Năm 2023, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam với quá trình hội nhập sâu rộng, nền kinh tế có độ mở lớn nên chịu tác động không nhỏ, song “con tàu” kinh tế Việt Nam vẫn kiên cường “vượt sóng” và đạt những thành tựu đáng kể, là điểm sáng trong khu vực và trên thế giới.
Tăng trưởng GDP thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới
Trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, đầy khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng; lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na phức tạp hơn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, linh hoạt, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cùng với sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tốc độ tăng GDP và VA các khu vực theo quý năm 2023 (%)
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý IV các năm 2020-2022 và thể hiện xu hướng phục hồi tích cực qua từng quý (quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%).
GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước, là mức tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới trong bối cảnh hầu hết các tổ chức quốc tế đánh giá kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ suy giảm hơn năm trước (Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 đạt 3%, thấp hơn mức tăng trưởng 3,5% năm 2022; Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD nhận định kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng trưởng 2,9%, thấp hơn mức tăng 3,3% năm 2022).

Quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284,5 USD, tăng 160,5 USD so với năm 2022.
Kiểm soát lạm phát thành công
Trong năm 2023, CPI tháng Một tăng cao với tốc độ tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước, áp lực lạm phát rất lớn nhưng sau đó đã giảm dần; đến tháng Sáu mức tăng chỉ còn 2%; đến tháng Mười hai tăng 3,58%; bình quân cả năm 2023 CPI tăng 3,25%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Có được kết quả như vậy do trong năm nhiều giải pháp tích cực được triển khai như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/7/2023; giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp; gia hạn visa cho khách du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện; nguồn cung hàng hóa được bảo đảm, giá các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường. Ngoài ra, giá một số mặt hàng giảm theo giá thế giới cũng đã góp phần giúp giảm áp lực lạm phát như giá xăng dầu bình quân năm 2023 giảm 11,02% so với năm 2022, giá gas giảm 6,94%.
Có thể nói, năm 2023 Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong bối cảnh thị trường hàng hóa thế giới trong năm có nhiều biến động và kiểm soát lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới.
Nông nghiệp tiếp tục là “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 tăng trưởng tích cực, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, ổn định kinh tế. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp năm 2023 ước tăng 3,88% so với năm trước, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, là mức tăng trưởng cao nhất so với các năm 2012-2020 và năm 2022.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ hợp lý cùng với thời tiết thuận lợi nên hoạt động trồng trọt được mùa ở hầu hết các địa phương, sản phẩm lúa gạo và rau quả xuất khẩu được giá; sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với năm trước. Sản lượng lương thực có hạt năm 2023 ước đạt 47,9 triệu tấn, tăng 790 nghìn tấn so với năm 2022, trong đó sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn. Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 4.865,8 nghìn tấn, tăng 7,2% so với năm trước; thịt gia cầm đạt 2.308,7 nghìn tấn, tăng 6%... Thủy sản phát triển khá, tập trung chuyển đổi theo hướng bền vững, khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi, áp dụng rộng rãi nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao; sản lượng thủy sản năm 2023 ước đạt 9.312,3 nghìn tấn, tăng 2,2% so với năm trước. Nhiều mặt hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt giá trị xuất khẩu cao trên 3 tỷ USD như: Rau quả đạt 5,57 tỷ USD, tăng 65,9% so với năm 2022; gạo đạt 4,82 tỷ USD, tăng 39,4%; hạt điều 3,63 tỷ USD, tăng 17,6%; cà phê 4,18 tỷ USD, tăng 3,1%; thủy sản 9,01 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 13,42 tỷ USD.
Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực trong những tháng cuối năm
Xu hướng tích cực của sản xuất công nghiệp bắt đầu từ quý II kéo dài đến hết năm, thể hiện qua tốc độ tăng IIP tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước (quý I giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước; quý II giảm 0,2%; quý III tăng 2,8%; quý IV ước tăng 5%).
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước tăng 3,02% so với năm 2022. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%, đóng góp 0,93 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,79%, đóng góp 0,14 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,18%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 3,17%, làm giảm 0,10 điểm phần trăm.

