Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng chống dịch COVID-19

08/04/2020 - 11:16 AM
Trước tình trạng dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (COVID-19, SARS-CoV-2) đang diễn ra với những diễn biến khó lường tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, việc kịp thời ứng dụng công nghệ 4.0 đang được đẩy mạnh và phát huy nhiều hiệu quả trong chủ động đối phó với dịch bệnh.
 
Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng chống dịch COVID-19

Ngay từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đang diễn ra ở Trung Quốc, Việt Nam đã thường xuyên cập nhật thông tin và nhanh chóng tiến hành các phương án chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh khi xảy ra. Thành tựu của công nghệ 4.0 đã được các bộ, ngành ứng dụng từ trước đó rất lâu đến nay đã phát huy được nhiều công dụng và thế mạnh, đặc biệt là các thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông. Các giải pháp thông minh đã được xây dựng và ứng dụng nhằm đảm bảo an toàn và đem lại hiệu quả cao trong công tác phòng chống dịch.

Hệ thống giám sát các bệnh truyền nhiễm (eCDS)

Trước tiên phải kể đến Hệ thống giám sát các bệnh truyền nhiễm, đây là một trong các giải pháp y tế thông minh do Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) phối hợp với Bộ Y tế xây dựng (theo Thông tư 54/2015/TT-BYT hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm, triển khai toàn quốc) nhằm phục vụ công tác báo cáo thống kê, quản lý giám sát các ca bệnh, ổ dịch 42 bệnh truyền nhiễm quy định. Hệ thống phần mềm này có 126 chức năng phân bổ trong 9 phân hệ gồm: Quản lý danh mục dùng chung; Quản lý trường hợp bệnh; Quản lý ổ dịch; Quản lý báo cáo tuần; Quản lý báo cáo tháng; Quản trị người dùng; Thống kê, kết xuất báo cáo; Biểu đồ phân tích; Bản đồ phân bổ ca bệnh. Đặc điểm nổi bật của hệ thống là có thể linh động cung cấp công cụ cho phép các cán bộ y tế, lãnh đạo các cấp thực hiện các nghiệp vụ quản lý trường hợp bệnh trên các thiết bị máy tính bảng và thiết bị di động thông minh sử dụng hệ điều hành Android và iOS.

Với việc ứng dụng eCDS, Việt Nam đã phát hiện được 2 trường hợp đầu tiên (hai bệnh nhân quốc tịch Trung Quốc, cứ trú tại thành phố Vũ Hán nhập cảnh vào Việt Nam) có biểu hiện sốt tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng qua máy đo thân nhiệt từ xa. Nhờ đó, hai bệnh nhân được cách ly, theo dõi chặt chẽ, tránh lây truyền bệnh dịch trên diện rộng cho mọi người. Đến nay, hệ thống vẫn tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, đặc biệt là ở các sân bay quốc tế của Việt Nam như sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Vân Đồn… nhằm bước đầu sàng lọc, kiểm tra nguy cơ bệnh dịch có thể đến từ các quốc gia ngoài lãnh thổ Việt Nam.
 
Ứng dụng Khai báo sức khỏe toàn dân (NCOVI)
 
