt Nam, được ký kết và có hiệu lực trong năm 2018 sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP - Hiệp định tiền thân của CPTPP) vào năm 2017.

Sức hút từ CPTPP

Tại thời điểm ký kết, CPTPP là khối liên kết kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Nhật Bản (JEFTA) và Liên minh châu Âu (EU); có phạm vi thị trường khoảng hơn 502 triệu dân; tổng GDP vượt trên 10 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới; với các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Australia hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.

Ngay sau khi CPTPP được ký kết tháng 3/2018 tại Chile, nhiều nền kinh tế đã bày tỏ nguyện vọng được gia nhập Hiệp định. Thậm chí, một số nền kinh tế đã mong muốn tham gia khi CPTPP còn là Hiệp định TPP khi Mỹ còn là một thành viên. Sức hút của CPTPP không chỉ đến từ một khối liên minh kinh tế lớn thứ 3 thế giới mà còn đến từ các yếu tố khác.

 
CPTPP thu hút các quốc gia ngoại khối

Thứ nhất, CPTPP được đánh giá là hiệp định toàn diện nhất và có mức độ tự do hóa tham vọng nhất kể từ trước đến nay với mục tiêu thiết lập một khu vực thương mại tự do chiếm khoảng 40% thương mại thế giới, tạo ra một khu vực kinh tế hội nhập đầy đủ và thiết lập các quy tắc nhất quán cho đầu tư toàn cầu. Hiệp định gồm 30 chương và 9 phụ lục, bao gồm các lĩnh vực như thuế quan đối với hàng hóa và dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ (IP), quy tắc thương mại điện tử, tiêu chuẩn lao động và môi trường, cơ chế giải quyết tranh chấp và nhiều khía cạnh khác của thương mại toàn cầu.

Với CPTPP, các hạn chế đối với các dịch vụ xuyên biên giới được gỡ bỏ và thêm vào các quy tắc bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là hiệp định khu vực đầu tiên bao gồm các quy tắc toàn diện về thương mại kỹ thuật số; cam kết các vấn đề lao động; tăng cường bảo vệ môi trường; ngoài ra còn có các quy định quan trọng khác về tính minh bạch, hạn chế độc quyền…

Thứ hai, CPTPP đã thay đổi, loại bỏ phần lớn các nội dung khác biệt mà Mỹ đã thúc đẩy trong TPP trước đây theo hướng phù hợp hơn với đa số các nước để trở nên gần gũi về mặt lợi ích đối với các nền kinh tế mới. Các thay đổi lớn nhất và thực chất nhất chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Thứ ba, CPTPP có những cam kết tập thể đối với hệ thống thương mại minh bạch dựa trên các quy tắc luật lệ. Hiệp định sẽ loại bỏ đáng kể thuế quan và hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa; đồng thời cho phép các nhà cung ứng dịch vụ tiếp cận nhiều hơn các cơ hội kinh doanh trong nhiều lĩnh vực và gia tăng khả năng tiếp cận các hợp đồng mua sắm chính phủ ở các quốc gia khác. Đặc biệt, CPTPP được công nhận rộng rãi là một trong những FTA tiến bộ nhất, giúp thúc đẩy thương mại tự do trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Thứ tư, sức hút của CPTPP đến từ chính các nền kinh tế cả trong và ngoài khối dựa trên những cân nhắc kỹ lưỡng các lợi ích kinh tế thương mại của riêng họ. Chính vì vậy, ngay trong quá trình đàm phán TPP trước đó và CPTPP sau này, một số nền kinh tế như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan đã quan tâm đến việc gia nhập hiệp định bất chấp việc Mỹ có rút khỏi hiệp định hay không. Đến nay, danh sách các quốc gia tiềm năng đang chuẩn bị và xem xét tham gia CPTPP đã đa dạng hơn với sự góp mặt của Trung Quốc, Vương quốc Anh (sau khi rời Liên minh châu Âu - Brexit), Indonesia, Philippines…

Việc mở rộng khối kinh tế khu vực CPTPP được cho là sẽ nâng cao sức mạnh của khối và đem lại cơ hội mới cho các quốc gia thành viên. Vì vậy, từ đầu năm 2019, Hội đồng CPTPP đã tổ chức phiên họp thứ nhất tại Nhật Bản nhằm thảo luận kế hoạch thực thi cam kết và xem xét quy chế tiếp nhận các thành viên mới. Trong vai trò là chủ tịch luân phiên của CPTPP năm 2021, Nhật Bản cũng bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ để duy trì và tăng cường khuôn khổ, đồng thời thể hiện quan điểm ủng hộ việc tăng thêm số lượng thành viên của CPTPP. Vì thế, dự kiến năm 2021 nhiều khả năng sẽ đánh dấu sự mở rộng của khối liên minh kinh tế khu vực CPTPP.

