Không thể đứng ngoài cuộc chơi mới

01/09/2020 - 10:20 AM
Chúng ta kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi, đặc biệt là đại dịch COVID-19 tác động sâu rộng dẫn đến tái cấu trúc trên phạm vi toàn cầu.
 


Đừng quên giải quyết những vấn đề bức xúc 

Một đất nước muốn thịnh vượng trong tương lai thì ngay từ hôm nay đừng quên giải quyết những vấn đề bức xúc, ngăn chặn nguy cơ có thể xảy đến. Nhất thiết phải có cơ chế đồng bộ và quyết liệt giải quyết nạn kẹt xe ở các đô thị lớn, tập trung xử lý các vấn đề về môi trường..., bởi càng để lâu sẽ càng tốn nhiều tiền và mất nhiều thời gian để tháo gỡ. 

Ngay lúc này, cần quy hoạch và đầu tư xây dựng các hồ chứa nước lớn tại các vùng miền của đất nước (hiện 85% lượng nước mưa ở miền Trung chảy ra biển); phải tính đến việc cấp nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long; lưu ý rằng tương lai thế giới có thể xảy ra “chiến tranh nguồn nước”.

 Việt Nam gặp những khó khăn tạm thời nhưng đứng trước cơ hội ngàn năm có một để trỗi dậy, phát triển. Khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời Bác Hồ hằng mong muốn, đang thôi thúc chúng ta hơn bao giờ hết.

Việt Nam đang ở đâu?

Sau 35 năm đổi mới, chúng ta đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như hôm nay. Từ một nước nghèo, thuần nông, bị chiến tranh tàn phá đến kiệt quệ, thời gian dài bị cấm vận và cô lập, đến nay VN đã cơ bản xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nền kinh tế có quy mô gấp khoảng 40 lần so với năm 1990.

Tôi từng là một người lính cầm súng bảo vệ biên giới phía Bắc. Thời thanh niên của chúng tôi vào thời điểm trước và sau đổi mới cuộc sống rất khó khăn, bữa no bữa đói, gia đình có được cái xe đạp, chiếc tivi là cả một ước mơ. Nhớ lại để thấy đạt thành quả phát triển như hôm nay, được bạn bè quốc tế ghi nhận, là quá trình cố gắng của một dân tộc không cam chịu đói nghèo.

Tuy nhiên không chỉ nhìn vào những gì đã đạt được, chúng ta phải so sánh với bên ngoài để biết mình đang ở đâu trong thế giới không ngừng thay đổi. Năm 1990, thu nhập bình quân đầu người của VN chỉ 100 USD, nay đã khoảng 3.000 USD (theo cách tính GDP mới). Nhưng trong bảng thứ hạng quốc tế thì VN vẫn thuộc nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung

 bình thấp. Năm 2018, VN đứng thứ 136/188 quốc gia về thu nhập trung bình, cần 6 năm để đuổi kịp Philippines, 14 năm để đuổi kịp Thái Lan và cần tới 40 năm để ngang bằng Hàn Quốc...

Đó là phép so sánh mang tính tương đối, vì ta đang “đuổi theo” nhưng không ai đứng đợi mình, muốn đuổi kịp và vượt lên thì phải đi thật nhanh, thậm chí phải chạy cật lực.

Nhìn vào tồn tại, yếu kém

Tôi thấy có nhiều điểm đáng lo ngại. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa chậm. Các ngành công nghiệp nền tảng, then chốt đã và đang mất dần, thiếu tính cạnh tranh và chưa được quan tâm đúng mức. Hạ tầng phát triển quá chậm, đất nước đã thống nhất 45 năm nhưng chưa làm xong tuyến đường bộ cao tốc nối liền hai miền Nam - Bắc, đường sắt đã quá cũ và lạc hậu, các sân bay lớn đều quá tải.