NCOVI là ứng dụng khai báo y tế tự nguyện toàn dân do Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) và một số doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) khác cùng phát triển dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông để người dân có thể chủ động khai báo sức khỏe, cung cấp thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID-19 với cơ quan y tế. Từ đó, các cơ quan chức năng có thể tìm ra các trường hợp cần chú ý, xác định nguy cơ lây nhiễm, khoanh vùng và kiểm soát dịch bệnh một cách chủ động và hiệu quả hơn. Đây cũng là ứng dụng khai báo chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Ứng dụng NCOVI có thể dễ dàng tải về bằng điện thoại thông minh (smartphone) thông qua kho ứng dụng App Store (với hệ điều hành iOS), Google Play (với hệ điều hành Android) hoặc bằng mã quét QR. Sau khi đăng nhập bằng cách điền thông tin cá nhân (họ tên, địa chỉ, số điện thoại…), ứng dụng sẽ gửi một mã OTP vào số điện thoại đã nhập, người dùng cần nhập mã OTP để xác nhận là có thể bắt đầu sử dụng. Ứng dụng gồm nhiều chức năng như: Chức năng khai báo yếu tố nguy cơ dành cho những người đi từ vùng dịch, đã tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh giúp họ có được sự hỗ trợ kịp thời từ cơ quan y tế; Chức năng khai báo y tế toàn dân dành cho người dân đăng ký thông tin sức khỏe bản thân và người thân trong gia đình với cơ quan y tế. Ngoài ra, NCOVI còn có chức năng phản ánh thông tin, cho phép người dùng phản ánh đến cơ quan chức năng các trường hợp khả nghi, cần theo dõi bệnh nhằm phát hiện những trường hợp trốn tránh cách ly… Các thông tin người dân cung cấp được nhà nước quản lý chặt chẽ, đảm bảo tuyệt đối về an toàn bảo mật và chỉ sử dụng vào mục đích hỗ trợ cộng đồng phòng chống dịch. Đồng thời, thông tin phản ánh của người dân đều được kiểm duyệt từ cơ quan quản lý, đảm bảo mọi thông tin trên ứng dụng đều chính xác, được cập nhật thường xuyên.

Với NCOVI, người dùng cũng có thể tra cứu các thông tin chính thống được cung cấp bởi cơ quan nhà nước về tình hình dịch bệnh bao gồm các số liệu về số ca nhiễm bệnh, số người tử vong, số người bình phục cả ở Việt Nam và thế giới; tránh được tình trạng tin giả gây hoang mang. Đặc biệt, NCOVI cung cấp cho người dùng thông tin “cảnh báo khu vực có dịch” thông qua một bản đồ (mapbox), nhờ đó, người dùng sẽ biết được khu vực nào có dịch, mức độ lây nhiễm tại địa điểm đó và có phương án di chuyển, chủ động phòng tránh và sắp xếp công việc phù hợp.

Chỉ sau vài ngày kể từ khi chính thức ra mắt vào ngày 09/3/2020, tính đến ngày 13/3/2010, ứng dụng NCOVI đã đứng ở vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng App Store của iOS (triển khai từ ngày 11/3/2020) và thứ 6 trên bảng xếp hạng Google Play Store của Android (triển khai từ ngày 10/3); vượt qua nhiều ứng dụng nổi tiếng khác như Zing Mp3, Instagram... Xếp hạng này đã thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của người dân Việt Nam trong việc chủ động tiếp cận thông tin chính thống, chủ động khai báo sức khỏe và phòng chống dịch bệnh.
 
Hệ thống Khai báo sức khỏe cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declarations)
 
Thời gian gần đây, các ca dương tính với COVID-19 được ghi nhận phần lớn đều từ nước ngoài nhập cảnh về Việt Nam và đa số qua đường hàng không đòi hỏi công tác kiểm soát dịch bệnh ngay từ các cửa khẩu, sân bay quốc tế phải được đẩy mạnh nhằm hạn chế lây lan ra cộng đồng. Do đó, Hệ thống Vietnam Health Declarations được tích hợp vào ứng dụng Vietnam Health Declarations (do Viettel Solutions xây dựng) có thể sử dụng cả trên máy tính và điện thoại thông minh nhằm hỗ trợ Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nắm bắt lịch trình của khách du lịch trong nước và quốc tế khi nhập cảnh vào Việt Nam. Không chỉ ở các địa điểm nhập cảnh, Vietnam Health Declarations còn được áp dụng tại các địa điểm ăn uống (nhà hàng, khách sạn, quán ăn…); địa điểm lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ); các hãng vận tải hành khách trên cả nước.