Một số quốc gia ngoại khối có động thái quan tâm tới CPTPP

Trung Quốc tham vọng gia nhập CPTPP

Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 27, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố về việc Trung Quốc đang cân nhắc gia nhập CPTPP nhằm tái khẳng định theo đuổi mục tiêu toàn cầu hóa nền kinh tế và tự do thương mại. Dù truyền thông Trung Quốc cho rằng tuyên bố của Trung Quốc nhằm gửi đi thông điệp hòa bình chứ không phải tham vọng nhưng không thể phủ nhận rằng, cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến nước này cần tìm kiếm những đối tác mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, con đường đến với CPTPP của Trung Quốc gặp phải khó khăn lớn ngay từ chính hệ thống kinh tế khi nền kinh tế của nước này vốn được xây dựng dựa trên các doanh nghiệp nhà nước và trợ cấp rất lớn, điều này đi ngược với những quan điểm của CPTPP. Bên cạnh đó, những xung đột chính trị - kinh tế đang diễn ra với một số nền kinh tế lớn thuộc CPTPP cũng là đồng minh truyền thống của Mỹ như: Australia, Canada, Nhật Bản cũng làm giảm khả năng Trung Quốc được chào đón. Điều này cũng có những diễn biến tương tự đối với Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Dù vậy, trong trường hợp Trung Quốc có thể đáp ứng các điều kiện tham gia CPTPP, với vị trí là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các thành niên CPTPP, việc gia nhập của Trung Quốc có thể mang lại những triển vọng kinh tế hấp dẫn với các thành viên.

Anh quyết tâm thực hiện mục tiêu CPTPP sau Brexit

Mặc dù là quốc gia nằm ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2020, Bộ Thương mại Quốc tế Anh đã có phiên thảo luận cùng chủ tịch đương nhiệm của Ủy ban CPTPP đương thời là Mexico cùng trưởng đoàn đàm phán từ tất cả 11 quốc gia thành viên CPTPP. Tại đây, Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của CPTPP đối với Vương quốc Anh và đặt trọng tâm của Anh trong việc tăng cường thương mại với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thể hiện ý định nghiêm túc của mình, ngày 1/2/2021 vừa qua, Anh đã chính thức đề nghị gia nhập CPTPP, trở thành nước đầu tiên ngoài các nước thành viên sáng lập nộp đơn đăng ký tham gia Hiệp định này. Việc tham gia CPTPP cũng là giải pháp giúp Anh vượt qua thách thức do đại dịch, đa dạng hóa mạng lưới thương mại, kích thích xuất khẩu, đảm bảo lợi ích và duy trì vị thế của nước Anh hậu Brexit. Ngược lại, động thái của Anh cũng được nước Chủ tịch CPTPP năm 2021 và các nước thành viên trong đó có Việt Nam hoan nghênh, coi đây là động lực mở rộng thương mại tự do dựa trên các quy định thương mại và đầu tư tiêu chuẩn cao. Đồng thời, việc Anh có thể trở thành thành viên của CPTPP được kỳ vọng không chỉ là một bước tiến quan trọng về kinh tế mà còn nâng cao địa vị chính trị cho Hiệp định CPTPP.

Hàn Quốc mong đón sóng đầu tư từ CPTPP

Ngay từ tháng 1/2021, Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ nỗ lực gia nhập CPTPP nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trong bối cảnh CPTPP được kỳ vọng sẽ góp phần giúp nước này giảm các rào cản thương mại khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng do bất đồng thương mại giữa Mỹ - Trung cùng những tranh chấp thương mại với Nhật Bản. Phía Hàn Quốc nhận định, tư cách thành viên CPTPP là chìa khóa để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và thúc đẩu tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI) cũng cho rằng chiến lược thương mại của Hàn Quốc cần ưu tiên việc gia nhập Hiệp định CPTPP và phải gia nhập trước Trung Quốc, đồng thời chú trọng phương án thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường Trung Quốc do xung đột Mỹ - Trung.

