UKVFTA đảm bảo nối tiếp thương mại song phương hai nước Việt - Anh

04/06/2021 - 03:40 PM
Cùng với 2 Hiệp định EVFTA, RCEP và xuất siêu kỷ lục, việc đi đến thỏa thuận và ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) đã trở thành một trong những điểm sáng trong bức tranh ngoại thương Việt Nam năm 2020 vừa qua. Với UKVFTA, thương mại hàng hóa giữa hai nước được đảm bảo không bị gián đoạn ngay cả trong và sau quá trình Anh rời Liên minh châu Âu - EU (Brexit).
 
Bức tranh thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh

Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2010, Việt Nam và Anh đã tiến tới bước phát triển sâu rộng và hiệu quả với những phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, nhất là quan hệ ngoại thương. Quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia thời gian qua được đánh giá đạt được tăng trưởng ấn tượng với 411 dự án của Anh đang được triển khai tại Việt Nam với số vốn đầu tư hơn 3,6 tỷ USD, đứng thứ 15 trong tổng số 139 quốc gia có dự án đầu tư tại Việt Nam tính đến cuối năm 2020. Các lĩnh vực đầu tư quan trọng của phía Anh tập trung vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, dầu mỏ, năng lượng tái tạo…


UKVFTA đảm bảo nối tiếp thương mại song phương hai nước Việt - Anh
Ảnh minh họa

Trong 10 năm kể từ năm 2010-2019, thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa 2 quốc gia đã tăng lên gấp 3 lần, từ 2,19 tỷ USD năm 2010 lên 6,61 tỷ USD năm 2019; trong đó, xuất khẩu đạt 5,75 tỷ USD và nhập khẩu đạt 857 triệu USD, cán cân thương mại giữa 2 nước duy trì theo hướng Việt Nam xuất siêu với kim ngạch xuất khẩu gấp trên 6 lần nhập khẩu. Năm 2020, đứng trước biến động chung của thế giới khi dịch Covid-19 tác động mạnh làm đứt gãy, gián đoạn hệ thống thương mại toàn cầu, đặc biệt là giai đoạn bùng phát mạnh tại Anh đã khiến cho tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước chứng kiến sự sụt giảm. Dù vậy, giá trị xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Anh vẫn gấp 7,2 lần nhập khẩu, với mức lần lượt là 4,95 tỷ USD và 687 triệu USD.

Các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa 2 quốc gia được các chuyên gia nhận định là mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh. Trong đó, các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh gồm: Điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu… Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Anh các mặt hàng: Máy móc, thiết bị, dược phẩm, sắt thép, hóa chất...

Đến nay, dư địa hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước còn rất lớn. Hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Anh được đánh giá có nhiều thuận lợi và tín hiệu tốt do cơ hội tăng trưởng thị trường tại Vương quốc Anh cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm Việt Nam còn nhiều. Bởi theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh mới chỉ chiếm khoảng 0,88% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD (năm 2019) của Anh. Trong khi đó, Việt Nam cũng là thị trường thu hút các nhà xuất khẩu Anh khi giá trị hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm 0,17% giá trị hàng hóa Anh xuất khẩu ra thế giới.

Năm 2020, quan hệ thương mại Việt Nam - Anh được đưa lên tầm cao mới khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU (EVFTA) chính thức đi vào thực thi từ ngày 1/8, trong đó, Anh là một trong các quốc gia tham gia ký kết Hiệp định dù đang cùng với Bắc Ai-len trong quá trình Brexit. Khi được thực thi, gần 100% mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn, đồng thời nhiều doanh nghiệp Anh có triển vọng đầu tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh tiến trình Brexit hoàn thành khi hết ngày 31/12/2020, từ 1/1/2021, Anh không còn là thành viên của EU, do đó các ưu đãi mang lại từ Hiệp định EVFTA sẽ không còn được áp dụng tại hai nước. Chính vì vậy, sự kiện ký kết UKVFTA ngày 29/12/2020 vừa qua không chỉ là sự kiện lịch sử trong gần 50 năm quan hệ ngoại giao Việt - Anh mà còn chính là cú hích trong quan hệ kinh tế giữa hai nước, đồng thời đảm bảo thương mại song phương không bị gián đoạn và việc thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại của hai nước hậu Brexet được thông suốt.


Ngày 11/12/2020, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại quốc tế Vương quốc Anh đã ký Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), tạo cơ sở để 2 nước tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để ký kết chính thức. Đến 21h ngày 29/12/2020 theo giờ Việt Nam, Hiệp định UKVFTA đã được đại diện ủy quyền (đại sứ) của Chính phủ 2 nước chính thức ký kết tại Luân Đôn, Vương quốc Anh. Hiệp định UKVFTA chính thức có hiệu lực kể từ 23 giờ GMT ngày 31/12/2020 (tức 6h sáng ngày 1/1/2021 theo giờ Việt Nam).


UKVFTA đem lại cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường

Hiệp định UKVFTA được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong EVFTA, với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh, đồng thời đảm bảo cân bằng lợi ích của cả đôi bên. Theo đó, Hiệp định gồm 9 điều khoản; 01 Phụ lục sửa đổi một số điều về lời văn EVFTA; 01 Nghị định thư và 01 thư song phương trao đổi giữa Việt Nam và Anh. Về cơ bản, các nội dung thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định UKVFTA cũng tương tự như Hiệp định EVFTA, gồm: Thương mại hàng hóa (các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực và pháp lý - thể chế.