Theo đó, Hệ thống phần mềm Vietnam Health Declarations cung cấp 2 mẫu tờ khai điện tử dành cho người nhập cảnh và mẫu khai y tế cho toàn dân để triển khai tại toàn bộ các cửa khẩu, sân bay. Người dùng có thể truy cập vào địa

 chỉ http://tokhaiyte.vn để khai báo trực tuyến hoặc sử dụng smartphone tải ứng dụng Vietnam Health Declarations để nhập tờ khai y tế. Tương tự ứng dụng NCOVI, người dùng sẽ nhận được mã OTP gửi về theo số điện thoại đã đăng ký để đăng nhập vào giao diện khai báo. Ứng dụng gồm có các chức năng: Khai y tế nhập cảnh; Khai y tế nội địa; Tờ khai của tôi... Ngoài ra còn có bản đồ khuyến cáo, các thông tin cơ bản và cụ thể về bệnh COVID-19, cách phòng tránh, hướng dẫn bảo vệ bản thân… Ứng dụng hỗ trợ 11 loại ngôn ngữ: Việt Nam, Anh, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Campuchia, Ý, Lào, Tây Ban Nha, giúp công dân đến từ nhiều quốc gia có thể thuận tiện tiếp cận với form khai báo.

Sau khi xác nhận kê khai, thông tin từ tờ khai sẽ được hệ thống cập nhật về các trung tâm chống dịch và cơ quan của Việt Nam để quản lý. Nhờ có hệ thống này, các thủ tục khai báo được tiến hành nhanh hơn, thông tin được cập nhật nhanh và chính xác, Việt Nam đã phần nào giải quyết được tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu, sân bay khi sử dụng tờ khai bằng giấy, đồng thời kiểm soát được hành trình của khách du lịch; giúp các cơ quan chức năng liên lạc khi cần thiết và kịp thời có biện pháp xử lý khi có trường hợp nhiễm bệnh, giảm thiểu các nguy cơ lây truyền bệnh dịch.

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong Trung tâm Quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chuẩn đoán, điều trị COVID-19 

Trung tâm Quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19 được thành lập theo Quyết định số 771/QĐ-BYT ngày 04/3/2020 trực thuộc Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và chính thức ra mắt vào ngày 05/3/2020 với chức năng quản lý và điều hành các nguồn lực và hoạt động chuyên môn nhằm hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh trong thu dung, cách ly, chẩn đoán và điều trị người bệnh COVID-19 trực tiếp hoặc trực tuyến từ xa qua ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông. Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chuẩn đoán, điều trị 
COVID-19 do nhiều bộ, ngành cùng phối hợp triển khai trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh trên toàn quốc.

Sự ra đời của trung tâm đã góp phần mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ 4.0, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông, tận dụng tối đa các giải pháp y tế 4.0, công nghệ thông tin và truyền thông 4.0 vào công tác kiểm soát dịch bệnh. Trung tâm có khả năng kết nối 23 điểm cầu trọng điểm chống dịch và hơn 1.400 bệnh viện trên cả nước. Các giải pháp y tế 4.0 được ứng dụng tại Trung tâm giúp triển khai một hệ thống hỗ trợ chuẩn đoán và điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 xuyên suốt từ Cục Quản lý khám, chữa bệnh tới các cơ cở khám, chữa bệnh có thu dung, cách ly, điều trị. Trong đó phải kể đến các giải pháp tích hợp công nghệ truyền hình hội nghị (teleconferencing); bệnh án điện tử tập trung (Clas Healthcare) cho toàn bộ các bệnh nhân nhiễm virus, kết nối với máy monitoring bệnh nhân, hệ thống PACS cloud để hội chẩn kết quả chẩn đoán hình ảnh, phần mềm truyền tải dữ liệu lâm sàng theo thời gian thực từ tất cả các cơ sở điều trị đến các trung tâm hỗ trợ và trung tâm chỉ huy…

Các phần mềm, ứng dụng trên được tích hợp cùng các thiết bị y tế hiện đại như máy thở Carescape R860, máy theo dõi bệnh nhân Carescape B450… Từ đó, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covis-19, các chuyên gia, các nhà quản lý có thể tư vấn chuyên môn và chỉ đạo điều hành cho tuyến dưới một cách nhanh chóng nhất, kịp thời nhất và hiệu quả nhất, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị. Đặc biệt, với sự giúp sức của công nghệ thông tin, kinh nghiệm của các giáo sư đầu ngành ngay từ tuyến Trung ương sẽ được áp dụng cho tuyến cơ sở ngay khi cần.