Trong năm 2023, trong số 33 ngành công nghiệp cấp 2 thì có tới 20 ngành có tăng trưởng so với cùng kỳ (chiếm 62,5% số ngành công nghiệp cấp 2). Như vậy, số ngành sản xuất tăng trưởng nhiều hơn số ngành sản xuất giảm so với năm trước. Trong đó, đáng chú ý là một số ngành chủ lực tăng trưởng khá như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 13,2%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 9,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 8,3%; sản xuất kim loại tăng 7,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 7,2%; dệt tăng 7%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 6,1%...
Thương mại dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng khá
Các hoạt động thương mại, dịch vụ duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2023 tăng 6,82% so với năm trước. Một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,82% so với năm trước, đóng góp 0,86 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 9,18%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,24%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,24%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm.
Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng tháng cuối năm diễn ra sôi động góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%). Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.858,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%).
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng ấn tượng cả về vốn thực hiện và thu hút vốn mới
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất từ trước đến nay. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 19,08 tỷ USD, chiếm 82,3% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,37 tỷ USD, chiếm 5,9%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,15 tỷ USD, chiếm 4,9%.
Những tháng cuối năm 2023, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam phục hồi mạnh, kéo theo sự tăng trưởng bứt phá so với năm 2022. Tổng vốn đăng ký FDI năm 2023 đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022, trong đó vốn đăng ký cấp mới và vốn góp mua cổ phần (chiếm 78,47% tổng vốn) tăng rất cao, tương ứng tăng 62,2% và 65,7%.
Kết quả này có được là do môi trường đầu tư luôn được cải thiện, hấp dẫn với nhiều ưu thế vượt trội. Đồng thời, trong năm 2023, các hoạt động ngoại giao kinh tế của Đảng, Nhà nước được tăng cường, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản và Hoa Kỳ, kỳ vọng đưa đến làn sóng đầu tư mới, chất lượng vào Việt Nam. Đây có thể sẽ là xu hướng lạc quan và tin tưởng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Du lịch phục hồi, khách quốc tế tăng mạnh
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi ngoạn mục với sự bùng nổ thị trường khách du lịch quốc tế. Theo đó, khách quốc tế đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách đề ra từ đầu năm và “cán đích” mục tiêu 12,5-13 triệu lượt người theo mục tiêu điều chỉnh hồi tháng Mười.
Doanh thu du lịch lữ hành năm 2023 ước đạt 37,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 52,5% so với năm trước do các địa phương đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch.
Năm 2023, Việt Nam tiếp tục được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards). Đây là lần thứ 4 Việt Nam vinh dự được đón nhận giải thưởng danh giá này. Điều này sẽ góp phần nâng tầm du lịch Việt, đưa Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ du lịch thế giới.
Triển vọng năm 2024
Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ở trong nước, tuy thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng các động lực tăng trưởng truyền thống còn yếu, động lực mới chưa rõ ràng, nên năm 2024, dự báo kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phải đối mặt với thách thức và khó khăn.
Bên cạnh đó, những tác động từ sự suy giảm của kinh tế thế giới dồn nén từ thời đại dịch tới nay sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam, ít nhất trong nửa đầu năm 2024, trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam có cơ hội phục hồi tích cực khi các chính sách ban hành trong năm 2023 tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế; các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư của nhà nước), tiêu dùng, và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… được tập trung tháo gỡ và chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024.
Quốc hội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%. Trước bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, đây sẽ là một thách thức rất lớn cho kinh tế Việt Nam.
Năm 2024 là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm 2021-2025, do đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần dốc toàn lực để tăng tốc và về đích ấn tượng. Hy vọng, điều này sẽ tạo động lực, khơi nguồn sáng tạo, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2024
-
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0 - 6,5%.
-
GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 đô la Mỹ (USD).
-
Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%.
-
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,0 - 4,5%.
-
Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8 - 5,3%.
-
Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%.
-
Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28 - 28,5%.
-
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
-
Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 1%.
-
Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 13,5 bác sĩ.
-
Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32,5 giường bệnh.
-
Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1% dân số.
-
Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%.
-
Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.
-
Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.
(Theo Nghị quyết 103/2023/QH15 ngày 09/11/2023 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024).
|
Nguyễn Thị Hương
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê