Bài toán giáo dục hướng đến xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

19/06/2023 - 03:04 PM
Tóm tắt
 
Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, quy mô dân số Việt Nam đã không ngừng tăng lên trong những năm qua. Năm 2019, quy mô dân số Việt Nam là hơn 96,2 triệu dân, tăng thêm 10,4 triệu người chỉ trong 1 thập kỷ. Năm 2022, dân số trung bình của cả nước ước tính 99,46 triệu người. Như vậy, bước sang năm 2023, dân số Việt Nam cán mốc 100 triệu người – một dấu ấn tạo nhiều cơ hội thuận lợi để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
 
Là một quốc gia có dân số đông, Đảng ta xác định vai trò đặc biệt của nhân tố con người là động lực của sự phát triển xã hội, của sự nghiệp xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Vì thế, xuyên suốt trong nghị quyết các kỳ đại hội, Đảng luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển đất nước.
 
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sức lan tỏa mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng ta đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước. Nhiệm vụ này đặt ra bài toán giáo dục phát triển con người toàn diện trong cả ba môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.
 
Từ khóa: giáo dục, con người, chất lượng, phát triển, toàn diện
 
Con người luôn được đặt vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển đất nước
 
Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, quy mô dân số Việt Nam đã không ngừng tăng lên trong những năm qua. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019, tổng số dân của Việt Nam là hơn 96,2 triệu dân, trong đó, dân số nam là gần 47,9 triệu người, chiếm 49,8% và dân số nữ là trên 48,3 triệu người, chiếm 50,2%. Như vậy, sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Dân số nhóm tuổi từ 15-64 tuổi (nhóm dân số có khả năng lao động) chiếm tỷ trọng cao với 68,0%, cho thấy Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”. Với quy mô dân số hơn 96,2 triệu người, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và thứ 15 trên thế giới.
 
Đến năm 2022, quy mô dân số Việt Nam tiếp tục có xu hướng tăng với dân số trung bình của cả nước ước tính 99,46 triệu người, tăng 3,4% so năm 2019. Với tốc độ tăng này, bước sang năm 2023, dân số Việt Nam sẽ cán mốc 100 triệu người. Đây là một dấu mốc quan trọng, tạo nhiều cơ hội thuận lợi và là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh và bền vững. Dấu mốc này tiếp tục giúp Việt Nam giữ vị trí là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới.
 
Bảng 1: Quy mô dân số Việt Nam các năm
Bài toán giáo dục hướng đến xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

                                                                                     Nguồn: Tổng cục Thống kê
 
Là một quốc gia có dân số đông, Đảng ta xác định vai trò đặc biệt của nhân tố con người là động lực của sự phát triển xã hội, của sự nghiệp xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Vì thế, xuyên suốt trong nghị quyết các kỳ đại hội, Đảng ta luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển đất nước. Với tư tưởng nhất quán đó, trong những năm qua, Đảng ta đã dành nhiều sự quan tâm nâng cao trí tuệ, cải thiện chất lượng sức khỏe, tầm vóc để phát triển con người Việt Nam hướng đến chân - thiện - mỹ.
 
 Trong những năm qua, ngành giáo dục Việt Nam được giao trọng trách lớn, đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc tạo dựng con người với những viên gạch nền tảng là trang bị kiến thức, nâng cao trí tuệ, rèn luyện đạo đức, thể chất và bồi dưỡng tình cảm, thẩm mỹ cho học sinh, sinh viên.
 
Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố căn bản về nhân cách con người. Nhằm chăm lo phát triển giáo dục mầm non, bảo đảm mọi trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, công bằng và bình đẳng, năm 2010, Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 với mục tiêu: Bảo đảm hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ một năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp 1.

Năm 2018, khi cả nước trong thời kỳ xã hội hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, Chính phủ tiếp tục phê duyệt Đề án Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025, nhằm củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; đa dạng hóa các phương thức, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo hướng đạt chuẩn chất lượng giáo dục mầm non trong khu vực và quốc tế; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị tốt cho trẻ em vào học lớp một; phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi.
 
Bài toán giáo dục hướng đến xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện 1
Giáo dục mầm non lhình thành những yếu tố căn bản về nhân cách con người
 
Sau 10 năm triển khai Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 và 2 năm thực hiện Đề án Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025, số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng mạnh. Tổng số trẻ mầm non được đến trường là 5,3 triệu trẻ em (tăng 1,5 triệu trẻ so với năm học 2010-2011). Trong đó, có 1,6 triệu trẻ mẫu giáo 5 tuổi (tăng gần 333,5 nghìn trẻ). Năm 2019, tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đạt 99,6% (tăng 3,56% so với năm 2011). Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non đạt 99,9% (tăng 21,3%). Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo được học 2 buổi/ngày đạt 99% (tăng 21,3%).
 
