Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công - Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

20/07/2020 - 10:47 AM
Những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp “kích cầu” nền kinh tế, bù đắp “thiếu hụt” tăng trưởng kinh tế do dịch bệnh gây ra.

Giải ngân có cải thiện, nhưng chưa đạt yêu cầu

Ngày 1/1/2020, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH 14 chính thức có hiệu lực đã mở ra những tiến bộ trong triển khai các dự án đầu tư công. Thực tế cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm đã ghi nhận có sự khởi sắc cả về tiến độ và mức thực hiện. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2020, vốn đầu tư toàn nền kinh tế ước đạt 367,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 31% GDP. Trong đó, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước chiếm 45,2%, tăng 4,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 24,3%, giảm 5,4%; vốn khu vực nhà nước chiếm 30,5% và đạt mức tăng cao nhất là 5,8%. 4 tháng đầu năm 2020, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đã cải thiện hơn so với cùng kỳ những năm trước, đạt 83,7 nghìn tỷ đồng, bằng 18,1% kế hoạch năm và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 19,3% và tăng 4%). Đây là tín hiệu tích cực, phản ánh kết quả những đổi mới về điều hành chính sách của Chính phủ cũng như việc thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

 
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công - Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Nhiều bộ, ngành, địa phương đã và đang rốt ráo thực hiện đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và đã có sự cải thiện khá rõ rệt trong triển khai các dự án đầu tư công. Tính đến hết quý I/2020, các bộ, ngành Trung ương giải ngân đạt hơn 10,7 nghìn tỷ đồng, đạt 9,94% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm trước đạt 3,63% so với kế hoạch Quốc hội đã phân bổ và đạt 5,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); Địa phương giải ngân đạt hơn 50,8 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 14% kế hoạch Thủ tướng giao (xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó, có 8 bộ, ngành và 34 địa phương có số giải ngân đạt trên 15%; 3 bộ, ngành và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 25%, cao hơn mức bình quân chung. Tuy nhiên, có 29 bộ, ngành và 1 địa phương có số giải ngân đạt dưới 5%. Trong đó, có 21 bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%).

Dù kết quả đạt được khá tích cực, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, nhất là khi kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 tăng 18% so với năm 2019. Nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm là do theo quy định tại Luật Đầu tư công, kế hoạch vốn năm 2019 được kéo dài sang năm 2020, nên các chủ đầu tư tập trung giải ngân vốn kéo dài của năm 2019. Một số các dự án được bổ sung kế hoạch từ nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia, nhưng đến nay chưa được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch, nên chưa đủ điều kiện giao kế hoạch vốn năm 2020, do đó chưa thể giải ngân. Bên cạnh đó, thời điểm nghỉ Tết Nguyên Đán trong quý I và diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thực hiện và thanh toán vốn. Một số dự án khởi công mới chưa hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, công tác lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Theo các chuyên gia kinh tế, dù vốn đầu tư công giải ngân còn chậm do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, nếu nhìn vào các ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, có thể thấy, nếu khâu chuẩn bị và thực hiện dự án tốt, các cấp, ngành vào cuộc quyết liệt thì kết quả giải ngân sẽ cao hơn hẳn.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thúc đẩy tăng trưởng

Hiện nay, với diễn biến phức tạp và tác hại nghiêm trọng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động; những lĩnh vực đóng góp lớn cho tăng trưởng hàng năm như: Xuất khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ... đều bị giảm sút mạnh. Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia cho rằng, tăng chi tiêu Chính phủ, trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, sẽ là giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công sẽ khiến cầu của nền kinh tế tăng lên và điều này kích thích các doanh nghiệp quay trở lại ngay với sản xuất để tạo thị trường. Hơn nữa, đầu tư công được đẩy mạnh vào xây dựng hạ tầng cơ bản không chỉ tạo được cầu trước mắt mà còn thu hút các hoạt động kinh tế - xã hội, những nguồn lực đầu tư khác đi theo, tạo yếu tố dài hạn cho phát triển.

Vốn đầu tư công hiện đang tập trung lớn cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Khi các dự án này được đầu tư và hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ nâng cao năng lực nền kinh tế, có tác động trực tiếp, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, khi vốn đầu tư công tăng lên 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm, đồng thời sẽ lan tỏa và đóng góp cho ngành xây dựng tăng thêm 1,34 điểm phần trăm. Nếu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% sẽ giúp GDP tăng 0,42%. Vì vậy, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ là xúc tác góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Gần đây, tại cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành về các giải pháp khắc phục khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, nhiệm vụ lớn là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vào các lĩnh vực của nền kinh tế.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cho các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương hoàn thành phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 cho các dự án công trình làm cơ sở thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn này ngay từ những tháng đầu năm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải giải ngân hết vốn năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020. Người đứng đầu các ngành, địa phương không chịu giải ngân phải bị kiểm điểm trách nhiệm. Đến tháng 9 năm nay, nếu không giải ngân thì Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội để chuyển vốn sang dự án khác.

