Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế

06/10/2022 - 09:26 AM
Quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng cùng với việc tham gia ngày càng nhiều các Hiệp định thương mại tự do mang đến cho nền kinh tế Việt Nam nhiều cơ hội lớn, đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong thương mại quốc tế. Vì vậy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam cần trang bị tốt ở nhiều lĩnh vực cả về tiềm lực, thông tin, kiến thức, năng lực ứng phó để phòng ngừa những tranh chấp và lừa đảo có thể phát sinh trong các hoạt động thương mại ra nước ngoài.

Theo Hiệp hội Chuyên gia chống lừa đảo toàn cầu (Associatian of Certifield Fraud Examiners), mỗi năm, các doanh nghiệp trên toàn thế giới phải gánh chịu khoảng 5% tổng doanh thu do thiệt hại từ lừa đảo thương mại. Giá trị trung bình của một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD, giá trị trung vị là 117 nghìn USD. Khảo sát tội phạm kinh tế và gian lận toàn cầu 2022 của PwC cũng cho thấy, có tới 49% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế trong 2 năm trước thời điểm khảo sát vào năm 2018, con số này là 47% trước năm 2020 và 46% trước năm 2022. Việc phân loại đối tượng lừa đảo được chia ra như sau: 43% là từ đối tượng bên ngoài, 31% từ nội bộ doanh nghiệp, còn 26% là thông đồng giữa bên ngoài và nội bộ doanh nghiệp. Đối với lừa đảo, tội phạm từ đối tượng bên ngoài doanh nghiệp, có 31% đối tượng là hacker, 29% là khách hàng, 28% là tội phạm có tổ chức, 20% là người bán hàng hoặc nhà cung cấp, 15% là đại lý hoặc người môi giới, 14% là đối thủ của doanh nghiệp, 12% là đối tác liên minh/liên doanh, còn lại từ những đối tượng khác.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, có tới 52% doanh nghiệp cho biết họ đã bị lừa đảo hoặc tội phạm kinh tế khác trong vòng 2 năm trước thời điểm khảo sát, cao hơn mức 46% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu. Trong đó, đối với đối tượng lừa đảo, tội phạm từ bên ngoài, có đến 36% các vụ việc là do khách hàng; 21% là từ đối tượng người bán hàng; các đối tượng là đại lý/người môi giới, hackers, tội phạm có tổ chức, và những đối tượng khác đồng loạt chiếm 14%; cùng chiếm 7% là từ đối tượng nước ngoài và đối tượng không biết danh tính.

 
Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Một trong các nguyên nhân quan trọng dẫn tới tranh chấp, lừa đảo được đưa ra đó là do các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng các biện pháp chống lừa đảo. Tại Hội thảo “Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào tháng 8/2022, các chuyên gia nhận định, mặc dù chiếm tỷ lệ cao về số doanh nghiệp là nạn nhân của lừa đảo, tội phạm thương mại nhưng các doanh nghiệp Việt Nam thường có xu hướng không muốn báo cáo cho cơ quan nhà nước. Lý do chủ yếu mà doanh nghiệp đưa ra đó là không thực sự tin tưởng vào cơ quan cũng như năng lực chuyên môn của cơ quan nhà nước và lo ngại việc thông tin bị lộ ra bên ngoài có thể gây ảnh hưởng đến khả năng khắc phục thiệt hại hoặc uy tín của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trước thực trạng tội phạm lừa đảo thương mại xuyên quốc gia ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi và các công cụ hỗ trợ đắc lực, doanh nghiệp cần có cái nhìn tổng quan, đa chiều và cần tăng cường kết nối, hợp tác để có thể nhận được những sự giúp đỡ tối đa khi không may xảy ra vụ việc lừa đảo, gian lận. Vụ lừa đảo nhằm chiếm đoạt 76 container điều với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp Việt Nam gây xôn xao dư luận vào tháng 3/2022 đã gióng lên hồi chuông lớn cảnh báo đối với các doanh nghiệp ngành Điều nói riêng và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói chung về tình hình lừa đảo, tội phạm trong thương mại quốc tế. Đây là vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử ngành Điều và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử 30 năm giao dịch quốc tế có nhiều doanh nghiệp cùng là nạn nhân của một vụ lừa đảo thương mại như vậy. Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, các cơ quan Bộ, ngành, Hiệp hội, Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Ý... thiệt hại đã được khắc phục đến mức thấp nhất. Các doanh nghiệp Việt Nam đã không mất một container nào vào tay nhóm lừa đảo, mặc dù đã bị chiếm đoạt gần 40 bộ chứng từ gốc của gần 40 container.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động thương mại quốc tế trong 8 tháng năm 2022, đạt kết quả khả quan với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13,6%, tạo cơ sở để GDP tăng trưởng cao và kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2022 vượt mốc 700 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không ngừng tăng trưởng qua các năm, đặc biệt với những ưu đãi lớn từ các Hiệp định thương mại gần đây hứa hẹn tăng trưởng thương mại của Việt Nam sẽ ngày càng mạnh mẽ. Song song với đó là khả năng gia tăng các sự vụ tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế. Vì vậy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam cần chuẩn bị sẵn những biện pháp nhằm phòng ngừa và các phương án xử lý khi không may vướng vào tranh chấp hoặc trở thành nạn nhân của lừa đảo trong thương mại quốc tế.