Chất lượng giáo dục mầm non vẫn duy trì kết quả tốt trong năm học 2021-2022. Tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,78%; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình Giáo dục mầm non đạt 99,7%. Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt 99,9%.
 
Bảng 2: Một số kết quả về phổ cập giáo dục mầm non
cho trẻ em 5 tuổi
 
                                                                                                                      Đơn vị tính: %
Bài toán giáo dục hướng đến xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện 2
                                                                                           Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo
 
Chất lượng giáo dục phổ thông cũng được cải thiện. Năm học 2021-2022, 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú dần được nâng lên. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở của các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 99,7%; tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 98,7%.
 
Đặc biệt, học sinh Việt Nam gặt hái được nhiều thành tích ấn tượng trên các đấu trường quốc tế. Tiêu biểu là kết thúc đợt thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2022, các đội tuyển Việt Nam đã đạt thành tích vượt trội với tổng số 32 Huy chương (gồm 12 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng) và 5 Bằng khen. Trong đó, trên bảng xếp hạng thế giới, đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế xếp thứ 2; Olympic Toán học quốc tế xếp thứ 4; Olympic Vật lý quốc tế xếp thứ 5.
 
Đối với giáo dục thường xuyên, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm. Kết quả đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông của học viên Chương trình giáo dục thường xuyên trên toàn quốc là 93,32%.
 
Trong các cơ sở giáo dục đại học, nội dung, phương pháp và chương trình đào tạo giảng dạy thường xuyên được đổi mới, đào tạo nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng cho thị trường lao động trong nước và quốc tế. Những nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đã giúp 5 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam lọt vào Bảng xếp hạng các trường Đại học Tốt nhất Toàn cầu năm 2022 (Best Global Universities) được Tạp chí uy tín của Hoa Kỳ - U.S. News & World Report công bố, gồm: Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
 
Kết quả trên đã góp phần cải thiện thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng quốc gia về giáo dục năm 2021 (Best Countries for Education) của US News and World Report (dựa trên khảo sát toàn cầu về 3 thuộc tính cùng trọng số của mỗi quốc gia: Có hệ thống giáo dục công phát triển tốt; mọi người có cân nhắc theo học đại học ở đó hay không; quốc gia đó có cung cấp nền giáo dục chất lượng hàng đầu hay không), với vị trí 59, tăng 5 bậc so với năm 2020.
 
Bên cạnh nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, Việt Nam đồng thời chú trọng phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, đa dạng, bảo đảm nguồn nhân lực lao động có kỹ năng nghề phục vụ các chương trình phục hồi kinh tế của đất nước, thích ứng được với sự thay đổi của sản xuất, kinh doanh trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
 
Năm 2022, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cả nước tuyển sinh khoảng 2.448 nghìn người, đạt 117% kế hoạch đề ra. Trong đó, trình độ cao đẳng tuyển ước đạt được 236 nghìn người, đạt 103% kế hoạch; trình độ trung cấp ước tuyển được 312 nghìn người, đạt 104% kế hoạch. Trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác tuyển được 1,9 triệu người, đạt 122% kế hoạch. Cũng trong năm 2022, số lượng học viên trường nghề tốt nghiệp vào khoảng 2 triệu người, đạt 115% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, số tốt nghiệp trình độ trung cấp - cao đẳng đạt 346.000 người, trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác đạt 1,75 triệu người. Những con số trên đã góp phần gia tăng tỉ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của Việt Nam.
 
Song song với việc tăng cường công tác giáo dục, Việt Nam cũng dành sự quan tâm lớn đến vấn đề dinh dưỡng để cải thiện thể lực của người Việt Nam. Theo kết quả của Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc (2018- 2020) của Bộ Y tế, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc 19,6% (mức <20%), được xếp vào mức “Trung bình” theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Với kết quả này, Việt Nam đang trên đà đạt được Mục tiêu Dinh dưỡng toàn cầu (giảm 40% suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em đến năm 2025). Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em ở nhóm tuổi học đường 5 - 19 tuổi cũng giảm đáng kể từ 23,4% năm 2010 xuống 14,8% năm 2020.
 
Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam cũng đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, năm 2020, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam 18 tuổi là 168,1 cm (tăng 3,7 cm so với năm 2010). Chiều cao trung bình của nữ thanh niên Việt Nam là 156,2 cm (tăng 1,4 cm so năm 2010). Chiều cao trung bình của người Việt Nam đang xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á gồm 11 nước, xếp sau Singapore, Thái Lan và Malaysia.
 