Thuận lợi lớn đối với Hàn Quốc là các quy định trong nước của nước này gần như tương thích với các tiêu chuẩn của CPTPP và chỉ cần cải cách một số lĩnh vực. Tuy nhiên, Hàn Quốc lại gặp trở ngại lớn ở mối quan hệ song phương với Nhật Bản với các tranh chấp về vấn đề lịch sử cùng các biện pháp kiểm soát thương mại giữa hai nước.

Con đường tái gia nhập của Mỹ còn để ngỏ

Hiệp định CPTPP cơ bản giữ nguyên các cam kết chính của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 22 nhóm nghĩa vụ trong các lĩnh vực quan trọng như sở hữu trí tuệ, đầu tư, mua sắm chính phủ, dịch vụ tài chính v.v. để bảo đảm cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Mỹ rút khỏi TPP thời Tổng thống Donald Trump. Việc các điều khoản để treo lại chứ không xóa bỏ được coi như một dấu hiệu cho biết các điều khoản có thể dễ dàng có hiệu lực trong trường hợp Mỹ quyết định tham gia lại hiệp định này. Nhiều ý kiến cho rằng, việc Mỹ tái gia nhập CPTPP sẽ là một yếu tố lớn tác động tới cục diện và đưa CPTPP trở lại vị thế ban đầu là khối thương mại khu vực lớn nhất thế giới.

Điều đáng nói là Tổng thống mới đương nhiệm của Mỹ Joe Biden đã từng tuyên bố ủng hộ CPTPP năm 2019 và trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, ông đã thể hiện ý định sẵn sàng đàm phán lại tư cách thành viên của Mỹ với Hiệp định này. Tuy nhiên, nước Mỹ đang phải đối mặt với những mối quan tâm hàng đầu cần ưu tiên giải quyết về dịch bệnh, căng thẳng thương mại, việc làm, môi trường lao động…; vì vậy dự đoán về việc Mỹ có quyết định nối lại đàm phán để tham gia lại CPTPP hay không vẫn còn để ngỏ.

Ý định của một số quốc gia Đông Nam Á

Một số quốc gia Đông Nam Á cụ thể có Thái Lan, Indonesia, Philippines cũng đã từng bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập CPTPP với những hy vọng tương tự về khả năng tiếp cận các ưu đãi với một số thị trường lớn đầy tiềm năng của các nước phát triển, khả năng thu hút đầu tư và đặc biệt là nhu cầu thiết thực cho sự phục hồi hậu Covid-19. Trong đó, Chính phủ Thái Lan cho rằng việc trở thành thành viên của CPTPP sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này cũng như đẩy mạnh đầu tư và xuất khẩu, hỗ trợ khắc phục những tác động tiêu cực của của dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, Thái Lan đã cẩn thận thành lập môt ủy ban để cân nhắc khả năng tham gia Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, việc tham gia CPTPP của Thái Lan có thể sẽ chưa thể có tiến triển gì do vấp phải sự phản đối của các đảng đối lập, các nhóm xã hội và một số cá nhân với lý do Hiệp định này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và y tế của đất nước.

Còn với nền kinh tế và thị trường lớn nhất khu vực Đông Nam Á - Indonesia, nếu Indonesia gia nhập CPTPP, GDP của cả FTA này sẽ tăng lên 11 nghìn tỷ USD, quy mô thị trường tăng 52% lên đến trên 760 triệu người. Dù vậy, đứng trước CPTPP, Indonesia chọn cách tiếp cận khá thận trọng là chờ đợi và xem xét, cân nhắc việc gia nhập CPTPP khi tất cả các nước thành viên đã hoàn tất phê chuẩn và thực thi Hiệp định. Với những động thái trên, năm 2021 có thể sẽ là năm ghi dấu sự thay đổi mạnh mẽ về quy mô đối với Hiệp định CPTPP khi nhu cầu hợp tác, tự do thương mại và đa dạng hóa thị trường của các quốc gia ngày một gia tăng.

 
TS. Phạm Thị Trúc Quỳnh
Đại học Công nghiệp Hà Nội
 
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top