Bức tranh kinh tế - xã hội Bình Định nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX

20/10/2023 - 11:37 AM
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, sau nửa nhiệm kỳ, với nhiều khó khăn, thách thức, Tỉnh đã nỗ lực vượt qua, giữ được mức tăng trưởng khá trong phát triển kinh tế, an sinh xã hội được đảm bảo… tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra của cả nhiệm kỳ.
 
Kết quả triển khai thực hiện một số chỉ tiêu tại Nghị quyết Đại hội

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XX của Đảng bộ tỉnh, thời gian qua với sự nỗ lực phấn đấu, tinh thần đoàn kết thống nhất của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương và Nhân dân, tỉnh Bình Định đã đạt được nhiều kết quả quan trọng ở hầu khắp các lĩnh vực. Nền kinh tế của Tỉnh tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển; hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên; quốc phòng - an ninh được giữ vững, trận tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh; hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên…

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 theo giá so sánh 2010 đạt 51.788,9 tỷ đồng, tăng 4,31%; năm 2022 đạt 56.152,8 tỷ đồng, tăng 8,43%; sáu tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính đạt 27.696,4 tỷ đồng, tăng 6,46%. Tốc độ tăng GRDP năm 2021, 2022 của Bình Định xếp vị thứ 4/5 tỉnh thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung; năm 2021 xếp vị thứ 10/14, năm 2022 xếp vị thứ 6/14, 6 tháng đầu năm 2023 xếp vị thứ 9/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung.

Tổng kim ngạch nửa nhiệm kỳ là 3.759 triệu USD, đạt 62,65% so với Nghị quyết Đại hội đề ra (Nghị quyết đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là trên 6.000 triệu USD). Tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP, năm 2021: 44,5%; năm 2022: 44,2%; năm 2023: ước đạt 44,4%. Ước tỷ lệ bình quân 3 năm (2021, 2022, 2023): 44,3% (Nghị quyết: huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 41%/GRDP).

 
Bức tranh kinh tế - xã hội Bình Định nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện  Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX
Thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định ngày càng phát triển

 
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ đầu nhiệm kỳ đến nay là 224.929 tỷ đồng, đạt 45,3% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XX đã đề ra. Các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến mại, giảm giá được tổ chức thường xuyên. Công tác bình ổn thị trường được quan tâm và tích cực triển khai đã đem lại kết quả tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và tạo được sự ổn định cho thị trường hàng hoá.

Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành công nghiệp - xây dựng 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,91%, năm 2023 ước tăng 9,87%; ước tốc độ tăng bình quân 3 năm (2021, 2022, 2023) là 8,91% (Nghị quyết: Bình quân trong 5 năm là 9,5 – 10,2%). Trong đó, một số các ngành công nghiệp chủ lực giữ vững tốc độ tăng trưởng: Dệt may, bia, sản xuất dăm gỗ, sản xuất và phân phối điện...

Trong lĩnh vực nông nghiệp, năng suất cây trồng, vật nuôi tăng trưởng khá. Tỉnh đã đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ cao trong quá trình canh tác lúa. Hoạt động chăn nuôi phát triển theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng và phát triển thương hiệu chăn nuôi. Khai thác thủy sản tiếp tục phát triển. Đã xây dựng và phát triển vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao, và đang kêu gọi đầu tư nuôi biển ứng dụng công nghệ cao đối với tôm hùm, cá biển. Về lâm nghiệp, quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên, nâng cao chất lượng rừng trồng. Công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp được triển khai quyết liệt. Kết quả, tốc độ tăng tổng sản phẩm địa phương khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá so sánh 2010) bình quân 03 năm 2021-2023 ước tăng 3,2% (Nghị quyết đề ra tăng 3,2-3,6%/năm).

Bên cạnh đó, Tỉnh đã tích cực triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 84/109 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 77,06% (Nghị quyết đề ra 85% số xã); có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 47,2% so với Nghị quyết (36 xã); có 05 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 71,4% so với Nghị quyết (07 đơn vị cấp huyện). Về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, toàn tỉnh đã công nhận 217 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh.

