CPI tháng 2/2024 tăng 1,04% so với tháng trước với 9/11 mặt hàng tăng giá

01/03/2024 - 10:38 AM
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao trong tháng Tết; giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu; giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2024 tăng 1,04% so với tháng trước; tăng 1,35% so với tháng 12/2023 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình quân 2 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,84%.

 
Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 02/2024 so với tháng trước
 

Trong mức tăng 1,04% của CPI tháng 02/2024 so với tháng trước, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 02 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Nhóm giao thông tăng cao nhất với 3,09%, làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 15,48% do nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán; chỉ số giá xăng tăng 5,82%, chỉ số giá dầu diezen tăng 5,51% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước; dịch vụ rửa xe, bơm xe tăng 2,47%; dịch vụ trông giữ xe tăng 1,86%; dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,52%; giá lốp, săm xe máy tăng 0,21%; phụ tùng khác của xe máy tăng 0,15%.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,71%, tác động làm CPI chung tăng 0,57 điểm phần trăm. Trong đó: Lương thực tăng 1,75%, làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm; thực phẩm tăng 1,98%, tác động làm CPI chung tăng 0,42 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,04%, tác động làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,8% do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng tăng vào dịp Tết Nguyên đán khiến giá rượu bia tăng 1,17%; thuốc hút tăng 0,56%; đồ uống không cồn tăng 0,33%.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,79% do nhu cầu mua sắm, du xuân dịp Tết Nguyên đán tăng đẩy CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm. Giá tăng tập trung chủ yếu ở những nhóm mặt hàng: Giá nhóm hoa, cây cảnh, vật cảnh tăng 4,19%; dịch vụ giải trí tăng 1,09% (trong đó, giá vé xem phim, ca nhạc tăng 15,41%); du lịch trọn gói tăng 1,67% (du lịch trong nước tăng 1,68%; du lịch ngoài nước tăng 1,63%); khách sạn, nhà khách tăng 0,99%.

Bên cạnh đó, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,26%. Giá một số mặt hàng tăng do nhu cầu sử dụng tăng như: Giá hàng thủy tinh, sành sứ và bình nước nóng nhà tắm cùng tăng 0,56%; giường, tủ, bàn, ghế tăng 0,28%; vật phẩm tiêu dùng khác tăng 0,26%; đèn điện thắp sáng tăng 0,24%; xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,23%; dịch vụ sửa chữa thiết bị trong gia đình tăng 0,22%; máy hút bụi tăng 0,09%; trang thiết bị nhà bếp tăng 0,06%.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,16% do chi phí nhân công, chi phí vật liệu, nhu cầu mua sắm quần áo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn tăng. Trong đó, dịch vụ giày dép tăng 1,46% so với tháng trước; dịch vụ may mặc tăng 0,61%; giày dép tăng 0,33%; may mặc khác tăng 0,31; vải các loại tăng 0,25%; mũ nón tăng 0,19%; quần áo may sẵn tăng 0,05%.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, lạm phát cơ bản tháng 02/2024 tăng 0,49% so với tháng trước và tăng 2,96% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 2 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,84% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,67%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản./.

 
Nguồn: Tổng cục Thống kê
 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top