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển về kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần người dân được cải thiện đáng kể; công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng có tiến bộ. Vì thế tuổi thọ của người dân Việt Nam không ngừng tăng lên. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã tăng từ 73,4 tuổi lên 73,7 tuổi.
 
Sự tăng trưởng về kinh tế và những cải thiện các chỉ số y tế, giáo dục đã góp phần cải thiện thứ hạng HDI của Việt Nam trên thế giới. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ số tổng hợp HDI đã tăng từ 0,682 năm 2016 lên 0,687 năm 2017; 0,693 năm 2018; 0,703 năm 2019 và 0,706 năm 2020. Tính giai đoạn năm 2016 – 2020, chỉ số HDI tăng 0,024 với tốc độ tăng 3,52%; bình quân mỗi năm tăng 0,87%. Thứ hạng HDI của Việt Nam tăng từ vị trí 118 năm 2016; 119 năm 2017 và 118 năm 2018 lên vị trí 117 năm 2019 trong tổng số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ thế giới. Đặt biệt, với chỉ số HDI đạt 0,703 năm 2019, Việt Nam đã điền tên mình vào nhóm Phát triển Con người Cao (0,700 ≤ HDI < 0,800).  
 
Bảng 3: HDI và thứ hạng của Việt Nam, các năm 2016-2019
 
Bài toán giáo dục hướng đến xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện 3
                                                                                    Nguồn: Tổng cục Thống kê

 
Năm 2021, dù tốc độ tăng trưởng trung bình chậm lại, các nhóm và cá nhân dễ bị tổn thương đã có những giai đoạn rất khó khăn, nhưng Việt Nam đã tránh được sự đảo ngược tiến bộ phát triển con người. Theo báo cáo Phát triển con người (HDR) toàn cầu 2021/22 với chủ đề “Thời đại bất định, cuộc sống bất an: Xây dựng tương lai trong một thế giới đang chuyển đổi” được Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố ngày 9/9/2022, năm 2021, giá trị HDI của Việt Nam là 0,703, về cơ bản không thay đổi so với giá trị của năm 2019. Tuy nhiên, Việt Nam đã tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu từ 117 vào năm 2019 lên 115 vào năm 2021.
 
Bài toán giáo dục hướng đến xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện 4
Việt Nam đã tăng hai bậc trong bảng xếp hạng phát triển con người toàn cầu

Giải bài toán giáo dục để phát triển con người toàn diện
 
Kế thừa và phát triển quan điểm của các kỳ Đại hội trước, tại Đại hội XIII, Đảng tiếp tục khẳng định phát triển con người - nhân tố quyết định sự phát triển xã hội, để minh chứng sâu sắc cho quan điểm mang tính chiến lược: Tất cả do con người, tất cả vì con người, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Đảng chủ trương: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm phát triển bền vững; phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân”.
 
Đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước, Đại hội XIII của Đảng khẳng định, trước hết, lấy con người làm trung tâm và kiên định phát triển con người Việt Nam toàn diện.
 
Thực hiện chủ trương trên, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ, cần: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc”; thực hiện phương châm: “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”.
 
Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa XV ngày 11/8/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Con người phát triển toàn diện còn là con người có sự cân bằng giữa cuộc sống vật chất và tinh thần, hài hòa giữa các nhu cầu kinh tế và đời sống đạo đức, văn hóa. Đó cũng là những người có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, năng lực sáng tạo, giàu lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết để có thể xây dựng thành công một quốc gia phồn vinh, hạnh phúc.”
 
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sức lan tỏa mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đời sống kinh tế xã hội đất nước thay đổi theo cả chiều hướng tích cực và kèm theo cả những thách thức; đồng thời đã và đang làm thay đổi sâu sắc về cách sống, cách làm việc của mỗi con người. Trong vòng xoáy đó, bài toán giáo dục để phát triển con người toàn diện được đặt ra để đào tạo ra những “công dân toàn cầu”, có khả năng hành động hợp tác, có trách nhiệm, sáng tạo giải quyết những vấn đề chung của cộng đồng nhưng vẫn mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam cùng năng lực tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.
 
Để phát triển con người toàn diện, ba môi trường là gia đình, nhà trường và xã hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác giáo dục.
 
Gia đình là chiếc nôi hình thành, giáo dục và nuôi dưỡng nhân cách con người, là môi trường đầu tiên đưa con người trở thành những "con người xã hội". Để có được thế hệ trẻ phát triển toàn diện, Nhà nước cần có quy định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của gia đình tham gia vào hoạt động giáo dục con người toàn diện, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
 
Trong mỗi gia đình, bên cạnh việc kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống cần học hỏi, tiếp thu những giá trị mới của gia đình hiện đại thời kỳ hội nhập (như năng động, sáng tạo; dân chủ, bình đẳng trong quan hệ; công bằng trong trách nhiệm và thụ hưởng; không phân biệt đối xử giới; tôn trọng tự do cá nhân, tôn trọng sự lựa chọn cá nhân; ý thức thượng tôn pháp luật…) để xây dựng những quy chuẩn mới cho giáo dục gia đình.
 
