Hiệp định EVFTA sau hai năm thực thi

21/09/2022 - 02:08 PM
Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực vào ngày 01/8/2020. Đây là một dấu mốc quan trọng trên hành trình cải cách và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Sau 2 năm thực thi, tại Việt Nam, Hiệp định EVFTA đã bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực đối với doanh nghiệp, tạo tác động tích cực cho hoạt động xuất khẩu và được đánh giá là một trong những Hiệp định có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao trong số nhiều FTA Việt Nam đã tham gia.
 
Liên minh châu Âu (EU - bao gồm 27 quốc gia thành viên) được đánh giá là một thị trường khó tính với những chuẩn mực cao nhất trên thế giới, do đó với việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, EU đã chính thức ghi nhận những nỗ lực cải cách, xây dựng thể chế kinh tế thị trường và phát triển bền vững của Việt Nam và quyết tâm tăng cường hợp tác với Việt Nam. Theo Hiệp định EVFTA, vào thời điểm 01/8/2020, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.

Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sau hai năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn trong hợp tác giữa hai bên, trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU ngày càng phát triển tốt đẹp. Nhiều cam kết theo Hiệp định EVFTA đã được triển khai và thu được những kết quả phản ánh thông qua các số liệu thống kê vĩ mô về thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với EU. Cụ thế, theo thống kê, trong 2 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 83 tỷ USD với mức tăng trưởng xấp xỉ 15%. Năm 2021, thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020.

 
Hiệp định EVFTA sau hai năm thực thi

Ảnh minh họa: Nguồn internet

 
Năm 2022, theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Trong 7 tháng đầu năm Việt Nam ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng cao sang Mỹ, EU, Hàn Quốc. Đặc biệt, nhờ có cú hích Hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang thị trường này tăng trưởng hơn 20%, xuất siêu 18,7 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ 2021. Điều đó cho thấy, các ngành tận dụng khá tốt cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU. Các chuyên gia kinh tế dự báo, trên đà tăng trưởng năm 2021, năm 2022, thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục mở rộng ở nhiều quốc gia, đặc biệt với một số thị trường lớn đến từ các quốc gia cùng tham gia FTA, như EVFTA. Các ngành sản xuất như nông sản, dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử… đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021.

Các số liệu đầu tư cũng cho thấy sau ký kết Hiệp định EVFTA xu hướng đầu tư từ một số quốc gia EU tăng nhanh, như Hà Lan (tăng gần 26%), Đan Mạch (240%), Thụy Điển (63%), Cộng hòa Ai-len (235%) và Bỉ (284%). Theo Bộ Công Thương, trong 2 năm thực thi EVFTA cho thấy, đây là 1 trong những hiệp định có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao nhất so với những hiệp định khác. Theo đó, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam thông qua giấy chứng nhận xuất xứ mà doanh nghiệp được cấp để tận hưởng ưu đãi khi hàng hóa đi vào EU khá cao. Trong năm đầu tiên tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo EVFTA tăng lên mức 20,7% (trước đó 14,8%), trong đó một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có tỷ lệ sử dụng C/O cao như: Thuỷ sản là 78,89%, rau quả 65,58%, gạo 100%, hàng dệt may 15,17%.. Sáu tháng đầu năm 2022, tỷ lệ này đã có tốc độ tăng rất mạnh, lên đến trên 32%. Đây cũng là một trong những tỷ lệ cao, cao hơn khoảng 4 lần so với tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong Hiệp định CPTPP. Điều này cho thấy, doanh nghiệp đã bắt đầu thể hiện tính tích cực hơn và lợi ích của Hiệp định đem lại cũng đã thể hiện rõ rệt hơn.

Theo đánh giá, nông sản là nhóm mặt hàng tận dụng ưu đãi nhanh nhất trong Hiệp định này, đây cũng là nhóm hàng được ưu tiên tập trung đàm phán để phía EU mở cửa thị trường. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tương đối toàn diện ở nhiều nhóm hàng nông sản, trong đó có những mặt hàng đã có bước tăng trưởng vượt bậc, ví dụ như: Với cà phê tăng trên 62 %, hạt tiêu có tốc độ tăng trưởng trên 81 % trong năm đầu tiên thực hiện Hiệp định; hải sản trên 22 % và gạo đã có những bước tăng trưởng tương đối khá, trên 40%.

Ngoài ra, nông sản cũng là mặt hàng mà các nước EU đã tăng lượng mua lên rất nhiều, điều này giúp mức độ phổ biến hàng hóa của doanh nghiệp Việt tại EU ngày càng cao, người tiêu dùng ngày càng chuộng hàng Việt. Hiện nay khoảng 90% sản lượng nông sản như: Cà phê, tiêu được xuất qua đối tác thương mại như Hà Lan, Thuỵ Sỹ, Đan Mạch, Đức… và sản lượng ngày càng tăng.

Đối với ngành hàng lương thực, thực phẩm, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tình hình xuất khẩu hàng lương thực và thực phẩm qua EU đã dần cải thiện. Về cơ bản, doanh nghiệp chế biến thực phẩm đã và đang đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng cũng như tiêu chí mà thị trường này đưa ra.

Đối với mặt hàng thủy sản, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản sang EU thời gian qua đã có những tăng trưởng tốt. Trong bối cảnh lạm phát giá, EVFTA là yếu tố thuận lợi trợ lực cho xuất khẩu tôm sang EU. Tính tới ngày 15/6/2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 338 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khối EU, top 3 thị trường gồm Hà Lan, Đức và Bỉ đều tăng 58-91% nhập khẩu tôm Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022. Theo VASEP, hiện nay, nhu cầu các sản phẩm tôm bền vững và hữu cơ ngày càng tăng ở châu Âu. Các sản phẩm ăn liền tiện lợi cũng có nhu cầu cao tại thị trường này.

