Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử

15/04/2020 - 03:33 PM
 
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh và mạnh trên tất cả các lĩnh vực và ở nhiều quốc gia trên thế giới, Chính phủ Việt Nam đã xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030. Theo đó, thời gian qua, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) ở nước ta đã được thực hiện một cách đồng bộ và bước đầu đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là đã có chuyển biến trong nhận thức về CPĐT và quá trình triển khai; bảo đảm gắn kết giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Bước tiến dài của Việt Nam trong xây dựng Chính phủ điện tử

Với mục tiêu, quan điểm xây dựng, phát triển CPĐT phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển CPĐT, thời gian qua Việt Nam đã từng bước tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, khung pháp lý về CPĐT, triển khai thử nghiệm và đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng CPĐT. Cụ thể, để thúc đẩy xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số, ngày 07/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, đưa ra lộ trình, mục tiêu, giải pháp cho quá trình triển khai xây dựng CPĐT hướng tới chính phủ số, được các tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá đúng hướng, phù hợp với xu hướng phát triển CPĐT trên thế giới hiện nay.

Một trong những bước đi đầu tiên hướng tới nền tảng tích hợp, chia sẻ, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, giúp cho việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước của nước ta là Trục liên thông văn bản quốc gia. Đây là tiền đề của nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng CPĐT, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan nhà nước tăng cường sử dụng văn bản điện tử, tiến tới thay văn bản giấy. Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ khai trương (ngày12/3/2019) đến ngày 10/02/2020, đã có hơn 1,26 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Hiện 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019, rất gần so với mục tiêu năm 2020 là 90%... Theo tính toán, với việc thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, chúng ta tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm từ chi phí giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính…

 
Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử

Ảnh minh họa: Nguồn internet

Cùng với Trục liên thông văn bản quốc gia, xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm cung cấp thông tin và hỗ trợ việc thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công liên tục, minh bạch, chính xác, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, chống tiêu cực, tiết kiệm chi phí và góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… cũng là một trong những kết quả nổi bật trong xây dựng CPĐT ở nước ta thời gian qua. Theo đó, người dân, doanh nghiệp chỉ cần truy cập một địa chỉ duy nhất (dichvucong.gov.vn), bằng một tài khoản duy nhất là có thể đăng nhập đến tất cả các Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị mà không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.

Cổng dịch vụ công quốc gia đã tạo một kênh đo lường, kiểm soát chất lượng phục vụ, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước thông qua những thông tin được lượng hóa cụ thể trên cơ sở ứng dụng CNTT.

Theo thống kê, tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương, từ ngày 9/12/2019 đến ngày 9/3/2020 đã có có trên 77,2 nghìn tài khoản đăng nhập; hơn 20,9 triệu người truy cập tìm hiểu thông tin dịch vụ; trên 2,6 triệu bộ hồ sơ đồng bộ trạng thái, trong đó có trên 13,1 nghìn hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đã có 9/22 bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Theo đó, người dân có thể thực hiện các dịch vụ ngay trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, như: Đổi giấy phép lái xe; cấp giấy phép lái xe quốc tế; cấp điện mới từ lưới điện hạ áp; cấp điện mới từ lưới điện trung áp; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do hỏng, mất. Doanh nghiệp có thể thực hiện các dịch vụ: Thông báo hoạt động khuyến mại; đăng ký hoạt động khuyến mại; cấp điện mới từ lưới điện hạ áp; cấp điện mới từ lưới điện trung áp; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do hỏng, mất; nhóm cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (19 thủ tục hành chính). Việc Cổng Dịch vụ công quốc gia khai trương và đi vào hoạt động đã phát huy những hiệu quả thiết thực. Theo tính toán, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tiết kiệm chi phí xã hội được 4.222 tỷ đồng/năm.

Cùng với đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã đưa Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) vào khai thác, sử dụng. Tính từ khi khai trương tháng 6/2019 đến nay đã phục vụ 11 hội nghị, phiên họp của Chính phủ (các đại biểu sử dụng tài liệu điện tử thay thế việc in ấn, sao chụp hơn 42.000 tài liệu giấy) và thực hiện xử lý trên 230 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ thay thế việc phát hành hơn 6.000 phiếu giấy và hơn 29.000 hồ sơ, tài liệu giấy kèm theo.

Ngoài ra, hệ tri thức Việt số hóa có bước phát triển mạnh mẽ với sự kiện khai trương bản đồ Vmap có hơn 24 triệu địa chỉ, tạo nền bản đồ cho các ứng dụng kinh tế - xã hội, góp phần phát triển thương mại điện tử và hệ thống thông tin nhân đạo điện tử.

