Thương mại, dịch vụ cả nước 9 tháng năm 2022 hồi phục mạnh mẽ

03/10/2022 - 11:11 AM
Cán cân thương mại của Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 đạt xuất siêu 6,5 tỷ USD

Đóng góp vào mức xuất siêu này là do kim ngạch xuất khẩu đã có sự phục hồi cao với giá trị xuất khẩu 9 tháng 2022 đạt 282,5 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng ở mức thấp hơn đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ 2021. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh hơn kim ngạch nhập khẩu đã đưa cân đối thương mại 9 tháng 2022 đạt xuất siêu 6,5 tỷ USD và đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam (cùng kỳ năm 2021 đạt nhập siêu 3,4 tỷ USD).

Để có được con số xuất siêu 6,5 tỷ USD trong 9 tháng, ngoài những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (4,5 tỷ USD, tăng 38,9%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (34 tỷ USD, tăng 29,8%); Điện tử, máy tính và kinh kiện (41,7 tỷ USD, tăng 13,3%)… còn có sự đóng góp của các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế so sánh như Hàng dệt may (29,1 tỷ USD, tăng 24,3%); Giày dép (18,1 tỷ USD, tăng 36,6%); Thủy sản (8,5 tỷ USD, tăng 38,0%); Cà phê (3 tỷ USD, tăng 37,6%); Túi xách, ví, va li, mũ, ô dù (3,1 tỷ USD, tăng 40,2%).

Một số mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng đột biến trong tháng 9 như: Túi xách, ví, va li, mũ, ô dù (201,2%); Giày dép (165,1%); Hàng dệt, may (24,1%); Hàng thủy sản (44,6%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (33,9%); Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (17,6%).

Một số thị trường xuất khẩu chủ lực có ký hiệp định thương mại và hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam cũng đạt tăng trưởng rất tốt và xuất siêu trong 9 tháng năm 2022 như: Hoa Kỳ đạt 86,8 tỷ USD, tăng 26% (xuất siêu 75,6 tỷ USD, tăng 32,4%); EU đạt 36,1 tỷ USD, tăng 25,1% (xuất siêu 24,5 tỷ USD, tăng 49,3%)

Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với lạm phát và suy thoái kinh tế ở hầu hết các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm, có thể tác động bất lợi đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, với kế hoạch xuất khẩu của Samsung không điều chỉnh so với đầu năm 2022 (dự kiến kim ngạch xuất khẩu của Samsung năm 2022 thấp nhất là bằng kết quả năm 2021), cùng với xu hướng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực trong 9 tháng đầu năm 2022 (như: Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện; Hàng dệt may; Giầy dép…), dự báo cân đối thương mại hàng hoá năm 2022 của Việt Nam tiếp tục duy trì thặng dư.

Quy mô các ngành lưu trú ăn uống và du lịch lữ hành đã phục hồi mạnh mẽ  

Mức tăng trưởng 54,7% của doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống và 294,9% của doanh thu dịch vụ lữ hành trong 9 tháng năm 2022 được đánh giá là rất khả quan, khi Việt Nam đã chủ động mở cửa trở lại, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra bình thường.

Nhìn lại 9 tháng của 2 năm 2020 và năm 2021, thời điểm nền kinh tế còn chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, 2 lĩnh vực này có mức tăng trưởng âm và âm rất sâu (lưu trú ăn uống tăng trưởng âm 20% 2 năm liền; doanh thu du lịch lữ hành năm 2020 âm 60,1%; năm 2021 tiếp tục đạt tăng trưởng âm 64,5%).

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, hiện quy mô của doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống mới chỉ bằng 74% và doanh thu du lịch lữ hành cũng mới chỉ bằng 42% nếu nền kinh tế không chịu tác động bởi dịch Covid-19 trong 2 năm qua.

Tuy nhiên tín hiệu khả quan cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 quý vừa qua đã tăng trưởng rất mạnh: Tổng lượt khách trong 9 tháng đạt gần 1,9 triệu lượt khách, trong đó quý I chỉ là 91 nghìn lượt khách; quý II là 511 nghìn lượt khách; và quý III đạt gần 1,3 triệu lượt khách. Đồng thời, trong quý II và quý III, lượng khách du lịch nội địa cũng đã có sự tăng trưởng đột biến, đóng góp vào mức tăng trưởng chung của 2 lĩnh vực này. Vì vậy, dự báo trong những tháng cuối năm, tăng trưởng doanh thu của 2 lĩnh vực này sẽ tiếp tục có sự phục hồi mạnh mẽ.

 Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng trưởng cao

 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 4.170 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này được đánh giá là rất tích cực, nhất là trong 3 tháng gần đây. Đặc biệt trong tháng 9/2022, các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội vẫn tiếp đà phục hồi của tháng 7, tháng 8 vừa qua và phát triển mạnh mẽ. Ước tính hoạt động thương mại dịch vụ tăng trưởng khá so với tháng trước và tăng mạnh so với cùng kỳ.

Theo số liệu thống kê riêng trong tháng 9, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 493 nghìn tỷ đồng, tăng 36,1% so với cùng kỳ (tháng 9 cùng kỳ giảm 16%).

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng 9 ước đạt 379,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,9% (cùng kỳ giảm 7,7%). Cụ thể: Nhóm hàng may mặc tăng tới 46,5% so với cùng kỳ; Phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) tăng 32%; Vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 24,5%; Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 10,4%; Ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 62,3%; Gỗ và vật liệu xây dựng tăng 12,3%.

Ngoài ra, doanh thu lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống trong tháng 9 cũng tăng tới 129,1% (cùng kỳ giảm 42,5%); doanh thu các ngành dịch vụ khác cũng tăng 154,2% (cùng kỳ giảm 52,2%); đặc biệt là doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt trên 3 nghìn tỷ đồng, tăng tới 2.206% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 90,7%).

Chung lại, những tháng cuối năm, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và trên thế giới đang có dấu hiệu gia tăng, tuy nhiên các ngành lĩnh vực thương mại dịch vụ vẫn tiếp tục có sự phục hồi mạnh mẽ do Việt Nam đã chủ động và linh hoạt mở cửa trở lại đối với các hoạt động kinh tế ngay từ đầu năm, và hiện đang tiếp tục bình thường hóa các tác động của dịch Covid-19 với tỷ lệ tiêm chủng toàn dân thuộc hàng cao nhất thế giới. Đồng thời, việc Việt Nam chủ động mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong điều kiện bình thường mới, thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch Covid-19, điều này cũng sẽ tác động rất tích cực tới các ngành lĩnh vực thương mại dịch vụ.

Tuy nhiên, cũng trong những tháng cuối năm, các ngành lĩnh vực thương mại dịch vụ của Việt Nam có thể phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao do biến động tăng giá nhiên liệu thế giới dưới tác động xung đột quân sự và chính trị giữa một số quốc gia, tác động tới giá nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất và vật phẩm tiêu dùng trong nước. Đồng thời, nếu chi phí tăng cao cũng sẽ tác động tới thói quen chi tiêu của người dân và tác động tiêu cực tới lĩnh vực thương mại dịch vụ của Việt Nam./.
 
 Nguyễn Việt Phong
                   Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ - TCTK

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top