Với nền tảng kế thừa Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA được kỳ vọng sẽ tạo khuôn khổ hợp tác quốc tế - thương mại toàn diện, lâu dài, ổn định giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, từ đó tạo động lực cho việc tăng cường và làm sâu sắc quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bên, góp phần đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu cho Việt Nam. Đặc biệt, những cơ hội và lợi ích lớn nhất UKVFTA tạo ra phải kể đến là thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Điển hình với ngành thủy sản, nhóm hàng có lợi thế sớm nhất là tôm và một số loại cá (cá tra), khi thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu vào Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10-20% xuống còn 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tạo cơ hội để thủy sản Việt Nam bứt phá hơn sau những tác động của đại dịch Covid-19 trong năm 2020.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội lớn để thâm nhập vào 1 trong 10 thị trường rộng lớn nhất thế giới. Theo cam kết tại UKVFTA, Anh dành cho Việt Nam tổng hạn ngạch miễn thuế là 13.358 tấn/năm; mức hạn ngạch này sẽ được hai nước rà soát sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực. Thêm vào đó, hơn 10 sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh khác của Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi hạn ngạch miễn thuế này như surimi, tinh bột sắn…

Với ngành dệt may, xuất khẩu hàng dệt may sang Anh mới chỉ chiếm 2,77% tổng lượng nhập khẩu của quốc gia này, vì vậy ngành hàng này còn rất nhiều cơ hội và thị phần để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Nhất là với các cam kết về cộng gộp đối với nguyên liệu vải từ Hàn Quốc và EU sẽ giúp sản phẩm dệt may thúc đẩy mở rộng nguồn cung nguyên liệu trong ngành để tận hưởng ưu đãi, tránh bị phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Năm 2019, trị giá xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang Anh đạt 311,7 triệu USD, là nước xuất khẩu gỗ nhiều thứ 6 vào Anh, chiếm 3,6% thị phần nhập khẩu của nước này. Với UKVFTA, ngành gỗ Việt Nam cũng được hưởng lợi ích trực tiếp, khi nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ có thuế suất giảm về 0% trong vòng 5 năm tới. Ngoài ra, ngành hàng hoa quả cũng có nhiều cơ hội cho các sản phẩm có thế mạnh như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long… khi 94% trong tổng số 547 dòng thuế của ngành này được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Những cam kết về cắt giảm thuế quan trong thương mại hàng hóa giữa hai nước không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương hàng hóa, mà còn tiết kiệm cho doanh nghiệp xuất khẩu của cả 2 quốc gia một khoản chi phí khá lớn. Theo ước tính, khi UKVFTA được áp dụng hoàn toàn, phía doanh nghiệp Việt Nam có thể tiết kiệm lên tới 114 triệu Bảng tiền thuế xuất khẩu, con số này đối với Vương quốc Anh sẽ là 36 triệu Bảng.

Thực tế cho thấy, ngay trong tháng đầu tiên Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, kim ngạch thương mại song phương Việt - Anh đã có sự bứt phá ngoạn mục, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn còn đang gặp khó khăn do đại dịch. Tháng 1/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh đạt 657,35 triệu USD, tăng 78,57% so với cùng kỳ năm 2020; riêng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 598,07 triệu USD, tăng 84,61% so với tháng 1/2020 và tăng 56,51% so với tháng 12/2020. Trong cơ cấu nhóm hàng, nông sản giữ vững mức tăng ổn định với kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 19,7 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái; rau củ quả đạt 1,04 triệu USD, tăng 148,6%. Các mặt hàng thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 252,59 triệu USD, tăng 371,6%; máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng đạt 74,58 triệu USD, tăng 109,9%; máy tính và sản phẩm linh kiện điện tử đạt 31,82 triệu USD, tăng 91%; sắt thép các loại đạt 15,96 triệu USD, tăng 11%…

Sự tăng trưởng trong tháng đầu tiên là những tín hiệu đáng mừng, đồng thời đặt ra những kỳ vọng lớn, tạo động lực hợp tác trong hoạt động ngoại thương giữa Việt Nam và Anh. Với UKVFTA, không chỉ đảm bảo thương mại song phương không bị gián đoạn sau Brexit, kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa hai nước mà còn hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế thiết thực, tạo sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút dòng vốn FDI của các nhà đầu tư Anh quốc đến với Việt Nam. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là không ít thách thức đặt ra đối với doanh nghiệp khi cam kết mở cửa thị trường, hàng hóa, dịch vụ của Anh sẽ tạo sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế Việt Nam, nhất là các tiêu chuẩn và yêu cầu chất lượng đối với hàng hóa nhập nhẩu từ phía Anh rất khắt khe. Chính vì vậy, để tận dụng tối đa cơ hội và những ưu đãi trong UKVFTA, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn trong nghiên cứu thị trường, đổi mới phát triển sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng Anh. Quan trọng hơn cả là tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật, đạt Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ phát hành bởi nhà xuất khẩu đủ điều kiện hoặc nhà xuất khẩu đăng ký tại cơ sở dữ liệu phù hợp quy định của Bộ Công Thương có hiệu lực trong 12 tháng kể từ ngày ban hành. Có như vậy, bức tranh thương mại của Việt Nam với vương quốc Anh mới thực sự khởi sắc nhờ lực đẩy của UKVFTA./.


TS. Trần Thị Minh Trâm
Đại học Công nghiệp Hà Nội

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top