Khuyến nghị của chuyên gia được đưa ra trong Hội thảo Phòng ngừa tranh chấp, rủi ro thương mại quốc tế do VCCI tổ chức được đưa ra xét trên căn cứ của thương vụ lừa đảo lớn và có thể là những thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Cụ thể: Doanh nghiệp nên sử dụng một bộ vận đơn thứ cấp thay cho bộ chứng từ gốc để đề phòng chứng từ gốc bị thất lạc. Chỉ định ngân hàng quốc tế có uy tín tại nước nhập khẩu để thu hộ và ký vận đơn hay giao chứng từ, chi phí tăng thêm cho việc này không đáng kể so với giá trị lô hàng để bảo đảm an toàn. Môi giới thương mại là dịch vụ khá phổ biến và thực tế cũng cho thấy những đóng góp của người môi giới qua các đơn hàng, tuy nhiên cần hiểu rõ địa vị pháp lý của đơn vị môi giới để sử dụng đúng và hạn chế rủi ro. Doanh nghiệp cũng cần yêu cầu bên mua đặt cọc một số tiền nhỏ để giảm thiệt hại khi người mua không nhận hàng; thông thường khoảng 10% trị giá lô hàng. Việc này là hợp lý kể cả trong trường hợp người mua mua theo điều kiện FOB (FCA). Cần bảo mật thông tin về hãng chuyển phát bộ chứng từ và doanh nghiệp có quyền làm việc đó mà chỉ cần cung cấp cho bên mua biết khoảng thời gian liên hệ với ngân hàng nhờ thu để thanh toán tiền hàng, nhận chứng từ nhằm nâng cao sự an toàn cho bộ chứng từ gốc.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn đối tác gần như là khâu quyết định của các doanh nghiệp để có một thương vụ làm ăn thành công hay không. Vì vậy, đối với đối tác giao dịch lần đầu hoặc đột ngột đặt đơn hàng lớn, doanh nghiệp cần thận trọng tìm hiểu, điều tra kỹ lưỡng thông tin của đối phương. Doanh nghiệp có thể tìm hiểu thông tin qua bạn hàng cùng hiệp hội ngành nghề hoặc chủ động gửi bản scan giấy phép đăng ký kinh doanh của mình trước cho đối tác để có cơ sở đề nghị họ gửi lại thông tin tương tự của họ cho mình. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể nhờ tới sự giúp đỡ để kiểm tra thông tin từ Đại sứ quán, thương vụ Việt Nam ở nước sở tại.

Doanh nghiệp nên thuê tư vấn soạn thảo hợp đồng, quá trình giao thương nên sử dụng số điện thoại bàn, email của công ty và các thông tin về tên người liên hệ, số fax, địa chỉ, email… nên đưa vào nội dung hợp đồng khi giao dịch chính thức. Đồng thời nâng cao khả năng phòng tránh, đối phó với các trường hợp tranh chấp, lừa đảo thương mại bằng cách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nội tại, cử người tham gia các lớp học chuyên môn, tham gia hội thảo, nâng cao hiểu biết pháp luật thương mại quốc tế cũng như nhận diện được những rủi ro tương tự trong hoạt động thương mại, từ đó phòng, tránh tranh chấp, lừa đảo khi thực hiện các giao dịch xuất nhập khẩu. Việc thanh toán cũng cần doanh nghiệp cân nhắc lựa chọn cẩn thận, ưu tiên các phương thức thanh toán an toàn, ví dụ như thanh toán bằng thư tín dụng (L/C).

Khi xảy ra sự việc tranh chấp, lừa đảo, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng với các cơ quan chức năng, Hiệp hội, tổ chức nội ngành và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để nhận được sự giúp đỡ. Đối với các vụ việc tranh chấp, cân nhắc việc dùng Trọng tài quốc tế giải quyết tranh chấp thay cho Tòa án quốc tế để có thể linh hoạt và nhanh chóng khi sự việc xảy ra. Đối với các vụ việc lừa đảo, doanh nghiệp nên thông báo cho bạn hàng, Hiệp hội trong và ngoài ngành mình tham gia để phòng tránh chung, gửi thông tin cho Hiệp hội, tổ chức mà bên lừa đảo là thành viên (nếu có) để tố cáo và bảo lưu quyền đòi bồi thường với những tài liệu, chứng cứ đã có./.

 
Minh Hà
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top