Bí mật về Cocktail

30/05/2019 - 03:18 PM
Nguồn gốc, sự ra đời của Cocktail

Theo một số tài liệu nghiên cứu ghi chép về hoàn cảnh ra đời của Cocktail cho biết, loại nước uống này trở nên phổ biến rộng rãi ở Mỹ vào những năm đầu của thế kỷ XX, trong thời điểm Mỹ có luật cấm rượu và người ta đã pha trộn rượu với nước, đường, các loại hương liệu… để “qua mắt” được lệnh cấm. Với cách làm này họ đã thành công và Cocktail cũng được ra đời từ đó.

 
Bí mật về Cocktail

Ảnh minh họa, nguồn Internet
 

Ở Việt Nam nói riêng và nhiều nước khác nói chung, nhu cầu tăng cao của thực khách cùng sự phát triển của thị trường kinh doanh thức uống ngày càng yêu cầu ly Cocktail phải trở nên đa dạng và phong phú hơn. Không dừng ở các nguyên liệu, mùi vị truyền thống, Cocktail còn có thêm hàng trăm mùi vị, hương liệu và cả cách pha chế sáng tạo khác nhau. Thành phần và sự pha trộn của các loại nguyên liệu trong Cocktail đã tạo nên những hương vị đặc biệt của mỗi loại Cocktail ngày nay.

Ý nghĩa tên gọi Cocktail?

Cocktail tên tiếng Anh có nghĩa là đuôi gà trống. Có rất nhiều truyền thuyết, chuyện kể hư thực về cái tên này. Có lẽ hợp lý nhất là câu truyện về lịch sử chọi gà thời lập quốc của Mỹ. Khi đó có luật là người chủ gà chiến thắng nhận được lông đuôi của con gà thua trận và được đãi một chầu rượu sau khi được chúc “on the cock’s tail”. Cái tên này sau đó được sử dụng phổ biến cho loại thức uống đặc biệt này. Mọi người lúc đó cũng chấp nhận cái tên Cocktail một cách nồng nhiệt cũng là bởi ly rượu Cocktail thực sự màu mè như cái lông đuôi gà trống vậy.

Có câu chuyện khác là một người Pháp tên Antoine Peychaud đã làm ra loại Cocktail đầu tiên tại New Orleans, một loại thức uống từ whisky cùng vài thứ khác và gọi nó là coquetier, sau nhiều năm, từ coquetier được đọc ra thành Cocktail. Lại một câu chuyện khác có vẻ khá lý thú rằng trong một quán bar tại Mỹ, có một con gà trống làm bằng sứ. Người phục vụ bar luôn đổ vào đấy các loại rượu còn thừa. Loại rượu pha trộn này được đổ ra từ đuôi con gà và được bán với giá rất rẻ, tuy nhiên đôi khi lại tuyệt ngon, vì vậy cái tên Cocktail được loan truyền rất nhanh.

Tuy nhiên truyền thuyết vẫn là truyền thuyết và đến nay vẫn chưa có tài liệu nào giải thích có khoa học về cái tên của loại rượu này.

Thành phần chính của Cocktail

Một ly Cocktail thường bao gồm 4 thành phần chính là rượu nền, chất tạo mùi, chất tạo màu và phần trang trí. Bên cạnh đó cũng có những loại Cocktail chỉ có chừng 2 thành phần chính.

Rượu nền là nguyên liệu chính quyết định độ cồn của một loại Cocktail, thường người ta dùng rượu vodka vì đây là loại rượu trung tính, không mùi, không màu nên không ảnh hưởng đến các thành phần khác; hoặc rượu Rhum vì loại rượu này thích hợp kết hợp với các loại trái cây. Chất tạo mùi (rượu mùi) là rượu từ trái cây, nhóm hạt và rượu của nhóm thảo mộc. Chất tạo màu cho Cocktail thường là các loại nước ngọt hoặc nước trái cây.

Trang trí là bước không thể thiếu trong quy trình pha chế một ly Cocktail. Bởi nó góp phần để ly Cocktail trở nên hoàn hảo hơn về cả về hương vị lẫn hình thức. Thông thường, mỗi ly Cocktail sẽ được trang trí theo một chủ đề chính để đảm bảo sự hài hòa.

Các nguyên vật liệu thường được dùng để trang trí Cocktail gồm có: Cocktail stick (bằng gỗ hoặc nhựa); Ống hút; Vỏ cam, vỏ chanh tạo hình; Hoa quả, lá bạc hà hoặc cuối cùng người ta có thể tạo một lớp sương, băng (Frost) mỏng phủ trên miệng ly.