Với ngành hàng dệt may, EVFTA có hiệu lực đã tác động rất tích cực đến các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu. Hiệp định mở ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp tăng thêm thị phần và mở rộng nguồn khách hàng mới.

Đặc biệt, theo đánh giá sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU không chỉ tăng đơn thuần về mặt số lượng mà đã có sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu nông sản sang một số nhóm có giá trị gia tăng cao hơn so với trước đây. Cụ thể như: Đối với mặt hàng gạo xuất khẩu sang thị trường EU, giá trung bình chung cao khoảng gấp đôi so với giá trung bình khi xuất khẩu sang các thị trường khác. Ngoài ra, một số mặt hàng chế biến, chế tạo cũng có bước tăng trưởng tích cực, đặc biệt là đối với những mặt hàng mà trước đây chưa tiếp cận được thị trường EU; nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị có mức tăng trưởng trên 20
% và có những sản phẩm khác, sản phẩm liên quan đến sắt, thép cũng đã tận dụng rất tốt cơ hội trong giai đoạn đầu thực thi EVFTA.

Ngoài ra, với Hiệp định EVFTA, hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường EU phải đáp ứng nhiều quy định liên quan, trong đó có quy tắc xuất xứ. Đây mặc dù là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp Việt song cũng là công cụ giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ Hiệp định, hạn chế được một số gian lận xuất xứ từ các nước cạnh tranh khác đồng thời là động lực để nâng cao chất lượng hàng hóa. Theo đánh giá, trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa, các doanh nghiệp đã có sự làm quen và bắt nhịp được khá tốt. Để đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ cũng như hàng rào kỹ thuật của EU, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi tư duy tiếp cận cũng như từng bước hoàn thiện, phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của EU và đưa hàng xuất khẩu một cách bài bản. Hai quý đầu năm 2022, lượng hàng hóa xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa EUR.1 khoảng 5,8 tỷ USD, tương đương với khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu sang EU trong giai đoạn này.

Bên cạnh đó, EVFTA được thực thi trong bối cảnh xu hướng kinh tế - thương mại và thị trường thế giới chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine…, thì những động thái tích cực trên càng cho thấy rõ hơn những đóng góp của EVFTA trong quan hệ kinh tế giữa hai bên.

Sau hai năm thực thi, Hiệp định EVFTA đã mang lại hiệu quả bước đầu, tạo được xung lực tốt trong hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp đã từng bước tạo được thương hiệu cho các ngành hàng, tuy nhiên, một số ý kiến đánh giá cho rằng việc tận dụng các cam kết ưu đãi trong EVFTA của Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng, doanh nghiệp Việt còn gặp không ít khó khăn, thách thức.

Cụ thể: Vấn đề xúc tiến thị trường là một trong những thách thức không nhỏ của các doanh nghiệp. Tác động của đại dịch Covid-19 ngay tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực đã khiến cho hoạt động xúc tiến thương mại, thâm nhập thị trường bị gián đoạn.

Cùng với đó, EU vẫn là thị trường khó tính với rất nhiều yêu cầu về kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật, thậm chí là ngoài những tiêu chuẩn do nhà nước đặt ra, một số đơn vị nhập khẩu còn có những tiêu chuẩn riêng mà họ tự đặt ra. Do đó, để xuất khẩu được sang EU các doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc…

Ngoài ra, hiện thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển mạnh sang tiêu dùng hàng hóa xanh, sạch và đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường... Những điều kiện mang tính phức tạp đó đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải có những chuyển đổi mô hình sản xuất nhằm đáp ứng tốt nhất thị hiếu ở thị trường EU, từ đó mới có thể khai thác một cách có hiệu quả, lâu dài và bền vững thị trường này.

Một số thách thức khác được đề cập tới: Thách thức về cạnh tranh với các nước khác từ việc sản xuất năng suất thấp, quy mô nhỏ lẻ, chưa có khu vực sản xuất tập trung dẫn tới chất lượng, số lượng đều có những hạn chế…Tỷ lệ tận dụng ưu đãi (C/O) EVFTA để hưởng thuế quan ưu đãi còn khiêm tốn, xuất khẩu vẫn chỉ tập trung vào một số thị trường truyền thống, cơ chế kết nối giữa các địa phương với các cơ quan bộ ngành, cơ quan ở nước ngoài trong thúc đẩy thương mại, đầu tư chưa được hoàn thiện, việc triển khai nhóm chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, và phát triển bền vững của các cơ quan, địa phương chưa được chú trọng đúng mức, trong khi đây là nội dung quan trọng trong EVFTA. Việc xây dựng và định vị thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường EU cần sự đầu tư bài bản, tư vấn của chuyên gia…

Có thể thấy, sau hai năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mở ra một thị trường khu vực với nhiều tiềm năng nhưng cũng kèm theo nhiều quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, các khía cạnh môi trường, phát triển bền vững… Hy vọng, với những kết quả đạt được thời gian qua sẽ là động lực để các doanh nghiệp Việt tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, từng bước chinh phục thị trường EU, đồng thời việc các doanh nghiệp Việt vượt qua được những quy định khắt khe tại Hiệp định EVFTA cũng sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các thị trường khác./.
Thu Hòa
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top