Bên cạnh đó, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được Chính phủ ban hành, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thuê dịch vụ công nghệ thông tin và quản lý dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn khoảng 30% số bước thực hiện…

Đặc biệt, mới đây Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ giai đoạn 1 đã được Văn phòng Chính phủ thử nghiệm kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin báo cáo của các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông và sẽ đưa vào vận hành chính thức... Đây tiếp tục thể hiện sự quyết tâm trong xây dựng CPĐT hướng đến mục tiêu số hóa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo tính toán, việc triển khai và đưa Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ vào vận hành sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được 460 tỷ đồng mỗi năm…

Mặc dù đã có được bước tiến dài từ khi bắt đầu triển khai xây dựng CPĐT, song việc triển khai xâydựng CPĐT ở nước ta vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Cụ thể, hiện Việt Nam chỉ đứng thứ 88/193 quốc gia về xây dựng CPĐT, đứng thứ 6/11 nước ASEAN… đây được đánh giá là một mức thấp so với bình quân của thế giới và ASEAN. Bên cạnh đó, trong công tác xây dựng triển khai CPĐT vẫn chưa hoàn thành được các mục tiêu trong xây dựng CPĐT, các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, nền tảng tích hợp dữ liệu điện tử, nền tảng thanh toán điện tử còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn thấp. Hạ tầng kỹ thuật trong các cơ quan Nhà nước nhiều bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là công tác an toàn, an ninh mạng chưa được quan tâm đầy đủ. Công tác đào tạo cán bộ công chức, viên chức mới bước đầu được quan tâm song chưa đáp ứng được nhu cầu. Công tác báo cáo, đề xuất các bất cập trong quá trình thực hiện CPĐT chưa thực sự mang lại hiệu quả. Nguồn lực triển khai cho CPĐT còn thiếu, nhiều địa phương bố trí ngân sách hạn chế cho CPĐT. Bên cạnh đó, việc xây dựng chồng chéo, các bộ ngành, địa phương còn dùng nhiều phần mềm khác nhau và không có khả năng liên thông… cũng là những lực cản trong xây dựng CPĐT.

Mục tiêu và quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng CPĐT trong năm 2020 và những năm tiếp theo, tại Hội nghị trực tuyến về CPĐT tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị năm 2020, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung mọi nguồn lực chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu của Chính phủ về CPĐT, nhất là mục tiêu 30% tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, (hiện nay mới đạt 10,7%). Thủ tướng nhấn mạnh ba mục tiêu cần phấn đấu: 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu; 100% nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh phải được kết nối vào nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia; 100% bộ, ngành, tỉnh, thành có trung tâm giám sát điều hành an toàn an ninh mạng.

Để hoàn thiện các nền tảng của CPĐT và hoàn thành mục tiêu đề ra, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT thời gian tới đã được đưa ra, cụ thể:

Hoàn thiện thể chế nhằm tạo hành lang pháp lý cho CPĐT. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu trong năm 2020 phải ban hành được các nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác thực điện tử, về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; nghị định thay thế về công tác văn thư; nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân và năm 2020 chuẩn bị các bước để tiến tới sửa luật về giao dịch điện tử và luật về lưu trữ…

Xây dựng CPĐT phải đi liền với cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, thay đổi lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả công việc. Phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của mỗi đơn vị, từng bước xây dựng chính quyền điện tử trong phạm vi của đơn vị.

Đảm bảo an toàn, an ninh mạng về dịch vụ CPĐT, đồng thời thực hiện nghiên cứu, giám sát quốc gia về hạ tầng mạng, an ninh mạng. Tiến tới xây dựng phần mềm giúp người dân có thể sử dụng điện thoại thông minh để khai thác mọi tiện ích của CPĐT.

Các bộ, ngành phải quan tâm đặc biệt đến vấn đề thanh toán điện tử, đồng thời đề ra mô hình liên thông, theo hướng tất cả các dữ liệu của các bộ, ngành là dữ liệu chung của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ được chỉ định phân quyền sử dụng. Đồng thời, người sản xuất, cung cấp dịch vụ công phải chịu trách nhiệm về công tác an ninh...

Tập trung đổi mới công nghệ, đi đôi với đào tạo nguồn lực, cán bộ về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của triển khai CPĐT. Cần đưa các nội dung về CPĐT vào các chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên tuyền về CPĐT để người dân hiểu, tiếp cận và sử dụng các yếu tố của CPĐT. Thủ tướng Chính phủ cũng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ có khả năng trong nước tham gia xây dựng CPĐT.

Mặc dù có nhiều khó khăn phía trước, nhiều nhiệm vụ, mục tiêu cần hoàn thành, song Thủ tướng khẳng định Việt Nam có đủ tiềm lực với hệ thống nhiều doanh nghiệp viễn thông, CNTT lớn mạnh đủ sức làm CPĐT. Cùng với đó, những thành công trong việc xây dựng CPĐT năm 2019, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân… sẽ làm tiền đề quan trọng cho năm 2020 và những năm tiếp theo để thực hiện lộ trình xây dựng CPĐT tại Việt Nam./.


 
Thu Hòa
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top