Phần lớn doanh nghiệp VN chưa đủ năng lực sáng tạo, làm chủ công nghệ nguồn, công nghệ lõi nên rất khó liên kết với doanh nghiệp đến từ các nước phát triển. Nền kinh tế vẫn dựa vào vốn, lao động giá rẻ, gia công và khai thác tài nguyên (nhưng tài nguyên thì dần cạn kiệt, đến than đá đã phải nhập khẩu cho một số nhà máy nhiệt điện). Nền nông nghiệp hướng đến công nghệ cao nhưng hiệu quả lại chưa cao.
 
Sau hơn ba thập kỷ mở cửa, hội nhập và đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đến nay xuất khẩu, thương mại, đầu tư của VN phụ thuộc nhiều các doanh nghiệp FDI (khối doanh nghiệp FDI chiếm đến 70% giá trị xuất khẩu, hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp) nhưng lại thiếu kết nối với khu vực kinh tế trong nước. Đơn cử: cả một tổ hợp Samsung tại VN có giá trị xuất khẩu khoảng 60 tỉ USD/năm nhưng chỉ có 29 doanh nghiệp VN tham gia vào chuỗi giá trị, trong khi một tổ hợp tương tự ở Thái Lan thì có mấy trăm doanh nghiệp Thái tham gia.

Mục tiêu đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế được đề cập rất nhiều nhưng chuyển biến chậm, hiệu quả chưa rõ. Tuy cố gắng trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nhưng tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật còn yếu, tổ chức thực thi chưa quyết liệt, “tuổi thọ” của luật còn ngắn, hay phải sửa đổi, bổ sung dẫn đến thiếu tính ổn định. Vẫn còn tình trạng lợi ích cục bộ, cố tạo rào cản, tư duy theo kiểu “không quản được thì cấm” làm tổn hại đến lợi ích của dân và doanh nghiệp.

Tư tưởng trì trệ, bảo thủ trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhân dân đã cản trở không ít những đề xuất cải cách, đổi mới, khiến VN khó xây dựng thể chế, chính sách vượt trội so với các quốc gia khác.

Thời cơ ngàn năm có một để Việt Nam trỗi dậy

Nhìn vào những tồn tại, yếu kém không phải là bi quan, “chào thua”. Đây là thời điểm có tính bước ngoặt trong lịch sử nhân loại, khi thế giới đang được sắp đặt lại bởi khủng hoảng do đại dịch COVID-19, chính là thời cơ ngàn năm có một để VN trỗi dậy.

VN đứng trước thử thách khắc nghiệt của đại dịch ngay đầu năm, từ cuối tháng 7 chúng ta lại đứng trước thử thách mới, nhưng với sự vào cuộc đầy quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ rất cao của nhân dân, dịch bệnh đã từng bước được khống chế, đẩy lùi; nền kinh tế vẫn có tăng trưởng dương trong khi nhiều khu vực, quốc gia trên thế giới tăng trưởng âm, suy giảm, thậm chí sụp đổ các thị trường.

Trong cuộc ganh đua mới, đây chính là cơ hội để đẩy nhanh phục hồi, phát triển kinh tế, đón dòng dịch chuyển đầu tư quốc tế, chủ động tham gia vào các cuộc chơi mới và giành lấy lợi thế. Đây là lúc phải làm việc cật lực, tận dụng các cơ hội trong thời gian nhiều nước đang “nghỉ ngơi” để chúng ta tiến lên rút ngắn khoảng cách và bứt phá.

Mọi thứ bắt đầu từ tư duy và tầm nhìn phát triển. Tiềm năng có, cơ hội đến nhưng vẫn tư duy cũ, tầm nhìn hạn hẹp, thiếu quyết tâm, không có giải pháp đột phá phù hợp với xu thế thời đại thì không thể gặt hái được thành công. Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, việc nắm bắt các cơ hội phát triển có vai trò rất quan trọng. Quy luật của tự nhiên hay xã hội đều thế, nhiều khi khó khăn của người này chính là cơ hội của người khác, thách thức của quốc gia này là điều kiện để quốc gia gia khác tranh thủ. Khi cơ hội đến thì phải nắm bắt bằng được để hiện thực hóa các kế hoạch, mục tiêu của mình. Hãy chắt chiu lấy từng cơ hội dù nhỏ nhất, đừng để nó vuột qua, giành được càng nhiều cơ hội thì chúng ta càng tịnh tiến lên các nấc thang cao hơn.