Các loại Cocktail

Có nhiều cách phân loại Cocktail khác nhau, tùy theo vùng miền hoặc người chủ sở hữu quán bar mà Cocktail được chia làm các nhóm chính.

Theo dung tích có các loại: Short drink dưới 10cl, chứa rất nhiều rượu mạnh, không có đá và các loại hoa lá trang trí; loại này được chia thành nhiều nhóm khác nhau như trước khi ăn, giữa bữa hoặc tráng miệng. Long Drink rất phổ biến, được pha chung với các loại nước giải khát khác, có thể có đá, hoa quả và có thể được phóng tác tùy thích miễn là người uống chấp nhận. Shooter được uống bằng một hơi.

Theo nồng độ cồn, Cocktail thường được sử dụng cho các loại thức uống pha với rượu mạnh (rượu từ ngũ cốc hoặc trái cây được chưng cất).

Theo dịp uống rượu Cocktail, được chia ra thành 2 nhóm lớn là trước bữa ăn và sau bữa ăn.

Theo mùi và vị Cocktail, Short Drinks được chia theo Dry-Medium và Sweet; Long drinks có thể được chia thành “aroma”, “fruity”, “fresh”, “creamy”…

Theo thành phần chính Cocktai, được chia nhóm theo loại rượu đóng vai trò chính như Champagne drinks, Vodka drinks, Gin-Drinks, Tropical Drinks (Rum).

Theo công thức pha chế cơ bản, Sours được pha chế từ rượu mùi, nước chanh và đường, đây là công thức cơ bản cho phần lớn các loại Cocktail; Batidas được pha chế từ rượu mùi, đường và trái cây tươi; Highball được pha chế từ rượu mùi hoặc rượu mạnh, một loại nước giải khát như soda, nước trái cây, cola.

Cách pha chế Cocktail

Để pha chế được Cocktail, người pha chế cần phải cân bằng tốt các thành phần chính của Cocktail và mục đích chính của loại Cocktail sẽ pha. Theo đó, phương pháp pha chế Cocktail chủ yếu là sử dụng 4 kiểu: Shake (bình lắc), stir (khuấy), build (uống trực tiếp với đá) và blend (xay). Tương ứng với nó là các dụng cụ: Shaker, mixing glasss, glass, blender (thường hiệu bằng hình vẽ nhỏ trong công thức pha).

Đối với Cocktail, pha chế loại nước uống này thực sự là một nghệ thuật, trong đó, kỹ thuật của người pha chế đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đến chất lượng của sản phẩm Cocktail. Kỹ thuật lắc, khuấy, rót Cocktail… sẽ giúp cho các nguyên liệu được hòa quyện với nhau, làm giảm nồng độ cồn có trong rượu hoặc cũng có thể lại là kỹ thuật giúp nhấn mạnh, tạo thêm chiều sâu hương vị cho Cocktail. Không chỉ dùng kỹ thuật để tạo ra những hương vị đặc biệt của mỗi loại Cocktail, người pha chế Cocktail cũng cần có sự luyện tập kỹ năng rót để các nguyên liệu không bị đổ ra ngoài và tạo dáng một người pha chế chuyên nghiệp. Với hai bàn tay chuyền qua chuyền lại dụng cụ bình lắc Cocktail, người pha chế như biến mình thành một vũ công điêu luyện với đôi tay như múa tạo sự thích thú và kinh ngạc đối với các thực khách tò mò. trong thế giới Cocktail đầy màu sắc, hương vị hảo hạng của các loại Cocktail khác nhau sẽ khiến thực khách không thể chối từ. Nếu bạn muốn có một ly Cocktail hưng phấn, người pha chế sẽ tăng thành phần rượu nền để tăng độ cồn. Nhưng nếu muốn loại Cocktail dùng trước bữa ăn, thì bạn sẽ được phục vụ một ly Cocktail có thành phần là nước trái cây để tạo màu và có tác dụng kích thích tiêu hóa.
Sự sành điệu, quyến rũ, bí ẩn và đầy lôi cuốn, hòa quyện với cảm hứng giữa vị rượu nồng nàn và cảm xúc tươi mới của hoa quả, gia vị tự nhiên… sẽ tạo nên loại nước uống đặc biệt - Cocktail, chính vì vậy, hãy tận hưởng những điều thú vị và đầy mới lạ với một ly Cocktail khi có thể./.
PV
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top