Nghị quyết 42 của Chính phủ - Ấm lòng người lao động, doanh nghiệp trước khó khăn do đại dịch Covid-19

25/05/2020 - 03:46 PM
 
Đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp đã khiến cho nhiều doanh nghiệp “đóng băng”, việc sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế cũng bị ảnh hưởng và ngừng trệ. Nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ, sụt giảm lợi nhuận, thậm chí có những doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể, nhiều người lao động bị mất việc, người nghèo, người có thu nhập thấp đang đứng trước nhiều khó khăn để có thể đảm bảo đời sống tối thiểu… Theo đó, với tinh thần kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn, không để người dân chờ đợi lâu, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Việc nhanh chóng ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ trực tiếp tới người dân, người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh không chỉ góp phần chia sẻ bớt khó khăn mà còn thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống nhân dân để "không để ai bị bỏ lại phía sau".
 
Từ những khó khăn trong dịch bệnh

Tổng cục Thống kê cho biết, quý I/2020, tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp thiếu việc làm tăng cao. Bên cạnh đó, thời tiết những tháng đầu năm không thuận lợi, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra sớm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng, dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn… Đặc biệt là nhiều doanh nghiệp, người lao động, người dân nghèo… gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19. Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 của Việt Nam ước tính chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019, là mức tăng thấp nhất của quý I các năm trong giai đoạn 2011-2020.

Quý I/2020, cả nước có 18.600 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh chờ giải thể, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019, trên 4.300 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể 5.200 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế... và hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn trong thu xếp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

Cùng với đó, tình hình lao động, việc làm quý I/2020 cũng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm. Theo đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2020 ước tính là 55,3 triệu người, giảm 673,1 nghìn người so với quý IV/2019 và giảm 144,2 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019 do trong quý thị trường lao động giảm ở hầu hết các tỉnh, thành phố và ở các ngành, nghề. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2019 ước tính đạt 75,4%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với quý IV/2029 và giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức thấp nhất 10 năm qua.

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước quý I/2020 ước tính là 2,02%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,95%; khu vực nông thôn là 1,57%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý I/2020 là 2,22%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,73%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý I/2020 ước tính là 7,01%, trong đó khu vực thành thị là 9,91%; khu vực nông thôn là 5,77%.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2020 ước tính là 2%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,97%; khu vực nông thôn là 2,52% (tỷ lệ thiếu việc làm của quý I/2019 tương ứng là 1,17%; 0,6%; 1,45%).

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong tháng 2/2020 đã có 47.164 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng 59,2% so với tháng I/2020 (29.839 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 2/2020, khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, giãn ca, không làm thêm giờ. Riêng các doanh nghiệp dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường sắt đường bộ, hoạt động hỗ trợ cho vận tải với gần 500 nghìn lao động đang làm việc cũng đã phải cắt giảm lương từ 20-40% tùy vào từng vị trí; đồng thời, đang áp dụng biện pháp cho nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ước tính quý II/2020 sẽ có khoảng 250.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và từ 1,5 đến 2 triệu lao động bị ngừng việc. Trong đó, loại hình doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất, chiếm khoảng gần 80% tổng số doanh nghiệp bị ảnh hưởng và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, vận tải, du lịch, dịch vụ… bị mất việc làm hoặc có nguy cơ mất việc làm nhiều hơn các ngành, nghề khác…

Đến những hỗ trợ kịp thời từ Nghị quyết 42 của Chính phủ

Trước tình hình đại dịch COVID-19, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cả hệ thống chính trị nước ta đã cùng quyết liệt vào cuộc, đoàn kết, thống nhất thực hiện tốt các biện pháp chống dịch mà Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia đề ra với quyết tâm cao là chủ động ngăn chặn dịch bệnh trên toàn quốc, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân. Theo đó, tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã và đang lan tỏa mạnh mẽ tới từng người dân, từng thôn, xã, vùng miền… không phân biệt lứa tuổi, địa vị xã hội, thời gian qua, nhiều cá nhân, tập thể, doanh nhân, người lao động đã có những nghĩa cử đẹp thông qua hành động tri ân, ủng hộ đất nước, động viên lực lượng chống dịch, người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19.


Dù phải gồng mình để ngăn chặn dịch bệnh, dù nền kinh tế bị ảnh hưởng không hề nhỏ, song Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện những giải pháp, chia sẻ với những khó khăn mà người dân, doanh nghiệp đang gặp phải, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Điều này đã được thể hiện tại Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 vừa được Chính phủ thông qua đã làm ấm lòng người dân. Với số tiền hỗ trợ dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng, đây là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ được Chính phủ quyết định và thông qua một cách nhanh chóng với tinh thần “người dân không thể chờ đợi được lâu”.
 
Nghị quyết 42 của Chính phủ - Ấm lòng người lao động, doanh nghiệp trước khó khăn do đại dịch Covid-19

Ảnh minh họa: Nguồn internet

Theo đó, Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, quy định người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng.

Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật lao động: Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2020 thì được vay không có tài sản, đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3
tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/ người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.

Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/ tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019 được hỗ trợ 250 nghìn đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.

Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng.

Theo Nghị quyết, người lao động được phép gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện…) trong thời gian từ ngày 1/4/2020 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận UBND xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.

Có thể thấy, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, việc xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp, kịp thời, cho thấy sự nỗ lực cao của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống của nhân dân. Trước mắt sẽ đem lại sự yên tâm cho người dân, góp phần giải quyết một số khó khăn, vất vả trong bối cảnh dịch bệnh, tăng thêm sự tin tưởng của người dân đối với Đảng, Nhà nước để cùng đồng lòng, kiên trì, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, cũng như tiếp tục tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, để các chính sách này thực sự mang lại hiệu quả, các ngành các cấp cần chủ động, tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả, đảm bảo sự hỗ trợ kịp thời đến với người dân, hạn chế mức độ thấp nhất “độ trễ” của chính sách đi vào cuộc sống. Đồng thời, các bộ, ngành liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi hoặc thiếu minh bạch trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Với tinh thần Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Nghị quyết 42 được thông qua cũng sẽ tiếp nối và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tinh thần “tương thân tương ái” trong cộng đồng xã hội./.
 
Thu Hòa
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top