Không thể một lần nữa VN đi sau, đi theo, đứng ngoài các cuộc chơi mới, sân chơi mới, thể lệ mới. Phải khơi thông các nguồn lực từ vô hình đến hữu hình, sử dụng thật hiệu quả, tránh lãng phí. Ví dụ, các chuyên gia cho rằng VN đang có cơ hội để xây dựng một trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế bởi các trung tâm tài chính lớn đã có ở 21 múi giờ, múi giờ VN là một mảnh ghép còn thiếu để dòng tiền trên Trái đất chảy xuyên suốt thời gian. Cơ hội này đang trở nên hiện hữu hơn trong thời điểm mà những biến động chính trị, va chạm giữa các cường quốc đang gây phân tâm, lo lắng cho các nhà đầu tư ở trung tâm tài chính của nước láng giềng khiến họ muốn tìm một bến đỗ mới an toàn, ổn định.

Hơn lúc nào hết, người VN phải kiên trì, kiên định, táo bạo và đột phá để đẩy nhanh cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế, ra sức đầu tư phát triển hạ tầng, chuyển đổi số, tạo nền tảng cho cuộc cách mạng 4.0. Phải hoàn thành bằng được và càng sớm càng tốt sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Made in VN phải trở thành made by VN; phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, lưỡng dụng do người Việt làm chủ, xây dựng thành công nền công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.


“Tôi đã hơn một lần đến Dubai và tìm hiểu về câu chuyện phát triển kỳ diệu của họ. Nhiều người lầm tưởng rằng thành phố này phát triển chủ yếu nhờ vào tiền bạc của giới tài phiệt dầu mỏ. Không phải như vậy, Dubai chỉ nhờ dầu mỏ 10%, còn lại hoàn toàn là tư duy, tầm nhìn, chất xám để trong vòng 20 họ năm xây dựng một thành phố này bằng nơi khác mất 100 năm mới có được”.


Tư duy về đầu tư cần thay đổi theo hướng tập trung nguồn lực xứng đáng cho các vùng kinh tế trọng điểm, những khu vực động lực, những địa chỉ tạo ra giá trị gia tăng lớn. Khi chưa giàu có thì phải thắt lưng buộc bụng, chắt chiu từng đồng vốn đầu tư có hiệu quả, đừng lãng phí.

Trong quá trình phát triển, người dân vừa là chủ thể vừa là mục tiêu, mọi chính sách đều phải hướng tới hạnh phúc của các tầng lớp nhân dân. Con người VN là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển đất nước. Chúng ta đang trong giai đoạn “dân số vàng”, nhưng từ 2030 bắt đầu vào giai đoạn già hóa dân số, hãy cật lực làm việc trong một thập kỷ tới đây để tránh rơi vào tình trạng “chưa giàu đã già”.

75 năm trước, nhân dân ta đã vùng lên làm cuộc cách mạng long trời lở đất, giành độc lập, khẳng định sức sống trường tồn của dân tộc VN. Cha anh để lại cho chúng ta bài học về việc tranh thủ thời cơ, quyết tâm cao độ (như Bác Hồ từng nói là “dù có phải đốt cháy cả dải Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”), phát huy sức mạnh đại đoàn kết, giành những thắng lợi vẻ vang. Tự hào về lịch sử, thế hệ hôm nay chắc chắn có đủ tự tin và sức mạnh để làm nên những điều kỳ diệu trong phát triển đất nước.



NGUYỄN CHÍ DŨNG
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư

LÊ KIÊN ghi

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top