Chính sách dân tộc Cao Bằng - động lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

10/10/2023 - 08:48 AM
Cao Bằng là tỉnh miền núi phía Bắc, có khoảng 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao…. Trong thời gian qua, Cao Bằng luôn đẩy mạnh thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS) trên địa bàn, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần nâng cao đời sống người dân và thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng DTTS.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình DTTS), toàn tỉnh Cao Bằng có 1.462 thôn, bản của 161 xã thuộc 10 huyện, thành phố thụ hưởng chương trình, với 10 dự án, 13 tiểu dự án, 15 nội dung, trong đó, ưu tiên nguồn lực của chương trình đầu tư cho các xã, thôn thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu.

Tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu đến hết năm 2025, thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS bình quân mỗi năm giảm từ 4% trở lên, phấn đấu 62 xã và 24 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 85% chiều dài các tuyến đường huyện, đường xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường; hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch; 100% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với điều kiện của người DTTS…

Để đạt được các mục tiêu trên, Cao Bằng tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ để thúc đẩy hoàn thành các dự án, tiểu dự án; lồng ghép, bố trí đủ vốn và từng bước tăng chi ngân sách hợp lý. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Cao Bằng đề ra kế hoạch vốn thực hiện Chương trình DTTS là gần 7.500 tỷ đồng. Trong tổng số vốn gần 7.500 tỷ đồng, năm 2022, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện được trên 820 tỷ đồng. Dự kiến nguồn lực và khả năng huy động nguồn lực thực hiện chương trình năm 2023 là hơn 1.500 tỷ đồng.

Bên cạnh tăng cường xây dựng hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo… Cao Bằng đặc biệt chú trọng thực hiện các giải pháp hỗ trợ đồng bào DTTS (đặc biệt là các địa bàn đặc biệt khó khăn) mở rộng sinh kế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từ đó nâng cao đời sống người dân, từng bước giảm nghèo.

Triển khai chính sách tín dụng ưu đãi từ chương trình DTTS, giai đoạn 2021-2025, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng phối hợp với chính quyền địa phương các cấp rà soát, tổng hợp và phê duyệt danh sách các đối tượng thụ hưởng, giúp đồng bào DTTS có thêm nguồn vốn để phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề; đẩy mạnh truyên truyền, tư vấn cho các hộ gia đình lựa chọn cách thức đầu phù hợp, từ đó vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng thực hiện 5 chương trình cho vay gồm: Hỗ trợ đất ở; nhà ở; đất sản xuất, chuyển đổi nghề; đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Đối tượng vay vốn là: Hộ nghèo DTTS hoặc hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi; Gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người DTTS.

Nhờ thực hiện thủ tục vay vốn theo đúng quy trình, quy định của Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, việc phân bổ, giải ngân nguồn vốn của Tỉnh được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng. Đến ngày 30/6/2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng đã giải ngân cho vay hơn 90 tỷ đồng, với 2.104 hộ vay hỗ trợ xây dựng nhà ở và chuyển đổi nghề. Nguồn vốn được các hộ sử dụng đúng mục đích, giúp đồng bào DTTS, đặc biệt là những hộ nghèo sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế. 

Bên cạnh thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, Cao Bằng ưu tiên đầu tư hoàn thiện, phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh. Tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sắp xếp, di dời, bố trí ổn định dân cư cư trú phân tán ở xóm vùng cao, nhất là vùng nguy cơ cao về thiên tai; bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn.

Vốn là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống được hình thành và phát triển từ lâu đời song đang dần bị mai một trước xu thế hội nhập, thời gian qua, Cao Bằng đã chú trọng hỗ trợ khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống và xây dựng các chuỗi sản xuất có quy mô lớn sản xuất như: Làng nghề làm hương thảo mộc ở xóm Nà Kéo, xã Trường Hà (Hà Quảng); Làng nghề làm đường phên ở xóm Bó Tờ, thị trấn Hòa Thuận; Làng nghề làm hương Phia Thắp, Làng nghề làm rèn Phúc Sen, Làng nghề làm giấy bản Quốc Dân, xã Phúc Sen (huyện Quảng Hòa)… Việc khôi phục và phát triển làng nghề đã giúp Cao Bằng giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn Tỉnh; thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề, ngành nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Trong giai đoạn 2023–2025, tỉnh Cao Bằng tiếp tục dành 23,648 tỷ đồng bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn Tỉnh, giai đoạn 2026-2030 là 50,72 tỷ đồng.
 
Chính sách dân tộc Cao Bằng - động lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế
Làng nghề làm hương Phia Thắp tại huyện Quảng Uyên, Cao Bằng được khôi phục

Khôi phục và phát triển làng nghề cũng đồng thời giúp Cao Bằng triển khai thực hiện các dự án đầu tư của Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, để tăng cường hơn nữa khai thác thế mạnh địa phương, phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, tạo sức hút với khách du lịch, tỉnh Cao Bằng đã và đang hỗ trợ khảo sát đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, lập dự án đầu tư xây dựng một số điểm có tiềm năng du lịch tại các huyện: Trùng Khánh, Nguyên Bình, Thạch An, Hạ Lang…

Nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS trong sản xuất nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, tập trung, Cao Bằng xác định hướng đi phát triển nông nghiệp thông minh, sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, phát huy lợi thế của hàng loạt nông sản đặc hữu có tiếng trên địa bàn dựa trên đặc điểm tình hình của mỗi địa phương với mục tiêu sản xuất ra nông sản sạch, chất lượng cao, có giá trị thương mại cao.