Các giải pháp thông minh của công nghệ 4.0 giúp kết nối mạng lưới các cơ sở khám, chữa bệnh có khả năng thu dung chẩn đoán và điều trị bệnh COVID-19, từ đó kịp thời hỗ trợ và chỉ đạo trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, hạn chế tối đa việc quá tải tuyến trên, đồng thời hạn chế việc tiếp xúc giữa bệnh nhân với người chăm sóc, các nhân viên y tế, làm giảm tỷ lệ lây nhiễm, đảm bảo an toàn cho đội ngũ chăm sóc người bệnh trong quá trình làm việc.

Ngoài ra, với nền tảng công nghệ và các trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến hiện đại được trang bị trong các phòng thí nghiệm, ngày 07/2/2020, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã phân lập và nuôi cấy thành công virus corona chủng mới bằng kỹ thuật sinh học phân tử Realtime RT-PCR. Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới thành công trong việc này. Trên cơ sở đó, với sự giúp sức của các thiết bị công nghệ, ngày 05/3/2020, Việt Nam đã công bố chế tạo thành công bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2 sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử (RT PCR và real-time RT-PCR). Bộ kit được sản xuất trên dây chuyền tiêu chuẩn ISO 13485, Labo kiểm định tiêu chuẩn ISO Class 8 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và Học viện Quân y với độ nhạy, đặc hiệu, tính ổn định, chất lượng… tương đương với các bộ kit được nhập khẩu về. Bên cạnh đó, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng (Trường Đại học Y Hà Nội) đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng Hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ dịch bệnh COVID-19 toàn cầu nhằm đánh giá nguy cơ dịch bệnh ở các nước trên thế giới. Qua đó góp phần lượng hóa nguy cơ xảy ra với tốc độ và mức độ lan truyền của dịch bệnh, phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống dịch và giúp người dân nâng cao ý thức phòng tránh. Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cũng cho ra mắt ứng dụng Hà Nội SmartCity để toàn bộ người dân thành phố có thể tiếp nhận tình hình dịch bệnh tại Hà Nội, Việt Nam và trên thế giới. Các trường hợp liên quan đến COVID-19 được yêu cầu cài đặt ứng dụng trên vào thiết bị di động; khi đi quá nơi cách ly khoảng 20-30 m, người được giám sát sẽ bị phầm mềm cảnh báo. Đồng thời, phần mềm cũng gửi tin nhắn cho cán bộ quản lý giám sát tại các địa phương đó, người thân trong gia đình cũng như tổ dân phố có thể đảm bảo kịp thời ngăn chặn.

Không chỉ ở tại các cơ quan nhà nước, việc ứng dụng các thành tựu của công nghệ 4.0 còn được đẩy mạnh ở các doanh nghiệp, các nhân, tập thể nhằm giảm thiểu rủi ro và chung sức với Chính phủ trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp trên cả nước cũng tiến hành cho nhân viên làm việc online tại nhà, kết nối công việc thông qua e-office và họp trực tuyến. Các trường học cũng thực hiện nhiều giải pháp trực tuyến để đảm bảo chương trình học và kiến thức cho học sinh, sinh viên khi thời gian nghỉ tránh dịch kéo dài. Chính phủ cũng khuyến cao người dân đẩy mạnh hoạt động giao dịch trực tuyến thay vì trực tiếp nhằm hạn chế tiếp xúc không cần thiết, tránh dịch bệnh lây lan./.

Thu Hiền
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top