Muốn làm được điều đó, cha mẹ cần thường xuyên quan tâm đến con cái, để hiểu và nắm bắt được những biểu hiện con trẻ trong đời sống thường ngày, từ đó kịp thời góp ý, định hướng cho con cái, giúp chúng biết điều chỉnh, hoàn thiện mình. Trong giáo dục gia đình, người lớn cần nêu gương cho trẻ nhỏ học tập, làm theo những điều tốt đẹp, có giá trị văn hóa, đạo đức cao quý; thiết lập môi trường giáo dục gia đình có tính dân chủ, bình đẳng, để góp phần hình thành năng lực, bản lĩnh cần thiết của mỗi con người được giáo dục hiện đại từ khi còn nhỏ. Mỗi bậc cha, mẹ cần không ngừng học hỏi, tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng về nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái theo mô hình nhân cách theo định hướng cá nhân là công dân xã hội toàn cầu. Thiết lập và duy trì sự kết nối, chia sẻ giữa giữa gia đình với nhà trường để từ đó có phương pháp giáo dục phù hợp, toàn diện và có định hướng đúng đắn với từng trẻ nhỏ.
 
Phát triển con người toàn diện cũng đặt ra trọng trách lớn đối với ngành giáo dục Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng đất nước, của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ngành giáo dục Việt Nam cần có những giải pháp đào tạo một thế hệ trẻ có đạo đức, trí tuệ, thể chất tâm hồn và tình cảm. Một trong những giải pháp cốt lõi là "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam". Ngành giáo dục cần xây dựng một môi trường học mở, có tính phản biện; chương trình đào tạo theo định hướng phát triển năng lực - dựa trên trải nghiệm; đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng phát huy tính tích cực, sự sáng tạo của người học; đề cao tinh thần "đổi mới sáng tạo", phát huy trí thông minh, óc sáng tạo của con người Việt Nam. Đồng thời, tăng cường giáo dục về nghệ thuật nhằm nâng cao năng lực mỹ cảm, thị hiếu lành mạnh của mỗi bạn trẻ; sử dụng tiếp cận đánh giá toàn diện thông qua các công cụ phù hợp trong đánh giá năng lực công dân toàn diện.
 
Bên cạnh việc "dạy chữ", "dạy nghề", ngành giáo dục Việt Nam cũng cần chú trọng cả việc "dạy làm người", phối hợp với gia đình tập trung giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách của thế hệ trẻ, để hình thành những con người vừa tôn trọng đạo lý truyền thống, vừa có những phẩm chất đạo đức của thời đại mới.
 
Môi trường xã hội cũng đóng vai trò không thể thiếu trong giáo dục phát triển con người toàn diện. Cần thiết xây dựng một xã hội học tập, một xã hội văn minh với các giá trị chân, thiện, mỹ; biết phê phán và lên án những hành động đi trái với những quy chuẩn đạo đức xã hội; giáo dục con người toàn diện.
 
Với những giải pháp trên, tin tưởng rằng công cuộc phát triển, xây dựng con người Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành tựu mới; con người ngày càng toàn diện, trở thành công dân toàn cầu, góp phần xây dựng thành công một quốc gia phồn vinh, hạnh phúc”./.
ThS. Nguyễn Phương Anh
Khoa Công tác xã hội – Đại học Lao động Xã hội
 Tài liệu tham khảo:
 
 Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội toàn quốc lần thứ XIII;
 
Chính phủ, Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015;
 
Chính phủ, Đề án Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025;
 
Tổng cục Thống kê, Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009; 2019;
 
Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2020,
 
 quý IV và năm 2021, quý IV và năm 2022;
 
Tổng cục Thống kê, Báo cáo Chỉ số phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2016-2020;
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kết quả 10 năm thực hiện Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi;
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021-2022;
 
Bộ Y tế, Kết quả Tổng điểu tra Dinh dưỡng năm 2019-2020;
 
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Báo cáo Phát triển con người (HDR) toàn cầu 2021/22 “Thời đại bất định, cuộc sống bất an: Xây dựng tương lai trong một thế giới đang chuyển đổi”;
 
Tạp chí Cộng sản, Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, GS, TS. Nguyễn Quý Thanh - PGS, TS. Trần Thành Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 24-10-2020.
 
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top