Nhờ xác định rõ các nông sản đặc thù theo vùng, nhiều mô hình hợp tác xã (HTX) được triển khai nhân rộng trên địa bàn Tỉnh. Điển hình là HTX Án Lại nằm trên địa bàn huyện Hòa An (nơi có nhiều đồng bào DTTS sinh sống) với mô hình phát triển vùng nguyên liệu dong riềng. Từ nguồn vốn cho vay của các chương trình mục tiêu quốc gia, HTX Án Lai đã đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng để tăng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Bên cạnh đó, HTX Án Lại thực hiện bao tiêu sản phẩm cho các thành viên và hàng trăm hộ liên kết trong xã Nguyễn Huệ với sản lượng trung bình 6 tấn/hộ/năm.

Một mô hình khác đạt hiệu quả kinh tế cao là HTX Nông nghiệp Yên Công thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng. Sản phẩm nấm hương của HTX Nông nghiệp Yên Công được sản xuất theo hướng hữu cơ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên liệu đầu vào không có tạp chất, quá trình sản xuất được quan tâm nên chất lượng nấm đảm bảo, có hương thơm và chất lượng đặc trưng, được người tiêu dùng đón nhận. Hiện nay, HTX tạo việc làm thường xuyên cho gần chục lao động với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Trong xu hướng chung công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bằng các chương trình, chính sách dân tộc, tỉnh Cao Bằng đồng thời hỗ trợ đồng bào DTTS tập trung phát triển cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đưa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị, chất lượng vào sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái, tập quán sản xuất của từng vùng, từng dân tộc. Tại các vùng đồng bào DTTS đã hình thành nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi tập trung và đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng cây dược liệu, phát triển cây trúc sào tại 2 huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc; trồng gừng trâu, thuốc lá, lạc hàng hóa, nuôi lợn đen tại huyện Hà Quảng; hồi, thạch đen tại huyện Thạch An; chăn nuôi trâu, bò ở huyện Bảo Lâm... Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ từ các chính sách dân tộc, đồng bào DTTS tỉnh Cao Bằng đã dần xóa bỏ lối sản xuất thuần nông lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ; đổi mới phương thức canh tác, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; từ đó tăng thu nhập, cải thiện và ổn định đời sống.
 
Chính sách dân tộc Cao Bằng - động lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế 1
Mô hình nuôi lợn đen tại huyện Hà Quảng, Cao Bằng đã mang lại thu nhập đáng kể cho người dân
 
Để nông sản địa phương phát huy tối đa giá trị, giúp đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững, những năm qua, Cao Bằng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng thương hiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Nhờ đó, nhiều sản phẩm đặc sản của Cao Bằng đã khẳng định được vị trí trên thị trường, trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Tính đến nay, toàn tỉnh Cao Bằng có 97 sản phẩm OCOP (9 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 88 sản phẩm đạt OCOP 3 sao); 67 chủ thể thực hiện OCOP (22 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác, 14 doanh nghiệp và 30 hộ sản xuất, kinh doanh). Nhiều sản phẩm OCOP của Tỉnh đã xây dựng được thương hiệu và chinh phục người tiêu dùng cả nước như: Miến dong của Hợp tác xã Tân Việt Á, lạp sườn của Hợp tác xã Tâm Hòa hay chiếu trúc của Công ty TNHH 688 Cao Bằng…

Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS, Cao Bằng đồng thời có chính sách hỗ trợ một số doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh xây dựng và phát triển các mô hình liên kết bao tiêu nông sản. Một số mô hình tiêu biểu được nói đến là: Liên kết sản xuất giống lạc vụ hè thu với Công ty TNHH nông lâm nghiệp huyện Hà Quảng; Sản xuất ngô lạc hàng hóa cung cấp nguyên liệu cho chế biến mì ngô tách đường; Liên kết sản xuất cây ngô ngọt gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm hướng tới tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung; Mô hình liên kết, bao tiêu sản phẩm gạo nếp hương của Doanh nghiệp tư nhân 668 Bảo Lâm với người nông dân… Các dự  án, kế hoạch liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đã giúp nâng cao lợi ích của các thành phần tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với người nông dân là đồng bào DTTS; góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng quy trình sản xuất hiện đại và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất trên địa bàn Tỉnh; tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đảm bảo điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc các loại sản phẩm, thực phẩm.

Đặc biệt, để các nông sản địa phương đạt tiêu chuẩn sạch, chất lượng đến gần hơn với người tiêu dùng, tỉnh Cao Bằng đã tích cực đưa sản phẩm lên nhiều sàn thương mại điện tử có uy tín. Đến nay, đã có hàng trăm sản phẩm nông sản của Cao Bằng đã đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Voso.vn của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel như: Thạch đen, lạp sườn, hạt dẻ, miến dong, bún khô, bí thơm, dao Phúc Sen, trà, nhóm mặt hàng tinh dầu, rượu ngô, hoa hồi khô, giảo cổ lam, nấm hương rừng, gạo nếp, thịt hun khói… Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, số lượng giao dịch tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trên các sàn TMĐT đã tăng đáng kể, mang lại doanh thu không nhỏ và tạo được danh tiếng nhất định cho sản phẩm nông sản thế mạnh địa phương. Đây cũng là con đường để Cao Bằng thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Tỉnh.

Bằng các chính sách dân tộc thiết thực và thực hiện có hiệu quả các nguồn lực từ chương trình DTTS, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Cao Bằng đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước cải thiện, khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng DTTS đang dần được thu hẹp, công tác giảm nghèo tỉnh Cao Bằng đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đến hết năm 2022, tỉnh Cao Bằng chỉ còn trên 37.400 hộ nghèo, chiếm 29%, giảm 5.179 hộ nghèo (tương đương 4,13%), đạt 103% kế hoạch đề ra. Đây là những động lực để Cao Bằng tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp để thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình DTTS giai đoạn 2021-2025./.
 
K.H

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top