Không chỉ đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa-xã hội của địa phương cũng ghi nhận những kết quả nổi bật như: Đến cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều tỉnh còn 9,04% (19.805 hộ nghèo, tỷ lệ 4,5% và 20.022 hộ cận nghèo, tỷ lệ 4,54%), giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 2,30% với 9.879 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo (thoát hộ nghèo 5.516 hộ; thoát hộ cận nghèo 4.363 hộ), đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế so với dân số đến tháng 6 năm 2023: 95,22%; năm 2023: ước đạt 96,07% (Nghị quyết: Đến năm 2025 đạt 96,15%). Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã được duy trì 100% hàng năm. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh giảm dần về cân bằng tự nhiên, nâng cao chất lượng dân số…

Cùng với đó, công tác đối ngoại trên địa bàn Tỉnh cũng đã tổ chức triển khai thực hiện đạt được nhiều nội dung quan trọng và có ý nghĩa. Năm 2021, toàn Tỉnh đã tiếp nhận 10 dự án, phi dự án mới với tổng giá trị cam kết 596,6 nghìn USD. Năm 2022 đã tiếp nhận 04 dự án, phi dự án mới với tổng giá trị cam kết 5.724 nghìn USD. Trong 06 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã tiếp nhận 03 dự án, phi dự án mới, với tổng giá trị cam kết 172,3 nghìn USD.

Một số nhiệm vụ, giải pháp nửa cuối nhiệm kỳ

Thời gian tới, để thực hiện thắng lợi toàn diện các chỉ tiêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển Bình Định trở thành một trong các Tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung, tỉnh Bình Định quyết tâm triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ với một số giải pháp:

Tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ Tỉnh, các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương, của tỉnh. Tập trung khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra gắn với tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên tất cả các lĩnh vực. Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy hoạch trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả, khả thi...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế. Trong đó, về phát triển công nghiệp, tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp, làng nghề theo quy hoạch đã ban hành. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng và nâng cao hiệu quả hoạt động các khu, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn Tỉnh để tạo điều kiện về mặt bằng sạch thuận lợi trong thu hút đầu tư.

Tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chủ động kết nối, thường xuyên tổ chức làm việc với các nhà đầu tư để kịp thời phối hợp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kiểm soát môi trường.

Về phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, Tỉnh sẽ tiếp tục chuyển giao, nhân rộng các quy trình canh tác lúa cải tiến vào sản xuất trên các cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu lớn, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đầu tư các dự án sản xuất trồng trọt công nghệ cao gắn với xúc tiến thương mại. Phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển các đối tượng vật nuôi chủ lực của tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ động vật tập trung, chế biến thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn Tỉnh. Thực hiện cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng phát triển khai thác xa bờ, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển và ven biển; tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá; chú trọng phát triển chế biến thủy sản. Quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên; nâng cao chất lượng rừng trồng, nhất là rừng gỗ lớn. Nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.  

Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án du lịch đã được cấp chủ trương đầu tư; tập trung thu hút đầu tư các dự án du lịch quy mô lớn, hiện đại. Đẩy mạnh thu hút khách du lịch nội địa tại các thị trường lớn của Tỉnh, đồng thời mở rộng thị trường tiềm năng.

Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Tích cực huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 nhằm phát huy hiệu quả đầu tư.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Kết hợp huy động các nguồn lực để lồng ghép thực hiện các chương trình tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng: Giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, nhất là đối với các làng cách xa trung tâm huyện.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường...; Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính; Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công của Tỉnh và bộ phận một cửa tại các huyện, thị xã, thành phố. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển, cung cấp dịch vụ công...

Tiếp tục đổi mới giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về nâng cao sức khỏe, tầm vóc người dân theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan. Quản lý phát triển xã hội, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Gắn chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án, giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động. Nâng cao chất lượng của lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và hội nhập quốc tế…

Có thể thấy, nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Ở nửa sau của nhiệm kỳ, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bình Định đang quyết tâm và nỗ lực hơn nữa, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp trọng điểm để thực hiện thắng lợi các mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, từng bước đưa Bình Định trở thành một trong những tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung./.

 
Nguyễn Thị Mỹ
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Định
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top