Thủ tướng cũng đề nghị thành lập tổ công tác đặc biệt để giám sát kiểm tra tiến độ giải ngân của các dự án. Đặc biệt, Chính phủ có chủ trương giải ngân các dự án trọng điểm, cấp bách đối với một số dự án giao thông như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành... Thủ tướng yêu cầu phải giao nhiệm vụ cụ thể và có chế tài xử lý nghiêm minh nếu để xảy ra chậm trễ trong việc triển khai.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312 nghìn tỷ đồng), bao gồm: 470,6 nghìn tỷ đồng trong dự toán năm 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút thì việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Bộ Tài chính cam kết sẽ bảo đảm nguồn vốn đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công nêu trên. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ, để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; cho phép triển khai cơ chế giải ngân vốn vay nước ngoài trên môi trường điện tử, giải ngân không theo tỷ lệ cấp phát, cho vay lại; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong chấp hành pháp luật về quản lý đầu tư. Kết thúc năm, trường hợp vốn kế hoạch vẫn chưa giải ngân hết, trình Quốc hội cho phép hủy bỏ để giảm bội chi ngân sách năm 2020.

Các chuyên gia cũng chỉ ra, bài học kinh nghiệm để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là kịp thời điều chuyển vốn từ những dự án chậm tiến độ sang những dự án có tiến độ triển khai tốt, giải ngân nhanh, có khả năng hoàn thành sớm. Có như vậy mới góp phần bảo đảm giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020. Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh; tập trung chỉ đạo sớm đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế - xã hội. Đặc biệt, cần tập trung phối hợp và chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án quy mô lớn, có tính chất lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng và cả nước, như: Dự án cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành...
 

Ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 40/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công. Trong đó, đưa ra các chế tài đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra chậm giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, cơ quan nào không phân bổ hết vốn được giao cũng sẽ bị xem xét thu hồi, điều chuyển cho các đơn vị khác có nhu cầu trước ngày 30/6 hằng năm.
 
Bám sát tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ trong việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, đến nay, các bộ, ngành, địa phương đang chủ động vào cuộc, tìm giải pháp tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Dự kiến trong quý II/2020, 3 dự án thành phần thuộc Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, gồm đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây được chuyển đổi hình thức đầu tư từ đối tác công - tư (PPP) sang sử dụng vốn đầu tư công. Mỗi chủ đầu tư sẽ xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng, làm cơ sở để điều hành kế hoạch giải ngân. Ngoài ra, với tinh thần quyết liệt hơn nữa thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020, Thủ tướng cũng đã thống nhất với Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc chuyển đổi 8 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sang hình thức đầu tư công.

Theo các chuyên gia kinh tế, tăng cường đầu tư công không chỉ để bù đắp sự sụt giảm của đầu tư tư nhân trong ngắn hạn, mà còn giúp tạo dựng nền tảng để đón đầu cơ hội phục hồi một khi dịch bệnh được kiểm soát, tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Ngoài những dự án trọng điểm của quốc gia, cần ưu tiên những dự án nhỏ nhưng có tác động lan tỏa đối với nền kinh tế. Điều cần quán triệt là, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy tiến độ các dự án với tinh thần trách nhiệm cao nhất, khẩn trương, hiệu quả như tinh thần chống dịch Covid-19 đang được Chính phủ thúc đẩy.

Các nhóm nhiệm vụ chủ yếu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cần tập trung gồm: Các bộ, ngành, chính quyền địa phương, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách và các Nghị định có liên quan của Chính phủ; Trên cơ sở danh mục dự án trọng điểm, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn dự án; Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách. Trước mắt, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương lập danh sách các dự án có kế hoạch và cam kết hoàn thành trong năm 2020. Với các dự án đang gặp vướng mắc, các cơ quan liên quan cần phải liên tục rà soát tình hình thực hiện từng dự án.

Cùng với đó, giải quyết nhanh quy trình, thủ tục quản lý và lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch. Đẩy nhanh tiến độ thủ tục thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án có thu hồi đất, kết hợp chính sách tái định cư. Đối với những dự án sắp hoặc có thể đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành, cần tích cực chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán, bàn giao đưa vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả kinh tế.

Rõ ràng, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề, để giữ tăng trưởng kinh tế thì sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ngành là giải pháp quan trọng nhất. Để hoàn thành giải ngân 700 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2020, các bộ, ngành, địa phương cần lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ tận dụng mọi điều kiện, tranh thủ thời gian, đặc biệt, lãnh đạo các đơn vị phải nâng cao ý thức trách nhiệm, chủ động đôn đốc các dự án giải ngân đúng tiến độ./.


ThS. Lê Thị Huyền Trang
Học viện Ngân hàng

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top